Trương Tri & Người mẹ đơn thân

626

21.8.2017-15:45

Nhà văn Trương Tri

 

>> Ánh trăng nghiêng bờ vai

>> Buông câu tuổi thơ 

 

Người mẹ đơn thân

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG TRI

 

NVTPHCM- Chị tự biết mình là con bệnh cô đơn. Mà đúng vậy, khi chưa phát hiện mang bệnh hiểm nghèo chờ chết, chị đã là người đàn bà cô đơn mạnh mẽ đáng thương một nách hai đứa con gái bé bỏng sinh đôi xinh xắn mắt tròn đáy tô đen láy lung liêng môi hồng da trắng nõn nà tóc xoăn đen nhánh. Một kiểu người đồng gò đậm chất phương Đông, mũi hơi cao bình thường, dáng người dài ngoẵng chứ không ngăm ngăm bánh mật không cao không lùn như bố mẹ, nên bố không ưa hai con gái, càng tăm biệt mù khơi nảo nao xứ người làm ăn bài bạc rượu chè trai gái vô biên.

    

Thực lòng anh chồng có nghĩ đến gia đình nhưng do nếp sống phóng túng, năm  thì mười họa thảy vào tay chị mấy đồng bạc cắc, có đồng mới quá không muốn tiêu xài, nhưng chị túng bấn chẳng cầm được mấy ngày, vì số bạc may ra gần đủ cơm cháo áo đụp vá víu cho một nửa bé con. Nên chị tảo tần nuôi thân nuôi nấng hai con tốt hơn cho xứng đáng với tình mẫu tử mà chị dành cho hai bé ngây ngô xinh xắn như những cô bé trong tranh của chị và phụ giúp cha chồng già yếu. Lâu quá không mua áo sắm quần mới mỗi độ xuân về, nhưng con vẫn có đồ mới mà cũng chẳng tốn kém bao nhiêu, lễ chùa mỗi tháng mấy lần chị có chiếc áo dài sương khói cũ. Và lâu lâu chị hy sinh một bộ áo váy hiếm có dịp mặc, cắt may thành mấy bộ đồ phối tấm kỳ lạ nhưng rất hợp màu mè của các bé gái thân yêu bù vào áo váy thiếu thốn của hai con, còn bé tẹo nhưng hai bé cũng biết đồ mới đầy màu sắc kỳ lạ xinh xắn của mình chỉ là đồ cũ của mẹ can lại.

 

Không biết do bản năng tình mẫu tử trong hai tấm lòng non nớt hay sự lạ lẫm đầy kiêu hảnh của những áo váy ấy khiến chúng bạn khen ngợi mà hai bé lấy làm vui thích hơn là buồn rầu. Niềm vui của hai bé lây lan sang mẹ làm khuôn mặt thanh tú đã đượm màu gian nan khắc khổ rạng ngời lung liêng ánh mắt thiếu nữ vừa đôi lần trăng thì đằm thắm, cái tươi thắm mang mang chút bùi ngùi vì nghịch cảnh côi thân. Hai bé lớn dần vẫn giống nhau như hai giọt nước nhưng tánh khí hoàn toàn khác nhau đến trái ngược. Bé em thường hỏi mẹ về người cha phong sương lâu lắm mới ghé qua nhà một lần vội vả, chưa kịp xoa đầu con yêu cũng chưa kịp vuốt… tóc vợ hiền đã tất tả lên đàng đi vào nắng gió phương nao! Còn bé chị thể hiện tình cảm lời nói ánh mắt như chỉ có mẹ và em trên đời. Bé em hay hiếu động những trò chơi trẻ trai, trong khi bé chị thường trầm mặc thùy mị thiếu nữ bé. Bé em thích gánh nước bổ củi lau nhà giặt đồ phụ mẹ, còn bé chị thích nhặt rau nấu nướng khâu vá thêu thùa…

    

Chị đang là nữ sinh trung học thì gia đình sắm sửa gả lấy chồng và nghỉ học chữ để tập tành gia chánh nữ công cả năm trời. Vốn khá thông minh chăm chỉ nên học bổ túc gần xong tú tài thời gian ấy và lúc mới lấy chồng, chỉ tiếc chưa kịp thi cử thì phải ở cữ sanh đôi hai bé gái, rồi đầu tắt mặt tối lam lủ mưu sinh, nhưng văn hóa chữ nghĩa cũng còn đọng lại trong người kha khá và cơ may đã đến. Chùa quê giao chị phụ trách lớp học tình thương xóa mù chữ miễn phí mỗi tuần vài ba buổi tối cho các ông bà cụ mẹ lý sự cao ngời chữ nghĩa lưa thưa tại nhà tăng, nhân tiện các tối khác dưới ngọn đèn lập lòe trong căn nhà nhỏ, chị là gia sư dạy thêm cho các cháu nhỏ giúp bà con lối xóm. Học phí là những cân thóc củ mì cái hột gà, nhưng đa phần miễn phí vì con dân nghèo. Từ khi có lớp dạy thêm của chị, trẻ quê đi học đều trồi đầu lên ở trường ở lớp, gây sự chú ý của nhà trường và chánh quyền địa phương, sự vui mừng rạng rỡ bằng những ánh mắt kính mến hả hê của các bấc cha mẹ xóm nghèo.

