Trách nhiệm của thơ đương đại

174

Ngày thơ Việt Nam đã qua đi, thơ ca vẫn tiếp tục nảy mầm trong cuộc sống. Thơ Việt cứ thế sinh sôi, lớn lên trong mạch nguồn của kinh tế, chính trị, văn hóa của đồng bào người Việt. Nhà thơ – người tham gia sáng tạo văn hóa đã ngày càng đông đảo, thành phần mở rộng, cách tiếp cận cũng ngày càng mới mẻ.


Nhà thơ Hồng Thanh Quang ở Hà Nội

Giữa trùng trùng đội ngũ ấy, có những gương mặt người thơ không câu nệ giải thưởng, coi hành trình cùng thơ để sắp xếp lại đời mình – sắp xếp một cách tha thiết, hạnh phúc trong nhọc nhằn. Hồng Thanh Quang vốn có chất văn thơ ngấm sẵn trong máu, vừa bước chân đi vừa nảy mầm thơ. Thơ chính là tâm can, thơ nuôi dưỡng ông trưởng thành, thơ giúp ông “sắp xếp lại đời trai” sau bao lần “đi lạc”.

Sau 9 tập thơ trước, tập thơ mới nhất của ông vừa xuất bản tháng 1.2023 với tựa đề “Thắp lửa” cho thấy một hướng mới trong tinh thần thơ Hồng Thanh Quang, đồng thời chỉ dẫn một tinh thần thơ đương đại. Tập thơ “Thắp lửa” gồm 151 bài thơ được tuyển chọn tỷ mẩn, dụng tâm. Trong đó 2 bài thơ được ông viết năm 2019, 2 bài thơ được ông viết năm 2020, còn lại là các bài thơ được ông viết năm 2021, 2022.

Hồng Thanh Quang tên thật là Đặng Hồng Quang, “sinh năm 1962 tại Hà Nội. Lớn lên trên phố Hàng Đào. Nguyên quán Hưng Yên. Kỹ sư vô tuyến điện quân sự, cử nhân báo chí, 40 năm làm báo…”. Với nhiều năm làm thơ, gắn bó với nhiều trọng trách khác nhau, đặc biệt là nghiệp viết nhưng ông chỉ tóm tắt “đứa con tinh thần” của mình rằng:

Thì ta chép lại tự giời

Những lời ngỡ có hóa lời như không.

Tự thuật cực vắn tắt ở đầu tập thơ và lời tựa khớp vào 151 bông hồng của bó hoa thơ “Thắp lửa” cho thấy một sự chuẩn bị rất chu tất ở bên trong một tâm hồn nghệ sĩ. Cách giới thiệu rất Hồng Thanh Quang – rất thơ và rất đời thường, có vẻ đơn giản nhưng thực sự mẫn tiệp. Lời giới thiệu tập thơ nhẹ bẫng từ nội hàm tập thơ nặng trĩu tâm tư. Hồng Thanh Quang vốn trải nhiều công việc: làm kỹ thuật, làm báo, quản lý trong lĩnh vực báo chí, dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình… Nhiều trải nghiệm ấy đã làm hành trang nuôi dưỡng những câu thơ sắc sảo của ông.

So với các tập thơ khác của Hồng Thanh Quang, dấu ấn chính trị – xã hội trong tập thơ “Thắp lửa” điển hình hơn cả. Cho ta thấy ở Hồng Thanh Quang sự hào hoa, lãng đãng nghệ sĩ, mỏng manh dễ vỡ và chuyên nghiệp, đầy ưu tư với thời cuộc. Cái nét hào hoa bớt đi một chút, để còn lại nhiều khoảng lặng, những tha thiết trách nhiệm xã hội. Dưới con mắt của người nhạy cảm về chính trị, Hồng Thanh Quang nhận thấy trái tim nhân hậu của con người chúng ta đang đập trong một thế giới sôi động, đa cực và hỗn mang:

Thế giới lại hỗn mang rất khó phân tách chính tà,

Những hiện hữu bị xáo bài tùy ý người diễn giải

(Buồn đương đại)

Có những kết nối khiến ta thêm lẻ loi

Có những láng giềng làm nhà nhau tối lửa…

Có những đạo quân tưởng lúc nào cũng thắng,

Lại trở thành thứ chưa đánh đành thua…

(Chợt thấy)

Những cuộc tập trận mang tên hòa bình

Gắp lửa bỏ tay người trong áo khoác dân chủ

Cà rốt kèm dùi cui để giục bị xui nguyên,

Miệng cầu kinh trái tim đao phủ…

(Thời của những mâu thuẫn)

