Tiếng vọng tri âm

953

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thi sĩ Trần Thoại Nguyên hay ai đó đã phong cho anh cái biệt hiệu “Thi Sĩ Bụi Đời”. Anh say thơ đến mê đắm, mê đắm đến tận cùng, anh xác thực chính Nàng Thơ là sự cứu rỗi cho đời mình:

Bây giờ tôi lạy Nàng Thơ
Cứu tôi thoát khỏi nhà mồ chôn tôi!


Nhà thơ Trần Thoại Nguyên (phải) và Nguyên Bình.

Thời trai trẻ, Trần Thoại Nguyên rời bỏ quê nhà Quảng Ngãi, vào ghi danh học Triết Viện Đại Học Đà Lạt, ở đó, thi sĩ bụi đời tiếp thu và giao cảm với tư tưởng triết học Đông Tây qua những bài giảng của các vị giáo sư khả kính, đặc biệt được GS Triết & thần học Nguyễn Khắc Dương yêu mến, rồi anh kết giao với nhiều bạn bè xứ sở sương mù lang thang phố núi.

Sau đó một thời gian, anh về Đại Học Vạn Hạnh, lui tới với sư Tuệ Không Phạm Thiên Thư, sư Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu (đã cho anh tá túc phòng sư), sư Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương, sư Nguyên Tánh Phạm Công Thiện, có khi chơi bài với nhà thơ Bùi Giáng!

Anh mê sách, đọc sách, tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh từ S.Kierkegaard, F.Nietzsche, Jean Paul Sartre, Albert Camus,… rồi mê luôn các Đạo sư về Thiền như J.Krishnamurti, Olso và tác giả Thiền luận SuzuKi…

Từ đó, chàng trai hiền lành và thông minh (nhiều lần học nhảy lớp mà vẫn đậu tàng tàng) thả hồn mình lơ lững theo Nàng Thơ trong cái tôi tự do để phóng bút làm thơ. Có lẽ, đây là những năm tháng đẹp đẽ nhất của Thi sĩ Trần Thoại Nguyên, với những vần thơ đăng trên Tạp chí Tư Tưởng của ĐH Vạn Hạnh (**), Tạp chí Chính Văn của Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.

Sau 1975, lầm lủi về quê cùng mẹ rồi lập gia đình, và hơn 10 năm trời anh câm lặng không viết được câu thơ nào ra hồn!

Đến năm 1986, giã từ quê hương “hành phương Nam” kiếm sống, anh đã đứng lên, vịn vần thơ mà sống*. Nàng Thơ dịu dàng trở lại cứu rỗi linh hồn anh, và bài thơ Thuở mê hoa ra đời, sau đó đổi nhan đề là Thi sĩ.

Hồn thơ Thi sĩ Trần Thoại Nguyên đã nhập xác, chất thi sĩ bàng bạc trong những câu thơ bay bỗng như bướm vờn hoa, lay động hồn tôi:

Thuở mê hoa
Hồn tôi như cánh bướm
Vàng đêm chập chờn thơ
Vàng đêm miên man mộng tưởng.
Thời gian xanh màu lá cây
Nỗi buồn có khuôn mặt đẹp
Trên đỉnh hồn thơ say
Tôi hiện về từ tiền kiếp
Lời yêu thương reo trong máu
Hạt chân lí khát khao hồn
Sự sống như hoa báu
Nở trên cành thu đông.

Nàng thơ và tâm linh Thi sĩ Bụi Đời nhập hồn vào nhau, chàng khát thơ và thơ ngân vang miên man hồn thi sĩ, vàng đêm trắng, hun hút thời gian xanh, chàng sống trong mộng tưởng với “nỗi buồn có khuôn mặt đẹp” thứ nỗi buồn lãng mạn của nhiều thế hệ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Thi sĩ Trần Thọai Nguyên hăng hái đứng vào hàng ngũ đối kháng với triết lý xã hội cũ, thể hiện “thái độ hiện sinh” (the existential attitude) đề cao chân lí tự do cá nhân, sôi nổi, cháy bỏng khát khao biến cuộc sống thành một giấc mơ kì vĩ, “như hoa báu” ngát hương “nở trên cánh đồng thu đông” diễm ảo.

Rồi đêm tàn, giấc mơ tan vỡ, thời cuộc biến chuyển xoay vần, hủy diệt không gian hoa mộng, những lâu đài thơ truyền thống đã trở thành “những lầu đài rêu phong” và thứ văn nghệ mới du nhập chỉ là “những con đường mòn sáo”, đâu đó “bia mộ dựng kín những cánh đồng”! Phải chăng thi sĩ bụi đời cho đó là thứ bia mộ thân xác và bia mộ của văn chương thối rữa lởn vởn như những bóng ma ám ảnh, để chàng “sống cô đơn từng ngày hư ảo”. Có gì buồn hơn, thất vọng hơn:

Nắng lên nắng tắt sau vườn
Mắt lá chong buồn
Đêm trắng
Mắt lệ sương.