    

Vì nhà trường thiếu giáo viên các cấp, chị được mời làm giáo viên đứng lớp, và nhà trường hứa gửi chị đi học sư phạm để hợp thức hóa xin phiên chế sau này. Chẳng may có khẩu thị mới, giáo viên không qua sư phạm đều cho nghỉ dạy ở trường. Gặp xui nhưng chưa bị xẻo, địa phương hay tin đã đích thân đến mời chị phụ trách xây dựng lớp bổ túc văn hóa, vừa là giáo viên đứng lớp vài ba buổi một số môn hợp năng khiếu. Mèng ơi, sau khi bị xô té nhào lộn cổ cố đứng dậy, đã đứng nhằm chỗ cao hơn chắc chắn hơn. Và hầu như giáo viên lớp tối bổ túc chưa qua sư phạm, có thầy chỉ nguyên là học sinh cuối cấp hai thôi nhưng đều có tâm với giáo dục nên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí một số học sinh khá giỏi thi đỗ cao tốp đầu hàng huyện. Đặc biệt các bô lão bà cụ mù chữ đều đã coi sách đọc báo được là niềm tự hào của cả địa phương của hội phụ lão cũng như bản thân các cụ các mẹ.

 

Thực ra thu nhập nghề giáo không hơn tháng ngày lam lũ trước đây, nhưng các con vừa được ôn lại kiến thúc cùng mẹ làm quen nghề gia sư vừa có lợi sau này ra phố trọ học xa nhà có thể tự lo đời sống phần nào. Rồi hai bé vào trung học rựa ràng xinh xắn trong đôi tà áo dài tha thướt tinh tươm, khuôn trăng rạng rỡ vì mẹ đã bớt lam lũ cho các con ăn mặc học hành, và rạng rỡ hơn khi mẹ đã hoàn thành lớp sư phạm Văn, dù mẹ có năng khiếu toán hơn, nhưng trên phân công như thế và vì vợ thầy giám hiệu dạy thêm môn toán đông nghẹt học trò. Không sao, giấc mơ từ bé sau này trở thành cô giáo quá lớn tưởng không làm nổi nhưng nay đạt tâm nguyện là may lắm rồi. Giờ chị giảng dạy văn chương theo đúng ngành được đào tạo và làm gia sư vài môn khác không vì vắt dò lên cổ chạy theo đồng tiền là thứ không thể thiếu trong đời người.              

    

Đôi lần ngày nghỉ chị ra trường phố nơi hai con trọ học ghé thăm cho vơi niềm cô đơn thương nhớ vô bờ. Nghỉ hè chị cùng đồng nghiệp hoặc các con đi tham quan xa gần, đi nghỉ dưỡng đi học bồi dưỡng ở các vùng miền thành phố. Ba mẹ con có cơ hội sóng sánh áo dài thướt tha tung tăng ngàn phố. Lâng lâng với sự tha thướt kín đáo ấy, lâng lâng niềm vui mẹ hiền con ngoan giữa phố ngàn mà tha hồ mơ ước ngày mai, cũng không quên ghé vào bệnh viện trung tâm kiểm tra sức khỏe tổng quát của hai con, và chị làm riêng một số xét nghiệm. Buồn thay niềm vui chưa được bao ngày thì nỗi đau khôn cùng ập tới, nỗi buồn kép: Bố của hai bé, chồng chị đã chết sau một cuộc rượu trời tàn, khi ông nội hai bé vừa mất chưa đầy vài tháng. Vội vả ghé vào bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm để kịp đi đón xác chồng. Thôi thì cất hết hồ sơ bệnh viện sẽ tính sau, ma chay cho bố hai cháu là cần thiết là ưu tiên là nghĩa tử nghĩa tận.

   

Chị làm lễ tang bố các con nghiêm trang ấm cúng tại quê nhà chồng, quan tài sơn son thếp tía quàn ở sảnh chùa quê rộng rãi, bà con đến viếng đông đúc thân tình, đông hơn những đám tang khác vì quí mến mẹ con chị, vì nể trọng chị vì muốn đền đáp ân tình của chị với các tầng lớp học trò quê từ già đến bé con, và cũng vì tò mò về hình dong về cái chết bất thường của chồng chị. Nỗi buồn chồng lấn nỗi buồn, niềm đau chất lên niềm đau trên những đôi vai hao gầy hai con và chị muốn ngã quỵ, nhưng chị chỉ ngã quỵ sau khi mai táng chồng xong, trong nỗi đau khôn cùng chị mở hồ sơ khám tổng quát hai con ra xem đều tốt.

