Nguyễn Phương Hà
(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ thế kỷ XIX trở đi, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và chủ nghĩa nhân loại trung tâm, con người đã trở thành chủ nhân của thế giới và thế giới tự nhiên trở thành đối tượng chinh phục, đối tượng tiêu dùng của con người. Con người không dừng lại ở việc hưởng lợi từ tự nhiên mà còn khai thác tận diệt, làm cho tự nhiên trở nên nghèo nàn, khô cằn, tuyệt chủng. Hành động đó của con người đã gây ra những thảm hoạ môi trường khủng khiếp và ngày càng dữ dội hơn.
Trước tình hình đó, vấn đề quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên được đặt ra ngày càng nóng bỏng với sự quan tâm của các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có văn học nghệ thuật. Số đông giới học thuật và các nhà văn đã thừa nhận khái niệm của nhà nghiên cứu văn học sinh thái Vương Nặc đưa ra: “Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”. Văn học Việt Nam có những tác phẩm viết về vấn đề sinh thái, kết hợp giữa sinh thái tự nhiên, sinh thái văn hoá, nhân văn. Trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã có những tác phẩm văn học thể hiện cảm hứng sinh thái với những độ đậm nhạt khác nhau như: Trường ca Rừng cổ tích (2012), tập thơ Hồn cẩm hương (2017) của Đặng Bá Tiến; Màu thổ cẩm (2019), Nơi bắt đầu lời nguyền (2021) của Bùi Minh Vũ nhưng phải đến tiểu thuyết Nước mắt màu xanh thẫm (Nxb Hội Nhà văn – 2019) của Nguyễn Văn Thiện, vấn đề và cảm hứng sinh thái mới được thể hiện một cách tập trung và khá sâu sắc. Bằng hình thức nghệ thuật tiểu thuyết mới mẻ và hiện đại, tác giả đã thể hiện vấn đề nóng bỏng của đời sống đương đại: Vấn đề mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa bảo tồn văn hoá truyền thống và phát triển văn hoá hiện đại, đồng thời cảnh báo nguy cơ thảm hoạ sinh thái của việc huỷ diệt môi trường và hậu quả khủng khiếp mà con người phải gánh chịu trong hiện tại và tương lai.
Tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm” của Nguyễn Văn Thiện.
Không – thời gian nghệ thuật của tác phẩm là buôn Kroa – một buôn làng đồng bào dân tộc Êđê Dham ở vùng sâu vùng xa Tây Nguyên đang chuyển mình trong thời kỳ công nghiệp hoá, đô thị hoá những thập niên đầu của thế kỷ XXI với những biến động dữ dội trong đời sống xã hội và tình cảm của con người. Bức tranh người dân buôn Kroa nhốn nháo rời vùng thung lũng chân núi Chư Mang để tìm nơi khác định cư, nhường đất cho công trình thuỷ điện và nông trường cao su được miêu tả khá sinh động. Cuộc sống của những người dân vốn bình lặng từ nhiều đời nay bên bến nước Kroa bỗng xáo động, lòng người cũng lo lắng, bất an thể hiện qua diễn biến tâm trạng của của các nhân vật như già Âng, Ma Noi, H’ Nhi, chú khỉ Kra và những người dân ở buôn Kroa. Ngày xưa, người dân Kroa không phải khổ như thế, núi rừng bạt ngàn xanh thắm, suối Kroa nước mát trong lành, chim thú và sản vật rừng nhiều vô kể, đất đai bạt ngàn màu mỡ mà người chẳng nhiều, chỉ mấy chục nóc nhà, làm một vụ đủ ăn quanh năm. Ngày nay việc làm ăn thật khó khăn, tuy sống ở vùng rừng núi xa xôi nơi “dòng sông chảy ngược” (sông SêrêPốc), vậy mà chẳng còn