Trần Quang Quý – Một hành trình thơ

309

 Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 02.01.1955, tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ông tham gia quân đội tháng 12.1971. Sau khi ra quân, học Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và làm báo. Ông đã xuất bản 14 tập thơ, truyện ngắn, tiểu luận, bút ký… Được 11 giải thưởng văn học, trong đó có 2 giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2004 (Giấc mơ hình chiếc thớt) và 2012 (Màu tự do của đất). Tôi chưa có điều kiện đọc tất cả các tập thơ của ông nên chưa thể phác họa một chân dung văn học về ông. Tôi đọc 4 tập thơ: Siêu thị mặt (2006), Màu tự do của đất (2012), Ga sáng (2016) và Namkau (2016) và thử hình dung hành trình 10 năm sáng tạo thơ của Trần Quang Quý, trong hành trình của 10 năm thơ Việt.

  1. Siêu thị mặt, thơ của người “cả nghĩ” và “cơn mơ gieo hạt”      

Tác giả ghi nhận ở New York hai chuyện nhỏ, thứ nhất: “có một nền văn hóa “tip”/ bạn chớ quên khi rời taxi hay tiệm nhậu/ xin vui lòng để lại thêm mười phần trăm”, thứ hai: “vô tình đụng trên đường thật khó tránh/ nhưng tất cả cùng lời: Xin lỗi!”. Từ hai ghi nhận, tác giả bộc bạch nghĩ suy:

Hai chuyện nhỏ làm tôi một đêm cả nghĩ/… Có phải thành phố này lên cao từ những điều rất nhỏ: sự rạch ròi, sòng phẳng tiền boa/ cả lịch lãm một lời xin lỗi?” (Hai chuyện nhỏ ghi ở New York).

Nhà thơ Trần Quang Quý (1955 – 2022) và bìa tập thơ “Siêu thị mặt”

Tập thơ Siêu thị mặt là những nghĩ suy như vậy. Nhà thơ ghi nhận những hiện tượng xã hội, qua đó tra hỏi về bản chất của sự việc, đâu là chân lý, đâu là đúng – sai, phải – trái. Con mắt và trái tim nhà thơ hướng về cuộc sống xung quanh mình: Một chiều cafe ở Hồ Tây (Giọt chiều), chú bé đánh giày ở vỉa hè (Giai điệu vỉa hè). “Hai người mẹ, hai số phận có cùng tên Nỗi đau” (Khác biệt và không khác biệt). Một em gái “rời làng ra phố bán hoa/…những tưởng em ra phố để đổi đời/ phố cũng chỉ là một cánh đồng khác” (Sắc hoa). Buổi sáng nghe tiếng “chim khướu hót từ chiếc lồng nhà hàng xóm” (Tiếng của loài chim), gặp “… cả một siêu thị mặt/ nhỏ to, ngắn dài, tròn méo, buồn vui, cáu giận hay lạnh tanh chảy thành dòng/ trên phố…” (Siêu thị mặt). Rồi quan sát những đồ vật trong nhà: một cái chăn, một ngọn đèn dầu, một chiếc xe đạp thời khó nghèo. Nghĩ về Huyền thoại bên máng lợn, về nước mắt đàn bà (Nước mắt). Ở Tam Đảo, mây sà xuống cửa sổ: “Tôi lùa tay vớt cõi phù vân bên khung cửa sổ nhà nghỉ…” (Một mây Tam Đảo). Buổi trưa ở Mũi Đao, “… gọi em để mua một đôi ngàn đồng sim”. Trong quán nhậu ở Củ Chi, lai rai với món bò luộc, mắm nêm, và Những bản tin hàng ngày “… về cuộc đọ súng ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á/ những phụ nữ đánh bom liều chết… những cuộc đấu trên sân khấu chính trị và người dân nghèo chết mòn trong bạo bệnh/… bệnh viện chật cứng bởi đột quỵ và tim mạch…”.

Ghi nhận như vậy để thấy trái tim nhà thơ hướng về môi trường sống đương đại, nghĩ suy về những vấn đề của hôm nay (những năm đầu thế kỷ XXI), phản ứng với tâm thức của người trong cuộc hôm nay, không dựa vào quá khứ để tụng ca sử thi, không “Ăn mày quá khứ” để tự gắn huy chương cho cái Ta, cũng không tự huyễn hoặc như “Cái thời lãng mạn”.

Nhà thơ cũng tự soi vào lòng mình để thấy những nỗi buồn. “Có năm tháng nào lòng ta buồn hơn/ nỗi buồn khắc vào mặt thế hệ hình thập ác” (Khác biệt và không khác biệt). “… Có thể một người lẫn trong bao người khác/ anh vẫn một cánh đồng ngày xưa gieo hạt/ hạt khổ đau” (Những ngày xưa). Đó là nỗi buồn của mọi kiếp người (Câu hỏi), về những bi kịch của đời (Không đề), và nhà thơ “Không biết chôn nỗi buồn vào đâu” (Cảm). Trong hành trình “đi tìm mê lộ bờ cong, mê lộ hoàng hôn/ chợt mắt xưa ngơ ngác cổng thế hệ…”, nhà thơ tự thú nhận “… tôi chỉ là người bại trận” (Cuộc cờ), và ý thức về sự bé nhỏ của kiếp người với thời gian vô tận: “Ngày như chiếc bóng lẻ ta/ ta như chiếc bóng của ngày/ vô tận” (Ngày).

Nhà thơ không dừng ở sự quan sát hiện tượng mà soi vào bản thể con người để thấy rõ những gì là thật – giả, những gì là vĩnh cửu và hư không, cả những niềm tin vẫn còn. “sự thật có thể không mang gương mặt thật/ ảo ảnh tự ru mình/ hư danh thường ầm ĩ” (Lập ngôn). Và đây là Lẽ thường: “Người khi vui rồi lại khi buồn/ khi dửng dưng mặt lạnh như đá/ lúc giận hờn cũng tạnh như không/ Có cuộc đời thoáng như mây khói/ thế gian nhỏ bé và mong manh/ có người khắc vào ký ức ta vết khắc không tàn/ cuộc đời mà/ là thế!”. Nhà thơ nhìn đời bằng con mắt thứ ba: “cõi đời, nhìn con mắt mở/ cõi người, nhìn con mắt nhắm/ Từ mẫn cảm về thời, từ tiếng gọi những vết bầm ký ức/ tôi học nhìn bằng con mắt thứ ba” (Học). Con mắt thứ ba, còn gọi là Huệ nhãn, là khả năng thấu thị những gì không nhìn thấy bằng mắt thường (nhục nhãn). Nhờ thế nhà thơ đã nhìn thấy giữa một thế giới của đối trọng và nghịch lý, vẫn còn hy vọng: “em bé đánh giày rửa đức tin bằng uy tín màu xi/ chị hàng rong đi rao cơn mơ số phận/… những bàn tay cùng chìa trong bão lũ/ mái phố rêu phong gục vào chiều cổ thụ/ mong đức tin nảy mầm…”.

