Triết lý giáo dục dân gian trong nói thơ Lục Vân Tiên

418

(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1/7/1822 – 1/7/2022)

Nói thơ – hình thức diễn xướng dân gian rất độc đáo và đặc trưng cho văn hóa người Việt vùng Nam bộ. Hình thức diễn xướng này gắn liền với không gian sinh hoạt của người bình dân. Trong lúc làm đồng, cấy hái, ở bến đò bến phà, từ ruộng lúa đến vườn cây, ngoài đồng hay dưới hiên nhà, lúc chòm xóm bà con bạn bè thân thuộc gặp gỡ giao lưu, bên chén rượu tâm tình có người cao hứng nói thơ.

Tóm tắt

Khởi đi từ nói thơ Lục Vân Tiên – hình thức diễn xướng dân gian Nam bộ – bài viết làm rõ giá trị tư tưởng trong thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu. Giá trị triết lý trong Lục Vân Tiên là nguồn “văn bổn” cho sự hình thành nói thơ Lục Vân Tiên. Theo đó, quan niệm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu lưu truyền trong đời sống thường ngày, góp phần bổ sung nền luân lý bình dân. Từ đó, quan niệm đạo đức Nguyễn Đình Chiểu trở thành cốt lõi triết lý giáo dục trong nói thơ Lục Vân Tiên, được người bình dân “Nam Kỳ Lục Tỉnh” sử dụng như phương tiện giáo hóa nhận thức cộng đồng. Đúng hơn, nói thơ Lục Vân Tiên ẩn chứa triết lý giáo dục dân gian từ dấu ấn tư tưởng Đồ Chiểu. Thế nên, triết lý giáo dục dân gian qua hình thức nói thơ Lục Vân Tiên cần được tìm hiểu, giữ gìn và phát huy trong hoạt động giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội đương thời.

Mở đầu

Di sản văn chương Nguyễn Đình Chiểu không thuần túy thuộc về địa hạt sáng tạo văn học mà đã thuộc về/ trở thành “sinh thể văn hóa” trong toàn cảnh “diễn ngôn dân gian” Nam kỳ nói chung. Suy ngẫm về sức sống bền bỉ của truyện thơ Lục Vân Tiên, Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”. Tác giả cố ý viết một lối văn “nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian”. Truyện thơ trở thành nói thơ Lục Vân Tiên không đơn thuần hình thức diễn xướng dân gian mà nhờ khả năng “truyền bá rộng rãi” có thể thâm nhập và quan niệm nhân sinh, rộng hơn là triết lý dân gian – đặc trưng văn hóa của người bình dân Nam kỳ xưa. Thậm chí bạn có thể xuôi theo sức sống bền bỉ của nói thơ Lục Vân Tiên để nhận diện “gen tư tưởng” di truyền của tộc Việt sau nhiều lần thiên di, từ đó nhận thức dòng chảy (dẫu có lúc minh hiển có lúc ẩn tàng) của nền minh triết Việt-văn minh Nước trên đường Nam tiến mở mang bờ cõi. Và bạn đừng cho rằng triết lý là hệ thống khái niệm trừu tượng thuộc về tư niệm của giới tinh hoa. Kỳ thực, triết lý đã bộc lộ trong cách nói năng nghĩ ngợi có phần hệch hạc quê mùa; biểu hiện trong cách đối nhân xử thế và tiếp cận thiên nhiên vạn vật; triết lý tròn vị trong nồi mắm kho, cá linh hấp mía, ốc lác xào khóm, canh chua lá giang, … thấm đẫm nhơn tình tâm hồn Lục tỉnh.

1.Nói thơ như hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian Nam b

Cũng như nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác, nói thơ có nguồn gốc hình thành và phát triển song hành dòng chảy phát triển tộc Việt qua nhiều lần thiên di. Song song tiếp nối, người bình dân Nam bộ còn sáng tạo và biến tấu sao cho phù hợp với “thiên” – “địa”/ vùng đất mới, cùng với nhân tính lập thành Tam Tài. Thiết chế văn hóa Nam bộ nói chung, diễn xướng dân gian Nam bộ nói riêng có thể xem như “phiên bản mới”, hoặc “sự nối dài” văn hóa truyền thống tộc Việt trong điều kiện “cơ sở hạ tầng” và “kiến trúc thượng tầng” vùng đất mới. Thực tế, sự sáng tạo này có phần bắt buộc bởi người lưu dân Nam tiến phải thích nghi và tạo dựng đời sống mới trên vùng đất mới. Sự thích nghi và sáng tạo này đồng thời minh chứng sức sống bền bỉ và căn cơ triết lý thấm nhuần mọi ngóc ngách đời sống thường ngày của người bình dân. Sáng tạo trên nguyên tắc sống còn và thích nghi, bảo tồn và biến tấu.

Từ thế kỷ XVIII, truyện thơ Nôm ở nước ta đã xuất hiện, nhưng cho đến giữa thế kỷ XIX mới phát triển rực rỡ. Sau đó, hình thức nói thơ Nam Bộ mới nảy nở, tức là khoảng đầu thế kỷ XX là thời kỳ thịnh hành truyện thơ quốc ngữ. Hình thức nói thơ Nam Bộ có lẽ xuất xứ từ lối nói thơ trong hát sắc bùa lối hô bài chòi (hô thai), lối nói thơ quân phường (của những người đi ăn xin), được du nhập theo các đợt sóng di dân từ Trung Bộ về phía nam đất nước”.

Rõ ràng, người lưu dân Nam tiến chính là chủ thể của “sinh thể văn hóa” nói thơ. Xác định chủ thể, bạn cũng cần phải định vị nói thơ trong bối cảnh sinh hoạt của lối diễn xướng này. Nói thơ – hình thức diễn xướng dân gian rất độc đáo và đặc trưng cho văn hóa người Việt vùng Nam bộ. Hình thức diễn xướng này gắn liền với không gian sinh hoạt của người bình dân. Trong lúc làm đồng, cấy hái, ở bến đò bến phà, từ ruộng lúa đến vườn cây, ngoài đồng hay dưới hiên nhà, lúc chòm xóm bà con bạn bè thân thuộc gặp gỡ giao lưu, bên chén rượu tâm tình có người cao hứng nói thơ.

