Nguyễn Vũ Quỳnh đi từ đồng quê đến đồng đội

1046

12.9.2017-23:00

 Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh

 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh:

Đi từ đồng quê đến đồng đội để có hôm nay

 

THỤC ANH

 

NVTPHCM- Thơ của Nguyễn Vũ Quỳnh là những tác phẩm được bạn đọc quan tâm và yêu thích, anh từng là người lính đi qua trận mạc, làm báo, viết văn. Trên diễn đàn văn hóa nghệ thuật hôm nay chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vũ Quỳnh về những tác phẩm của ông.   

 

* Được biết, anh xa quê để bước chân vào cuộc hành trình giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Có lẽ vì vậy, hai tiếng quê hương luôn thúc giục, thôi thúc dồn nén tâm hồn thơ để anh làm nên tập thơ Khúc hát xa quê chăng?

      

– Tháng 8 năm 1970, tôi đã đi xa quê nhưng lúc ấy chỉ là đi học, một năm sau tôi được gọi lên đường nhập ngũ. Cái xa nhà của thời sinh viên khác lần xa nhà của người ra chiến trường ghê lắm. Quãng đời ra trận, cái thời làm anh bộ đội hình như là số phận quy định tôi phải đi xa quê và khởi nghiệp bắt đầu từ binh nghiệp thì phải. Tôi có khoảng thời gian hai mươi năm trong quân ngũ và xa quê từ cái hồi năm ấy cho đến bây giờ, cũng ngót nghét hơn bốn mươi năm rồi. Cho nên thơ tôi có chất quê, bức tranh quê cứ như những thước phim quay chậm in vào tâm trí của tôi, nhắc tôi viết về nỗi nhớ.

 

Từ năm cuối cùng khi còn học trong trường phổ thông và lúc ra trường tôi đã viết: Tàu đời sắp chạy trên đường thép / Chào lại trường tôi một ga tình… Cũng vì cái khiếu của dân học văn, nên thơ ca nó ngấm vào trong tận sâu thẳm của tâm hồn mình từ lúc nào không hay. Những năm tháng vượt Trường Sơn, thỉnh thoảng làm thơ dọc đường hành quân như: Gió vờn mây núi hành quân / Chiều như rụng xuống mùa xuân cánh chuồn. Hai câu ấy tôi nhớ trong bài Chiều Sông Bung đấy. Tôi viết bài thơ Trên đỉnh đèo Mây có câu: Thoáng qua tiếng em rất khẽ / Nhớ rẽ đường này nghe anh / Dáng em nhòa vào mong manh / Giống như nàng tiên cổ tích / Đẹp hơn lan rừng Trường Sơn. Bài Vượt Cổng Trời. Rồi bài Qua phà Long Đại và bài Hơn cả thiên đường có câu: Ai ra Bắc nhắn mẹ tôi / Con đang canh giữ cổng trời Trường Sơn / Chiến còn chỗ nào hơn / Ta xin đổi lấy nụ hôn chiến trường… Và: Nụ hôn đến giữa chiến trường / Sướng hơn ở cõi thiên đường mênh mông.

 

Sau những bài thơ viết trong tầm bom đạn như thế. Khi hòa bình lập lại, sau khi ra trường có đến mười năm tôi không viết bài văn, bài thơ nào nữa. Mãi đến khi dừng làm quan thì những bài thơ viết sau chiến tranh, về nỗi nhớ quê da diết như theo dòng chảy tuôn ra: Ôm dáng quê cuộn tròn vào giấc ngủ / Dáng xưa về lục lọi cả tuổi thơ. Đó là bài Dáng quê rồi đến bài Dạ khúc: Đêm nằm mơ gốc rạ cọng rơm / Con cáy đỏ chờn vờn trong giấc ngủ / Trắng ngọn khoai sau trận mưa rào. Trong tập thơ Khúc hát xa quê có hai bài thơ được bạn đọc tâm đắc, cảm động. Bạn biết không có nhiều người thích và thuộc thơ tôi, đó là bài Chợ quê, tôi đọc nhé: Chợ quê thúng mủng dần sàng / Chật câu chào hỏi chật hàng lối đi / Chợ quê chẳng thiếu thứ chi / Mới tang tảng sáng mua gì đi em / Trong chợ toàn những người quen / Vừa mua vừa bán vừa chen lời chào/ Người quê không thách giá cao hôm nay giá gạo mua vào bao lăm / Đi chợ cốt để hỏi thăm / Hỏi xem người chốn xa xăm có về / Đã từng khoai sắn cơm khê / Xa rồi vẫn nhớ chợ quê làng mình. Tôi viết về quê như vậy đấy. Và viết về những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh. Bài Đồng đội ơi, tôi chỉ đọc một đoạn thôi nhé: Đồng đội ơi chúng ta / Chẳng đứa nào mà không có tên / Khi điểm danh đứa nào cũng có / Lúc ngã xuống trong mưa bom bão đạn / Trên mộ phần tên người có người không / Đồng đội ơi sao chúng mày nghiêm thế / Cứ mãi xếp hàng không chịu tản ra / Khi cỏn sống đã xếp hàng đều đặn / Hi sinh rồi hàng vẫn xếp thẳng ngay