Trong tập thơ, Trần Quang Quý không vươn lên hướng thơ tư tưởng, mà cháy lên cảm hứng thế sự với diễn ngôn có ý phê phán thực tại xã hội. Cảm hứng xót xa ẩn trong sự miêu tả những cảnh đời, những phận người “dưới đáy”, những tương phản gương mặt và lối sống nhầy nhụa. Nhưng ngòi bút Trần Quang Quý đủ tỉnh táo để không đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm”, không miêu tả cụ thể những mặt tiêu cực của xã hội, không ám chỉ bất cứ loại người nào trong Cuộc cờ. Câu thơ được cắt gọt hết ngoại hình ngoại cảnh, để chỉ còn lại cái lõi của vấn đề, và vấn đề ấy những người thiện tâm đều có thể chia sẻ, cho nên dù nhà thơ có lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt thì thơ vẫn vượt lên trên bờ bến hiện thực.

Những cái mặt mày râu nhẵn nhụi

những cặp môi mỏng quẹt và cái mồm ống thổi lụng bụng lưỡi

chúng thường hát đồng ca phản trắc và sống nhạt 

(Cuộc cờ)

Trên sân khấu người ta vừa quét dọn

có hình những chiếc mặt còn in bóng lộn mặt sàn

chúng đã diễn quá lâu…

… hãy lột chiếc mặt nạ tự phỉnh mình 

hãy lộn túi những mớ chữ mị dân 

(Quen)

Với tư cách người làm thơ, Trần Quang Quý không thôi trăn trở về sự trì trệ, về lối mòn, sự lặp lại và cả sự “gục ngã” trên đường sáng tạo:

Để gieo được một hạt ý tưởng

có thể phải ngã gục trên cánh đồng cày ải tư duy 

… Tôi đã mang cơn mơ gieo hạt

từ chiếc thúng cảm thức đựng nỗi buồn mùa lép

ám ảnh lối mòn tri thức

như vẫn gặp những con bò nằm nhai lại rơm khô  

Không gì đến dễ dàng, tôi biết.

(Tự giải)

… Chiếc ghế nhẵn một chỗ ngồi, ngày buồn nhão một gương mặt

có gì mòn mỏi hơn bằng giam cầm trong nhàm cũ

có gì mê muội hơn bằng ngủ sâu trong cái bóng chính mình?…

(Ngày nhạt)

Có lẽ nhờ Tự giải những “Ngày nhạt”, để thực hiện “cơn mơ gieo hạt”, Trần Quang Quý đã tự làm mới thơ mình. Trần Quang Quý xuất hiện từ những năm 1990, Siêu thị mặt in năm 2006, giữa cao trào “thơ trẻ khó hiểu” và những nỗ lực ào ạt cách tân thơ Việt, nhưng Trần Quang Quý vẫn giữ được mạch thơ truyền thống và góp phần vào kiểu thi pháp mới khác hẳn thi pháp thơ thời chống Mỹ. Trần Quang Quý hướng về những vấn đề của hôm nay, sử dụng kiểu ngôn ngữ hôm nay, trần trụi, mới lạ, đảo lộn. Tuy vậy, Trần Quang Quý phản đối những thể nghiệm kiểu “thích mân mê chiếc áo vỏ hình thức/ đôi lúc hoắng trò chơi sắp đặt.” (Bờ khác của tư duy).

Thơ Trần Quang Quý là những phát ngôn trực tiếp, là nhận thức có khuynh hướng tư tưởng, nhưng không phải là tư tưởng triết học, mà đó là những kinh nghiệm của bản thân. Đây là những phát ngôn:

Có những điều lớn lao mà không cần lý giải

có những việc tầm thường khoác vỏ đại ngôn…

… sự thật có thể không mang gương mặt thật

ảo ảnh tự ru mình 

hư danh thường ầm ĩ

(Lập ngôn)

Vì thiên về suy nghĩ, thơ Trần Quang Quý cũng thiên về lập tứ. Nhiều bài ý tứ được trình bày theo kiểu tư duy quy nạp. Câu thơ thường ngắn lại để khẳng định.

Bài thơ Vết là một thí dụ:

Cánh rừng xoá vết chém lưỡi rìu bằng thân cây ứa nhựa

con đường xoá dấu chân bằng phế hoang cỏ

Người ta thường nô lệ ký ức

ký ức làm sao xoá?

Anh đã từng khép lại bóng hình em

và trái tim suốt đời đi vá sẹo

Sau khi dẫn ra hai hình ảnh Cánh rừng xóa vết chém và con đường xóa dấu chân, nhà thơ đưa ra hình ảnh thứ ba tương phản: người ta làm sao xóa được ký ức. Từ đó dẫn đến chủ đề: Trái tim anh suốt đời đi vá sẹo. Đó là cách lập tứ quy nạp. Câu thơ cuối thường chứa đựng chủ đề. Hầu hết các bài thơ của Siêu thị mặt được lập tứ như vậy. Xin đọc: Đồ vật, Mặt, Câu hỏi, Không đề, Cuộc cờ, Giọt chiều, Điệp khúc những ngón chân, Tiếng của loài chim, Ngày, Răng và lưỡi, Khác biệt và không khác biệt, Sắc hoa, Tự giải, Quen, Lập ngôn, Mũi tên, Bên sông, Nước mắt, Hai chuyện nhỏ ghi ở New York, Những chiếc cốc mơ lành, Những bản tin.

Nhưng Thơ Trần Quang Quý gây ấn tượng ở kiểu ngôn ngữ “Thơ trẻ”, và những bài hay trong tập thơ là những bài có kiểu ngôn ngữ mới lạ này. Xin đọc Bầy rốn, Giọt chiều, Mắt thu, Khoảnh khắc, Châu thổ, Huyền thoại bên máng lợn, Tự giải, Ngâu Huế, Một mây Tam Đảo, Trong quán nhậu ở Củ Chi.

