Trần Quốc Cưỡng & Con vật trung thành

960

28.02.2018-10:30

 Nhà văn Trần Quốc Cưỡng

 

Con vật trung thành

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN QUỐC CƯỠNG

 

NVTPHCM- 1. Gã chuyên nghề mua bán chó. Chiếc xe đạp cà tàng, chiếc lồng sắt vắt ngang, đôi chân cứng cáp, đôi tay dẻo dai, giọng rao ngai ngái buồn: “Ai bán chó hôn?”. Gã thong dong cưỡi xe vào buổi sáng. Cắm cúi đạp vào buổi chiều. Bộ quần áo bộ đội bạc phếch, xúng xính, phóng túng phủ ngoài tấm thân gầy như que củi, gương mặt khắc khổ, nụ cười méo xệch. Gã đích thị là Bốn Cầy.

 

Bốn Cầy nhưng không cầy. Tôi xác tín như thế. Một lần tôi tình cờ gặp Bốn trong quán nước ven đường. Bốn nhìn tôi không chớp: “Ông này sống nội tâm phải biết”. Tôi giật mình đánh thót, nhếch mép cười: “Mua chó còn bói toán”. Gã bật cười khanh khách: “Tôi nhận xét về ông bạn không sai chạy. Ông chột dạ, đúng không?”. Tôi ra vẻ dửng dưng, kỳ thật trong thâm tâm bắt đầu chú ý đến con người tưởng đâu bình thường này. Ném về phía gã một nụ cười thân thiện: “Ông mua chó, chứng kiến những cảnh chia biệt giữa người và con vật trung thành, có khi nào động lòng trắc ẩn chăng?”. Gã nhún vai, đáp nhanh như Google: “Có chứ ông. Chó nhà nghèo, chủ đành ngửa tay nhận tiền bán, mặt buồn rười rượi. Có khi cha mẹ bán chó, con lăn ra khóc. Tôi bất nhẫn không phải vì tiếng khóc của người, mà vì cái nhìn thăm thẳm buồn của con vật có nghĩa. Ông có tin là chó cũng biết khóc không? Hai giọt nước mắt lăn xuống khi chó ngồi trong rọ sắt nhìn chủ”. Té ra Bốn cũng nhiều tâm trạng. Tôi cứ ngỡ tiếng rao lạc lõng kia mặc kệ đời. Tôi phá tan cái không khí chùng xuống đặc sệt bằng nụ cười cố hữu: “Vì sao ông nghĩ tôi là người sống nội tâm vậy cha nội?”. Bốn cười ý nhị: “Tôi nhìn vào mắt ông thấy trong đó đọng chất suy tư. Gương mặt người tự nói lên tất cả ông bạn ạ”. Cách suy luận của Bốn chưa đủ sức thuyết phục tôi. Cái chính là gã nói đúng. Tôi là một người sống nội tâm.

 

2. Ba Kiền. Một gã buôn heo đường dài chuyển sang buôn chó trong vòng 5 năm nay đã trở nên giàu sụ. Gã từng là tay giang hồ cộm cán, vào tù ra tội. Gã từng thuê chiếc Merecedes mới cứng dong thẳng qua Campuchia, vào Casino đánh bạc suốt một tuần bị công an Việt Nam phối hợp với cảnh sát nước bạn bắt dẫn độ về Việt Nam.

 

Phía sau ngôi biệt thự sang trọng vào bậc nhất của Ba Kiền (tính vào thời điểm này ở quê tôi), gã xây một gian nhà tường cao vời vợi, chừa một lối đi với hai cánh cửa sắt đồ sộ gắn ổ khóa to tướng. Mỗi lần đóng, mở cửa  rít lên thanh âm rợn người. Bên trong là những căn phòng ô cửa lưới sắt nhốt đầy chó. Hàng ngày chó được nhập về từ hai nguồn chính: Dân mua chó dạo đem đến bán và bọn cẩu tặc săn lùng sau một đêm gây tội ác. Chúng nhận những đồng tiền bất nhân từ Ba Kiền rồi bắt đầu một ngày hưởng lạc ở các tụ điểm ăn chơi. Trời mờ đất đã có tiếng xe máy ồn ã. Tiếng nói chuyện thầm thì. Tiếng xe máy vụt đi vội vã. Dân thu mua chó dạo thường đến nhà Ba Kiền vào lúc trời chưa tắt nắng. Ba Kiền mở rộng cửa, cởi mở với bạn hàng và cả với những người láng giềng để gởi thông điệp ta đây làm ăn chính đáng.

