Vạn lý tình

1056

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi họp thường lệ cuối quí ở hội nhà văn, Đan lững thững trở lại phòng việc của chàng. Trời chớm thu xanh trong màu hy vọng. Trời đứng trưa, con đường Võ Thị Sáu, vắng dần bóng xe cộ và khách bộ hành, những cây me cổ thụ rơi lác đác lá vàng, đổ bóng đen xám xịt từng mảng dài trên mặt lộ im vắng dần người qua lại.

Ảnh minh họa

Vừa đặt nhẹ chiếc cặp cũ trĩu nặng sách vở và mũ bảo hiểm phong trần xuống mặt bàn, Đan nghe có tiếng gọi:

– Thưa  thầy… có thư

Đan vội vã quay nhìn về phía cô thơ ký:

– Thư gì thế … cô?

– Dạ thưa, thư tay. Một phụ nữ trung niên ăn mặc ra dáng vẻ như Việt kiều, do một thanh niên chở xe máy ban sáng vừa đến trường sau khi thầy vừa đi họp. Chị ấy bảo muốn gặp thầy.

Trao thư cho Đan, cô thơ ký chậm rãi tiếp:

– Thầy đi vắng nên chị ấy viết vội mấy dòng chữ nhờ em trao lại thầy. Em có hỏi, chị ấy bảo tên Lệ, là người quen của thầy Đan rồi đi. Chị hẹn sáng hôm sau sẽ trở lại.

Cầm trên tay non nửa trang giấy học trò nguệch ngoạc mấy dòng chữ ghi vội bằng bút bi, bên dưới ký tên là Như Lệ, Đan:

– Chắc là thư của người quen thân lâu gặp. Nhưng Đan chợt nghĩ, bản tính mình tử thuở nhỏ ít giao du, trong gần suốt cuộc đời đi dạy học, bạn bè thân thiết thường liên hệ của chàng không nhiều. Bà con ruột thịt, qua bao đổi thay của đất nước, giờ đây thường ở quê xa hay đã tản mạn khắp bốn phương trời. Tính dễ xúc động, trong đời Đan thường cảm thấy bâng khuâng mỗi khi nhận được thư. Thoáng chốc, tâm trí mông lung của Đan quay về với quãng thời gian quá khứ xa xăm từ thuở chàng mới bước chân vào nghể gõ đầu trẻ.

Đúng hẹn, sáng hôm sau, người phụ nữ trở lại trường học.

– Chào thầy Đan, thầy còn nhớ em không. Em là Lệ, con Năm Trường ở Long Mỹ đây.

– Chào chị Lệ, nhìn mặt tôi nhớ ngay rồi. Xin mời chị Lệ vào chơi. Đan vui vẻ kéo ghế nhựa mời khách ngồi và bảo cô thơ ký gọi nước.

Trong thoáng chốc, trí nhớ Đan nhận ra Lệ là con gái của Năm Trường trong ban nhạc Thanh Thanh của chàng ngày trước. Chính Năm Trường, cha nàng là người nhạc sĩ tài hoa thường đàn ghi-ta trong các buổi đàn ca tài tử cho Đan và các cô giáo ca vọng cổ tại Long Mỹ trước khi chàng bỏ trường, trốn học trò về dạy tư ở Cần Thơ vì bị gọi trình diện đi học sĩ quan Thủ Đức.

Mệt mỏi vượt hơn năm mươi cây số đường dài, chiếc xe đò Lưu Thông nhỏ bé, cổ lổ khục khục lên mấy tiếng nghẹn rồi dừng hẵn, bỏ lại phía sau từng vệt khói mù xám xịt tan dần trong khoảng không gian miền quê vắng lặng.

– Tới Long Mỹ, chỗ cùng đường rồi đó thầy giáo.

Chị hành khách bạn hàng trẻ tuổi quen đường, đi cùng xe ngồi băng sau mỉm cười, vui vẻ nhắc Đan.