Sau một thời gian, nhân dân đã kế thừa các lối nói thơ trên, đã sáng tạo điệu nói thơ Vân Tiên có sức hấp dẫn và được phổ biến mạnh mẽ khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh thời bấy giờ. Có thể nói truyện thơ Nôm của cụ Nguyễn Đình Chiểu là nguồn cung cấp “văn bổn” cho phong trào nói thơ ở Nam Bộ”.

Như vậy nói thơ Lục Vân Tiên không xuất phát từ Lục Vân Tiên mà là sự gặp gỡ giữa sinh hoạt văn nghệ của người bình dân và tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu. Cũng có thể nói, đó là sự gặp gỡ giữa tư tưởng nhân bản Nguyễn Đình Chiểu với “Dân gian tính-minh triết Việt”. Sức hấp hẫn của nói thơ Lục Vân Tiên giao hòa giữa quan niệm nhân nghĩa của người Việt ở Nam kỳ kết tinh trong chữ nghĩa Đồ Chiểu và sức sáng tạo linh hoạt của người lao động bình dân. Chính người lao động bình dân đưa tư tưởng Đồ Chiểu trở thành “triết” đã “minh”, biến tư tưởng nhân nghĩa Đồ Chiểu triển nở sinh khí sống động lưu truyền trong cõi dân gian sông nước Cửu Long.

Thấm nhuần đời đống sinh hoạt và tâm tư của người bình dân, nói thơ ngày càng phát triển đa dạng độc đáo, từ cách thức diễn xướng đến “văn bổn”:

Ít lâu sau, hàng loạt truyện thơ ra đời thơ Sáu Trọng, thơ Thầy Thông Chánh, thơ Hai Miêng, thơ Năm Tỵ, thơ Sáu Nhỏ … đã phản ánh cuộc sống xã hội đương thời, phê phán và đả kích chế độ thực dân phong kiến. Dựa vào âm hưởng nói thơ Vân Tiên và có ít nhiều biến hóa, được hát với tên truyện thơ nào thì người ta đặt tên đó như nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Hai Miêng, nói thơ Thầy Thông Chánh, nói thơ Mười Chức, v.v…”.

Điều này xác thực thêm giá trị, vị trí nói thơ trong đời sống. Không chỉ là phương tiện biểu lộ tâm tình tư tưởng, nói thơ còn góp phần phản ánh hiện thực xã hội. Hình thức diễn xướng này còn là “bản tường trình” thời cuộc và biến cố xã hội từng xảy ra trên dải đất “Annam” đau thương lầm than.

Về mặt thể thức làn điệu, nói thơ như là diễn xướng dân gian, cũng tức là “diễn” và “xướng”. Theo Lư Nhất Vũ, nói thơ Bạc Liêu dựa trên lối vè (vè nói ngược, vè mười hai con giáp, vè vợ chồng làm biếng). Ngoài ra còn có điệu nói thơ ở Vĩnh Long, điệu nói thơ Trà Vinh (dựa trên làn điệu vè cô vợ ăn hàng, vè con gái hư, vè mười hai con giáp). Nói thơ Vân Tiên lại có đặc trưng cấu trúc âm nhạc riêng: “Nói thơ Vân Tiên dùng tiếng đệm gần như hát sắc bùa, thỉnh thoảng giặm vào tiếng “mà” hoặc tiếng đưa hơi “Ơ ớ”. Nói thơ Vân Tiên ở Nam Bộ sử dụng điệu thức Nam hơi Ai (rê-pha-xon-la-đô), tầm cữ từ đô1 đến pha2. […] Điệu thức trên khiến cho nói thơ Vân Tiên phảng phất nỗi buồn dịu nhẹ, nghe thấm thía thâm trầm, chất chứa niềm lạc quan và lòng nhân đạo như các nhân vật mà cụ Đồ Chiểu đã “ném ra giữa cuộc đời” trong một bối cảnh lịch sử nhất định”. Có nhiều điệu nói thơ, song nổi tiếng hơn cả là điệu nói thơ Lục Vân Tiên. Thậm chí (theo Lưu Nhất Vũ), chính truyện thơ Lục Vân Tiên chính là khởi nguồn cung cấp chất liệu “ca từ” cho hình thức nói thơ hình thành, phát triển ngày càng phong phú đa dạng về chất liệu ngôn ngữ và giai điệu. Những biến tấu của nói thơ so với Hát bài chòi, Hát sắc bùa cũng phần nào cho thấy khả năng tùy nghi ứng biến đa dạng, cho thấy tính chất phóng khoáng, cởi mở của người bình dân Nam bộ. Rộng hơn, đó là kết quả vận động sinh thể văn hóa Việt trong hoàn cảnh mới hay quá trình “xuyên văn hóa” tộc Việt.

Nói thơ còn thể hiện sức sáng tạo và tinh thần dân tộc của người bình dân Nam bộ. Lối diễn xướng mộc mạc bằng cách thêm giai điệu, luyến láy và đệm từ vào sáng tác thơ. Hình thức diễn xướng này còn thể hiện tâm tính con người vùng bình nguyên Cửu Long: giản dị, chân thành đằm thắm nhưng cũng rất tinh tế, sâu sắc và thâm trầm. Tay làm hàm nhai, người bình dân Nam bộ sáng tạo hình thức nói thơ dựa trên vốn “văn bổn” sẵn có. Nhưng thay vì lấy tích truyện Trung Quốc, họ sử dụng chất liệu cuộc sống tươi mới trong chốn dân gian. Chính vì gần gũi với tâm hồn người bình dân, truyện thơ của Đồ Chiểu được phổ truyền, ngâm ngợi khắp nẻo sông quê. Tinh thần dân tộc và dân gian tính trong thế đối lập với xu hướng “bác học” và “chính thể”.

Cũng như nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác, nói thơ là tiếng lòng của người bình dân. Nói thơ giàu tính tự sự. Làn điệu (đa phần) mang âm hưởng u buồn man mác, đôi khi như tiếng thở dài ảo não của thân phận. Trong hình thức diễn xướng này, bạn có thể thấy sự kết hợp giữa tự sự dân gian và trữ tình dân gian. Thông qua “kể-diễn-nói”, người bình dân bộc lộ tâm tư và quan niệm nhân sinh thời thế – một hình thức triết lý thâm trầm, biểu hiện đặc trưng phương thức tư duy dân gian. Phần vì, người bình dân không quen (không thạo) triết lý (họ cũng chẳng quen lý sự đời), nhưng thông qua nói thơ, họ bộc lộ tâm tư tình cảm, trong đó đã cho thấy lối cảm nghiệm đời sống và thân phận con người – triết lý chính là ở chỗ không triết lý nhưng vẫn ngầm thể hiện suy tưởng về người và đời. Tư tưởng bộc lộ trong cách thế nhuần nhuyễn thiết thực gần gũi như vậy.

