(Vanchuongphuongnam.vn) – Với một quốc gia, không còn nỗi đau khổ nào hơn cho một dân tộc khi đất nước lâm vào thảm họa ngoại xâm. Nhưng cũng không có gì đáng tự hào hơn cho một dân tộc có ý thức quật khởi, anh dũng đứng lên đánh đuổi bọn quân thù cướp nước.
Ảnh minh họa
Những trang lịch sử vàng son của tổ quốc Việt Nam đã tinh kết keo sơn từ bao mùa xuân oanh liệt thấm đẫm truyền thống yêu nước từ hơn bốn nghìn năm thuở vua Hùng dựng nước. Trải qua quá trình chống xâm lăng trường kỳ của dân tộc, những thiên quốc sử và kho tàng văn học dân gian cùng với nền văn chương bác học, đã dệt nên những đài hoa chiến thắng sáng ngời, đẹp như xâu chuỗi ngọc long lanh, điểm trang cho đất nước ngày thêm lộng lẫy phú cường.
Ngay từ thời điểm lập quốc (năm 2879 trước CN), nước Văn Lang của chủng tộc Lạc Việt đã biết tổ hợp các bộ lạc lại, xây dựng nên một đất nước độc lập, tự chủ và sẵn sàng đương đầu với mọi thế lực xâm lăng bên ngoài bất cứ đến từ nơi đâu. Nhân dân sớm ý thức được tình trạng phân hóa là cái nguy cơ không có lợi cho đất nước, nên trong dân gian thời ấy đã truyền tụng hai câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Rõ ràng đây là lời hiệu triệu đoàn kết quần chúng, cái nguyên lý quý giá dẫn đến thành công của một xã hội loài người khi gia đình hay tổ quốc bất ngờ gặp phải biến cố nguy nan. Hơn thế kỷ qua, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng ở hai mùa kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bài học sâu sắc vô giá này được Bác Hồ yêu quý của chúng ta cũng đã mạnh mẽ khẳng định để nhắc nhở đồng bào: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Dù là ca dao, lục bát khuyết danh hay là thơ thất ngôn của Hồ Chủ tịch, rõ ràng đây là lời kêu gọi đồng bào đoàn kết xuất phát từ lòng yêu nước chân thành và lời lẽ thống thiết của lĩnh tụ để đối phó với kẻ thù xâm lược bạo tàn của dân tộc. Nhờ sự nung đúc truyền thống đoàn kết này, từ khi dựng nước, nền độc lập của dân tộc ta ngày một vững vàng và tinh thần tự chủ đã làm vẻ vang nòi giống.
Đời Hùng Vương thứ 6, trước bọn giặc Ân trong đời vua Võ Đinh (Cao tông 1324-1265 trước CN), nhân dân dưới sự chỉ huy của Phù Đổng Thiên vương đã đánh quân xâm lăng cuốn vó chạy dài.
Một dân tộc dù hùng mạnh đến đâu vẫn có lúc trải qua cơn sóng gió nội biến hoặc quốc nạn ngoại xâm. Do vậy, khi đất nước ta bị quân nhà Hán thống trị, trong dân gian truyền tụng hai câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng, với hình tượng đẹp đẽ và ý tưởng vô cùng thâm thúy. Nhà thơ khuyết danh đã ví von đất nước dân tộc như chiếc giá gương trong sáng được phủ lên bằng lớp nhiễu điều nói lên tình cảm yêu thương đoàn kết đậm tính nhân văn của giống nòi. Chúng ta có thể đoán không nhầm thời ấy dòng dõi các quý tộc Lạc tướng, Lạc hầu còn hiện hữu không ít hoặc chính các quý tộc nhà họ Trưng, học Cao, họ Nguyễn đã sáng tác rồi cho loan truyền ra khắp quần chúng những câu ca dao trên. Trong thời Hán thuộc, khi Thi Sách khảng khái phản đối chính sách đàn áp tàn bạo của thái thú Tô Định một cách công khai, lòng dân bị khích động cao độ, càng nung nấu ý chí quật khởi đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Khi Thi Sách bị Tô Định hãm hại, nhân dân thêm sôi sục ngọn lửa căm thù. Các quý tộc vùng lên khởi nghĩa đã lôi cuốn ngày càng nhiều người hăng hái tham gia vào đại nghiệp chính đạo của nhân dân. Dưới sự lĩnh đạo đầy