Ngày mới tốt nghiệp Sư phạm ngành Văn, Đan tự nguyện đổi chỗ cho một anh bạn quê ở tận miền Trung xa xôi, về nhận nhiệm sở ở Long Mỹ, một quận lẻ heo hút buồn tênh khá xa thành phố. Còn gọi là Trà Ban Lớn, Long Mỹ dạo ấy nối mạch giao thông với Cần Thơ bằng một hương lộ nhỏ bé, lởm chởm đá núi và đất nung khi trời nắng ráo và lầy lội bùn đất lúc trời mưa. Thuở ấy, sự đi lại nơi đây gian nan như đường vào đất Thục.

Từ bến đò bên này sông nơi bãi xe dừng lại trông sang thị trấn, nhả lồng chợ quận Long Mỹ quạnh hiu, nằm chênh vênh giữa những dãy nhà tôn cũ thấp lè tè như ngủ yên trong không gian buồn tẻ thời chiến. Trung tâm thị trấn nằm trọn nơi doi đất giao thoa giữa kênh Trà Ban thẳng tắp và con sông Cái Lớn, mỗi năm hai mùa nước lợ. Mùa nước lớn tôm cá dập dềnh về theo con nước. Sáng chiều, những đám rong rêu xanh rờn trôi lềnh bềnh trong nước, bên cạnh những giề lục bình lãng tử hoa tím lạt như màu hoa bằng lăng man mác trôi lềnh bềnh trên mặt sông quê.

Đan cùng Hiệu trưởng Trương và đồng nghiệp Minh thuê nhà trọ cùng vách nhà với Năm Trường gần trường học. Anh Năm Trường sống nghề hớt tóc, rất nghệ sĩ và có ngón đàn ghi – ta Rạch Giá vô cùng mùi mẫn. Chị Năm hiền lành, hiếu khách, rất quý nhà giáo, nhận nấu cơm tháng cho ba người. Các con trai anh Năm học trung và tiểu học tại quận đều là học trò của các thầy cô giáo thành phố ăn cơm tháng tại nhà mình. Là trưởng nữ, mỗi ngày Như Lệ thay mẹ đi chợ, nấu cơm phục vụ cho các thầy giáo và gia đình. Nàng lẹ làng, vén khéo và vui tính, bữa cơm nào cũng dọn sẵn đầy đủ thức ăn và đúng giờ, khiến cho mọi người không phải chờ đợi và cảm thấy ăn ngon miệng. Đan, Trương và Minh ngày càng quý mến Lệ như người em gái họ hàng. Trong giáo viên, Đan và Trương ngoài giờ dạy học, đều tập trung vào ban nhạc, lo tập duợt bài hát cho học sinh và thầy cô giáo chuẩn bị biểu diễn vào ngày lễ trong năm học, trong dịp Tết và lễ kết thúc năm học. Riêng Minh, ông giáo ốm yếu, vóc người nhỏ bé, từ Cà Mau mới đổi về, thường hay đau ốm vì căn bệnh mãn tính. Minh không thiết tha với văn nghệ như hai bạn mình. Mỗi lần bị cơn bệnh rét rừng da mét vàng tái phát, Minh được Lệ hết lòng sắc thuốc, nấu cháo chăm lo tận tình.

Lần thứ hai sau khi  biết địa chỉ, Như Lệ tự tìm đến nhà Đan tại một hẻm nhỏ ngoại ô thành phố. Các con Đan đều đến tuổi đến trường. Đan ở một mình sau khi vợ qua đời. Tìm được nhà, Lệ tỏ ra khá dạn dĩ, tự tìm ghế ngồi. Sau khi đặt ly nước mát vừa uống xong xuống bàn, vẫn với nụ cười nở thắm trên môi như ngày xưa, Lệ nhìn Đan tâm sự như đã quen với anh tự bao giờ:

– Thầy Đan có không, khoảng năm 1971, thầy có đến chơi nhà em ở đường Quang Trung. Sau khi thầy về rồi, ba xấp nhỏ đã thưởng cho em ngon lành mấy bạt tai trời giáng. Chẳng biết sao, ông ấy nhìn thầy, rồi nghe thầy nói chuyện với em, ông ta lại làm như vậy.

Trong thâm tâm, Đan đã sớm hiểu ra duyên cớ khiến Lệ bất ngờ bị chồng nàng hành động vũ phu nhưng chàng không tiện nói ra.