Những năm 2020, 2021, 2022 là thời điểm nhân loại chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và chính trường thế giới. Ông thật buồn vì những năm tháng bước qua trung niên ông đang sống có những cạm bẫy “cứ giả đò dấu yêu…”. Chiến tranh, xung đột của các bên khiến nhà thơ phải thốt lên:

Thế giới bây giờ không phải của nhà thơ

Người cầm súng lấy trái tim mình làm đích ngắm


Tập thơ mới của nhà thơ Hồng Thanh Quang

Câu thơ nhẹ bẫng nhưng câu thơ rỉ máu! Nhà chính trị với tâm hồn thơ nhân hậu đã đau đớn thay cho phận người, tình người. Chiến tranh dù núp dưới vỏ danh nghĩa nào thì người lính cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong xung đột của các bên, người lính cầm súng giết đối phương thực ra cũng bao hàm trong đó nhắm vào những sự sống mơn mởn, nhắm vào những tương lai hạnh phúc, nhắm vào tình thân. Họ đứng ở cực nào cũng đối mặt với nguy cơ trở thành kẻ nhẫn tâm thực hành giết chết sự thiên lương trong tim mình.

Thơ Hồng Thanh Quang không chỉ quan tâm đến luật pháp quốc tế, đến quyền con người, tính mạng con người mà ông còn đặc biệt quan tâm đến cái thiện – sự sống trong tim. Trải bao biến động của nhân loại, bao nhiêu dư vị của đời mình, ngòi bút thơ Hồng Thanh Quang nặng về chiêm nghiệm thế sự, chính trị xã hội hơn. Nhưng ông không hề cực đoan mà có sự nhìn nhận bằng trách nhiệm của chủ nghĩa nhân văn và lẽ công bằng. Con mắt của nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo, người làm công tác chính trị, tư tưởng đã giao hòa trong Hồng Thanh Quang, giúp ông phiêu thành những con chữ nhiều giai điệu chạm vào đáy tim người đọc.

Rất nhiều năm đọc thơ Hồng Thanh Quang, tôi thường thấy rõ trong thơ ông câu nói của cố nhân – “thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”. Bài thơ “Ở đâu gần Phật nhất?” đã ủ bao hương vị của triết học, tôn giáo, của thế sự và tâm hồn, đủ để cho những câu thơ lên men và cất cánh.

…Ở đâu gần Phật nhất?

Cùng tín hữu cơ hàn,

Những thanh bần tâm sáng,

Giữa lệ đắng dâng tràn”…

…“Cõi Niết Bàn gần gụi

Chỉ trong tim lụy tình…

Hồng Thanh Quang mượn bóng Phật để cùng lúc diễn đạt hai ý: Đức Phật hóa trần thế thiên lương và trái tim thiện lành của con người có bóng dáng của Phật. Ta bình yên thưởng thức những giai điệu, hình ảnh vừa huyền tích, vừa rất đời, rất tình và cũng rất riêng của Hồng Thanh Quang – gắng cân bằng trong cái đắm đuối với trần thế để giải mã yêu dấu của đời mình.

Có những lúc Hồng Thanh Quang coi thơ như là bảo mẫu, là nơi xoa dịu lòng, là tri kỷ để đưa thi sĩ về nơi tâm giao, thỏa mãn cơn khát. Dầu thế nào thì những yêu dấu ban đầu vẫn luôn sống trong ông, như ông từng viết:

Một đời mắt chói vầng dương

Chiều tà nắng quái vẫn thương thuở đầu

(Dầm bùn để thấy mình sen)

Trải bao điều, bỏ qua những thắng thua, những cám dỗ danh hiệu phù hoa, những yêu thương cạm bẫy, những tụng xưng tầm thường, Hồng Thanh Quang đã nhận thức vấn đề của thân phận người đầy trí huệ, khai minh:

Tôi bây giờ giác ngộ

Đáy sông là thâm sơn…

(Tặng bạn khi nghe hát Trịnh Công Sơn)

Với tập thơ “Thắp lửa”, màu sắc chính trị công dân và sắc thái thi ca đã làm cho tập thơ trở nên đáng yêu, không phải cái đáng yêu hăm hở, tận hiến của tuổi trẻ, mà là cái đáng yêu của sự nhân hậu ở tuổi hiểu lẽ đời, phận người. Tập thơ sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả có trình độ trải nghiệm, những người yêu thơ chân chính, yêu thích chính trị, triết học, tôn giáo và văn chương. Bởi tập thơ là tiếng nói của một nhà thơ yêu sự sống, trân trọng từng tế vi, một người theo dõi cuộc đời bằng con tim hồn hậu; tập thơ là tác phẩm được “thai nghén” bởi một con người trong những cam go của đời mình nhưng luôn từng khắc nghĩ đến phận người đương đại.

Theo Hạnh Lê/VNCA