Một lần nữa, không sỡ hữu gì trong tay, không còn biết bấu víu vào đâu, thi sĩ lang bạt kì hồ, chập chờn ôm ấp Nàng Thơ như một thiên thần cứu rỗi, nâng niu “Hoa Tình Yêu ánh sáng tinh khôi”, chàng tôn vinh và quỳ gối trao chiếc nhẫn đính hôn với Nàng Thơ Vĩnh Cửu, hẹn thề chung thủy đến nghìn thu, say mê sáng tạo dâng hương hoa cho đời!

Có hình ảnh nào về Thi nhân đẹp hơn, trong bóng đêm huyền nhiệm của riêng mình, thi sĩ viết:

Tàn khuya núi đá vô ngôn
Bướm tiền duyên về đậu
Ôm mảnh cô hồn
Tôi gối đầu trăng sao say sáng tạo.

Với nhà thơ Trần Thoại Nguyên, thơ như một tôn giáo thiêng liêng, thơ mang phép màu đến cho tâm hồn người giữa hư huyễn cát bụi vật chất cằn khô chốn thế gian nầy. Thi sĩ đã ca tụng Nàng Thơ với những lời “có cánh”:

Hỡi Nàng Thơ diễm ảo
Nàng là hoa sóng sắc hương trời
Hoa Tình Yêu ánh sáng tinh khôi
Nghìn thu không lỗi hẹn
Rót mộng cứu vớt hồn người
Giữa mùa khói sương hư huyễn
Cho tôi còn là tôi
Niềm tin yêu Con Người

Theo lời anh Trần Thoại Nguyên từng tâm sự cùng tôi, ngày ấy, một người đẹp, với tâm hồn lãng mạn, nàng thuộc rất nhiều thơ tình thời tiền chiến, hay hát nhạc Trịnh, đang rơi vào cảnh ngộ tuyệt vọng muốn bỏ cuộc chơi. Khi nàng đọc những vần thơ anh, tâm hồn như mở ra một chân trời mới, bỏ ý định quyên sinh, đi tìm gặp tác giả tại quán Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư: “Thơ anh đã cứu vớt tâm hồn em”. Nhưng cuộc tình đẹp như thơ ấy chóng tan vỡ, trong đau đớn người con gái ấy đã xuống tóc đi tu. Bài thơ Kỷ niệm trưa say thơ quán hoa vàng trong đó có 2 câu lục bát nhiều người thuộc:

Gặp nhau đâu phải tình cờ
Từ vô lượng kiếp đã chờ đợi nhau!

Vâng, chính từ cuộc hôn nhân linh thiêng với Nàng Thơ ấy, Nàng Thơ đã cứu rỗi hồn người, thi sĩ đã trở về, nhận diện được chính mình như một môn đồ hiện sinh thực sự, trở về từ những đau đớn, hụt hẫng với những vết sẹo cuộc đời. Cùng chung sống với nàng thơ ngày đêm thi sĩ ôm ấp, tình yêu đã trở lại, cuộc đời tiếp tục trôi, chàng thi sĩ bụi đời khẳng định sự tồn tại của mình như một vết hư ảo bên vách đời chênh vênh trong cõi ta bà, qua bao mùa hoa tàn kiệt, cơm áo đời đau đớn lệ, linh hồn người xác xơ:

Gió thổi qua mùa hư không
Lá vặn gân lá máu đông
Hoa tàn kiệt
Mặt đất rung cơn hủy diệt
Cõi người xương máu áo cơm
Điêu khắc thành sầu đáy huyệt
Cõi người xương máu điêu linh
Tật khuyết những linh hồn!

Những dòng thơ tượng trưng, cô đặc kiếp nhân sinh trong nanh vuốt của cơm áo gạo tiền làm cho linh hồn người không còn hồn nhiên trong sáng, đã làm “Tật khuyết những linh hồn”!

Cuối cùng, với Thi sĩ, tất cả còn lại là gì: Một thi sĩ Trần Thoại Nguyên như hạt bụi đời của từng sát na hư huyễn, lửng lơ cùng mây bay ngàn năm, luu dấu thiên thu bằng những câu thơ vút lên trời cao, chạm ngõ vĩnh hằng, để khi xác thân tàn lụi, chàng còn gởi lại dâng đời một đóa hoa thơ.

Mây bay về vô biên
Gọi tên tôi Trần Thoại Nguyên
Thảng thốt hồn bướm dậy
Thơ bay lên… bay lên…
Ôi một thoáng đời thôi
Nghìn sau im lặng mãi mãi!
Trên đỉnh hồn thơ tôi
Một đóa hoa gửi lại.

Thi sĩ Trần Thoại Nguyên ơi, rượu nóng tôi còn đầy, nếu còn có thể, anh hãy về đây như đã từng huynh đệ cụng ly năm ngoái, chai Chivas đã rót đến giọt cuối cùng, rượu đã ngấm tình thơ, cớ gì anh em mình lại không cùng nâng chén tri âm?

N.B