      

Nói chung tập thơ Khúc hát xa quê là khúc hát ba mươi năm xa quê, tôi viết vể quê hương, về đồng đội của mình. Đây là tập thơ đầu đời viết khi mình còn đang trẻ, để lại trong ba lô người lính rất lâu, đã úa màu thời gian nhưng thơ vẫn còn trẻ và chưa bài nào già cả. Có phải không nào?

    

* Anh thích những điều gì ở tập thơ này và có những gì chưa thể hiện hết, vẫn còn trong nuối tiếc và nỗi nhớ da diết về quê hương?

     

Thích điều gì ở tập thơ này ư, thích nhiều chứ, vì đứa con tinh thần đầu đời được sinh ra trọn vẹn tươi nguyên ghi lại được những kỷ niệm, những kí ức thời gian, sự lãng mạn vượt qua giới hạn của thời ấy là nụ hôn đến giữa chiến trường mà mình đã thể hiện được vì thời ấy mấy ai dám viết như vậy. Coi chừng bị kỉ luật ngay. Nỗi nhớ và tình yêu ở cái thời chiến trường chia nửa vầng trăng ấy trong sáng và đẹp lắm nhưng tất cả là kỷ niệm một thời đã qua nhưng kí ức thì không bao giờ quên được.

      

Còn tiếc gì ư? Có chứ. Tiếc là có mấy chục bài viết ra rồi, lúc chuyển quân bị thất lạc hết mà bài mất thì toàn là hay. Con cá mất là con cá to mà. Cái chưa trọn vẹn nữa là lần đầu tiên xuất bản tập thơ mình chưa có kinh nghiệm, thơ làm ra để lâu nhưng in sách lại vội vàng, mảng đề tài tình yêu thời trai trẻ còn rất ít, có người bạn gái nói với tôi: Sao chưa thấy anh viết về chúng mình trong Khúc Hát Xa Quê của anh. Đấy cũng là điều đáng tiếc nằm trong những bài đã mất…

     

* Anh có tập thơ thứ hai có cái tên nghe là lạ. Đó là tập Ru lời yêu em mà sao không nói yêu em, mà lại Ru lời yêu em. Phải chăng đây là tập thơ được bổ sung cái phần yêu mà trong Khúc hát xa quê còn thiếu?

     

Ru lời yêu em là tập thơ tôi vẫn viết về đồng quê và đồng đội nhưng như bạn đã biết đấy, trong tập thơ này có nhiều bài viết về những kỷ niệm bè bạn con trai, con gái một thời cuối thế kỉ hai mươi, đầu thế kỉ hai mốt. Một chút lãng mạn chân thành, một chút tiếc núi muộn màng: Lâu lắm rồi nỗi nhớ ai / Cứ xoăn xoắn lấy nhớ hoài đấy thôi / Nhớ làm mây cũng ngừng trôi /Ánh sao thắc thỏm xa xôi phương nào .Và: Dòng đời bao nỗi mong manh / Tìm em trong giấc mơ xanh mảng trời. Các bạn đừng tin nhà thơ viết yêu là thật nhé, viết có tình trong đó, có em trong đó, đừng tưởng ông ấy nhà thơ mà đa tình, oan lắm. Đó chỉ là ốc mượn hồn thôi… Nhiều bài thơ viết yêu mà không phải vậy. Không biết các mợ nhà thơ nữ họ viết có thật thà hay không mà bài thơ tình nào đọc cũng thấy ngèn ngẹn, thấy đau đau và chất chứa những nỗi niềm…

      