Đến đây, bạn có thấy: sáng tác chữ Nôm nói chung, truyện thơ Lục Vân Tiên nói riêng trong sự nghiệp Đồ Chiểu cho thấy khuynh hướng thoát ly đặc tính trường ốc/ hàn lâm/ bác học để trở về đời sống người bình dân. Tư tưởng nhân bản Nguyễn Đình Chiểu không phải như “cá chép hóa rồng” mà trở về làm “con trùn đất/ địa long” trong đời sống người lao động chưn lấm tay bùn quê mùa dẫu hệch hạc mà thấm thía. Khuynh hướng tư duy nghệ thuật này đưa tâm hồn Đồ Chiểu trở về chốn dân gian quê nhà. Chính bởi vậy, thơ văn Đồ Chiểu nói chung ngày càng gần gũi với tâm hồn người bình dân.

Cũng do đó, tư duy nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu nối liền vào kho tàng triết lý dân gian, đồng điệu với lẽ sống của người lao khổ. Lục Vân Tiên và tư tưởng Đồ Chiểu trở thành di sản chung của triết lý dân gian miền Lục tỉnh, được nhân dân Lục tỉnh Nam kỳ giữ gìn lưu truyền. Nói thơ Lục Vân Tiên là một trong nhiều biểu hiện của việc kế thừa phát huy giá trị triết lý dân gian của người bình dân Nam kỳ xưa nay.

Phàm những gì hướng đến và hòa mình vào đời sống tâm hồn nhân dân sẽ trường tồn cùng nhân dân. Gia tài văn chương Đồ Chiểu đã trở thành di sản văn hóa chung của sinh thể văn hóa tộc Việt phương Nam.

2.Từ nói thơ Lục Vân Tiên đến quan niệm luân lý bình dân Nam kỳ xưa nay

Trước hết, bạn cần xác định thực trạng gần như đối nghịch giữa khuynh hướng luân lý hàn lâm và luân lý bình dân. Trong khi giới sĩ phu chịu sự ràng buộc của luân lý trường ốc – kết quả nền giáo dục Hán học thì người lao động bình dân sống theo lề thói luân lý thông tục thù thuộc sinh thể văn hóa dân gian không cứng nhắc bảo thủ. Nhận xét của Aubaret khi luận về quyển Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiều càng xác quyết thêm về thực trạng tồn tại (gần như đối nghịch) giữa hai nền luân lý vừa nói:

Không thể phủ nhận dấu ấn Hán học trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu nhưng cùng với biến cố đời sống cá nhân và thời đại, bạn có nhận ra xu hướng trở về nền luân lý bình dân thông tục trong địa hạt trước tác chữ Nôm của cụ Đồ. Như vậy bạn có thể xác lập vấn đề về mối liên hệ giữa quan niệm đạo đức trong trước tác chữ Nôm (trong đó có Lục vân Tiên) và nền luân lý bình dân. Minh chứng cho vấn đề này – nói thơ Lục Vân Tiên, đã thoát ly luân lý Nho học trở về luân lý bình dân để gặp gỡ tâm hồn người lao động quê mùa trên phương diện nhưng cốt lõi là hệ giá trị đạo đức. Sự thông tục trong quan niệm luân lý Đồ Chiểu (biểu hiện trong tác phẩm Lục Vân Tiên) đáp ứng yêu cầu xử thế của người bình dân trong các mối quan hệ khác nhau của đời sống thường nhật. Tính chất thông tục trong quan niệm đạo đức khiến cho truyện thơ Lục Vân Tiên hòa mình vào nền luân lý bình dân sẵn có (mà vốn dĩ nền luân lý bình dân này đã “rạch đường đất chia đôi cương thổ” với nền luân lý hàn lâm sĩ phu từ thưở lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam). Hai nền luân lý ấy, đồng thời biểu lộ hai khuynh hướng vận động văn hóa. Khuynh hướng văn hóa quy phạm chính thể và khuynh hướng văn hóa thông tục bình dân. Việc xác định hai khuynh hướng vận động văn hóa này có thể góp phần lý giải vì sao đất Nam kỳ luôn sẵn sàng đón gió mới, cởi mở, phóng khoáng, tự do, năng sản nhưng cũng là mảnh đất giữ được hằng số cố cựu của nền văn hóa Việt truyền thống trước nguy cơ xâm thực văn hóa qua bao thời kỳ lịch sử khác nhau.

Từ quan niệm luân lý bình dân, rõ ràng nhân dân chỉ cởi mở ôm vào lòng những “đứa con chánh hiệu” của quê hương, mà theo Aubaret là những người sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, viết cho người dân quê, hướng đến và ùa vào lòng đất đai cố thổ. Dẫu trải qua bao thời kỳ “kề cận” với nền văn hóa “thiên triều”, dẫu rằng nền văn hóa quy phạm chính thể nằm trong vòng lệ thuộc và chịu cảnh xâm thực văn hóa ngoại lai, nhưng trái tim và khối óc người bình dân vẫn tường tận soi thấy hồn cốt quê nhà trong những đứa con khát sữa tìm về đất mẹ. Việc tiếp thu và phát triển hình thức nói thơ Lục Vân Tiên do đó có hai ý nghĩa: (+) đón nhận nền luân lý bình dân trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (+) củng cố bồi tụ nền luân lý bình dân đối kháng rạch ròi với nền quy phạm luân lý chính thể. Nghĩ tới đây, mới thấy, Trần Bảo Định có lý khi cho rằng: vua phong chưa chắc ăn, “cái gì dân thờ, cái đó chắc ăn và vĩnh cửu!”.