Từng nghe tiếng mưu sinh ì oạp lòng máng gỗ

đèn khuya đỏ mắt đêm

sương sớm gột mái đầu thôn nữ

gió hanh mùa, nghe rạn gót quê

Tuổi xuân của em là nối dài những chiếc máng lợn

chiếc máng hầu bao hy vọng

và một ngày những giấc mơ đến thật lạ

em cưỡi trên chiếc máng, bay qua những bờ tre lầm lũi

có một chân trời tít tắp và lấp lánh vẫy gọi

những bến sông chôn đứng con đò

thành phố mọc từ bờ ẩn ức…

(Huyền thoại bên máng lợn)

Đoạn thơ có những từ được lạ hóa bằng cách đặt vào một trường ngữ khác nghĩa với trường ngữ bình thường (Ì oạp, đỏ mắt đêm, bờ ẩn ức), có những cách diễn đạt mới lạ khác thường do cách sử dụng những ẩn dụ liên tưởng qua nhiều bước, có cả giấc mơ Siêu thực. Giấc mơ “em cưỡi trên chiếc máng, bay qua những bờ tre lầm lũi./ có một chân trời tít tắp và lấp lánh vẫy gọi/ những bến sông chôn đứng con đò/ thành phố mọc từ bờ ẩn ức”. Nghệ thuật ngôn ngữ này khác hoàn toàn với ngôn ngữ thơ truyền thống và ngôn ngữ thơ thời chống Mỹ. Trần Quang Quý đã có những đóng góp vào sự cách tân thơ Việt ở kiểu tư duy nghệ thuật này. Tôi rất thích Giọt chiềuMắt thu, Ngâu Huế, Một mây Tam Đảo vì ở những bài thơ này, Trần Quang Quý còn bộc lộ chất tài hoa thi ca nữa.

Dù mới lạ, thơ Trần Quang Quý đọng lại rất sâu ở tình cảm yêu thương mãnh liệt những phận người, ở sự thấm thía nỗi buồn thế sự bên dưới những ghi nhận, nghĩ suy và ở sự tài hoa ẩn trong sự bộc trực, gân guốc ngôn từ. Những bài thơ tình hiếm hoi cũng chứa đựng năng lượng cảm xúc có sức bùng nổ.

  1. Màu tự do của đất – “Ánh sáng của một ngày tự thức”

Trong bài Đồng loại, nhà thơ Trần Quang Quý tự hỏi: “Ta là ai? Câu hỏi đã xưa rồi/ và điều đó chỉ riêng ta biết/ ta là cả muôn loài, duy một điều khác biệt/ ta vẫn phải suốt đời mang gương mặt là ta!”. Đến cuối tập thơ, nhà thơ nói đến ánh sáng “tự thức,/ đánh thức bản nguyên,/ ánh sáng khoan thai trong khung cửa ngộ thức,/ hình như tôi vừa tự mở khóa mình” (Sự sáng). Những dấu chỉ ấy phải chăng là hành trình tự nhận thức cá tính sáng tạo của nhà thơ, cũng là sự thức tỉnh trước thực tại thơ Việt để tự khai mở con đường thi ca của mình. Đâu là con đường Trần Quang Quý tự thức?

Tập thơ Màu tự do của đất của nhà thơ Trần Quang Quý

Phóng túng gì bằng được giải phóng lời khỏi những mật ngữ

hứng khởi gì bằng bóc vỏ tự do

nghe trái tim cuộn chảy dòng máu nhân sinh

nghe sự thật bong ra khỏi vai diễn

nghe cội rễ tự nhổ khỏi đất cằn những ngày nhạt

(Có những điều giản dị)

Tự thức là “bóc vỏ tự do”, “giải phóng lời” để “trái tim cuộn chảy dòng máu nhân sinh” và “bong ra khỏi vai diễn” để sống thật, thoát khỏi những “ngày nhạt”. Những điều ấy là những điều giản dị, nhưng trong cõi nhân gian này, thì đâu có dễ. Tự do bị bọc vỏ, hay chỉ có vỏ bọc, phải bóc vỏ để tự do trở thành đất của mầm mơ ước/ những chói sáng thăng hoa lại bắt đầu từ những hạt tự do (Bầu trời phi lý thuyết). Khi tự do bị bọc vỏ thì lời cũng bị cầm tù, vì thế phải giải phóng lời, để cả một thời đại đừng nói ngọng nữa (Giọng). Làm sao để “trái tim cuộn chảy dòng máu nhân sinh” khi mà bao nỗi oan khiên dâu bể vẫn bày ra trước mắt mà nhà thơ phải câm lặng!

Ngay trong tập thơ này, có được bao nhiêu bài “tự thức” như thế? Bao nhiêu bài trái tim nhà thơ “cuộn chảy dòng máu nhân sinh”! Gần như những vấn đề “nóng” của ngày hôm nay không có mặt trong tập thơ (?), hoặc nếu có, cũng chỉ là ẩn dụ bóng gió, như thể đó là việc chẳng phải của ai. Xin đọc:

Sau tất thảy trận mạc, khúc bi thương hay khúc oai hùng

chiếc gươm ngủ giấc hào quang

hay thức mòn trong bi kịch những vết chém?

Bỏ lại phía sau tiếng mài rợn đá

những tiếng mài gọi nhau từ toát lạnh vỉa tầng tử khí

tiếng mài của đớn đau và bi kịch sự mài

tiếng nghiến răng lịch sử

còn khía những vết thương hòa bình

Những giọt máu đã khô trong lạnh lùng ánh thép

chiêm ngưỡng gì thân phận một cây gươm?

trên con dốc thời gian gập bóng những lát cắt số phận

mỗi vết thương lại khai quật nỗi buồn

và nỗi buồn không muốn một thanh gươm

nằm rỉ máu vết thương ký ức 

(Chiếc gươm trong bảo tàng – 1/8/2011)