 

Tôi đến nhà Ba Kiền bằng tâm trạng ấm ức, vẫn cố gắng giữ vẻ mặt bình thản: “Tôi có con chó bị mất, xin mua lại. Nhờ anh giúp đỡ!”. Ba Kiền mặc áo may ô, đi dép lê, tấm thân to bè, gương mặt đanh ác, soi mói nhìn tôi, gằn giọng: “Ông căn cứ vào đâu mà ám chỉ tôi mua chó của kẻ trộm?”. Tôi chả thèm trả lời hắn, lớn tiếng: “Út Đực ơi! Út Đực!”. Có tiếng chó kêu ăng ẳng, vui sướng từ bên trong. Đúng là tiếng kêu của con chó nhà tôi. Lòng tôi nhẹ nhõm: “Đấy! Đấy! Con Út Đực nhà tôi kêu lên đấy! Anh không thả nó ra thì không xong với tôi đâu!”. Gã buôn chó lậu thấy tôi tự tin, nói năng đĩnh đạc liền xuống nước: “Được! Nếu tôi thả con chó đó ra mà nó chạy về phía ông mừng rỡ thì tôi cho ông chuộc lại một triệu hai. Tôi thề là không kiếm lời đồng nào”. Con Út Đực vừa được thả ra là lao đến chồm lên ôm lấy tay tôi liếm láp, mừng cuống quýt.

 

3. Bốn được một đại gia cho con chó thuộc giống lai chó Tam Đảo cao to, bộ lông màu xám đen. Con chó thấy bộ dạng của Bốn không hề sủa. Y như rằng nó chờ Bốn đến đưa đi từ lâu rồi vậy. Con chó lẳng lặng chui vào rọ sắt nằm im ỉm, mắt lơ đãng nhìn Bốn. Gã chủ nhà thì mặt lạnh như tảng băng vùng Bắc Cực. Bốn mừng lắm! Quả là một ngày đại lợi. Con chó này cân bán thịt chắc được hơn hai triệu đồng là ít. Bốn nấn ná chờ xem gia chủ có phán câu nào không. Vì sao con chó đẹp mã thế kia gã chủ nhà lại đem biếu không cho người dưng nước lã? Vì sao chủ nhà không hề luyến tiếc đến con vật đã gắn bó từ lâu? Có lẽ có khuất tất gì trong vụ biếu chó này chăng? Gã chủ nhà bước vội về phía Bốn, gương mặt anh ta nhăn nhó trông thật khó coi: “Này ông kia! Sao ông không chở con chó đi cho rồi?”. Bốn lúng búng trong cuống họng: “Sao ông cho con chó đẹp vậy? Ông có thể nói cho tôi biết được không?”. Gã chủ nhà bực bõ, văng tục: “Bố khỉ! Dở hơi! Của người ta cho thì mừng không hết, còn vẽ vời tra gặng! Ông có nhận không tôi cho người khác?”. Bốn giật nảy mình như chạm phải điện xẹt, xua tay loạn xạ: “Thôi! Thôi! Tôi không hỏi nữa! Tôi không hỏi nữa! Tôi đi đây!”. Bốn cuống cuồng sợ miếng ăn đang gần kề miệng chỉ còn nhai nuốt lại bị người ta giật phăng ra thì khốn nạn. Bốn vội vàng dắt con chó ra cửa ngõ, trông bộ dạng anh ta giống hệt một gã hề. Bỏ lại sau lưng giọng cười ngạo mạn của gã nhà giàu.

 

Bốn đưa con chó về nhà. Rọ chó để nguyên trên xe tựa vào gốc mít. Nhìn con chó hiền lành, cam chịu, Bốn động lòng thương. Không biết nó tên gì thuộc giống đực để Bốn gọi nó bằng tiếng gọi âu yếm. Chắc là một cái tên đẹp phải biết. Đại loại: My Nô, Măng Tô, Rê Non… Con chó giương đôi mắt to tròn, hiền lành nhìn Bốn, trên hai khóe mắt của nó rỉ ra hai giọt nước trong veo. Vợ Bốn nhìn thấy cảnh đó liền quay mặt đi. Bốn nói với con chó mà như nói với chính mình: “Thật khổ thân mày làm tôi tớ cho nhà giàu bị người ta bạc đãi, ruồng bỏ. Chắc tao nuôi mày thôi. Đại gia không nuôi mày thì tao là đại nghèo cứ nuôi mày như thường. Mày ở với tao không ăn ngon, ngủ kỹ, nhưng tao sẽ không bỏ rơi mày như gã chủ bất nhân của mày đâu. Tao chuyên nghề mua chó, ấy vậy tao chưa bao giờ bán chó mày hiểu không? Làm vậy phi nhân tính lắm!”. Vợ Bốn vui ra mặt: “Tôi cũng thích nuôi con chó này. Trông nó lành quá mình ơi! Cơ khổ, nó xa lạ với nhà mình, sợ thả ra nó dong mất thì oan uổng lắm!” Bốn cười hiền: “Mình cứ thả nó ra, chắc không sao đâu”. Vợ chồng Bốn khiêng rọ chó xuống đất. Bốn mở cửa rọ. Thật lạ lùng! Con chó đi thẳng vào thềm nhà nằm ngó ra, giống như nó đã từng ở đây, đi xa mới trở về. Vợ chồng Bốn cười híp mắt.

