(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Lục bát của thầy thuốc Trần Phan Dương vẫn thấm đẫm những nét truyền thống, nhưng câu chữ trong thơ ông đã tự mở rộng biên độ để tiếp cận và tương tác liên tục những cung bậc buồn vui của cuộc sống hiện đại này. Ý tứ thơ ông neo níu được trong lòng bạn đọc, bởi cảm xúc thơ đích thực và sự sáng tạo từ mạch ngôn ngữ thơ đã có nét riêng của ông. Tập thơ Miền không tuổi này là kết quả từ nguồn mạch thơ ca và sự tìm tòi, sáng tạo, trong cuộc chơi cùng câu chữ nơi ông!
Nhà Thơ Trần Phan Dương
Khoảng mười năm trở lại đây, thơ ca Việt Nam hiện hữu trong thời mở cửa và hội nhập với sự đa diện, đa chiều, nhộn nhịp và cởi mở. Đặc biệt trên mảng văn chương mạng, chỉ cần mỗi giờ qua đi, đã có hàng ngàn tác phẩm được xuất bản trên các trang mạng xã hội. Trong số các tác phẩm ấy, phần nhiều là thơ ca. Nhưng để tạo được nét riêng, nét khác cho câu chữ của mình trong sự trùng điệp của thơ hiện nay thì rất ít người làm được. Với thơ, cái “số ít” ấy âu cũng là hợp lẽ của tự nhiên và của thi ca, nên người xưa dạy rằng Thơ quý hồ tinh bất quý hồ đa là vậy. Mấy năm vừa qua, trong “số ít” kia, có một thầy thuốc ưu tú cứ đều đặn đăng tải trên trang faceboock của mình những bài thơ với câu chữ uyển chuyển, hàm ngôn trong vần điệu của thơ Lục bát truyền thống – Vị thầy thuốc làm thơ đó là nhà thơ Trần Phan Dương.
Thơ Lục bát của thầy thuốc họ Trần vẫn thấm đẫm những nét truyền thống, nhưng câu chữ trong thơ ông đã tự mở rộng biên độ để tiếp cận và tương tác liên tục những cung bậc buồn vui của cuộc sống hiện đại này. Ý tứ thơ ông neo níu được trong lòng bạn đọc, bởi cảm xúc thơ đích thực và sự sáng tạo từ mạch ngôn ngữ thơ đã có nét riêng của ông. Tập thơ Miền không tuổi này là kết quả từ nguồn mạch thơ ca và sự tìm tòi, sáng tạo, trong cuộc chơi cùng câu chữ nơi ông!
Thơ trong Miền không tuổi của thầy thuốc Trần Phan Dương, được sinh từ nguồn mạch của những yêu tin. Đằm đằm trong từng vuông lục bát của ông là những cung bậc của cõi tình. Thơ ấy, khi ngằn ngặt vọng về từ mấy mươi năm cũ, khi hổn hển trở mình day thức những mùa tóc phía heo may. Thơ ấy, khi dìu dịu hương thu, khi nồng nã men xuân ngày cũ, khi tê ngái đêm sâu lạnh… Tất cả những rộng dài muôn nỗi ấy được Nhà thơ gửi gắm, dìu đỡ trong nhịp sáu tám nhuần nhị dịu dàng, như được nảy về từ những trang cổ tích!
Miền không tuổi với ngút ngát một màu lục bát, nhưng khi chạm vào bóng chữ của Trần Phan Dương, thì dường như sự đơn điệu của thể loại thơ sẽ nhanh chóng bị nhòe đi bởi những cảm xúc thơ dào dạt động về. Nào, xin bạn đọc dừng trước một cơn mộng du thơ của vị thầy thuốc – nhà thơ này:
Vần thơ anh viết trên sông/ Con thuyền cũng chẳng đành lòng thả neo/ Hương say ngan ngát mái chèo/ Ngược dòng, liệu có mang theo chút tình? (Mộng du).