Còn các đấng mày râu những người làm thơ hay về tình yêu họ yêu ít, không nhiều lắm đâu. Vấn đề là ở chỗ cuộc sống sung sướng hay đau khổ, có kỉ niệm hay không thì mới viết được. Thường thì người buồn, người khổ làm thơ tình cảm, day dứt, xúc động hơn người sung sướng, giàu có. Không biết có phải vậy không? Nhưng tôi thuộc thành phần không khổ, không đau và không gàu nhưng nhiều lắm những kỷ niệm. Tôi viết trong tập Ru lời yêu em may mà cái thời đã được mở rộng tầm nhìn của bề trên, cái biên độ cuộc sống trong thời thế kỉ hai mốt đã thênh thang cho nên được viết như vậy. Cái mảng đồng quê, xóm thôn, bờ sông, cánh đồng luôn luôn được tôi nâng niu, trân trọng. Xin đọc thử đoạn này nhé: Bếp chiều con tép bờ sông / Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm / Quê thời bếp núc rạ rơm / Mặm trên lưng mẹ nồi cơm độn đấy ? Cái thời bánh chưng bánh dầy / Tứa trong nước miếng luống cày đồng xa… Đó là một đoạn trong bài thơ Qua miền ký ức. Tôi viết về quê nhà nay đã khác xa ngày xưa nhiều lắm rồi nhưng kí ức  của những mùa giáp hạt thì không bao giờ quên được. Hay: Ước gì làm một hạt mưa  / Lọt vào thăm thẳm gọi xưa trở về.

      

Đời làm báo được đi đây đi đó, tôi may mắn được đến Trường Sa và viết về ngoài ấy. Nơi quần đảo xa xôi, nhiều lắm những phong ba bão táp nơi tình người, tình yêu nước và tình yêu chung thủy, hòa quyện với nhau. Tôi đã viết một đoạn như thế này, nhớ đâu đọc đến đó nghe: Tạm biệt nhé Trường Sa không xa / Đá Tây, Phan Vinh nắng tràn Nam Yết / Đêm Tiên Nữ lá thư viết vội / Gửi Len Đao kịp thả những vòng hoa / Nhớ hôm em về với đảo Sơn Ca / Sóng táp mạn xuồng làm áo em ướt hết / Anh choàng áo mình che ấm tình em / Ở đảo Sinh Tồn khi bình minh lên / Là nỗi nhớ hòa vào với biển / Nghe hương thầm tiếng hát giữa trùng khơi / Mai mốt em về với đảo Trường Sa / Nơi Tổ quốc các anh nhìn từ biển / Canh giữ biển trời mai mãi bình yên /… Thế đấy, viết về người lính nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Tổ quốc các anh nhìn từ biển rất dễ xúc động. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc và ca sĩ Tường Vy đã thể hiện trên truyền hình nhiều lần, được nhiều người yêu thích.

     

* Đối thoại với thời gian có vẻ trừu tượng hay là lượng hình thời gian để anh đẩy nhiều tình tiết thi vị, nhiều góc cạnh của cuộc sống vào trong thơ anh ?

      

Một tình tiết thú vị đấy. Tập thơ Đối thoại với thời gian ra đời năm 2013. Tập thơ này đã được bốn nhà thơ viết lời bình và giới thiệu. Đó là các nhà thơ: Trương Vĩnh Tuấn, Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Thụy Kha, Xuân Trường. Tựa đề là hồn cốt cùa tập thơ, người làm thơ thường tìm những tựa đề bài hay để đặt tên cho tập thơ. Tôi cũng vậy nhưng phải xem xét nó có trùng với ai không, có tính đại diện không và có tính văn học như thế nào nữa. Có triết lý nhân văn không, có hay không đã? Tôi thường nghĩ thếv.v. Đối thoại với thời gian cũng như tập thơ Chép lên khoảng trời trừu tượng mà không trừu tượng. Chân thành mà sang trọng. Triết lí và nhân văn. Tôi viết cái đã qua, viết cái bây giờ để người đọc thấy ngày xưa những sự cống hiến hy sinh dành lại độc lập, non sông đất nước, dành lại cái nền văn hóa của người Việt và sự nghiệp hôm nay ra sao? Có xứng tầm không? Cái được và cái chưa được. Đối thoại với thời gian mang tính thế sự cao, chất vấn thời cuộc, kể cả vấn đề hôm nay của đất nước. Câu thơ, câu ca dao, lời ru, bài hát dân ca bây gờ còn sâu lắng, hay nhạt nhẽo, mẹ có còn cho con bú, mẹ có ru con nữa không? Cái chân giá trị có được các nhà quản lí đất nước, hoạch định và lãnh đạo bây giờ làm sao? Cái tựa đề của bài thơ dài Đối thoại với thời gian cũng là chủ đề xuyên suốt của tập thơ là như vậy.