Trong lúc Đan yên lặng, Như Lệ gần gũi hơn:

– Thực tế, khi còn ở Long Mỹ, em chỉ để ý đến thầy Minh. Thầy Minh hiền lành, vui tính. Chắc là do sự gần gũi, lo lắng cho Minh lúc đau ốm mà sinh ra tình cảm. Nhưng sau thời gian đó, thầy Minh đổi về dạy học tại Cần Thơ rồi qua đời trước khi gia đình ba mẹ em cũng dời về  nơi đó sinh sống.

Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây từ những năm đầu thập niên 80 tưng bừng và ngột ngạt trong không khí ăn chơi cuồng vội và khói lửa chiến tranh, tóc tang cùng lúc với mùa hè đỏ lửa  nơi Quãng Trị., nhân dân sống điêu đứng mà anh hùng trong niềm tự hào 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không tại thủ đô Hà Nội.

 Nhờ tài nấu ăn giỏi và tháo vát, Như Lệ xin được một chỗ làm trong cư xá Mỹ tại khu vực đường Quang Trung, địa điểm từng thấm máu của nữ liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng. Thân mật cởi mở, hay giúp đỡ bạn bè trong cơ quan, nên Lệ được mọi người thương mến. Nhiều thanh niên muốn cầu hôn nhưng nàng từ chối. Jones là một thanh niên Mỹ đen, làm tài xế trong cư xá, để ý đến nàng từ lâu khi đến cơ quan ăn cơm. Chính Jones đã có lần tỏ tình với nàng nhưng vẫn chưa lọt được vào mắt xanh của Lệ.

Trời ngã sâu về đêm. Khu vực cư xá Mỹ nhập nhòe ánh sáng trong một vùng không gian nặng nề ngột ngạt không khí quân sự. Hết giờ làm việc buổi chiều, nhân viên lục tục ra về, bóng họ đổ lù mù trong màn đêm chập choạng. Jones đứng chực chờ sẵn bên cạnh chiếc xe hơi mình lái tại một khoảng đường trống từ lúc mới ăn cơm xong. Vừa thấy Lệ trên đường về nhà, Jones nhanh nhẹn đi nhanh tới trước mặt nàng trong hơi bia nồng nặc. Giọng hắn hổn hển, thều thào:

I love you!  I love you so much! (Anh yêu em! Anh yêu em rất nhiều)

Đôi tròng mắt gã đăm đăm nhìn vào Lệ, Jones với hai cánh tay lực lưỡng, dài như tay vượn giang rộng ra hai bên không để nàng đi  về nhà.

Làm việc cho Mỹ một thời gian khá lâu, Lệ sở hữu được một số vốn tiếng Anh cơ bản trong giao tiếp.

No, no ! I can’t … (Không, không! Tôi không thể yêu ông!)

Như Lệ thụt lùi lại như cái máy để tránh Jones, nàng hốt hoảng nói lớn.

Cô gái nhỏ bé muốn chạy tránh Jones nhưng vẫn không thoát khỏi đôi bàn tay nhện to lớn của tên Mỹ đen. Như con hổ khát mồi, Jones nhanh nhẹn xốc nàng lên cửa sau xe đã mở sẵn đậu ên lề đường và đóng sầm lại. Nàng vùng vẫy, hét la trong vô vọng. Tiếng máy rầm rầm của động cơ xe hắn đã mở lớn sẵn tự bao giờ…

Trên không gian Xóm Chài bên kia sông Cần Thơ, mấy con đầm già dọ thám của giặc lượn lờ trên bầu trời đêm, nhả trái châu chói chang cả một vùng trời trong tiếng bom B 52 thỉnh thoảng đì đùng vọng lại phía rừng U Minh thượng.

– Đó, thầy đã hiểu cuộc đời sóng gió của em từ mấy mươi năm trước. Kelly, thằng bé da đen trong ảnh là kết quả nỗi kinh hoàng khủng khiếp của em và cơn khát tình man dại của một thằng Mỹ đen. Giọng nói Lệ dứt quãng, có lúc ngưng lại, lặng đi… Rồi lại tiếp.