cây gỗ to để làm cái nhà dài cho tử tế. Đất đai cằn cỗi, trơ sỏi đá, những vùng đất tốt lại phải giao cho nông trường cao su, cho thuỷ điện: “Cái thuỷ điện không biết từ đâu đến nằm ngang con suối, giành hết nước hết cá, bây giờ lại cái nông trường đến giành đất trồng cây”. Thuỷ điện ngăn sông suối làm nguồn nước cạn kiệt, khô hạn, nước ăn còn thiếu nói gì đến nước tưới cho cây cối, tôm cá giờ đây cũng khan hiếm. Rừng bị tàn phá, đất đai bị xói mòn, khí hậu, thời tiết cũng thay đổi, mưa nắng thất thường chứ không thuần như trước, mùa hạn thì khô cạn, mùa mưa thì xối xả, lâu lâu lại làm một trận lũ quét, bao nhiêu đất mùn tơi xốp theo dòng nước lũ cuốn trôi tuột ra dòng sông Sêrêpốk. Người dân buôn Kroa không hiểu những nguyên nhân sâu xa nhưng họ cảm nhận được sự thay đổi khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết: “Từ khi có thảo nguyên đến bây giờ, chưa bao giờ thấy lạnh đến như thế. Đêm, ra đứng trước cầu thang, gió vút qua sắc như cật nứa. Đặt bàn chân xuống thảm cỏ trước nhà, nghe làn nước lạnh thấm vào như ai cắt”. Người dân nói với nhau: “cỏ khô cháy hết rồi, nước uống cũng đã cạn. Chưa bao giờ Yàng bắt khát như năm nay”. Cũng vì thế, họ phải bán hết trâu bò, ngựa, vốn là tài sản quý giá gắn với phương thức làm ăn sinh sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Có khi, nạn cháy rừng xảy ra chỉ vì sự thiếu ý thức chủa con người, đó là việc người đàn ông người Juăng (người Kinh) đi buôn bò đã vô ý để tàn lửa điếu thuốc bắt nhanh vào đám cỏ khô làm cháy cả cánh rừng, thiêu chết cả ông ta và đàn bò, ngựa vừa mua được.
Cuộc sống của người dân buôn Kroa gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, cái ăn, cái mặc, không phải vì “siêng ăn biếng làm” như một số người thường có ý nghĩ thiếu thiện cảm. Người dân tộc bản địa Tây Nguyên trình độ canh tác, cách làm ăn còn thấp kém, lạc hậu, từ ngàn đời nay sống dựa vào trời đất, điều kiện tự nhiên mưa thuận gió hoà, dựa vào rừng, suối, vào bến nước ông bà. Đúng như buôn trưởng Ma Noi đã nói: “Buôn Kroa bây giờ ra đói khổ thế này là vì mất bến nước, mất con suối Kroa. Yàng nước bỏ đi, Yàng đất bỏ đi. Yàng rừng cũng đi nốt. Làm sao không nghèo, không đói”. Dù đã được doanh nghiệp đền bù, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhưng cũng không thể giải quyết vấn đề được một cách căn cơ. Khi người dân Kroa thiếu đói, kéo lên xã, lên huyện, lên tỉnh thì thì được Nhà nước quan tâm giải quyết ngay đấy, nhưng cuộc sống đâu phải ngày một ngày hai và cũng không thể đi kêu, đi xin mãi được. Nhà nước không cho dân phát rừng làm rẫy, không cho săn bắn thì dân lại đói, đói thì lại đi săn trộm, cứ thế như một vòng luẩn quẩn. Sự suy thoái, biến dạng của môi trường tự nhiên diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự khai thác thiên nhiên một cách tận diệt của con người, nhất là nạn khai thác rừng đến mức cạn kiệt, những cánh rừng xanh thắm mấy chục năm trước nay trở thành đất trống, đồi núi trọc hoặc một màu xanh cỏ tranh lừa dối. Đó là những thảm hoạ môi trường mà chúng ta đều có thể cảm nhận được trong “cơn lốc phát triển kinh tế” mấy chục năm nay ở các tỉnh Tây Nguyên.