Truyện thơ Lục Vân Tiên với sức dung chứa đạo lý sâu rộng. Hầu như mọi quan hệ xã hội giữa người với người đều có thể tìm thấy trong truyện thơ Lục Vân Tiên, chẳng hạn quan hệ gia đình, thầy trò, vợ chồng, bạn bè, vua tôi, … Người bình dân có thể tìm thấy trong tác phẩm này chất liệu ngôn từ phù hợp để họ bộc lộ quan niệm đạo đức trong đời sống. Khởi đi từ cuộc sống con người phương Nam, Nguyễn Đình Chiểu kết tinh thành ngôn từ nghệ thuật. Thu phục được lòng yêu mến của người bình dân Nam bộ. Từ đó, người bình dân Nam bộ góp phần nối dài quan niệm đạo đức dung chứa trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Nói thơ Lục Vân Tiên lưu truyền như bài huấn ca, nhằm khuyên bảo, răn dạy, chia sẻ tâm tư, thể hiện quan niệm sống.

Quan niệm đạo đức trong truyện thơ Lục Vân Tiên sở dĩ có thể đi sâu vào lòng người bình dân Nam bộ bởi đó là những vấn đề đức lý hết sức đơn sơ, gần gũi, phù hợp với cuộc sống bình dân. Đáng nói, tinh thần đề cao đức lý trong nói thơ Lục Vân Tiên có khả năng khích lệ tinh thần vui sống, sự tin tưởng lạc quan, giúp con người sống thanh sạch tốt đẹp. Đó là nguồn năng lượng tích cực trong sạch mà người bình dân trao cho nhau trong những khi làm đồng, chèo ghe, nghỉ ngơi tụ tập, … Truyền miệng rồi nhập tâm, tâm biểu ra tính, người lấy đó để sống với nhơn quần xã hội!

Như vậy, nói thơ Lục Vân Tiên không chỉ hình thức diễn xướng dân gian mà còn hình thức lưu hoạt đức lý của người bình dân. Khoa đạo đức của giới hàn lâm rào vuông đức lý trong vách trường ốc không thể sánh với nền đức lý sống động phổ quát lưu truyền khắp đầu thôn cuối xóm. Cùng với những giá trị nhân sinh khác trong chốn dân gian, nói thơ Lục Vân Tiên có thể khiến bạn tin tưởng về nền đức lý bình dân, may ra đủ sức cứu chuộc nguy cơ “nhân hóa vật, diệt thiên lý nhi cùng nhân dục”. Vậy thì bạn chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa xôi một nền đức lý khả dụng cho quê hương xứ sở. Tẩy trừ cấu nhiễm nhân sinh Nam bộ, tẩy trừ tật hoạn nhân tính đương thời, có thể tìm lấy bài thuốc từ con trùn đất ngày đêm luồn lách cày xới màu mỡ đất quê, chứ không phải bài thuốc tiên viễn đích cao xa của loài rồng lượn mình trên chín từng không. Lục Vân Tiên – kết tinh truyền thống nhân tính phương Nam; cho tới nói thơ Lục Vân Tiên là biểu hiện tươi sáng của nền nhân tính phương Nam âm thầm mà bền bỉ chuyển dịch qua từng biến cố thời cuộc. Không giữ lấy mạch nước ngọt nhân tính này, đất quê khô kiệt. Đất chết, người làm sao sống nổi!

Người nghĩa Nam kỳ xưa nay đã không còn lạ gì những câu thơ rạng ngời đức lý nhân sinh của Cụ Đồ. Trong đó: Nhân ái, Hòa đồng, Trượng nghĩa, Tự do, Thủy chung, coi thường địa vị danh lợi … là một trong số những giá trị cốt lõi.

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hanh là câu trau mình”.

“Tôi xin ra sức anh hào,

Cứu người cho khỏi lao đao buổi nầy!”(tr.20)

“Vân Tiên nghe nói mỉm cười:

Làm ơn, há để trông người trả ơn?

Nay đà rõ đặng nguồn cơn;

Nào ai tính thiệt so hơn? Làm gì?

Có câu “Kiến ngãi bất vi”;

Làm người dường ấy cũng phi anh hùng!” (tr.28)

“Nhớ câu “trọng nghĩa khinh tài”

Nào ai chịu lấy của ai? Làm gì?” (tr.32)

“Xin đừng tham đó bỏ đăng

Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn” (tr.62-64)

“Quán rằng: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm!

Ghét đời Kiệt Trụ đa dâm,

Để dân đến nổi sa hầm sỉa hang!” (tr.72-74)

“Thương thay hai chữ cù lao

Ba nam nhũ bộ, biết bao nhiêu tình?” (tr.86)

“Dốc lòng trả nợ áo cơm;

Sống mà trọn nghĩa; thác thơm danh hiền!” (tr.132)

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ!

Dốc làm nhơn nghĩa, há chờ trả ơn?

ớc trong rửa ruột sạch trơn;

Một câu “danh lợi” chẳng sờn lòng đây!” (tr.138)

“Lão tiều mới nói: Thôi! Thôi!

Làm ơn mà lại trông hồi sao hay?” (tr.156)

Với những câu chữ/ văn bổn của Lục Vân Tiên, người lao động bình dân sử dụng đa dạng trong tình huống khác nhau với dụng ý tùy theo tương quan giữa mình và người trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên nói, chữ nghĩa Lục Vân Tiên vốn có ngữ nghĩa/ngữ cảnh văn bản ra đời bởi chủ thể sáng tạo nhứt định, nhưng đã trở thành những hằng số/ mẫu thức đạo lý mà người bình dân sử dụng tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân tức thời. Vân Tiên, Tiểu đồng, Hớn Minh, Tử Trực, Ông quán, Ông ngư, Ông tiều … trong truyện thơ được người bình dân sử dụng thành những hình mẫu lý tưởng về đạo lý ở đời/ biểu tượng luân lý bình dân. Ở đây, sự đối lập quan niệm đức lý giữa giới quý tộc (Võ công, Võ Thể Loạn, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm) bạc ác gian hiểm và hạng bình dân (Ông quán, Ông ngư, Ông tiều) sống nhân nghĩa: là minh chứng đối kháng và khẳng định nền luân lý bình dân vượt lên trên giới hạn địa vị tư lợi của luân lý chính thể. Điều này càng làm rõ thêm xu hướng vận động thoát ly nền luân lý quy củ của giới nho sĩ hàn lâm phục tùng chính thể, trở về “dân gian tính” của người lao động bình dân. Tìm kiếm trong nền luân lý bình dân nhằm xác lập cách nghĩ cách sống cho bản thân giữa thế cuộc đảo điên, Nguyễn Đình Chiểu vô hình trung đã trở thành đại diện tiêu biểu cho nền luân lý bình dân trên mảnh đất Nam kỳ xưa nay. Lục Vân Tiên và nói thơ Lục Vân Tiên chính là tiếng nói phản kháng cũng như đề cao, ca ngợi xiển dương nền luân lý bình dân – một trong số biểu hiện căn cơ học phong phương Nam và minh triết Việt trên tiến trình phát triển văn hóa dân tộc.