– Hiện giờ, Kelly đã sang Mỹ theo diện con lai cùng vợ nó đang ở nước ngoài. Phùng, người chồng vũ phu đã cho em mấy cái bạt tai nẩy lửa rồi như căm giận hành hạ thân xác em liên tục nhiều đêm sau ngày thầy ghé thăm gia đình em. Phùng dù biết em đã bị lính Mỹ hiếp và có con trước nhưng hắn vẫn lợi dụng, lấy em vì em còn đang làm cho Mỹ có tiền cho hắn rượu chè, tiêu xài hoang phí. Dù đã có hai đứa con với Phùng, nhưng nói thực ra tình nghĩa vợ chồng giữa Phùng và em cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sau khi ly dị với Phùng, em cũng có thêm một đời chồng nữa nhưng cánh hoa tàn như em cũng chưa tìm được hạnh phúc thật sự, lại đành phải chia tay. Em và các con em hiện giờ đã đoàn tụ đầy đủ ở Mỹ do Kelly bảo lãnh!

Đan yên lặng lắng nghe Như Lệ thủ thỉ trong nỗi ngậm ngùi như để trút hết mọi đau khổ tích lũy trong lòng từ bao năm qua. Lệ rút chiếc khăn tay lau đôi mắt đỏ đang nhìn Đan như mong đợi ở chàng một sự cảm thông.

Buổi sáng chủ nhật, trời xanh trong. Con hẻm Vú Sữa chạy ngang qua một nghĩa địa hoang gọi là xóm Cô Hồn bên cạnh miếu bà Chúa Xứ hôm nay đã thay da đổi thịt. Những ngôi nhà gạch khang trang đỏ au mái ngói nằm thẳng tắp hai bên lề đường đã thay thế cho nhũng bụi tre rừng gai gốc um tùm và những đám sậy lác hoang dã mọc um tùm ngày nào.

Như Lệ báo hiệu cho bác xe ôm  đỗ lại trước cửa căn nhà nhỏ màu rêu nhạt, thường đóng cửa im ỉm suốt ngày lù mù che khuất một phần mặt tiền sau giàn hoa giấy.

– Chào Như Lệ.

Đan thân mật vừa mở cửa rào cho khách vào nhà. Như lần trước, người tài xế xe ôm được hẹn giờ sau đó trở lại rước Như Lệ. Sáng nay, Lệ ăn mặc rực rỡ. Đôi giày cao gót hỗ trợ thêm cho bộ áo len đen huyền viền màu hạt dẽ nổi bật nhờ tràng kim tuyến óng ánh càng làm tăng thêm nét đẹp kín đáo của người phụ nữ chín muồi ở vào độ tuổi trung niên. Mùi nước hoa Channel đài cát ngan ngát thoảng bay khắp phòng, Lệ chậm rãi:

– Em đã đọc kỹ nhiều đêm hết cả mấy mươi bài thơ trong tập thơ thầy tặng. Có lẽ do đồng cảm với hoàn cảnh và tâm sự của tác giả nên em đã khóc nhiều đêm sau đó.

Im lặng giây phút, nhìn xa xăm, nàng lại sục sịch như khóc thực sự trước mắt Đan với những giọt nước mắt cay đắng nhỏ ra tự trái tim sâu lắng của mình.  Đôi mắt Lệ nhấp nháy, ươn ướt, ngậm ngùi nhìn Đan. Đan nhìn Lệ, như đùa:

– Thế Như Lệ tâm đắc bài nào nhất trong tập thơ Lời tự tình mùa thu *

– Em thích nhất bài thơ cùng nhan đề với tập thơ của thầy tặng. Nhưng bài thơ dài, em không thuộc hết. Em chỉ nhớ hai câu này: Bao giờ tìm được người tri kỷ/ Như Tử Kỳ xưa gặp Ba Nha. Em thích nhất hai câu ấy nên chỉ đọc một lần là thuộc lòng ngay.

Lệ lập lại mà không phân tích, như nàng chỉ cảm nhận riêng bằng trực giác của mình. Lệ đọc nhỏ như thuộc làu lần nữa trong miệng hai câu thơ của Đan mà nàng tâm đắc. Vừa nói, Lệ vừa mân mê tập thơ Đan tặng nàng trên tay ra vẻ trân trọng.