uy quyền của hai chị em nhà họ Trưng cùng bà mẹ Man Thiện, các Lạc hầu, Lạc tướng như: Trương Quán, Cao Doãn, Nguyễn Đào Nương, Đào Đạt, Châu Bá… cùng các anh thư như: Lê Chân, Bát Nạn, Hoàng Thiều Hoa, Thánh Thiên công chúa,… đều nhiệt liệt dấy binh hưởng ứng. Do quân xâm lược Hán tộc tàn ác giết nhiều người đối lập bản xứ, đẩy nhân dân tới lúc đàn bà cũng phải lên đường đánh giặc: Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh – một thái độ son sắt toàn dân nam nữ đồng lòng đánh giặc mà sau này trong thời chống Mỹ đã tái hiện quyết liệt ở chị Út Tịch (Nguyễn Thi- Người mẹ cầm súng), Bà má Hậu Giang. Mẹ Suốt, Mẹ Tơm (thơ Tố Hữu). Trong khung trời quốc gia chính nghĩa ấy, với khí thế quyết liệt và tinh thần chiến đấu sấm sét, cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng cơ bản đã nắm được phần thắng lợi vẻ vang, dù giọt máu hòa cùng nước mắt của phụ nữ đã thấm tràn trang quốc sử. Người đời sau cũng ví von ca ngợi cuộc khởi nghĩa thành công của Trưng vương như để nhắc lại tinh thần bất khuất rạng ngời của dân tộc: Trời mưa nước chảy non đoài/ Cỏ đè lên lúa cá trôi lềnh bềnh. Cỏ, chữ Hán là thảo 草, lúa là hòa 禾, cá là ngư魚, Ba chữ thảo hòa ngư, hợp lại là chữ Tô, chỉ Tô Định 蘇定. Cá trôi lềnh bềnh, còn ám chỉ quan Hán thua chạy.
Lý luận như thế cũng thích đáng. Có lẽ do cái thuật lãnh đạo của các nhà kháng chiến thời ấy đã sâu sắc tung ra các câu ca dao, tục ngữ kia để gieo niềm tin tất thắng vào lòng nghĩa quân để cùng nhân dân đánh đuổi được Tô Định và quan quân nhà Hán. Sau chiến thắng oanh liệt của Hai Bà Trưng, tấm gương sáng của Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thi Trinh (bà Triệu Ẩu) cũng được tạc vào trang sử vàng son của dân tộc.
**
Thời gian ba lần bị Bắc thuộc kéo dài dằng dặc ngót nghìn năm, đè nặng cuộc sống và tâm tư của dân tộc Việt Nam. Quan thú mục từ phương Bắc đưa sang tha hồ làm mưa làm gió, quân viễn chinh trấn đóng khắp nơi. Gót xâm lược của quân thống trị giẫm đạp bao cơ đồ sự nghiệp của tổ tiên để lại từ bao thế kỷ. Nhân dân sống khổ đau, quằn quại dưới chính sách cai trị độc ác vô nhân của chúng: Thương thay thân phận con rùa/ Trên đình hạc cưỡi, dưới chùa đội bia. Những hạng thái thú tàn nhẫn như Tô Định đời Đông Hán, thứ sử Tiêu Tư đời Lương không thiếu trên đất nước ta. Nhưng áp lực thống trị càng nặng nề, phản ứng của nhân dân càng quyết liệt. Nhân dân ta không cam chịu nô lệ, từng hồi nổi dậy quyết liệt đấu tranh, không hề nao núng hoặc sợ chết bao giờ. Nhân dân tự nhủ: “Tự do hay là chết”, âm thầm chịu đựng chờ cơ hội vùng lên sống mái đấu tranh với kẻ thù giành lại tự do cho dân tộc. Những cuộc khởi nghĩa để lại tiếng vang lịch sử như Lý Bôn (503-548 ) chống quân Lương; Phùng Hưng (761-802), Mai Thúc Loan (?- 723), … chống nhà Đường từng đợt như sấm sét nung nấu lòng dân yêu nước. Ngót nghìn năm trải qua ba phen Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn đánh đuổi được bọn cường quyền thống trị.
Ảnh minh họa
Đến đời Lý, Trần, Lê, hào khí quật khởi ngùn ngụt tinh thần bất khuất chống xâm lược thể hiện đậm đặc phong phú qua văn chương truyền miệng, tức là văn học dân gian (hay văn học bình dân) và văn chương chữ viết (hay là văn chương bác học). Huyền thoại thú vị về sự ra đời của bài thơ tiếng Hán Việt “Nam quốc sơn hà” (南國山河) Sông núi nước Nam): Nam quốc sơn hà, Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”.