 

4. Con Bạch Tiểu Muội nhà tôi sanh lần thứ tám. Trước mỗi lần sanh, cô nàng cấu vào tường rất dữ. Cấu xong, nó luấn quấn, cạ đầu, duỗi mình vào chân vợ tôi, vì vợ tôi đã có lần đỡ sanh cho con Muội khi nó sanh con ngược. Nếu là người thì chắc là con Muội đã khóc la, giãy đạp, hoặc rủa sả thằng chồng ham cái sự khoái lạc để một mình nó gánh chịu sự đau đớn cùng cực. Nhớ ngày vợ tôi sanh con đầu lòng, cô ấy bị cơn đau đẻ khủng khiếp đã cắn bừa vào tay tôi tứa máu. Con Muội không nói được tiếng người. Nhân tình của nó là con Lu có bộ lông vàng óng ở chung một nhà chẳng sẻ chia nỗi đau do nó gây ra. Chàng đi qua, đi lại lơ đãng nhìn Bạch Tiểu Muội cho đàn con bú, có vẻ như thắc mắc trước sự xuất hiện của những đồng loại tí hon. Sáng nào con Muội nghe chị bán cháo dạo đi ngang qua cửa ngõ nhà tôi cất tiếng rao hàng lanh lảnh là nó chạy vô nhà duỗi đầu vào chân vợ tôi, nhìn vợ tôi đăm đăm rồi chạy ra sân, ngầm báo cáo chị bán cháo đã đến rồi. Những lúc như vậy, vợ tôi phì cười: “Biết rồi! Biết rồi! Bà mẹ trẻ. Tôi đi mua cháo ngay đây!”.

 

Con Út Đực từ dạo bị bọn cẩu tặc bắt đem đi bán, tôi chuộc về, bốn bàn chân của nó bê bết máu. Trước đó, bọn trẻ hàng xóm phát hiện con Út Đực đang đứng lóng ngóng trên đường vắt ngang qua cửa nhà tôi thì bọn trộm chó (đúng ra phải gọi là cướp chó) ném vòng vào cổ, lôi con Út Đực soàn soạt trên đường cái. Con Út Đực trì lại nên mới bị thương tích như vậy. Con Út Đực được tôi đưa về từ nhà gã Ba Kiền mấy tháng sau nó vẫn còn ám ảnh, sợ hãi. Mỗi đêm, nó giật mình sủa bừa trông rất hãi.

 

5. Buổi sáng. Nhà Ba Kiền xôn xao. Hai gã trộm chó vừa phóng xe máy chở bao chó chạy thẳng vào nhà Ba Kiền thì công an huyện ập vào bắt quả tang. Gần một chục người bị mất chó kéo đến hò hét, chửi bới, đòi đánh Ba Kiền. Họ lần lượt gọi tên chó của họ tức thì có những tiếng ăng ẳng mừng rỡ vang lên. Ba Kiền không ngờ sự thể lại diễn ra chóng vánh và phức tạp như thế. Mặt gã tái đi. Cách ăn nói bặm trợn, hỗn xược của gã không còn nữa, thay vào đó là lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn: “Dạ! Mấy anh thông cảm! Em làm nghề mua chó hễ ai bán thì em mua chứ đâu có biết chó nào là chó của kẻ trộm đâu ạ!”. Người dẫn đầu cuộc vây bắt cười nhạt: “Chúng tôi đã có đủ chứng cứ tố cáo anh tổ chức cho bọn đàn em đi bắt chó trộm. Lát nữa chúng tôi sẽ còn đưa tới đây các vụ đàn em của anh bắt trộm chó bị bắt quả tang. Anh có cần tôi nêu tên bọn đồng lõa của anh đêm rồi đi bắt chó trộm không? Anh đã có nhiều tiền án, tiền sự, nhưng không chịu ăn năn, hối cải!”. Ba Kiền không còn là ba “kiềng” vững chải như gã từng ba hoa trong lúc trà dư tửu hậu với đám đàn em nữa. Gã cúi đầu, tự giác đưa hai tay vào còng số 8 trong tiếng reo mừng của những người bị mất trộm chó.

 

Ngoài kia, ngày xuân đang đến gần! Những chú chó bị giam cầm, nay được thả ra, chúng nhảy lên xe máy của chủ, ngúc nhoắc cái đầu trông thật đáng yêu!

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Truyện cực ngắn Nguyễn Ngọc Thu

>> Chỗ nghẽn trong tim – Phương Trà

>> Mùi của rác – Nguyễn Trí

>> Ông Tư Ngọc – Trương Tri

>> Con một – Lê Mỹ Ý

>> Về nhà – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Chậu mai chiều 30 Tết – Ngô Đình Hải

>> Mỗi năm một lần – Trương Anh Quốc

>> Từ bỏ – Nguyễn Ngọc Tư

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…