Thú rừng mất dần địa bàn sinh sống, thiếu thức ăn, nước uống và bị con người săn bắt bừa bãi, ngày càng suy kiệt, có nhiều loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Với cảm hứng sinh thái và niềm xót thương, tác giả đã miêu tả nỗi đau đớn tột cùng của những con vượn trên rừng núi Chư Mang khi bị đám thanh niên buôn Kroa săn trộm: “Chợt nghe văng vẳng trong tiếng lao xao của lá rừng, tiếng hú thảm thiết của con thú nào đó bị sập bẫy… Đúng là tiếng của con vượn cái. Nó đang khóc than những lời trối trăng cuối cùng với con nó… Con vượn cái đang lồng lộn bất lực trên ngọn cây. Dưới đất, đứa con của nó vừa trúng tên, đang nằm dài”. Những đàn voi Tây Nguyên vốn là nét đẹp kiêu hùng của đại ngàn giờ đây cũng thưa vắng, chết dần chết mòn, bị con người bốc lột một cách tàn tệ, bị vắt kiệt sức trở nên thê thảm như gã voi Y Trút trong đoàn xiếc thú: “Toàn thân nó nhăn nheo, lông đuôi rụng trụi. Nó gầy thảm hại”. Không chịu được sự ngược đãi tàn tệ của con người, gã voi đã phản ứng một cách điên cuồng, dữ dội: “Gã voi đực cụt ngà đang dùng chiếc vòi của mình quấn chặt lấy đoàn trưởng nhấc bổng lên không…Con voi không biết căm giận điều gì mà hung hăng đến thế, khác hẳn vẻ hiền lành lặng lẽ ngày thường. Nó rống lên, vung cái vòi giơ cái thân người lên và quật xuống…”. Phản ứng dữ dội của voi Y Trút đối với viên trưởng đoàn xiếc thú phải chăng là sự giận dữ, cuồng nộ của thiên nhiên trút xuống con người khi bị con người ngược đãi.
Những vấn đề sinh thái đã được thể hiện qua nhiều hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm, nhưng có lẽ, cảm hứng sinh thái được thể hiện tập trung và sâu sắc ở nhân vật kỉ Kra qua hành trình số phận, diễn biến tình cảm, suy tư trăn trở trước những biến động của đời sống. Khỉ Kra là hậu thân của Y liê – một chàng trai Ê đê Dham buôn Kroa từ đầu thế kỷ XX, đã tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của tù trưởng N’ Trang Gưh. Chàng đã chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công. Khi giặc Pháp đến chiếm thung lũng núi Chư Mang, Y Liê đã mưu trí tận dụng sức mạnh của đá núi và mưa rừng để san bằng cả một đồn giặc Pháp, giết hết lũ giặc trong đồn. Chàng yêu và đã đính hôn với nàng H’Ly xinh đẹp, chờ ngày tổ chức hôn lễ, nhưng rồi bi kịch đã xảy ra: viên đạn ghen tuông, phản trắc đã cướp đi cuộc sống và hạnh phúc của chàng. Được hoá thân thành kiếp khỉ ở thì hiện tại, Kra đã gắn bó với buôn Kroa, với thung lũng núi Chư Mang, với dòng suối, bến nước Kroa, chung số phận, niềm vui nỗi buồn với người Kroa qua những biến cố của buôn làng. Khỉ Kra yêu nàng H’Nhi xinh đẹp với một mối tình say mê thầm lặng, ghen tuông, hờn giận và chiến đấu dũng mãnh để bảo vệ người mình yêu, bảo vệ lẽ phải.
Cũng như những người dân buôn Kroa, khỉ Kra là một nhân vật luôn mang tâm trạng cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi: “Những tháng năm dài rộng ở Kroa, tôi vẫn cô đơn, nghĩa là không kể những lúc ở cạnh già Âng, phần lớn thời gian, tôi lang thang một mình”. Là một thằng khỉ, Kra không thể hoà nhập vào xã hội loài người bé nhỏ ở buôn Kroa được dù nó rất muốn được như thế và đã tham gia hoặc chứng kiến nhiều sự kiện của buôn làng. Mang những đặc điểm tâm lý, tình cảm của con người, Kra cũng không thể sống chan hoà với những loài chim thú: “Những con chim phí lắm lời, tôi không thích, con vẹt già nua lẩm cẩm chỉ đáng để người ta thương hại, tôi không chơi”. Say mê nàng H’ Nhi với bao niềm thương nhớ, sự quan tâm đặc biệt và niềm khát khao ân ái nhưng khỉ Kra cũng chỉ thương thầm nhớ trộm và đau buồn khi chứng kiến người mình yêu đang ngây ngất trong vòng tay của Y Wen. Khi được H’Nhi cho ra phố sống chung, những tưởng Kra thay đổi được số phận nhưng nó lại trở thành thành viên của đoàn xiếc thú, đi làm trò mua vui cho con người, bị bóc lột sức lao động một cách tồi tệ mà thực chất vẫn sống tiều tuỵ, cô đơn. Sống ngay thẳng, tình cảm chân thành, cảm xúc tinh tế, rất mực gắn bó và thuỷ chung nhưng rồi khỉ Kra cũng bị đuổi ra khỏi cộng đồng buôn Kroa với đôi mắt mù loà và kết thúc số phận một cách bi đát. Nhân vật khỉ Kra đã thể hiện ngay trong bản thân mình mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, thể hiện niềm khát khao cháy bỏng của thế giới tự nhiên được sống tự do, được đối xử bình đẳng, yêu và được yêu thương, hạnh phúc như một con người, chứ không phải là công cụ, là phương tiện, là đối tượng chinh phục của con người. Có thể thấy, nhân vật khỉ Kra là sự thể hiện sâu sắc và xúc động chủ nghĩa nhân văn sinh thái: “lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng”. Tư tưởng chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong hệ thống sinh thái, tất cả đều có tác dụng của mình trong hệ thống sinh thái, không có “bữa trưa miễn phí” trong hệ thống sinh thái.