Đan im lặng nghe Lệ nói như để nàng e ấp cởi mở nỗi lòng. Gương mặt sạm gầy khắt khổ của Đan hiu hắt thoáng buồn, chàng nhìn đôi mắt Lệ như nhìn vào tâm hồn mình: Nỗi buồn đâu phải chỉ riêng ai !  Rồi Đan lẫm nhẫm trong đầu: Nỗi cô đơn suốt kiếp của ta cũng chính là của Lệ!

Đan bỗng nhận ra không khí im lặng trong ngôi nhà nhỏ hiện diện chỉ có hai người. Chàng muốn đánh tan cái khoảnh khắc âm u buồn tẻ đó bằng câu nói tích cực:

– Như Lệ thích hai câu thơ thất ngôn có thể là do người đọc thơ và tác giả đồng cảm vì trong cùng cảnh ngộ. Thế Như Lệ có phản ứng ra sao? Đan mỉm cười, nói vui.

– Thưa có. Phản ứng và cảm nghĩ của em nằm trọn trong thư này. Vừa nói xong, Lệ lấy từ trong  túi du lịch nhỏ của nàng một phong bì dán kín.

Như Lệ tự nhiên:

– Dù không quen cầm bút, em cũng cố nói lên chút cảm nhận của em. Tất cả đều ở trong lòng bức thư này, em xin gởi cho thầy. Nhưng sau khi em ra về rồi, thầy mới mở thư…

Không đợi Đan trả lời, Lệ nhấc chiếc ghế nhựa ngồi xích lại gần chàng. Mùi nước hoa Channel càng ngan ngát tỏa nhẹ khắp nhà. Nàng nhìn Đan trìu mến, đôi cánh môi son của nàng mấp máy. Lệ chủ động:

– Thưa thầy Đan. Dù vật chất không thiếu thốn chi, nhưng sự thật, thưa Thầy, em đang cô đơn và rất cần một tình yêu chân chính dù là tình yêu cuối cùng trong đời em. Em về nước lần này tìm gặp cho được thầy với một hy vọng duy nhất mà em mong nó trở thành hiện thực. Xin thầy thay thế Minh ngày trước cho em…

Trong một góc phòng khuất hẳn lớp tán lá xanh um tùm của giàn hoa giấy vây bọc  ngoài rào, Như Lệ vụt ôm chầm, siết chặt lấy Đan…

Buổi họp mặt bè bạn tri âm vào dịp trung thu theo thông lệ của trung tâm được tổ chức tại văn phòng vào chiều chủ nhật. Bè bạn giáo viên, bằng hữu tri âm hiện diện đông đủ, vui vầy. Quá nửa tiệc, men bia chuếnh choáng làm gần gũi thêm tình cảm thân mật giữa anh em. Rượu ngấm khiến mạnh dạn lời ra, Mỹ – một họa sĩ vui tính lên tiếng.

– Tôi đề nghị anh Đan cho anh em mình biết rõ nội dung bức thư của người phụ nữ Việt Kiều đã gởi cho anh.  Mỹ vừa nói xong liền tự động vỗ tay lớn để cổ vũ sự tán thành của anh em.

Thực tế, trong thư Như Lệ không nói nhiều vì nàng đã tâm sự hết cùng Đan trong các buổi hai người gặp lại nhau. Như Lệ chỉ vắn tắt bày tỏ sự tâm đắc và nỗi xúc động của nàng về hai câu thơ bảy chữ và gọi là tặng thưởng chút quà mọn để chàng mua Laptop .

– Một ngàn năm trăm đô la Mỹ!

– Tính ra mỗi chữ trong hai câu thơ thất ngôn hơn một trăm đô la.

Khẽ gật gù đầu và nhìn Đan, một bạn thơ nghiệp dư kiêm nghề kinh doanh đồ cổ tỏ ra khá chi li thực tế do bệnh nghề nghiệp:

– Thế ra thơ ta còn có giá!

Uống một ngụm bia, nhà văn Đào Duy cởi mở hơn.

– Hoan hô thi ca! Nàng Thơ vạn tuế! Nhà thơ muôn năm!

Các bạn Đan tiếp nối lần lượt hô lớn trong âm thanh của những tràng pháo tay tán đồng ròn rã. Không khí buổi họp mặt mỗi lúc càng thêm ấm áp thân tình.