Những quan niệm đức lý này có khiến bạn nhớ lại rút xét của Kim Định về hằng số tâm tính Việt (Hòa/Huề). Chưa vội xác quyết luân lý bình dân Nam kỳ ở vị trí tiên phong đại diện cho văn hóa đạo đức Việt nhưng bạn hoàn toàn có thể tin tưởng ở mối liên hệ sâu bền giữ tâm tính đức lý Nam kỳ xưa nay và hằng số Việt tộc trên phương diện văn hóa tư tưởng, đạo đức.

3.Nói thơ Lục Vân Tiên: từ triết lý đến triết lý giáo dục

Giáo dục với triết lý giáo dục không còn là vấn đề thời thượng, mà đã là vấn đề cốt lõi của việc xây dựng nền giáo dục quốc dân, tức trên phạm vi tổng hòa bởi hai khái niệm quốc gia và dân tộc.Vậy thiên hạ có thể xác định vấn đề triết lý giáo dục như là hoạt động mang tính tự phát, rời rạc, kiểu “mạnh ai nấy làm” hay không? Thực tiễn đương thời cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo nhầm lẫn giữa khái niệm triết lý giáo dục và “định hướng giáo dục cục bộ”. Trên dải đất “Annamite”, “đấng cầm cân” vẫn thả nổi vấn đề triết lý giáo dục của nền giáo dục quốc dân, khiến những ưu tư của Sào Nam tiên sinh trong “Cao đẳng quốc dân” vẫn còn nguyên giá trị cho người đương thời suy ngẫm. Vậy bạn nghĩ như thế nào về triết lý căn cơ cho nền quốc dân giáo dục hôm nay?

Trước hết, triết lý giáo dục như là triết lý của nền đạo học. Triết lý giáo dục trong nghĩa lý đó cũng tức là triết lý nhân sinh. Hiểu đơn giản, triết lý trong cõi nhân sinh, triết lý về nhân sinh, triết lý về phía nhân sinh. Và hình thức diễn xướng dân gian nói thơ (cũng như nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác) chính là một hình thức và/về/để/hướng tới nhân sinh của triết lý. Khả thể triết lý(vốn có trong văn bổn) của nói thơ rõ ràng có thể đưa triết lý trở thành “hữu tại” sống động bởi đưa “nhân” trở về trong “sinh”, hay “nhân” thể như “sinh”, và là cuộc “sinh” của “nhân”. Nói vậy, bạn có thấy tính khả dụng của nói thơ (trong đó có hình thức nói thơ Lục Vân Tiên) không đơn thuần là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian mà còn có khả năng thức tỉnh nhận thức người tiếp nhận. Bên cạnh chức năng giáo dục, nói thơ còn có chức năng nhận thức và chức năng thẩm mỹ. Vừa có ý than thân vừa có ý khuyên răn, giáo hóa, vừa thể hiện cảm nhận về nhân sinh thế sự, nói thơ “giáo” bằng “thế giới quan” và “nhân sinh quan” trong văn bổn sẵn có để rồi “cảm hóa” lòng người. Giá trị giáo dục của nói thơ (nhứt là nói thơ Lục Vân Tiên) chính là ở chỗ này.

Thử nhìn sang các nước Tây phương, triết lý giáo dục hiện sinh đề cao vai trò các môn triết lý và văn nghệ trong chương trình giáo dục. Đường hướng giáo dục ấy chẳng phải đã là chuyện thường ngày của những người nhà quê miền Lục tỉnh đó sao! Nói như vậy hẳn khiến không ít bậc cao túc hàn lâm trí giả ngờ ngợ, bởi “bình dân” sao lại có thể triết cái sự lý. Hơn nữa, triết lý trong chương trình đạo tạo nền giáo dục quốc dân từ cựu học Hán Nho cho tới tân học Tây phương, triết lý hoặc hạn hẹp hoặc sơ sài manh mún quanh quẩn Tống Nho hoặc giới hạn ở bậc học nào đó mà thôi, triết lý không phổ quát thấm nhuần toàn diện trên toàn bộ nền giáo dục quốc dân.

Bây giờ, bạn thử nghĩ đến cách thế triết lý của người lao động bình dân. Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TPHCM), nói thơ xuất phát từ các lối nói thơ và xa hơn từ hát bài chòi, hát sắc bùa. Các lối hát này theo lưu dân vào Nam khai khẩn. Với hoàn cảnh sống mới, người bình dân Nam kỳ lục tỉnh dần hình thành lối nói thơ đặc trưng cho vùng văn hóa này. Nói thơ mà tiêu biểu nói thơ Lục Vân Tiên không chỉ đặc trưng bởi làn điệu, cách diễn xướng; mà trên hết, đặc trưng nói thơ nói chung và nói thơ Vân Tiên nói riêng, còn đặc trưng cho tâm hồn, cốt cách con người. Bởi cách thế tùy nghi diễn và xướng nên nói thơ gián tiếp bộc lộ thế giới quan, nhân sinh quan của người bình dân Nam bộ. Thậm chí có thể nói, diễn xướng dân gian Nam bộ nằm trong chỉnh thế “kiến trúc thượng tầng”, liên hệ mật thiết tới triết lý sống và cơ tầng văn hóa xã hội vùng đất này. Công việc cứu xét của người trí giả thường triết với sự lý, ngược lại, người bình dân không triết mà minh cái sự triết. Trong quá trình đó, tự thân triết lý đã trở thành minh triết, ẩn chứa quan niệm thẩm mỹ, cũng như triết lý đã trở thành triết lý giáo dục.