Điều mà những người dân buôn Kroa lo lắng, bất an đã trở thành hiện thực: Một căn bệnh lạ lùng đã xuất hiện và bùng phát dữ dội ở buôn Kroa, bệnh khóc ra nước mắt màu xanh. Bệnh lúc đầu xuất hiện ở mấy đứa trẻ như thằng Y Kuk, Y Siên, con bé H’ Mary khi dì nó là H’ Nhi bỏ buôn làng ra phố, rồi lây lan khắp buôn. Người dân Kroa không chỉ khóc ra nước mắt màu xanh mà cười cũng chảy nước mắt, nước mắt màu xanh. Người ta không tìm ra nguyên nhân căn bệnh lạ thì đành chấp nhận là “Yàng phạt!” như già Âng đã nói. Ngành Y tế địa phương cũng bất lực, không tìm ra nguyên nhân căn bệnh và cũng không thể cứu chữa. Tác phẩm kết thúc trong ám ảnh bi kịch: khỉ Kra mê man trong ảo giác, hai mắt bị mù không còn nhìn thấy gì và bị dân buôn làng xua đuổi phải chạy về hướng núi Chư Mang rồi nhập vào đoàn người dân buôn Kroa đi tới một miền hư ảo: “Tất cả hướng về bên kia núi, bên kia thảo nguyên, bên kia cầu vồng, bên kia cơn gió, đều đặn bước đi”. Sự tàn phá môi trường thiên nhiên, làm mất cân bằng sinh thái đã và sẽ gây ra nhiều căn bệnh lạ, nhiều tai hoạ khủng khiếp đối với con người. Đã đến lúc con người phải trả giá cho hành động huỷ diệt thiên nhiên của mình.
Vấn đề sinh thái tự nhiên luôn gắn bó với sinh thái xã hội, sinh thái văn hoá và nhân văn. Trong giai đoạn đất nước ta hội nhập và đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang tác động từng ngày, từng giờ vào mọi ngõ ngách của đời sống, vào cả những vùng xa xôi hẻo lánh như cái thung lũng ở núi Chư Mang. Quá trình đô thị hoá đem đến những đổi thay tích cực, tốt đẹp cho cho đồng bào dân tộc bản địa: “Kroa bây giờ đã khác, ít nhiều thì bụng đã no, không còn lo lắng chuyện ăn, không còn thấp thỏm lên huyện xin gạo cứu đói…buôn làng có ánh sáng, có truyền hình coi và có thêm nhiều thứ khác”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, của chính quyền địa phương các cấp, đời sống của người dân đang hằng ngày được cải thiện và nâng cao, đó là thực tế, là thành quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá cũng tạo ra những biến động trong xã hội, làm thay đổi ít nhiều đời sống tinh thần, tâm tư tình cảm của người dân buôn làng vốn tĩnh lặng như mặt nước hồ từ bao đời nay, tạo ra những hệ luỵ, những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao mà khả năng đáp ứng lại hạn chế và không theo kịp, đó là sự bất cập. Sự tác động của văn hoá, lối sống tiêu dùng, tiện nghi, thực dụng từ bên ngoài cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý, tinh thần của người dân Kroa, nhất là đối với lớp trẻ, tạo ra tâm lý bất an: “Khó như cái chợ này chẳng hạn. Không có không được mà có cũng không xong. Hằng ngày, tiếng nhạc xa lạ xập xình vọng vào vách núi Chư Mang như trêu tức, như giễu cợt, thách đố”; “từ ngày có chợ, quán nhậu mở cửa suốt ngày đêm, bọn thanh niên cũng thường xuyên ra chợ nhậu. nhiều bữa gây lộn đánh nhau ầm ĩ. Thằng Y Sức con nhà ma Nhé cạo trọc đầu, hai tai bắt chước đeo khuyên như đàn bà, ngồi nhậu từ sáng đến tối”; “Bọn thanh niên mới lớn thì không thèm màng đến chuyện xưa, chúng tha hồ vui vẻ trong quán xá rượu chè hò hét”. Đến cô H’ Nhi xinh đẹp, nết na như bông hoa rừng, vì hoàn cảnh đưa đẩy trở nên tha hoá, hư đốn, sống lay lắt, thê thảm như một bóng ma ở nghĩa địa buôn Kroa. Người dân buôn Kroa không còn lo lắng đến cái ăn cái mặc như trước đây nhưng họ vẫn thấy buồn đau với những dự cảm mơ hồ về một tương lai bất định.
