Trôi trên cuộc đời huyễn mộng – Vương Tâm

205

Lần ấy vừa tới Phan Thiết, tôi được nhà thơ La Văn Tuân (HVHNT Bình Thuận) dẫn tới gặp nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015). Tôi háo hức theo chân người bạn trẻ dong duổi trên đường phố biển. Những câu thơ về người “sương phụ áo màu đen” của Nguyễn Bắc Sơn đã neo trong trí tôi (Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới/ Khi em trở thành sương phụ áo màu đen). Tôi dò hỏi La Văn Tuân liệu có thể gặp nhân vật “Xuân Hồng” của ông Sơn không. Ngay lập tức vừa tới cổng thì “sương phụ áo màu đen” ấy xuất hiện.

Quả nhiên đó là một giai nhân huyễn mộng một thời của Nguyễn Bắc Sơn. Bà có đôi mắt lá dăm nhưng u buồn. Có thể bà cố thể hiện ra sự xa cách đó khi đón chúng tôi chăng. Nhà thơ La Văn Tuân giới thiệu tôi từ Hà Nội về thăm chồng bà. Tôi sững người khi nghe giọng nói ấm như nhung của bà đã từ chối. Bà lấy lý do nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đang mệt không thể tiếp khách. Rồi bà định quay lưng thì lập tức có ba con chó từ trong vườn nhảy xổ ra sủa ầm ỹ. Chúng tôi đành chào và cám ơn bà rồi ra về. Nhưng không ngờ một chú cún lông vàng nhảy cào chân lên cánh cửa sắt rất mạnh. Tiếng nó sủa gióng giả u u như gọi chúng tôi thì phải. Thật kỳ lạ khi cả hai chúng tôi ngoái lại thì thấy nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn vội vàng chạy ra mở cửa. Ông gọi chúng tôi rồi xoa đầu chú chó lông vàng như một lời cảm ơn. Chúng tôi miễn cưỡng nhìn đôi mắt “sương phụ áo mầu đen” lấp ló bên thềm nhà. Bà lui vào trong mặc cho ông xã vóc dáng gày như cò hương của mình lóng ngóng dẫn chúng tôi vào trong. Tôi thực sự ái ngại trước tình huống trớ trêu này nhưng không thể nào khác đành theo chân nhà thơ vào phòng khách. Không hiểu sao tôi sực nhớ đến câu thơ kỳ lạ của Nguyễn Bắc Sơn viết về vợ cùa mình rằng: “Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột/ Ta quàng xiên nên mới sa chân”. Nhà thơ đã bị xiêu đổ nhưng vẫn tỏ tình với bà một cách quái dị: “Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt/ Nhưng vì sao ta lại yêu em” (Trên đường tới nhà Xuân Hồng). Nghe ngỡ vô lý nhưng chạm vào đôi mắt của “sương phụ mặc áo đen” ấy tôi tin là thật.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trên bàn nước của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn bề bộn những sơ đồ, bản vẽ hình Bát quái. Bên cạnh còn có tập sách “Bùi Giáng đười ươi chân kinh” mới in lại. Tôi liếc trên bản vẽ thấy nhà thơ viết lẫn lộn cả tiếng Anh và chữ nho. Tôi đọc vội thấy dòng chữ viết rõ to: “Thái Ất thần số công-Bùi Giáng”. Đôi mắt nhà thơ sáng quắc phát hiện ra sự tò mò của tôi. Ông giải thích lâu nay tự chữa bệnh tại nhà và vận dụng kinh dịch học được từ sách của Bùi Giáng. Lâu nay người ta nói nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có thể khám bệnh bằng “kỹ thuật số”. Tôi ngờ ngợ không tin và mỉm cười nghĩ nhà thơ từng là kẻ phá phách ngang tàng bấy lâu nay không lẽ đã chịu ngồi thiền một chỗ. Bất ngờ lúc này “sương phụ mặc áo đen” của ông xuất hiện với đĩa hoa quả và ấm trà đặt lên bàn. Bà mời chúng tôi rồi cất tiếng xin lỗi và giải thích vì luôn sợ bạn bè rủ chồng mình đi uống rượu. Vì mỗi khi say rượu là nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không là mình nữa. Ông hay lang thang xin ăn đây đó hoặc ca hát rong chơi cho tới đêm mới về. Bởi một thời rượu chính là sự cứu rỗi cho những thanh niên trí thức ngày đó trốn lính hoặc có tư tưởng phản chiến. Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lấy rượu để lẩn khuất đó đây và cất lên những lời ca “Kinh khổ” hay “Những ca khúc da vàng”…thì Nguyễn Bắc Sơn ngược lại ngay từ năm 1972, sau khi bị chính quyền miền nam bắt lính; Ông đã xuất bản tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” (NXB Đồng Dao-Sài Gòn-1972). Ông trực diện tỏ thái độ phẫn nộ với những câu thơ điên loạn: “Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết” (Tiệc tây trần của người sống sót).