Hãy bỏ những từ ngữ làm hoa mỹ bài thơ, nội dung bài thơ toát lên sự oán ghét chiến tranh, bởi chiến tranh gây ra những điều khủng khiếp: “Những giọt máu đã khô trong lạnh lùng ánh thép/ chiêm ngưỡng gì thân phận một cây gươm?”. Chẳng lẽ lại đi chiêm ngưỡng cây hung khí đã để lại những vết chém trên những số phận, đã gây ra bao nhiều đau buồn, máu chảy đầu rơi? Hỡi người! Có nghe không “tiếng nghiến răng lịch sử”, tiếng oán hờn của bao sinh linh! Trần Quang Quý nói về thanh gươm trong viện bảo tàng là nói về chiến tranh thời chưa có súng đạn,… Nhưng những số phận, những bi kịch vết chém, những đau đớn do thanh gươm chiến tranh gây ra thì hôm qua, hôm nay hay mai sau đều giống nhau, cho nên dù chỉ là chuyện trong bảo tàng, thì những vết thương hòa bình vẫn rỉ máu, những số phận bi kịch vẫn không thôi đau đớn. Ý thức là vậy, nhưng Trần Quang Quý đã không thể nói cụ thể cuộc chiến nào! Bài thơ chỉ là một ẩn dụ (có lẽ để có sức khái quát), nhưng thanh gươm thật chắc chắn là có lịch sử. Ngôn ngữ thơ Trần Quang Quý có sức mạnh như những nhát gươm, chém vào tâm thức con người hôm nay trước những bi kịch của dân tộc, ai cũng biết nhưng không nói ra, không thể “giải phóng lời”!

Trong tập thơ này, những bài thơ nói được những vấn đề của dân tộc là những bài thơ hay và có sức mạnh lay động thấm thía. Xin đọc: Từ đất, Bài hát tháng Mười, Đàn bò vào phố, Đồng loại, Nỗi buồn hát,… Màu tự do của đất đau đáu nỗi niềm làm sao một dân tộc thoát khỏi lam lũ đói nghèo, làm sao người nông dân không bị mất đất:

Liềm hái thèm ngày thôi gặt gió sương

người nông dân thèm tự do được giải phóng mình khỏi nhọc nhằn cơ bắp

và tự do đầu tiên lại là tự do không thoát ly bùn đất

tự do của mồ hôi

tự do neo đời mình vào cánh đồng sương gió

Để nói những vấn đề của hiện thực, Trần Quang Quý dùng nhiều hình ảnh biểu tượng và cách nói ẩn dụ. Chiếc ghế là biểu tượng quyền lực. Trên ghế là “những gương mặt mộng du quyền lực”, “trên ghế những mặt đời sấp ngửa” (Mặt ghế); “Ngọng” là biểu tượng cho cả một thời đại: “ngọng ở góc làng, ngọng loanh quanh nửa quê nửa phố/ ngọng lên xe hoa/ ngọng nhà không số/ ngọng huyên thuyên vào cả diễn đàn (Giọng). “Chiếc đinh” là hình ảnh tội ác. Nó thi hành mệnh lệnh “Cắm vào nỗi đớn đau kẻ khác từng milimet”, để thực hiện những “đòn thù” một cách “hiểm độc” (Chiếc đinh)… Nhiều bài thơ, trái tim nhà thơ chạm vào được những vấn đề nhân sinh, nhưng không có gì cụ thể. Phải chăng đó là cách nhà thơ “tự mở khóa” để thoát khỏi những phiền toái của bút pháp hiện thực?

Thoát khỏi bút pháp hiện thực, Thơ Trần Quang Quý bay bổng trong thế giới lãng mạn. Những bài thơ này mang được khí chất lãng mạn – tài hoa – phóng túng của Trần Quang Quý. Xin đọc: Sơn Tây, Điệu thức Cao Bằng, Đàn môi, Ngựa đêm, Một chấm nhân gian, Vết của mùa thu, Uống rượu ở Bangkok… Trần Quang Quý thả mình bay bổng, và phóng bút làm rung chuyển mọi cung bậc tưởng tượng và cảm xúc, đặc biệt là sự “giải phóng” những ẩn ức phồn thực (?) (Vết của mùa thu, Đến, Đàn môi, Sự hình dung).

… Tôi cưỡi mây trắng bay điệp điệp sông Hồng

bay phiêu du bằng dân dã hồn làng

có cánh diều làm nghiêng cả một vòm trời lãng mạn

có bầu trời tự do thúc ngựa hí những khát dâng trong ngực

có trái tim già dắt trái tim non đi vấp váp trên con đường nhân bản

nối đời này đời nọ gió lành Sơn Tây…

(Sơn Tây)

Em có biết cơ thể em chứa bóng tối của tôi

chúng mò mẫm bóng đêm dục cảm

qua đôi vú căng thơm bình minh

và toả sáng khát vọng

đôi vú, một bầu trời đang cơn chuyển động

chứa phồn thực mùa hè giấu mùa đông ngún lửa

(Sự hình dung)

Vì bay bổng lãng mạn và sử dụng kiểu ngôn ngữ tượng trưng như thơ Lãng mạn trước 1945, nhiều bài thiếu máu thịt đời sống thực, ngôn ngữ bay bướm muôn sắc màu lơ lửng trên tầng không. Xin đọc: Buổi sáng, Ru cỏ, Lại nhớ tóc dài, Nỗi buồn hát, Chảy, Trong mưa, Đàn môi…

Trên vai tôi dòng lưu chảy từ cổ xưa lại ào ạt chảy

có giọt vắt ra từ đá lạnh

có giọt tẩm liệm trên những hàng mi ướt lại quay về

những dòng sông lang thang thế gian như quên mình có một nguồn

biển gầm rỗng đại dương, một ngày đọng về mềm oặt cỏ sương

(Trong mưa)

Câu thơ chỉ là những suy tưởng, những liên tưởng không bấu víu được vào bất cứ mỏm bờ hiện thực nào trong cõi người (?). Những bài thơ không hồn vía, khí sắc, máu thịt đời sống này, làm rỗng tập thơ. Nó có thể là một cách nhà thơ “tự mở khóa”(?) nhưng mở ra con đường dẫn nhà thơ đến đâu?

Cũng may, cội nguồn thơ Trần Quang Quý là đời sống hầm hập sức nóng “những dấu hỏi ngược về cổ xưa tiền kiếp” (Bài hát tháng Mười), ngày thấp thỏm, đêm chập chờn vì “những con mắt gài quanh bờ giậu” của rắn, của bầy chó đồng loại (Đồng loại), và biết đâu những chiếc đinh sẽ đóng đòn thù sâu vào những thân phận nhỏ nhoi (Chiếc đinh)…; thế nên những phút bay bổng chỉ làm dịu mát một khoảng sân thơ… Những câu thơ về mẹ, về làng quê, những yêu thương và khát vọng, đích thực căn cốt của hồn thơ Trần Quang Quý.