        

Xin đọc lại vài đoạn mà các nhà thơ đàn anh nhận định và đánh giá trong tập thơ này nhé. Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đã viết như thế này. Chờ tí… đây mình đọc nhé: “Nguyễn Vũ Quỳnh là nhà thơ nghĩ và viết về đất nước của mình qua quãng thời gian đã sống với sự hàm ơn. Với trách nhiệm cùng sư lo âu khắc khoải, cùng với sự khẳng định những bước đi thăng trầm của đất nước, Lý tưởng và hoài bão, vinh quang và mất mát, lo âu và hi vọng, có cả sự bất lực trước những điều ngang trái. Tập thơ thể hiện lòng yêu nước của một con người yêu nước. Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh phong phú nhiều thể loại, giàu ngôn từ đẹp, đa cảm với một giọng điệu riêng, chiếm được vị trí, cảm xúc của người đọc.”

      

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết trong lời bình: “Đối thoại với thời gian là bài thơ hay cũng là một tựa đề hay mà Nguyễn Vũ Quỳnh lựa chọn đặt tên cho tập thơ. Đó là tư tưởng, là lí trí chủ đạo, có tính hàn lâm mà dung dị của tập thơ. Thơ Vũ Quỳnh mềm mại, tinh tế trong nhiều mảng đề tài khác nhau: Búp sen xanh giấu hương vào nhụy / Em nhuộm màu thời gian trong anh. Hay: Trốn thành phố trở về làng / Cơn mưa đanh đá lá vàng rơi cong. Và: Bông cải vàng ngát bờ đê / Gió mùa lạnh ngắt chiều xê xịch chiều vv..”.

       

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì nói rằng: “Đối thoại với thời gian của Nguyễn Vũ Quỳnh là nguyên vẹn một hồn quê, trong sáng, đẹp đẽ và dịu vợi”… Riêng nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long đã lấy năm mươi lăm cái tên của năm mươi lăm bài thơ trong tập thơ này, làm hẳn thành một bài thơ tặng tôi hay lắm. Tôi sẽ in bài thơ ấy ở tập Tôi và Chúng ta. Thôi nhé! Về Đối thoại với thời gian nó ra đời như thế, tôi trao đổi như vậy không biết đã đủ chưa?

    

* Chép lên khoảng trời cũng là một sự hình tượng hóa nữa, anh nghĩ sao?

     

Trong bốn tập thơ của tôi thì tập Chép lên khoảng trời là tập thơ được đầu tư công phu mà tôi vừa ý nhất, về nội dung cũng như trang trí nội, ngoại thất của tập thơ. Cái câu Chép lên khoảng trời lại hình tượng hóa nữa phải không? Đúng rồi! Đó là cài tên thơ rất đẹp. Cái tựa đầu tiên tôi đã đặt cho tập thơ này là dựa vào bài Cánh đồng mẹ tôi nhưng sau khi ra Hà Nội hôm ghé qua  thăm tượng đài Lý Thái Tổ, rồi đến Tháp bút để đến đền Ngọc Sơn tôi dừng lại chân Tháp Bút. Nơi đây các cụ ngày xưa đã xây tháp bút, một tượng hình viết lên bầu trời từ lâu lắm rồi, Chứ không phải đến bây giờ. Không dám mạo muội đụng đến các cụ. Nghĩ ra trong tập thơ của mình có bài thơ Chép lên khoảng trời mà tại sao không đặt tên tập thơ là Chép lên khoảng trời mà lại dùng Cánh đồng mẹ tôi, nó hạn hẹp về không gian quá. Mình chỉ xin chép lên một khoảng trời thôi. Đây nhé: Ta đưa khát vọng thời đương đại / Về lại bến quê thăm miền cổ tích / Chép lên khoảng tời xanh màu ngọc bích / Chuyện ngày xưa đối thoại với bây giờ. Chắc các cụ vui lòng cho phép và Chép lên khoảng trời trở thành tựa cho tập thơ từ hôm đó. Nhiều bạn bè chúc mừng tập thơ có cái tên thơ riêng biệt và không đụng hàng. Nó là như vậy đó, có trừu tượng quá không nhỉ? Tập thơ này đã được các nhà thơ Đặng Huy Giang, Xuân Trường, Đoàn Vy, nhà văn Cao Chiến đã viết giới thiệu trên các báo rồi, khá là thú vị….