Có vẻ nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không để ý gì đến những điều vợ mình nói mà hồ hởi mời tôi cùng La Văn Tuân ăn những miếng táo thơm ngọt lừ. Ông rót trà rồi bất ngờ bắt tôi nhắm mắt để nghe ông đếm chữ số chữa bệnh theo kinh dịch mà nghiên cứu mấy năm qua. Có lẽ vì ánh mắt nghi ngờ của tôi mà ông phát hiện ra nên rất muốn bắt bệnh cho khách như một minh chứng. Cứ thế ông sắp xếp sơ đồ Bát quái rồi đếm số. Hình như ông đọc những con số bí ẩn theo bản vẽ. Ông dặn tôi phải hít thở đều đặn và nếu muốn dừng thì nói. Khi đó cũng là lúc ông sẽ nói ra căn bệnh mà tôi đang mắc phải trong người. Tôi lim dim mắt lặng im chờ đợi. Trước mắt tôi bất ngờ hiện lên hình ảnh ông cầm súng ngày nào bắn lên trời để phản đối chiến tranh. Những câu thơ Nguyễn Bắc Sơn thật nóng bỏng: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia xớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui” (Mật khu Lê Hồng Phong). Và có lần nhà thơ trẻ đã than vãn trong chiến hào: “Trong thành phố này ta là người phản chiến/ Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu/ Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn/ Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu”…Tiếng ông đếm như chiếc đồng hồ nhẫn nại. Hình như ông đang quan sát tôi. Trong linh cảm mơ màng cùng tiếng vọng khào khào vì rượu của ông, tôi như nghe thấy hồn thơ ông du ca: “Ta sống ở đời như kẻ mộng du/ Trôi qua ngày qua tháng/ Trôi trên cuộc đời huyễn mộng/ Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ” (Chân dung tự họa).

Chân dung nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn – Ký họa Đinh Cường

Tôi vẫn hít thở đều theo tiếng đếm trên sa bàn bát quái của nhà thơ. Bỗng nhiên giọng đọc của ông thay đổi dồn dập hơn. Tiếng thơ trong tâm hồn ông ngày nào trỗi dậy trong tôi: “Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng/ Cười lên đi những tiếng bi hùng/ Đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính/ Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng” (Cười lên đi tiếng khóc bi hùng). Quả là hơi rượu đã bén hồn thơ cháy lên trong ngọn lửa phản chiến. Thơ ông cất tiếng: “Đời mình như ly rươu cạn/ Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày” (Tha lỗi cho tôi). Đúng là tôi không thể hiểu được ông đã từng mấy lần tự tử mà đời không chịu cho chết. Khi cầm súng ông thường bắn chỉ thiên coi như một trò đùa chiến tranh. Sau cạn ly nhà thơ đã nhỏ nước mắt buồn tênh: “Nhà thương điên nếu còn chỗ trống/ Xin chiếc giường cho xác tàn phai”. Tiếng ông ho rất mạnh làm tôi giật mình trở về hiện tại. Ông khe khẽ nói với tôi rằng hãy nhìn vào hình vẽ “Đối xứng nhập cung” và nói muốn ngừng chưa. Tôi mỉm cười gật đầu. Ông nói đã lắng nghe nhịp thở của tôi và thấy đặc khí ở đan điền. Rồi ông quyết định nói tôi bị bệnh dạ dày và đường ruột khá lâu rồi.

Con số mà tôi muốn dừng lại ở thứ tự 6-1-000 trong sơ đồ bát quái kinh dịch. Nghĩa là tôi còn bị huyết áp thấp nữa. Nói xong ông kiểm tra mạch cho tôi để kiếm chứng việc vận dụng lý số của ông là đúng. Tôi thực sự khâm phục ông. Và một câu thơ phản chiến dữ dội của ông lại dựng đứng hình ảnh ghê rợn trước mắt tôi: “Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái/ Để được làm người theo ý của riêng ta/ Ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải/ Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa” (Chiến tranh Việt Nam và tôi). Lúc này tôi thở phào và thấy mãn nguyện vì sự phán bệnh chuẩn xác của ông. Nhà thơ La Văn Tuân cho biết trước đó ít năm ông vẫn đi hợp tác chữa bệnh và châm cứu cùng các thầy thuốc đông y trong thành phố. Anh kể thêm thời kỳ đi lính nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn làm thông ngôn vì giỏi tiếng Anh. Sau đó lấy cớ sức khỏe yếu ông xin điều chuyển làm quân y để khỏi cầm súng. Từ đó ông theo nghề y cho tới cuối đời. Gần đây ông thường tu luyện thiền để chữa bệnh cho mình chứ không còn như ngày nào: “Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu/ Tôi nằm đánh vật với cơn mơ” (Căn bệnh thời chiến)

Bất ngờ “sương phụ áo màu đen” xuất hiện trở lại khi chúng tôi chia tay. Bà nhìn chồng với sự thương cảm dịu dàng. Lúc này đôi mắt của bà long lanh sáng ngời đúng như nhà thơ mô tả đó là cái bãy chuột làm ông sa chân. Tôi ngỡ như nghe giọng hát của bà cất lên tự năm nào đã quyến rũ tâm hồn nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nhà thơ La Văn Tuân cho biết bà là một ca sĩ có hạng cùng thời với ca sĩ Thanh Thúy đầu thập niên 60. Bà ngừng hát sau khi kết hôn với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn để chăm lo gia đình. Cũng từ đó hình ảnh bà là nguồn động lực cho chồng đứng dậy trong những lúc bi phẫn: “Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu/ In gót hồng lên lớp bụi đời tôi”

Theo Vương Tâm/ Báo Văn Nghệ 28 (15/7/2023)