Thử ngẫm lại hình thức diễn xướng, “người dân Nam Bộ thưởng thức truyện thơ không thông qua cách đọc thơ hoặc ngâm thơ mà bằng phương thức diễn xướng. Đó là tâm lý thưởng ngoạn thơ ca (chủ yếu cốt truyện) của người dân Nam Bộ. Những năm đầu thế kỷ XX, trong dân gian và trong thư mục của các nhà xuất bản ở SàiGòn còn thấy nhiều bổn thơ như “Ông Trượng – Tiên Bửu”, “Bạch Viên – Tôn Các”, “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Thạch Sanh – Lý Thông”, “Nam Kinh – Bắc Kinh”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “Nàng Út”, “Lâm Sanh – Xuân Nương”, v.v…”. Người bình dân Nam bộ có hình thức thưởng thức truyện thơ rất riêng theo phong cách “tài tử miệt vườn”. Chẳng giống hình thức ngâm ngợi của hàng “tao nhân mặc khách”, chẳng phải hình thức thuộc làu của kẻ “dài lưng tốn vải”, mà diễn! Diễn tức kết hợp tình và cảnh, kết hợp giữa âm thanh (nói, đọc, ca, hát) và hình ảnh (động tác, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt). Sự sống động của nói thơ Nam bộ chính là ở chỗ ấy. Cũng bởi vậy hình thức diễn xướng dân gian này có sức thu hút kỳ lạ, mà giới nào trong xã hội cũng dễ tiếp nhận rồi yêu mến. Nói thơ Nam bộ dựa trên “tầm đón đợi” của người tiếp nhận để tương ứng và thích nghi với tâm thế tiếp nhận. Do đó, nói thơ dễ đi vào lòng người, và hễ nhập tâm thì có sức lay động chuyển biến tâm hồn. Ấy chính là “hóa” để “giáo”. Sức “giáo hóa” của nói thơ Nam bộ không ở chỗ ăn trước ngồi trên dạy đời thiên hạ, mà từ chỗ thấp hèn bình dân, khiến thiên hạ cảm hoài tỉnh ngộ, đánh động nhận thức và nhân tâm. Cho nên, nói thơ Nam bộ xét trên phương diện chức năng-mục đích, thực sự là phương thức/ phương tiện giáo dục dân gian. Và truyện thơ Lục Vân Tiên, cung cấp văn bổn cho nói thơ cũng tức là cung cấp nghĩa lý nhân sinh, cho phép nói thơ trở thành hình thức giáo dục dân gian có chiều sâu triết lý. Hay nói khác, từ triết lý trong văn bổn Lục Vân Tiên đã trở thành triết lý giáo hóa/ triết lý giáo dục của người bình dân trong cõi dân gian sông nước hữu tình.

Những băn khoăn này đưa bạn trở về chốn quê nhà với lời khuyên dạy ân cần của ông bà cha mẹ tổ tiên đối với con cháu xưa nay. Riêng văn bổn Lục Vân Tiên, người bình dân sử dụng chẳng khác gì bản huấn ca cho mái gia đình và môi trường sinh hoạt cộng đồng. Với khả năng dung chứa, chuyển tải đạo đức nhân sinh, biểu hiện lưu hoạt gần gũi thuận tiện, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu trở thành Nói thơ Lục Vân Tiên đã vận động từ chỗ triết lý trở thành triết lý giáo dục về/ hướng tới nhân sinh. Hay, nói thơ Lục Vân Tiên: một trong số hình thức triết lý giáo dục dân gian.

Nói thêm, giả như triết lý chẳng đi tới nổi nền đạo học thì coi như triết lý đã bị biến thành thứ “xác sống” lững thững trong mái nhà trường: triết lý chỉ còn là triết học. Và triết gia bây giờ là những cậu “học trò” chăm ngoan rỉ rả trên bục giảng. Triết lý của người bình dân Nam bộ nên được hiểu theo thể cách “minh triết”, chứ không phải triết học. Triết lý là cảm biết về lý siêu hình của người lao động bình dân trong việc tương tác với đời sống xã hội. Triết lý biểu hiện và bao trùm nhiều mối quan hệ sống (người sống với người, người sống với mình, người sống với trời đất vạn vật,..). Triết lý vì thế là thứ “triết” đã “minh”, thấm nhuần mọi ngóc ngách, phương diện đời sống, chứ không phải lối lý luận trường quy mang tính hàn lâm bác học. Người bình dân Nam bộ không quen dùng “lý” để “luận”. Họ thường “luận” ra “lý”, cũng tức là xuất phát từ thực tiễn đời sống để rút kết kinh nghiệm sống. Bởi vậy, triết lý trong nhận thức tâm hồn bình dân là “hình nhi thượng học” lẫn “hình nhi hạ học”, vừa “thể” vừa “dụng”, sống động, thiết thực, gần gũi. Tức cách thế tổng hòa thống nhứt của “triết” chứ không phải cách thế chia biệt của phường trí giả chủ cả triết học. Người bình dân Nam bộ không ưa lối luận lý siêu hình mà chỉ bàn chuyện “ở đây và bây gi”. Nói vậy không có nghĩa “nhận thức luận” của người bình dân Nam bộ cạn cợt, phiến diện. Ngược lại, những triết lý sống hiện lăn trở qua thực nghiệm đời sống, đã trở nên chín muồi, chắc nụi và trọn vẹn.  Nhận ra điều này, Hai Khánh (trong câu chuyện Trần Bảo Định thuật lại) cảm thấy xấu hổ bởi chẳng bằng người đàn bà mù chữ quê mùa trên Vàm Kỳ Hôn. Người thầy ngày đêm rao rả trên giảng đường kỳ thực không hà hơi cho triết lý trong tác phẩm Đồ Chiều sống động mà người đàn bà nhà quê tay làm hàm nhai có thể thức tỉnh câu thơ “kiến ngãi bất vi” trong lòng người, để người biết giúp người trong cơn nguy khó chẳng nề hà tính mạng. Chuyện còn rành rành, Đại tá Nguyễn Hoàng Kiếm giữ toàn mạng sống trước sự truy đuổi của giặc dữ có lẽ cũng nhờ một vài câu nói thơ Lục Vân Tiên của người đàn bà trên Vàm Kỳ Hôn đã thúc giục lòng người làm việc nhân nghĩa.