    

*Anh tự nghĩ những đoạn thơ anh thích nhất ở tâp này và cho những lời bình?

       

– Nói về thơ của mình thì bài nào cũng thích, cũng yêu cả nhưng bạn nói thích nhất ư? Nhiều đấy nhưng sao lại chỉ một đoạn thôi. Xin đọc vài ba bài thơ ngắn nhé : Bài Giấc mơ bắt đền: Bắt đền nỗi nhớ cùa nhau / Dòng sông cháy nắng tím màu hoàng hôn / Mấy ai biết được dai khôn / Có ai hôn nửa nụ hơn bao giờ / Bần thần lạc mất tuổi thơ / Đêm về lục lại giấc mơ bắt đền. Bài Tản mạn quê nhà: Quê nhà quả khế vẫn chua / Rau mồng tơi với canh cua cá thèn / Sấu bây giờ chín chưa em / Tự dưng anh thấy khát khèm ngoài quê. Và bài nữa nhé: Bài Tìm Xưa: Ven đường ngày ấy cỏ may / Còn rơi rớt gió những ngày lặng im / Gần nơi ấy giữa đồi sim / Là nơi đánh mất đi tìm ngày xưa.

      

Nếu không đọc thêm bài thơ Lời ru tháng tư thì vô cùng thất lỗi với đồng đội của tôi, chịu khó chút nhé, tôi đoc hai khổ cuối thôi: Ba mươi tháng tư vào Dinh Độc Lập / Giải phóng rồi sự thật ngỡ như mơ / sắc đỏ rừng cờ mừng ngày toàn thắng / Máu các anh tô thêm tươi thắm / Sông núi vẹn toàn chẳng thấy các anh đâu / Hơn bốn mươi năm / Về thăm nghĩa trang liệt sĩ / Nơi bây giờ các anh yên nghĩ / Những linh hồn mai mãi tuổi hai mươi / Siêu thoát trắng trong trẻ mãi không già / Tháng tư đi qua trời trong xanh quá / Cuộc sống bây giờ đã khác / Bộ đội không còn nằm tăng ngủ võng / Không dép cao su không mũ tai bèo / Không đi bộ như ngày xưa vào trận / Lính trơn ngủ với dường tầng /Áo quần đủ màu binh chủng / Súng xe nay cũng khác rồi / Bạn bè xưa tóc trắng muối tiêu / Lính bảy lăm nhiều đứa thành bộ trưởng / Chỉ có các anh vẫn lính chiến trường / Tư thế hiên ngang xung quanh đài liệt sĩ / Sao vẫn còn nhiều hai chữ vô danh?

      

Còn bình về mấy bài thơ này ư. Xin khất nhé, vì tất cả nó lộ ra bên ngoài hết rồi, thơ mình chân thành, dễ hiểu, giàu cảm xúc và ắp đầy kí ức, kỷ niệm nhưng cũng rất thời sự, thế thôi.    

     

*Nếu có ai góp ý thơ anh, anh nghĩ sao ?

      

– Nếu có ai góp ý cho mình thì hay quá. Mình phải cảm ơn họ, vì người đọc đã cảm thụ được thơ của mình. Họ cảm nhận ra và suy nghĩ về thơ khi họ thích, mà họ góp ý thì còn gì bằng nữa. Tiếc rằng số người am hiểu thơ, biết phê bình về thơ hiện nay ít lắm. Nhưng hữu xạ tư nhiên hương, đang còn có những người có tâm, có tầm bình luận chí lí lắm. Các ông anh, bà chị viết, bình, giới thiệu về mình khi họ nhận được thơ và ưu ái dành cho mình những tình cảm tốt đẹp những đóng góp ý kiến chuẩn mực, chính đáng. Vũ Quỳnh chân thành cảm ơn các anh chị và rất mong những góp ý trái chiều để mình nhận thấy những yếu điểm, để tìm ra những lời thơ đẹp và bài thơ hay thì còn gì bằng nữa. Phải cảm ơn họ chứ …

      

*Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, anh đã dành cho tôi cuộc trao đổi thú vị này.

 

Theo NNVN

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…