Tập thơ Miền không tuổi của nhà thơ Trần Phan Dương
Mới chạm hai mươi tám hạt chữ của Trần Phan Dương gieo trong bài thơ đầu tập, đã thấy cái trong trẻo, cái nồng nàn của yêu tin đích thực sóng ra từ bóng chữ. Và mái chèo thơ đẫm hương say ở trên kia, chắc hẳn sẽ đưa người đọc bồng bềnh cùng những thăng hoa trên dòng sông Lục bát của ông:
Lắng nghe tiếng thở của đêm/ Phập phồng khắc khoải cháy niềm khát khao/ Lắng nghe tiếng gió trên cao/ Giọt tương tư chợt nép vào tên nhau. (Phong sương).
Nào, con đò thơ xin dừng bên một tháng Giêng xuân, để nghe trong nụ xanh những bần thần ấp ủ từ xa xăm nở về chiều hiện tại:
Giá như ngày ấy, giá như…/ Bần thần câu hỏi đến từ xa xăm/ Lửng lơ một chút tơ giăng/ Bàn chân đi hết tháng, năm vẫn còn. (Nụ xanh).
Lục bát nói chung thì cứ câu trên câu dưới, tạo nên một cặp mười bốn âm tiết, dung dăng dung dẻ dẫn nhau đi bằng cái nhịp vần vè qua lục thanh của tiếng Việt. Còn thơ Lục bát đích thực thì khác, nó tạo nên sự ám ảnh bởi nhiều tầng nghĩa, nó hút người đọc ở cái vân vi tỏ bày, cái dãi dề chia sẻ, ngỡ như mộc mạc, dung dị mà lại hàm chứa, gợi mở ý tứ trong sự đa chiều, đa diện của ngôn ngữ thơ. Trong tập thơ này, độc giả sẽ được tiếp cận rất nhiều câu thơ Lục bát như thế của thầy thuốc Trần Phan Dương:
Chập chờn có, chập chờn không/ Cánh diều cõng cả tiếng lòng đầy vơi/ Ngổn ngang cung bậc đất trời/ Bồng bềnh cùng tiếng thơ tôi tìm về… (Tìm về).
Trở lại với những cung tình bảng lảng xa xôi mà vị thầy thuốc khả kính dựng giữa Miền không tuổi, ta gặp những tia chữ chấp chới bay lên trong ráng chiều xa, những tia chữ ấy được tạo ra bởi mạch cảm xúc yêu chân thành, bởi những nuối tiếc đang trăn trở bộn bề trong vỏ chữ:
Ngàn trùng dẫu có cách xa/ Dấu chân ngày ấy vẫn là của nhau…/…/ Đất trời Phan Thiết và anh/ Mặn mòi là biển mong manh là tình/ Để bâng khuâng tự hỏi mình/ Giá ngày xưa chẳng lặng thinh bỏ về… (Khoảng trời riêng em).
Tự thiên cổ tình xưa cho đến tình nay, thì những phiến tình thơ thường hay hơn, gợi mở hơn khi tác giả của nó tương tác cùng miền ký ức, hoặc chạm những u hoài nuối tiếc đã xanh rêu của cõi tình. Đọc Miền không tuổi của vị thầy thuốc – nhà thơ này, lại thấy cái ý ấy đúng thêm, hay thêm lần nữa:
Yêu như rút ruột thân tằm/ Cho dù phía trước đã thăm thẳm chiều/ Người vò võ, kẻ cô liêu/ Mây vương một chút đăm chiêu trên đầu. (Tình đã về đâu).
Vậy nên, phàm đã là cảm xúc thơ về tình yêu, thì phải được thời gian ướp ủ, rồi ngả ngấu qua những chứa chất, trăn trở, nuối tiếc… thì mới thấy vía tình nhập vào hồn chữ:
Muôn lần muốn gọi em ơi/ Tóc thề trói chặt một đời cuồng si/ Tình vương vào mỗi bước đi/ Xum vầy rồi lại chia ly dặm trường/ Tìm nhau chín ngả mười phương/ Cháy lòng trên những nẻo đường không em. (Nẻo đường không em).