Nói đi rồi nói lại, truyền thống nhân nghĩa hay nền đạo học trong tác phẩm Đồ Chiểu ngỡ rằng bồi tụ trong năm tháng “theo thầy nấu sử sôi kinh”, kỳ thực bắt nguồn từ chính cuộc sống của người lưu dân Việt trên đường Nam tiến, biểu hiện qua tính trượng nghĩa khinh tài, rộng rãi tấm lòng, ưa cứu giúp kẻ khó, “phò suy chẳng phò thịnh”, bênh vực kẻ yếu thế, đứng về phía cuộc sống con người, đề cao giá trị nhân tính hơn giá trị vật chất của người Lục tỉnh, càng không run sợ cường quyền, bởi “vua phong chưa chắc ăn”, “dân thờ mới chắc ăn”! Cung điện Lý thị giờ chỉ còn mớ bào ảnh đổ nát nhờ khai quật phục dựng. Lỗ Giang hành cung đã vùi sâu dưới ba tấc đất. Ly cung thành Hồ trơ vơ phế tích u buồn. Kinh Vạn Lại câm tiếng nằm chết trong cô tịch. Trấn Hải thành loang lở sụp đổ rêu phong, … thế mà nhựa sống tộc Việt vẫn sinh sôi nẩy nở, trổ thêm lộc lá xanh tươi trên khắp dải đất quê hương. Hướng đến nhân sinh, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu đến nay vẫn còn lưu hoạt khắp nẻo sông quê.

Xuất phát từ cách hiểu này, triết lý sống biểu thị qua hình thức diễn xướng dân gian “nói thơ” (trong đó có nói thơ Lục Vân Tiên) là một trong số hoạt động thấm nhuần triết lý dân gian trong nhận thức người bình dân. Luận xét từ triết lý dân gian đến nói thơ Vân Tiên, hay nói thơ Vân Tiên góp phần làm rõ triết lý dân gian, việc này cơ hồ không còn quá quan trọng nữa. Vì triết lý dân gian và nói thơ Vân Tiên vừa là căn cơ vừa là biểu hiện của chỉnh thể “diễn ngôn dân gian” bàng bạc bao trùm xuyên suốt đời sống bình dân Lục tỉnh. Nói vậy, bạn sẽ thấy triết lý dân gian biểu hiện trong diễn xướng dân gian bao trùm mọi phương diện đời sống. Triết lý dân gian được người bình dân sử dụng như phương thức luận lý đạo đức. Giá trị dễ nhận thấy hơn cả của hình thức đó, chính là giá trị giáo dục. Triết lý dân gian đã trở thành và được sử dụng như là triết lý giáo dục dân gian. Vừa để răn mình, khuyên người, vừa góp phần lan tỏa năng lượng văn hóa phi vật thể (tác phẩm Lục Vân Tiên và di sản văn chương Đồ Chiểu nói chung) – cũng chính là nối dài sinh mệnh chữ nghĩa Nguyễn Đình Chiểu, để giá trị đức lý và giá trị giáo dục được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nói thơ là hình thức nối dài tư tưởng Đồ Chiều, vượt qua khỏi phạm vi cá nhân, vượt qua khỏi phạm vi không gian và thời gian. Đó là sức sống bền bỉ đáng kinh ngạc của ý hướng tinh thần một con người hạn hữu. Từ tấm gương Đồ Chiểu, có lẽ bạn cũng nhận ra: phàm những ai vượt qua được ngục tù “chủ thể tính”, kẻ ấy có thể vượt qua được Lợi-Danh-Tình-Chết. Nói thơ Lục Vân Tiên là minh chứng cho sức sống tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu.

Từ triết lý sống trong “văn bổn” Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sau khi trở thành triết lý giáo dục dân gian trong đời sống thường ngày, nói thơ Vân Tiên đã hòa mình vào văn hóa dân gian của tộc Việt phương Nam. Đó là sự thống nhứt hài hòa tương hỗ giữa triết lý giáo dục dân gian và văn hóa dân gian, tạo thành nội lực tinh thần/khả thể sống động cho sự sinh sôi của tộc Việt – tạo thành kháng thể mạnh mẽ trước nguy cơ xâm thực văn hóa của thời toàn cầu hóa.

Giữ lấy hồn quê, tiếp bước tiền nhân, góp phần giáo hóa nhân tâm-nhân tính, hậu thế bấy giờ có thể định vị tự thân trên cõi nhân sinh. Nhược bằng vong thân, sa vào vong bản, mất gốc đứt rễ, nguy cơ diệt vong thui chột nòi giống liền hiện ra trước đôi tròng mắt thịt tê dại bởi vật chất kim tiền!

Kết luận

Khảo luận văn nghiệp và tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu hơn trăm năm qua tạo thành nguồn tư liệu phong phú cho hậu thế “soi chung”. Đây là thuận lợi cũng là khó khăn, bởi kẻ tiểu bối không khỏi đắm đuối trong nguồn tư liệu dồi dào ấy. Thế nên, “tôi chẳng quãn phận bất tài, phải bỏ thái độ khiêm tốn cố hữu mà thỗ lộ ra đây, chỉ vì niềm riêng yêu mến quốc văn quá nồng nàn, không thể ôm ấp mãi trong lòng được, bỡi vậy tôi phãi thỏ thẻ ít lời, mong được bực kiến thức cao minh chiêm nghiệm”. Quả thực, khó có thể bao quát toàn bộ văn nghiệp và tư tưởng Cụ Đồ, ngỏ ra lời thành thực nầy, lòng những mong lượng thứ đôi chỗ “trầy trật” khả dĩ vì cái nghĩ cạn cợt của lớp người sau ôm ắp mong muốn nối bước tiền nhân.

Dầu quê kiểng dong dài nhưng bạn có thể tạm kết vài ý đọng lại.

Thứ nhứt, giá trị văn chương tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu được người lao động bình dân đưa vào cuộc sống. Nối dài sự sống chữ nghĩa, triết lý đã trở thành minh triết. Không phải “triết học” của giới thượng đẳng trí thức, hình thức “minh” triết này đạt đến mức chân phương, mộc mạc, tối giản và thiết thực. Nói thơ – diễn xướng văn nghệ dân gian, đứng về phía đối lập với xu hướng bác học. Xuất phát từ tâm tính người lưu dân thuở nào làm cuộc Nam tiến đến vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp, sức sống văn chương Nguyễn Đình Chiểu trong lòng người bình dân Lục tỉnh khiến hậu thế nghiêm túc suy ngẫm về vai trò sáng tạo chữ nghĩa và vị trí của người trí thức trong đời sống xã hội. Rồi, người trong thiên hạ tiếp tục ngẫm ngợi về việc làm chữ nghĩa hôm nay nên hướng đến: văn học thời trang, văn học vị kỷ, văn học phản ánh, văn học phê phán hay văn học tư tưởng. Mỗi người tự ngó lại thực trạng đương thời, tự lòng phân định.