Ta gọi sẻ, gọi những mùa thơm hạt

nhớ mái hiên chiều mẹ ta sàng gạo

dưới tay Người rào rạo mắt thời gian

mẹ sàng cả tiếng chim, lăn líu ríu từng chùm lên mặt đất

cái tiếng chim nhỏ nhoi, ta thương sẻ loài chim không biết hót

cả một đời chiêm chiếp tiếng sẻ thôi

(Gọi sẻ)

  1. Ga sáng– Nơi ký ức vọng về

Ga sáng tiếp tục mạch thơ từ Siêu thị mặt nhưng đã có những bước chuyển. Trần Quang Quý tiếp tục suy tư về lẽ đời bằng sự trải nghiệm, nhưng thế giới nghệ thuật Ga sáng là thế giới của ký ức. Nhà thơ nhớ lại, nghĩ suy về những gì đã qua, để tâm hồn “bay bằng đôi cánh cảm xúc” (Ở Xuân Lũng giờ này), “bay trên đôi cánh lãng mạn” (Sông Đà) và liên tưởng miên man. “Thơ đổi mới” trở về “thơ truyền thống”. Cái Tôi trữ tình là yếu tố trung tâm, thu hút những lát cắt hiện thực vào tâm tưởng và tỏa ra những suy tư, những nhận thức và cả cảm giác trải nghiệm (Bản Concerto số 9).

Có thể đọc Mưa Tiên Điền như một đặc điểm thi pháp thơ của Ga sáng

Chiều thắp hương xong trên lăng mộ Nguyễn Du

mưa đổ bến Giang Đình, mưa vắt phố

mưa Nghi Xuân níu bờ sang Vinh

mưa như rượu

tưới lòng nhân ái

mưa như chan nước mắt nàng Kiều

hay nước mắt Nguyễn Du cũng không biết nữa

hay nước mắt trời ứa nhân gian?

Nào em nào em xích lại gần hơn

anh sợ tuột em vào cơn mưa lạnh

sợ bàn tay suông

mắt hờ hững

sợ Giang Đình lạc bến gió liêu xiêu

 

Trong Nguyễn Du đâu chỉ một nàng Kiều

cơn mưa dắt muôn ngả Kiều cộng lại

máu đã rỏ hồn Người trên ngọn bút

mỗi câu thơ chắt cạn nhân gian

chắt tâm sự một tâm hồn lớn

hóa cơn mưa tưới ngọt Tiên Điền?

Anh nắm tay em sợ tuột vào hoang gió

Sợ tuột Kiều

Vào trống vắng thành Vinh

(Bến Thủy, 2h15 ngày 4/12/2015. Dự lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du)

Bài thơ chỉ có một chi tiết hiện thực là Chiều thắp hương xong trên lăng mộ Nguyễn Du thì trời mưa. Nhà thơ lan man suy tưởng về mưa, về nàng Kiều và về Nguyễn Du. Phép so sánh trùng điệp được sử dụng triệt để, diễn đạt những ý tưởng sinh sản. Nhân vật em (tưởng tượng) chen vào bài thơ chút ngọt ngào tình tự nhưng không liên quan gì đến nghĩ suy về Kiều và Nguyễn Du. Thấp thoáng cái nhìn của nhà thơ về đời bể dâu: “mưa như chan nước mắt nàng Kiều/ hay nước mắt Nguyễn Du cũng không biết nữa/ hay nước mắt trời ứa nhân gian?”, “cơn mưa dắt muôn ngả Kiều cộng lại”, “Bao nhiêu cơn mưa đổ xuống cuộc đời/ Bao trú ngụ cuộc đời tốc mái?” (Những cơn mưa). Đâu đó là một nỗi “sợ” mơ hồ về sự vô cảm: Sợ “bàn tay suông/ mắt hờ hững…/ sợ lạc bến/ sợ trống vắng.” Có cả những lúc hoang mang hiu quạnh (Họa mi hót). Vì là thơ tâm trạng, chất hiện thực rất mỏng (được dấu trong ẩn dụ) nên những suy tư chưa đủ sức nặng để lay động, dù nhà thơ có liên tưởng từ nước mắt nàng Kiều đến nước mắt Nguyễn Du để dẫn đến nước mắt trời ứa vì nhân gian, nhưng cái nhân gian hiện thực hôm nay, “những điều trông thấy” hôm nay thì Kiều chưa đủ sức đại diện. Chính Nguyễn Du ngày xưa cũng đã né tránh, ông đã không ghi một dòng nào về lịch sử xã hội Việt Nam trong Kiều. Trần Quang Quý nhắc đến Nguyễn Du và Kiều chỉ là nhắc lại quá vãng, gợi một chút gì đó còn trong ký ức.

Nhà thơ có cả một bảo tàng ký ức (Ở Xuân Lũng mùa này), biển ký ức: “… biển đổ ròng ròng ký ức” (Bên biển Phú Quốc), và “những nhớ thương ùa sóng cả…” (Một bờ sông Hậu) trong đó có những tầng ký ức (Về những sợi tóc). Ký ức không rơi rụng: “Đã bao mùa rụng lá, cây bàng không rụng được ký ức… (Café Paris). Ký ức in hằn trong tâm tưởng: “Tôi vẫn nhớ… những vệt lõm dấu chân đã hằn ký ức” (Dấu chân). Và hương ký ức tỏa mãi (Hoàng lan), đến nỗi người thơ ví mình như con dế “bị nhốt trong hộp ký ức” (Trên bức tường rào gạch). Bởi vì, “Làm sao quên chiều sân ga 1972/ Cha tiễn tôi,… (Trở lại sông Thao), làm sao quên “ngõ làng mùa rê thóc/ mẹ đội lễ sang bà ngoại ngày giỗ chạp” (Sông Đà). Làm sao quên “… đêm cà phê Paris/… ngày bạn đi mãi mãi tại nơi này”. Nhớ thuở áo tơi gầy tướp gió (Bóng quê), nhớ: “nơi anh và em cùng ngồi dưới vòm xanh tỏa bóng/ người ta đã đốn cây rồi” (Nơi cũ), giờ “nhìn đâu cũng em, đâu cũng là ngày ấy” (Mưa Sài Gòn), “Ngày ấy, em thiếu nữ 18” (Những giọt sương lãng mạn), Nhớ “mắt em… ngước nhìn anh trong thế giới đang héo hắt lãng mãn” (Bản concerto số 9). Nhớ một lúm đồng tiền ký gửi trong ngân hàng tình cảm (Ngày Vinh), nhớ “bản hòa tấu em chọn cho anh…” (Bản hòa tấu tình yêu). Và nhớ Tôi ngày xưa, “Tôi ngược tết…/ gặp lại tôi… thơ bé/ (Ngược tết), “bầy dế gáy vang chân trời cổ tích (Khởi cỏ)…

Trong thế giới của ký ức, nhà thơ bộc lộc tất cả cung bậc cảm xúc thương yêu của mình. Dù thời gian có làm rơi rụng tất cả thì vòm trời yêu thương vẫn xanh và hạt gốc nhân bản vẫn nảy mầm.