Với thơ, cái hay, cái đẹp ít khi lộ ra vỏ của câu chữ, nội lực của nó nằm trong ruột chữ, trong cái tư tưởng thơ. Với tình yêu, định lượng của nó không thể đo đếm bằng khái niệm hay tần suất của những cuộc ái ân, giá trị của nó nằm ở sự dấn thân và quyết liệt:
Mai này nắng có còn vương/ Xin đừng quên những nẻo đường bên nhau/ Mai này là của kiếp sau/ Kiếp này ta cứ bạc đầu vì em. (Kiếp này ta cứ bạc đầu vì em)
Có thể nói, hồn thơ của thầy thuốc Trần Phan Dương đã được ngâm tẩm trong màu men của những câu ca dao, dân ca cổ tích, trong cái nết thuần hậu, khiêm cung mà sâu thẳm của dân gian. Rồi từ truyền thống ấy, ông đã tạo dựng nên những câu thơ thơ Lục bát nhuần nhị, đằm thắm của riêng mình:
Tháng Mười gió cứ lâng lâng/ Nhớ nhung mềm cả nửa vầng trăng non/ Chân trời vương một vết son/ Heo may như đã mỏi mòn tương tư. (Gió tháng Mười).
Để có những câu Lục bát mềm mại, dịu dàng mà lại đầy sức gợi, sức mở như vậy là không hề dễ, nhất là khi miền thơ Việt Nam hôm nay đang lạm phát Lục bát vần vè từ mọi ngả.
Thơ Trần Phan Dương chảy từ mạch hồn làng hồn nước, nên trong ấy khoanh giếng khơi tuổi làng cùng mảnh trăng ngà thấm đẫm hồn quê luôn hiện hữu. Đây, khoanh giếng thuở nào trong vắt hồn quê ngọt mát:
Giếng làng giờ có còn không?/ Dây gầu còn giữ chút bồng bột xưa?/ Đất lành tắm nắng gội mưa/ Hồn quê gần gũi lại vừa cao sang/ Yêu nhau từ cái giếng làng/ Tha hương lòng vẫn muốn mang theo cùng. (Giếng làng).
Đây, mảnh trăng ngà, đang vằng vặc trải vàng vào một cung đêm:
Làng quê uống cạn cả trăng/ Mà như vẫn khát giữa vằng vặc đêm. (Trăng quê).
Có yêu quê, yêu truyền thống lắm, thì trong thơ ông mới dày đặc những hình ảnh và cách nói nhuốm màu xưa cũ, được ông dùng để tải những cảm xúc hiện đại hôm nay:
Gió hoang chưa cất thành lời/ Mà như ngọn sóng xa khơi bạc đầu/ Thời gian vừa giập bã trầu/ Đã nghe cổ tích vương câu giã từ… (Ôm cả đất trời).
Miền không tuổi, dẫu còn đó đôi chỗ tác giả tự lặp lại mình, đôi chỗ hơi lạm phát từ láy, từ ghép của cha ông, nhưng chắc chắn khi đọc hết một trăm rưỡi trang thơ Lục bát của thầy thuốc Trần Phan Dương, hẳn người đọc sẽ thấy yêu hơn với thể thơ đã đồng hành với những kiếp người của nước non này qua bao triều đại.
Miền không tuổi đã định hình một hồn thơ nhân hậu và trong trẻo. Hồn thơ ấy đã có những tìm tòi để tạo nên nét riêng cho ngôn ngữ của thơ mình, hồn thơ ấy đã lao động đích thực cùng câu chữ, để tạo nên một tư tưởng thơ liên tục và xuyên suốt trong quá trình sáng tác. Đó là những thành công rất đáng ghi nhận của thầy thuốc Trần Phan Dương qua cuộc chơi chữ nghĩa đầy nghiệt ngã của thơ, nhất là thơ Lục bát.
K.L.B
Hà Nội, Xuân 2020