Thứ hai, nói thơ Lục Vân Tiên với giá trị văn chương, văn hóa xã hội, với tư cách triết lý giáo dục trong chốn dân gian Nam bộ, cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi hậu thế phải nhận thức sâu sắc giá trị nói thơ Lục Vân Tiên liên hệ với toàn bộ tư tưởng văn chương Nguyễn Đình Chiểu và học phong phương Nam. Nhứt là học phong phương Nam có lúc minh hiển có khi ẩn tàng, cần được chắp nối khơi dòng, khai thông giáo hóa dân gian trong mái gia đình, nhà trường và xã hội. Bấy giờ tự khắc có nền giáo dục quốc dân tu trợ cho nền giáo dục chính thể (mới hoàn thành trách nhiệm với thể chế mà chưa hoàn thành trách nhiệm với dân tộc). Hậu thế tiếp nối, sinh khí Việt ở phương Nam nước Việt mới được tưới tắm, vun bón ngày càng trẩy nở lộc lá tốt lành.

Thứ ba, bên cạnh việc kiến thiết nền tảng triết lý giáo dục toàn diện thống nhứt, hệ thống giáo dục quốc dân có lẽ không nên thiên lệch sang khuynh hướng ca ngợi và ghi công, mà cần chú trọng đến những tác phẩm có giá trị nhân bản phổ quát hài hòa cùng văn hóa dân tộc; đồng thời tôn trọng, xác lập và dành cho văn chương tư tưởng đạo đức nhân nghĩa phương Nam địa vị xứng đáng hơn; lấy đó làm đường hướng tái thiết nhân tâm-nhân tính trong xã hội đương thời. Con nước miền Nam vẫn còn đó, hồn nước Cửu Long vẫn linh láng hai buổi lớn ròng, người Việt ở Nam kỳ xưa và nay có trách nhiệm khai thông những chỗ bế tắc, nạo vét những chỗ trầm lắng tù đọng, chạy chữa những tật hoạn ung nhọt dị hượm có nguy cơ mãn tính.

Thứ tư, nói thơ Lục Vân Tiên có thể là con đường hẹp nhưng là con đường khả thi trở về triết lý giáo dục dân gian hài hòa cùng văn hóa Việt ở Nam kỳ xưa nay. Lấy đó làm đường trở về nhận diện bản dạng triết lý nhân sinh con người Nam bộ, bạn có thể đi tới văn hóa dân gian Nam bộ với khả năng đại diện cho sinh thể văn hóa Việt nguyên bản với “gen thuần chủng” đúng nghĩa văn hóa Việt (chẳng phải khi không mà Kim Định nhìn thấy thanh giang sứ giả làm cuộc Bắc tiến hay “con lân què mà không chết” vẫn còn tung tẩy trên vùng đất bình nguyên Cửu Long).

Thứ năm, từ Sùng Đức tiên sinh, Phan tiến sĩ, Hối Trai,… cho tới Nguyễn Háo Vĩnh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường – quá trình kiến tạo học phong phương Nam và dịch chuyển hệ hình đấu tranh yêu nước… liệu người đương thời có thể xây dựng văn học Nam bộ trở thành nền văn học độc lập tương đối trong văn học quốc gia và khu vực. Theo đó, liệu hậu thế có thể xác định hệ thống giá trị văn hóa “đất Việt trời Nam” từ công cuộc chấn hưng giáo dục quốc dân mà tiền nhân hằng mong mỏi.

Mấy lời “thỏ thẻ”, bỉ nhân không dám tranh minh với thượng đẳng trí thức. Hiềm một nỗi tình quê ắp ủ, lòng quê luống mong thổn thức trái tim tha nhân, lấy đó làm an ủi, bớt chút hổ thẹn vì nghĩ suy cạn cợt vụng về!

Theo Võ Quốc Việt/Vanvn

—————-

Tài liệu tham khảo

– Aubaret, G. (1864). Luc-Van-Tiên – Poeme populaire Annamite. Paris: Imprimerie Impériale.

 Hồ Biểu Chánh (1944). Chấn hưng Văn học Việt Nam. Đại Việt tập chí số 53-54 (ngày 16 Déc 1944 – 1er Janvier 1945).

– Trần Bảo Định (2018). Bóng chiều quê (tập truyện ngắn). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

– Trần Bảo Định (2022). Người đàn bà nói thơ Lục Vân Tiên trên sông nước Vàm Kỳ Hôn. Tạp chí Người Đô Th số 116 (01/2022), tr.66-68.

 Trần Bảo Định (2022). Dấu thời gian – Khát vọng của người xưa. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

– Kim Định (1965). Triết lý giáo dục. Tủ sách Ra Khơi. Saigon: Nhân Ái xuất bản.

 Kim Định (1970). Việt lý tố nguyên. Saigon: An Tiêm xuất bản.

– Kim Định (1973). Tinh hoa ngũ điển. Saigon: Nguồn Sáng xuất bản.

 Kim Định (2017). Cơ cấu Việt Nho. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.

– Phạm Văn Đồng (1963). Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. Trong Phan Trọng Luận (tổng chủ biên,2011). Ngữ văn 12 – Tập 1 (tái bản lần thứ 3). Hà Nội: Nxb. Giáo dục Việt Nam.

– Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Saigon: Tân Việt ấn hành.

 Michels, A. (1883). Lục Vân Tiên ca diễn (poème Populaire Annamite). Paris: Ernest Leroux, Éditeur.

 Phan Sào Nam (1957). Cao đẳng quốc dân. Huế: Anh Minh xuất bản.

 Võ Quốc Việt (2019). Triết lý giáo dục hiện sinh và quan niệm “Thành nhân trước thành danh”. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến Tập 6 số 5, tr.112-125.

 Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long. TPHCM: Nxb. Tổng hợp

– Lư Nhất Vũ và Lê Giang (1983). Tìm hiểu dân ca Nam Bộ (chuyên khảo). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

– Phim tài liệu “Suối nguồn vẫn chảy” tập 3 của TFS sản xuất năm 2016.