… tôi bay bằng đôi cánh cảm xúc quanh những gò đồi/ chim sẻ ríu ran gọi mùa về trên vòm cây tháng tư/ hoa xoan vừa thoát tục…” (Ở Xuân Lũng giờ này).

… Ngày ấy, em thiếu nữ 18, hai bím tóc nhí nhảnh/ mắt em hai giọt sương tinh khiết treo trong mắt anh/ treo 35 năm bây giờ chưa rụng… Ngày ấy, anh lính 23 ngu ngơ trở về khát vọng học trò còn dở dang đèn sách/ chiến tranh đóng cũi bao ước mơ …” (Những giọt sương lãng mạn).

Bà nội mất, còn day dứt nỗi buồn cháu không kịp về nhìn mặt lần cuối/ may có cô, cháu thấy bà như vẫn đâu kia… Thương cô lưng còng, lại nhớ bà khôn xiết/ Và kỳ lạ, mỗi lần về quê chợt lòng yên tĩnh/ Bóng cô kia hay đó bóng bà thăm thẳm một đời quê” (Bóng quê).

Trong vòm trời xanh của ký ức, Trần Quang Quý thổ lộ: “Cứ mỗi lần ngước lên bầu trời tôi tự hỏi…” đàn sếu bay hình mũi tên trên bầu trời có “mật chỉ” gì?. Nhà thơ tự hỏi Về những sợi tóc rụng, về sự sắc nhọn của những chiếc gai, lắng nghe Bài hát của chiếc giày, nghe một quả rơi tiếng hạt nảy mầm, cảm nhận hương thơm của Hoàng lan, của hoa sen “nhụy vàng mây, thơm nõn gió/ hương sắc thu muôn tinh tú”, chiếc lá bồ đề mang về từ đất Phật, cả chuyện Trong bình rượu bìm bịp: “Bổ gì, rựơu bìm bịp/ khi ta uống là cạn ly xác chết/ ta uống cả tiếng kêu thảm thiết/ vẫn đang còn vỗ cánh ở ngoài kia”.

… Không phải cái gì mất cũng tìm được

có cái tìm được thì đã mất…

(Hoàng Lan)

… mưa như chan nước mắt nàng Kiều/ hay nước mắt Nguyễn Du cũng không biết nữa/ hay nước mắt trời ứa nhân gian?

(Mưa Tiên Điền)

Tác giả ghi nhận đời sống ở Ấn Độ: “người Ấn thản nhiên trong lam lũ”. Nhà lụp xụp, người thợ xây đội từng bao xi măng, những chiếc xe lôi lầm lũi trong khuya. Đường phố của phân bò, phân chó, phân dê, phân ngựa, nước tiểu và rác thải/ thì cũng chẳng có gì phải vướng bận”. “Tất cả cùng cười/ gương mặt giữ nhau đầy an lành”. Tác giả tra hỏi: “Dường như phía sau những gương mặt cần lao kia/ phía sau những ngôi nhà lầm lũi, tự do bò rống và lợn chạy/ có một Ấn Độ khác, một tinh thần khác/ một tinh thần văn minh lạ kỳ… Tôi bỗng hiểu vì sao… nơi này Phật ngộ” (Có gì lạ phía sau Ấn Độ?)

Từ những vật cụ thể gần gũi, Trần Quang Quý mở rộng suy tư ý nghĩa nhân sinh của Hoàng hạc (Hạc vàng), về Lý Bạch, Nguyễn Du, về dân tộc Ấn Độ…

Hạc vàng đã bay/ Liệu còn hạc nào in trên bầu trời…/ …Lý Bạch tiên thi trước Thôi Hiệu cũng đành nín bút… một vòm trời biền biệt hư không/ Trường Giang, Trường Giang những ly biệt đời người/ đâu bến thành danh đâu bến vô danh/ còn lại bóng thi nhân… (Hạc vàng).

Tôi không hy vọng chiếc lá bồ đề mang về phép màu nhiệm nào/ nhưng ít nhất, chiếc lá đang reo trong tôi bài hát của rừng nguyên thủy/ chiếc lá thức trong tôi ngọn nến thắp lòng thiện/ ngay cả chính nơi không có bóng Phật” (Những chiếc lá bồ đề).

… Tôi gọi hạt tôi… xanh cây che mỏng nỗi người/ ít nhất biết mỉm cười trước rừng lưỡi gièm pha, và bủa vây ganh tỵ” (Gieo).

Điều đáng quý ở nhà thơ là một tâm hồn xanh trong. “Tôi gọi hạt tôi… xanh cây che mỏng nỗi người”.Chiếc lá bồ đề “thức trong tôi ngọn nến thắp lòng thiện”. “Tôi ăn ngủ cùng chữ tháp tùng chữ bước vào những số phận”. “Hy vọng từng ngày làm lại tương lai”.

Tập thơ Ga Sáng và tập thơ namkau

  1. Namkau– Định vị một khuôn mặt

Trong hỗn độn mớ tôi

tôi đã từng đột phá đi tìm

bản thể

Sự khám phá có khi thật giản dị

có người suốt đời đi không tìm được chính mình

(Tìm 2)

Nhà thơ đi tìm bản thể là tìm chính mình, là xác định mình là gì, khác người khác cả về nội dung và nghệ thuật thơ trong hành trình sáng tạo. Tất nhiên một tập Namkau chưa đủ quán xuyến tất cả đặc điểm cá tính sáng tạo của Trần Quang Quý, song nếu một giọt sương đong được cả mặt trời (Giọt sương ban mai), thì Namkau cũng đủ lấp lánh khuôn mặt thơ Trần Quang Quý.