Người Ê đê cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên vốn có tính cộng đồng cao, họ sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, niềm vui nỗi buồn của họ gắn với những sự kiện, lễ hội của buôn làng, lấn át cả những nỗi niềm riêng tư. Thế nhưng ở buôn Kroa trong thung lũng núi Chư Mang này, các nhân vật đều đau khổ và cô đơn, cảm giác cô đơn gieo vào lòng người đọc nỗi thương cảm xót xa. Trước hết là già Âng, một người vừa mạnh mẽ, quyết đoán lại vừa mau nước mắt . Trừ những lúc đứng ra giải quyết công việc chung của người dân trong buôn, già Âng cứ lủi thủi một mình bên bếp lửa với con khỉ Kra và con vẹt già, một chiếc chiêng cũ sứt mẻ, vui buồn với ché rượu. Thương nhất là hình ảnh “già Âng cứ đứng khóc mãi” khi phải rời xa cái buôn Kroa thân thuộc: “Tiếc là tiếc tiếng suối Kroa chảy róc rách đến quen tai như là giọng nói của người thân, nhớ là nhớ gốc cây pơ lang cổ thụ nở hoa đỏ rực như ai đốt lửa mỗi mùa lễ hội, thương là thương khoảng rừng hào phóng cho người bao nhiêu là măng là nấm trước buôn”. Buôn trưởng Ma Noi tính tình nóng nảy, cương trực phải chứng kiến và giải quyết bao chuyện buồn phiền của người dân trong buôn. Chàng Y Lát yêu và ước hẹn kết duyên với nàng H’ Ly xinh đẹp. Chàng đã theo tù trưởng N’ Tang Gưh chiến đấu dũng cảm và hy sinh khi chưa một ngày hưởng hạnh phúc. Chàng Y Liê cũng chẳng khá hơn và cũng kết thúc cuộc đời trong bi kịch. Chị H’ Lum vất vả, khổ sở vì phải sống với thằng chồng Y Đoan nghiện rượu, một mình làm lụng nuôi chồng và mấy đứa con thơ đến kiệt sức, bệnh tật mà chết. Anh chàng Y Wen cũng chẳng sung sướng gì khi yêu H’ Nhi và hạnh phúc đang đến gần thì người yêu của chàng lại phải “nối dây” với thằng anh rể sa đoạ. Các nhân vật đều thể hiện nỗi cô đơn nhưng nhân vật H’ Nhi và khỉ Kra là đau khổ, cô đơn và bi kịch nhất, tất cả đã làm cho không khí bi kịch, buồn thương bao trùm tác phẩm. Phải chăng trong quá trình đô thị hoá, lối sống tiêu dùng tiện nghi, văn minh đô thị ngoại lai của thời mở cửa hội nhập đã xâm thực mạnh mẽ vào văn hoá, tâm lý của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, làm biến dạng sinh thái văn hoá bản địa. Tâm trạng cô đơn của các nhân vật trong tác phẩm đã phản ánh sự trỗi dậy của ý thức cá nhân và sự phân rã của ý thức cộng đồng mẫu hệ vốn đã tồn tại ngàn đời nay. Đúng là, văn minh hiện đại mang lại cho con người cuộc sống đầy đủ, tiện lợi nhưng cũng mang đến quá nhiều tai hoạ sinh thái, uy hiếp sự sinh tồn của nhân loại.