 

Tin vui làm chị được nâng lên khỏe ra chút ít, và mở xem hồ sơ xét nghiệm của mình, chị mơ hồ thấy một chữ K trong vòng tròn… trong nhạt nhòa nước mắt và những tiếng nấc nghẹn dồn dập, chị may mắn còn kịp đọc dòng chữ khám nội soi sinh thiết kiểm tra và cất vội giấy tờ. Chị chớm choáng ngất trong vòng tay hai con hây hây tuổi vừa bước qua trăng tròn mềm mại khỏe khoắn ân cần đặt chị nằm xuống giường chăn êm nệm ấm. Trong cơn mê như tỉnh như mơ, chị chợt hiểu mình chưa xem kết quả mà vội xấp tất cả bỏ vào túi xách dù xem chúng chỉ mấy phút là có thể được các chuyên gia giải thích và hướng dẫn kỹ hơn cách xử lý tiếp theo. Nhưng vì vội đi đón xác chồng nên chị đã gác tất cả mọi thứ liên quan đến chị và con lúc ấy. Trong giấc chiêm bao nửa chừng thực tại ấy, chị ý thức tự chịu đựng, kiểm tra và tìm cách khắc phục để các con không vướng bận chuyện học hành chuyên kiếm sống cho cả ba mẹ con. Chị thầm cảm ơn nhà trường và bà con xóm nghèo đã đưa đẩy tín nhiệm chị trong vai trò giáo viên cao quý, tìm ra cách để sống có ích cho gia đình cho bản thân mình và cho cộng đồng, không ai đau thay mình được thì mình tự khắc phục vượt qua..

   

Lần sinh thiết nội soi sau khi chồng chị mất, vị chuyên gia kinh nghiệm cảnh báo tuy bệnh cơ bản không lây và cố gắng sống điều độ trong vòng ba đến sáu tháng nữa, nếu qua sẽ tiếp tục đối phó, đến nay đã hơn vài mươi lần sáu tháng, con bệnh cô đơn sắp chết là chị vẫn sống nhăn răng, ăn chay cầu siêu cho chồng cho cha mẹ chồng và phòng bệnh, vẫn sắm nghỉ lễ ma chay cho mọi người thân kẻ sơ, vẫn là cô giáo đứng lớp và quản lý những giáo viên trẻ khỏe. Hai con gái lấy chồng hai miền tuyến đầu Tổ quốc, cô em đi thực tập vùng cực biển, mê biển mê người đất mũi đã ở lại công tác rồi lấy chồng là chuyên gia cùng ngành yêu nghề ở đó, với giấc mơ bao la sẽ đón mẹ về miền biển xa đầy nắng gió để sống tốt hơn sống được lâu hơn bên con cháu yêu thương sau một đời gian nan và cống hiến. Nói vậy vì yêu thương mẹ mà nào có hay mẹ mang bệnh nan y hơn mười mấy năm nay, vẫn nếp sống tích cực điều độ chờ chết mà chưa chết. Và cô chị yêu núi rừng đi theo chàng trai làm việc luôn ở rừng núi cực xa tổ quốc lộng gió, cũng muốn đón mẹ về đó sống những mùa thích hợp để chăm lo. Hai cô thường một mình hoặc cùng chồng con về thăm mẹ ở lại vài ngày mỗi độ lễ tết và mùa báo hiếu Vu lan bồn, với giấc mơ thu xếp đưa mẹ đi mà chẳng đặng.

   

Dường như định mệnh lương duyên vận ly kỳ và diệu kỳ vào định mệnh hai con, đều có gia đình riêng hạnh phúc về đời sống và hôn nhân ở tận hai đầu Tổ quốc, dù trong mắt trong lòng các con, mẹ sống cô đơn nơi này xa lắc các con cháu muôn vàn yêu thương trìu mến, nhưng mẹ vô cùng mãn nguyện đã gian nan côi thân nuôi dạy các con khôn lớn nên người có ích cho gia đình cho quê hương, mãn nguyện hơn vì mang phận nữ đến đây lấy chồng làm dâu mẹ cũng mang trong mình mang trong huyết quản trong khắp thân thể không còn trẻ trung khỏe mạnh này niềm hạnh phúc niềm tự hào đã cống hiến hết sức mình phần nhỏ thôi và chẳng hổ thẹn nếu ngày mai viên mãn về cõi Phật được an táng nơi bản quán cha các con nơi quê chồng của mẹ nơi mẹ rất rất… không cô đơn này!

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mùa chim chích – Trần Quốc Cưỡng

>> Cơn giông chiều – Mai Hương

>> Chiếc nhẫn kim cương – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Tượng Balzac – Lê Đạt

>> Trăng – Lê Nguyệt Minh

>> Dứa dại – Đỗ Kim Cuông

>> Chị tôi – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Vàng lửa – Nguyễn Huy Thiệp

>> Một cánh bướm nào đó – Nhật Chiêu

>> Phù hư – Ngô Đình Hải

>> Bánh trôi hoa – Lê Hà Ngân

>> Cú sốc – Văn Giá

>> Xóm Cù Lao – Trần Thị Kim Nhiên

 

 

 >> XEM TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…