Đã từng đi nát con đường

gỗ hương long mộng chân giường đứng ngây

Đã từng hẹn tuột vỏ cây

Gió ghen vần vũ đám mây tụt quần

Đã yêu yêu cạn mùa xuân… (Bước yêu)

Tôi chọn bài Namkau lục bát dễ đọc để định vị thơ Trần Quang Quý. Trần Quang Quý kế thừa thơ truyền thống bằng linh hồn của lục bát và ca dao tình yêu mang đậm chất phồn thực. Hò hẹn, đứng chờ, ghen tuông, và yêu “long mộng chân giường”; “tụt quần” để “yêu cạn mùa xuân” thấp thoáng trong bài ca dao. Trần Quang Quý bộc lộ khí chất mạnh mẽ trong việc dùng từ, đặc biệt là các động từ “đi nát con đường”, “hẹn tuột vỏ cây”,“đám mây tụt quần”, “yêu cạn mùa xuân”. Điệp từ “đã từng, đã yêu” góp phần tô đậm khí chất nam tính thơ.

Nhưng điều đặc sắc, mới mẻ của thơ Trần Quang Quý là góc nhìn mới và kiểu tư duy ngôn ngữ mới, làm cho bài thơ tình yêu quen thuộc có sức gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Dường như chẳng có liên quan gì giữa “con đường” (câu 1) với cái giường bị long mộng và “gỗ hương, đứng ngây” (câu 2). “Hẹn tuột vỏ cây” là một so sánh ngầm hoàn toàn mới lạ, bởi “hẹn hò” và “tuột vỏ cây” nằm ở hai trường ngữ khác nhau. “gỗ hương long mộng chân giường đứng ngây” là một cấu trúc câu lạ. “Gỗ hương” là một vật bất động, không thể làm long mộng chân giường, và đâu là chủ ngữ của “đứng ngây”? Cấu trúc câu tiếng Việt đã bị phá vỡ. Các hình ảnh được xếp chồng lên nhau, mà sự liên tưởng phải qua nhiều bậc mới với tới được. Và hơn thế, đã có sự phá vỡ mọi cấu trúc. Cấu trúc những cuộc hẹn hò, cấu trúc những cuộc yêu, cấu trúc không gian và thời gian và cầu trúc tâm trạng yêu của hay kẻ hẹn hò, muốn yêu long mộng chân giường và muốn sex (tụt quần) bạo liệt. Nếu người đọc không tái cấu trúc thơ, không vượt qua được những khoảng cách đòi hỏi liên tưởng nhiều bậc này, sẽ thấy thơ khó hiểu. Nhưng làm thế nào để kết hợp các cấu trúc đã bị đập vỡ để tạo nên một cấu trúc thơ mới, đó là sáng tạo, và đó là chất riêng Trần Quang Quý.

Xin đọc thêm một bài nữa:

Lâu lâu bạn đến nhà

ta ngâm men tri kỷ

rượu khai xuân chan nhau ngầu khuya

ta vì bạn dốc ta tận đáy

bạn về đáy rỗng lộn ngược ta

(Bạn đến)

Câu thơ đầu tiên gợi ngay đến bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến (Đã bấy lâu nay bác tới nhà). Nguyễn Khuyến với bạn là tri kỷ. Tình bạn, cảm hứng về uống rượu là những đề tài rất quen thuộc trong thơ cổ điển. Thơ Trần Quang Quý ướp hương cổ điển, nhưng đọc lại thấy mới lạ. Cái mới lạ của khí chất thơ: mạnh mẽ, táo bạo thấp thoáng phồn thực và “lộn ngược” kiểu ngôn ngữ truyền thống.

Người đọc hình dung ra nhà thơ và bạn uống rượu trong đêm xuân, uống đến khuya, như thể họ ngâm trong rượu. Rượu chưa đầy họ chan thêm. Có bao nhiêu rượu trong bình, họ dốc hết, dốc đến tận đáy. Sau đó bạn về, còn lại nhà thơ say, cảm giác mọi thứ đều lộn ngược.

Nếu chỉ như thế, cũng đã đạt đến cái ngất ngư “Đất trời nghiêng ngửa” của Vũ Hoàng Chương trong Say đi em. Điều lắng đọng của bài thơ là tình tri kỷ của nhà thơ và bạn, không phải là tình rượu. Nhà thơ đã dốc hết tình tri kỷ với bạn.

Cả bài thơ là cách diễn đạt bằng ngôn ngữ ẩn dụ và bằng sự phá vỡ các cấu trúc, tạo ra các lớp nghĩa chồng lên nhau, bắt người đọc phải tháo gỡ câu thơ ra, tái cấu trúc và liên tưởng nhiều tầng lớp, để lần ra nghĩa thực. Không phải khi bạn đến nhà thì nhà thơ mới đi ngâm men để làm rượu. Cũng không phải rượu của nhà thơ là rượu có vẩn đục (“ngầu”), cũng không phải nhà thơ và bạn trở thành hai gã say làm đục ngầu đêm xuân. Câu thơ: “ta vì bạn dốc ta tận đáy” đọc thế nào cho đúng cấu trúc câu tiếng Việt? “ta vì/ bạn dốc ta tận đáy” hay “ta vì bạn/ dốc ta tận đáy”? Cả hai đều không chuẩn ngữ pháp Việt. Diễn xuôi có thể là, “ta vì bạn [mà ta] dốc tận đáy [những gì] ta [có]”. Câu thơ trở nên lạ. Cũng vậy, câu thơ: “bạn về đáy rỗng lộn ngược ta”. Có ba mệnh đề chồng lên nhau: Bạn về, bình rượu rỗng đến đáy. Ta say, nhìn mọi thứ đều lộn ngược. Các chủ ngữ của “đáy rỗng” và “lộn ngược ta” bị giấu đi, câu thơ trở thành lạ. Và cái thú đọc thơ là sự khám phá những cái “lạ” ấy trong ngôn ngữ thơ Trần Quang Quý.

Nội dung, chủ đề nhiều bài thơ trong Namkau là những điều rất đỗi quen thuộc, nhưng nhờ nghệ thuật “lạ hóa” ngôn ngữ, và truyền vào ngôn ngữ cái khí lực dào dạt của tác giả, thơ Trần Quang Quý trở nên hấp dẫn. Muộn thu, Rêu Tháp Rùa, Tóc yêu, Vườn đêm, Tháng ba quê, Tươi, Dị biến… là những bài thơ rất riêng và hấp dẫn.