Nước mắt màu xanh thẫm là một tiểu thuyết mang cảm quan hậu hiện đại với xu hướng dùng triết lý và diễu nhại để khẳng định tinh thần đối thoại. Một kết cấu trần thuật linh hoạt và đầy sáng tạo: từ lời đối thoại về quỷ đến chuyện người dân buôn Kroa chuyển chỗ ở nhường đất cho thuỷ điện, chuyển sang chuyện của khỉ Kra rồi đột ngột trở về quá khứ một trăm năm trước khi chàng Y Liê theo tù trưởng N’ Trang Gưh đánh Pháp, lại về hiện tại với chuyện cô H’Nhi ra phố cùng đoàn văn công. Hình thức có vẻ rời rạc, đứt gãy nhưng thực chất lại rất chặt chẽ và thống nhất vì đều tập trung thể hiện hình tượng buôn Kroa, một Tây Nguyên với các buôn làng dân tộc bản địa đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập, đô thị hoá cùng những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống. Tác giả đã khéo léo kết hợp lời văn nhiều giọng: giọng đối thoại của “mình” với “ta” về chuyện quỷ ở đầu mỗi phần truyện, giọng trần thuật của người kể chuyện (ngôi thứ ba), giọng kể của khỉ Kra (ngôi thứ nhất). Điều đó góp phần tạo ra tính đa âm hay là tính đối thoại (dialogisme) của tác phẩm. Tiểu thuyết đa âm chứa đựng nhiều tiếng nói mâu thuẫn nhau, độc lập nhau, xung đột nhau, nó không đồng nhất, không khép kín, không kết thúc và luôn luôn biến đổi. Tư duy đối thoại khẳng định “cái tôi” của kẻ khác như một chủ thể tự thân chứ không phải là một khách thể thụ động như tiểu thuyết truyền thống. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua diễn biến tâm trạng, hành động, lời nói của nhân vật khỉ Kra, đó thực sự là một sự tự ý thức, một dòng tư tưởng, một giọng điệu. Tính đối thoại không chỉ đơn giản là đối thoại của các nhân vật hay đối thoại trong một phân đoạn (vi đối thoại) mà còn là đối thoại lớn biểu hiện tính đa thanh trên cấu trúc tổng thể, đối thoại giữa tác giả và nhân vật, giữa tác giả và hiện thực được miêu tả, đối thoại với lịch sử, với truyền thống, với cuộc đời, đối thoại với người đọc.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật khá sinh động, các nhân vật vừa mang những nét đặc điểm ngoại hình, tâm lý của người Ê đê – một dân tộc bản địa Tây Nguyên, lại vừa có những nét tính cách, diễn biến tâm lý riêng được thể hiện một cách tự nhiên, hợp lý như già Âng, Ma Noi, Y Lát, Y Liê, H’ Ly, H’ Nhi, Y Wen, Y Đoan và cả cậu thanh niên người Juăn. Ba nhân vật có tính cách và số phận được thể hiện đậm nét là già Âng, H’ Nhi và khỉ Kra. Đặc biệt ấn tượng là nhân vật khỉ Kra, một nhân vật Khỉ – Người rất độc đáo, một hình tượng nghệ thuật đa nghĩa và đầy sức ám ảnh. Khỉ Kra kết hợp được những đặc điểm ngoại hình, tập tính của loài khỉ, vừa thể hiện chiều sâu những trạng thái tình cảm, tâm lý của con người một cách tinh tế, kết hợp những ham muốn bản năng với ước mơ, khát vọng tốt đẹp về cuộc sống, kết hợp những yếu tố lý trí, ý thức với tiềm thức và vô thức.
Chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại chú ý đến nguyên tắc lạ hoá, xem văn học là trò chơi ngôn ngữ vốn được tổ chức từ những thủ pháp lạ hoá khác nhau trên nhiều cấp độ của văn bản. Ở tác phẩm này, Nguyễn Văn Thiện đã vận dụng phép lạ hoá để xây dựng hình tượng, từ chuyện quỷ ăn sỏi trắng ở suối Kroa, chuyện chàng Y Liê sau khi chết được tái sinh thành khỉ Kra đến chuyện căn bệnh khóc cười ra nước mắt màu xanh của người dân buôn Kroa. Những chi tiết tâm linh, huyền thoại, hoang đường, kỳ ảo, phi lý và các chi tiết hiện thực hoà lẫn vào nhau đến mức khó có thể phân biệt được ranh giới thực – ảo, đã góp phần tạo ra những hình tượng nghệ thuật sống động, hấp dẫn, đa nghĩa. Nhiều chi tiết nghệ thuật khá độc đáo được lặp lại như tiếng kêu “kéc kéc” của khỉ Kra, hình ảnh chiếc chiêng sứt của già Âng, đặc biệt là hình ảnh tiếng khóc và “giọt nước mắt” được lặp lại một cách có ý nghĩa không dưới 50 lần trong tác phẩm với nhiều biểu hiện khác nhau đã tô đậm không khí bi kịch đầy sức ám ảnh. Nước mắt của người dân buôn Kroa, nước mắt của già Âng, của Ma Noi, a mí H’ Nhi, Y Liê, H’ Nhi, H’ Lum, của mấy đứa trẻ con nhà Y Đoan và nước mắt của Kra cứ chảy hoài, chan chứa, hoà vào nước suối Kroa. Nước mắt của người, nước mắt của khỉ, nước mắt của tiếng khóc và cả tiếng cười, nước mắt của cây rừng, nước mắt của núi Chư Mang, của suối Kroa, của thiên nhiên bị tàn phá chảy ra một màu xanh thẫm. Tác phẩm còn chinh phục người đọc bằng một thứ ngôn ngữ văn xuôi vừa bình dị, tự nhiên gần gũi với cách nói, cách nghĩ và điệu hồn của người dân tộc bản địa Tây Nguyên, vừa điêu luyện, sáng tạo, giàu hình ảnh và thấm đượm ý vị triết lý nhân sinh. Những bức tranh thiên nhiên được dựng lên sống động, khi thì dữ dội, quyết liệt, khi lại giàu màu sắc và chất thơ; hình ảnh cỏ cây, rừng núi, sông suối như những sinh thể thấm đẫm hồn người. Dù không trực tiếp xuất hiện nhưng người đọc vẫn cảm nhận được hình bóng “người kể chuyện” thấp thoáng trong trang sách, ẩn hiện ở bến nước Kroa, ở rừng núi Chư Mang như một chàng trai Êđê Dham cường tráng, tài hoa và đa tình.
Tiểu thuyết Nước mắt màu xanh thẫm là một thành công độc đáo của Nguyễn Văn Thiện. Tác giả đã thể hiện khá sâu sắc những vấn đề của đời sống, thể hiện tình cảm yêu thương, sự đồng cảm xót xa cho những số phận đau khổ, bi kịch của con người, nói được nỗi buồn thương của người dân dân Ê đê buôn Kroa, của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên bằng tình cảm của người trong cuộc, đó là nội dung nhân đạo, nhân văn thật đáng trân trọng. Tác phẩm đối thoại với cuộc sống, với chúng ta về những vấn đề sinh thái, thể hiện chủ nghĩa nhân văn sinh thái khá độc đáo trong thái độ phê phán sự tàn phá, huỷ diệt đối với môi trường tự nhiên và ý thức bảo tồn không gian văn hoá bản địa truyền thống. Từ đó tác phẩm là lời dự báo và cảnh tỉnh mạnh mẽ về những thảm hoạ môi trường và sinh thái xã hội, văn hoá mà con người phải gánh chịu trong tương lai. Phải chăng, phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, hài hoà giữa khai thác tự nhiên và phát triển những yếu tố của môi trường tự nhiên, tạo ra sự bình đẳng và thống nhất trong hệ thống chỉnh thể sinh thái. Trong thời đại toàn cầu hoá, sự tác động và ảnh hưởng yếu tố từ bên ngoài ngày càng mạnh mẽ trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá. Xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc theo hướng hiện đại phải kết hợp với việc bảo tồn và phát những giá trị văn hoá bản địa truyền thống. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản đó chỉ là việc lưu giữ những sản phẩm văn hoá truyền thống mà quan trọng là bảo tồn và phát triển không gian văn hoá ấy, nghĩa là bảo tồn và phát triển cả hệ thống sinh thái văn hoá, bởi văn hoá dân gian chỉ sinh thành, tồn tại và phát triển ở môi trường sinh hoạt, diễn xướng, thụ hưởng tự nhiên, hồn nhiên của nó trong đời sống của cộng đồng đân tộc, là niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc và ước mơ của con người. Đó là sự phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng đến và thực hiện để xây dựng đất nước giàu đẹp, xây dựng cuộc sống hài hoà, tiến bộ và văn minh.
N.P.H