(南國山河南帝居,截然分定在天書。如何逆虜來侵犯,汝等行看取敗虚). Dịch thơ : Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời. Theo truyền thuyết, bài thơ do thần linh đọc mà không rõ ai là tác giả. Chỉ biết “Nam quốc sơn hà” là bài thơ tứ tuyệt có giá trị lịch sử, đã giúp vua Lê Hoàn (981) và Lý Thường Kiệt (1077) đánh tan quân Tống vào đời nhà Lý, khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt. Cho đến nay, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Sau chiến thắng quân Tống xâm lược, nhân dân tự hào nhắc lại hoàn cảnh đấu tranh ngặt nghèo mà chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt Nam trong hai câu lục bát: Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
Đời Trần, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta với quân đội hùng mạnh cả thế giới đã biết sự tàn khốc ghê gớm dưới gót ngựa giày xéo của chúng. Vua quan trong triều đình ra vẻ nao núng, một Trần Quốc Tuấn, với lời lẽ khí khái, hiên ngang tâu với Trần Thánh Tông: “Bệ hạ muốn hàng giặc, xin hãy chém đầu tôi trước đã”. Trần Thủ Độ khảng khái tâu cùng vua Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo”. Khi qua sông Hóa giang, Trần Hưng Đạo nhìn dòng sông và ba quân mà tuyên thệ: “Không dẹp xong giặc, ta thề không về sông này nữa”. Hào khí sấm sét ngút trời ấy cũng đủ làm cho quân Nguyên Mông nghe qua cũng đủ hồn xiêu phách lạ. Cho đến lúc chống quân Minh, ngoài áng hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của nhà văn – chính trị gia Nguyễn Trãi, còn lưu lại nhiều danh ngôn mang ý nghĩa động viên và cổ vũ tinh thần, hướng dẫn sự nghiệp đấu tranh cho nhân dân lúc mới bắt đầu cuộc khởi nghĩa. Vì sự tồn vong của một quốc gia, mọi người dân bản xứ nêu cao tinh thần bất khuất, qua hơn 10 năm kháng chiến gian lao khổ ải, dân tộc Việt Nam đã khiến bọn quân tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh phải cuốn cờ về nước.
**
Từ thời điểm cuộc khánh chiến Nguyên, Minh thành công vẻ vang, trải qua hơn 300 năm, nước ta thoát khỏi ách thống trị phương Bắc. Cuối đời Hậu Lê, nếu không có Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả tổ, chưa dễ nhà Thanh dám xua quân vào nước Đại Việt. Nhưng với tinh thần bất khuất, một lần nữa, phẩn uất trước thái độ hèn kém của vua Lê, nhân dân kéo về với Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh khiến tập đoàn viễn chinh Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống hiểu được thế nào là sự đoàn kết của dân tộc từng khổ đau nhiều vì nạn ngoại xâm.
Đến thời kháng Pháp ngót trăm năm, trước kẻ thù mới từ phương Tây với vũ khí tối tân và tàu chiến, máy bay hùng hậu, nhân dân ta phải chịu gian khổ hy sinh gấp bội lần trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Toàn dân ba miền, trước hết là ở Nam bộ, vẫn với truyền thống yêu nước và ý chí không chịu cúi đầu làm nô lệ, đã chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù bằng tinh thần quyết chiến quyết thắng: Tháp Mười đồng hiểm bao la/ Tây vô Đồng Tháp làm ma không đầu. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Trị, rồi đến những vần thơ lửa của Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… với tính chiến đấu vút cao làm rạng rỡ sáng ngời đài hoa chiến thắng của dân tộc. Rồi đến giai đoạn chống Mỹ, dù chỉ trong một phần tư thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã phải đương đầu gan góc và quyết tử với một kẻ thù thuộc loại siêu cường quốc trên thế giới, nên đất nước càng phải tổn hao muôn phần tài sản, sinh mạng chưa từng có trong lịch sử. Dù vậy, cuộc chiến tranh chống Mỹ tuy tổn hao xương máu và hệ lụy cho nhân dân hơn bất cứ thời đại chống xâm lăng nào trong lịch sử giống nòi, cũng vẫn phản ánh rực rỡ và vinh quang tinh thần bất khuất và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Nhưng cũng từ đó, ta biết được hội tụ đỉnh cao thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh bất khuất của nhân dân, chống kẻ thù xâm lược ngoại bang ngày càng thành công khởi sắc từ khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản sáng suốt lãnh đạo nhân dân Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
05. 05. 2024
N.T. T