Tôi mọc rêu lên tận đỉnh Tháp Rùa

nghe gió mọc ngàn năm hoang cổ

sóng vặn đáy hồ mở sáng huyền ảo

Tháp Rùa cũng mọc rêu sang tôi

bằng ánh thép thanh gươm trả nợ

(Rêu Tháp Rùa)

Những bài thơ đọng lại được, lại là những bài chạm đến những vấn đề nhân sinh vượt ra ngoài những nghĩ suy của nhà thơ, và những bài thơ tình quê đậm hương ca dao. Những bài như thế không có nhiều trong tập Namkau:

Phố vắng tanh như phố bỏ hoang

Chỉ tiếng rao “muối đê” khía đến sót lòng

Muối ướp cứng cả thành phố lạnh

Người bán muối mang ngày thiêng đời mình đi bán lẻ

Hy vọng thu về những mảnh vụn mùa xuân

(Hà Nội sớm mồng 1 tết)

 

Những bông hoa nở bên hàng rào nhà ta

triền cỏ ven đê mê bước chân chiều

hoa nở tím làm mùa hè chùng lại

Bóng em vừa ngang qua ngõ ấy

bỗng tươi lại hồn làng

(Tươi)

Thơ năm câu (Namkau) mà Trần Quang Quý đề xuất có thể là một hướng đổi mới thơ ca. Tuy vậy, những bài thơ ngắn có các cấu tứ như namkau đã có trong tập thơ trước. Khi bị đóng khung vào một cái khuôn, tôi có cảm giác chật chội. Khí chất Trần Quang Quý là phóng túng, khi thì trữ tình – lãng mạn – bay bổng, khi thì mạnh mẽ – quyết liệt – cô đặc. Ngôn ngữ luôn vượt ra ngoài cái “chuẩn” thường ngày, và bị làm cho “lộn ngược”, câu thơ bị phá vỡ cấu trúc tạo ra nhiều lớp nghĩa. Khi ông bó mình vào khuôn namkau, sự phong phú khoáng đạt của thơ Trần Quang Quý bị ức chế. Mỗi bài namkau chỉ khai thác một chi tiết, một ý tưởng, và nhiều khi, những ý tưởng đó chưa đủ độ sâu tư tưởng, chưa đủ độ sung mãn của cảm xúc thơ, thành ra sức hấp dẫn của Namkau chưa bị hạn chế (Ngẩng, chiếc răng khểnh, Đỉnh, nằm, tiếng cá quẫy, Ngón, tiếng chim hót, Giọt sương, Thấy, Dìm, tiếng Violon…). Kiểu lập tứ quy nạp tuy có gây sự kinh ngạc phát hiện, song nhiều bài, câu kết phơi trắng ra tất cả. Ý tưởng nguyên vẹn là ý tưởng, chưa cất cánh thành thơ.

Bên sen thấy trời rộng

hương sen nâng ngàn dặm mây xa

hồ xanh dịu bằng màu hoa thanh khiết

Bí quyết ư, giản dị

cả vạn năm tu rễ ở bùn

(Sen)

Tôi nghĩ rằng kiểu thơ năm câu (namkau) chỉ đạt tới giá trị của nó khi thơ trở thành thơ tư tưởng như Tứ tuyệt hay Haiku chẳng hạn. Nếu chỉ là những ý nghĩ còn thô như: “Ngẩng lên là khoảng rỗng/ nhưng sẽ thấy bầu trời” (Ngẩng), hay “Khai quật đen/ phượng chắt đỏ hè” (Đỏ) thì namkau khó vượt lên như thơ Tân Hình Thức (Khế Iêm) chẳng hạn. Dù vậy, gần đây đã có một câu lạc bộ thơ Namkau (như câu lạc bộ thơ Đường, Câu lạc bộ thơ Lục bát). Tôi ủng hộ nỗ lực đổi mới thơ của Trần Quang Quý.

Một hành trình 

Mười năm thơ (2006-2016) là một hành trình sáng tạo. Trần Quang Quý tỏ ra sung sức và dồi dào năng lực sáng tạo. Tôi rất ít thấy Trần Quang Quý lặp lại từ ngữ, cảm xúc hay thi liệu. Dù viết lại một đề tài, ông vẫn có những khám phá mới. Hành trình ấy đã trở thành một con đường, và in rất đậm vóc dáng lực lưỡng nhưng thanh thoát của nhà thơ. Trần Quang Quý kế tục thơ truyền thống ở mạch trữ tình, ở những tình cảm yêu thương, những trăn trở về phận người, cả những cảnh ngộ bất hạnh. Dù ở New York, hay ở sông Hằng Ấn Độ; ở Sơn Tây hay ở Đất Mũi; trên bãi biển, trên những con đường quê hay ở giữa phố thị; dù đối mặt quyết liệt với hiện thực hay bay bổng với lãng mạn tình yêu hổn hển hơi thở phồn thực, nơi nào ông cũng ghi nhận, cũng cảm, cũng nghĩ và viết những dòng thơ đủ sức neo vào lòng người đọc ấn tượng thẩm mỹ, những nghĩ suy của ông hòa trong những nghĩ suy của người đọc.

Con đường thơ của ông là con đường “tự thức” để thực hiện “giấc mơ gieo hạt”. Ông từ chối: “Những cơn bão ngôn từ có lúc muốn lồng lên/ cả tiềm thức cũ mèm hay ngữ nghĩa vừa khoác manh áo mới từ vựng/ những con chữ cởi trần, không câu nệ xiêm y mỹ tự…” (Ngoặc đơn – Màu tự do của đất). Ông “tháo ngoặc” để con chữ được tự do. Và gần như ông tháo tung tất cả cấu trúc ngữ pháp, cấu trúc thời gian, không gian, cấu trúc câu truyện (xin đọc Bước yêu và Bạn đến ở trên) để tạo những cấu trúc mới. Ông từ bỏ những thi liệu cũ, những đề tài cũ, những cách viết cũ, những góc nhìn cũ mà nhiều nhà thơ cho đến nay vẫn “ăn mày quá khứ”, để dấn thân khai phá những “vỉa tầng” mới của tâm hồn thời đại. Với những nỗ lực ấy, Trần Quang Quý thực sự đóng góp vào sự đổi mới thơ Việt đương đại, sự đổi mới có ngọn nguồn truyền thống. Hướng đi này có nhiều triển vọng, bởi những nỗ lực đổi mới thơ Viết từ những năm 1990 đến nay theo hướng Hậu hiện đại dường như đã chững lại, trong khi Trần Quang Quý tiến về phía trước trong hành trình thực hiện “giấc mơ gieo hạt” của mình.

BÙI CÔNG THUẤN/VANVN