Sang thu, bầu trời âm u se lạnh theo từng cơn gió hiu hiu thổi về từ sông Hậu. Như Lệ trở lại Mỹ được hơn nửa tháng. Cuối buổi sáng, Đan nhận được bức thư ngắn của nàng với nét chữ nắn nót còn mang vẻ học trò:

Las Vegas, ngày…tháng… năm…

Đan yêu,

Sau thời gian mệt nhọc với cuộc hành trình dài, hôm nay em đã về tới Mỹ. Sức khỏe và công việc thường nhật của em đã ổn định lại bình thường. Mỗi ngày, em coi nhà và giữ các cháu nội ngoại còn bé cho các con em đi làm. Sáng nay, nhân lúc bọn nhỏ đang ngủ, em ngồi viết vội mấy dòng cho anh.

Em không buồn trách anh đã từ chối sang định cư tại Mỹ cùng em. Lý do anh đã không chịu đi làm giấy kết hôn là một minh chứng rõ ràng dù chúng mình đã thực sự yêu nhau và không ngại cho nhau tất cả những gì quý báu nhất trên đời. Chắc cũng là do cơ duyên tiền định nên em đành chấp nhận hai ta phải nghiệt ngã yêu nhau trong hoàn cảnh kẻ ở đầu sông, kẻ cuối sông.

Như đã tâm sự với anh, em rất thích đến trường, nhưng chưa có cơ hội được học đến nơi đến chốn. Em yêu học trò – nhất là học trò nghèo giống như anh, thầy Trương và thầy Minh trong mộng của em ngày xưa. Do vậy, em cố tiết kiệm trong việc ăn xài để dành dụm một ít tiền gởi về anh để tùy lúc sử dụng. Anh có thể dùng nó tặng học bổng cho các em hiếu học có gia đình khó khăn nhất là học sinh các bộ môn nghệ thuật vì ba em và anh đều là những tâm hồn nghệ sĩ…

Giấy ngắn tình dài, em xin hẹn mối tình xa của em ở thư sau.

 

Yêu anh

Như Lệ

Đan không có thói quen hăm hở hồi âm ngay sau khi nhận được thư của người thân. Mấy hôm sau, anh viết cho Như Lệ.

Ngày… tháng… năm 20…

Như Lệ yêu thương,

Dù hiện giờ xa cách nhau muôn dặm trùng dương nhưng khi viết thư này cho em, anh cũng rạo rực cảm thấy chúng mình vẫn gần gũi nhau trong gang tấc. Hình ảnh dịu dàng, ánh mắt long lanh, giọng nói nhẹ nhàng và hương tóc mặn mà của Như Lệ anh mường tượng đang làm ngây ngất anh như những lúc chúng mình ở bên nhau. Từ lúc mình gặp lại nhau cho đến hôm nay, anh luôn trân trọng những khoảnh khắc thần tiên vàng ngọc đó. Anh xin nguyện giữ mãi nó với chân dung thùy mỵ của em để làm kỷ niệm cho cuộc tình sau của hai ta trong tâm hồn khi mình còn hiện hữu trên thế gian này, cũng như chiếc máy tính mà em đã tạo điều kiện cho anh sắm lấy làm phương tiện viết lách.

Điều làm anh còn mãi băn khoăn là đã từ chối sang Mỹ đoàn tụ cùng em và con cháu đang thiếu thốn tình thương của cha ông. Như Lệ em, mong em hiểu cho anh rất nặng tình với quê hương chôn nhau cắt rún, mồ mả cha mẹ ông bà của anh và người vợ ngày xưa hằng ngày từng đứng lớp dạy em. Xin em  dành cho chúng ta một sự yêu nhau trong xa cách theo anh nghĩ là cao thượng khôn cùng. Bởi lẽ, sự gần gũi dễ làm phai nhạt yêu thương trong khi hoàn cảnh ngăn cách có thể giúp ta nuôi dưỡng lâu dài lòng kính trọng nhau và càng làm thắm thiết thêm mỗi lần được tái ngộ bên nhau. Như vậy chúng ta sẽ giữ được mã mãi một tình yêu cao đẹp vĩnh hằng.

Ở Tây Đô, hôm nay trời đã vào thu với bầu trời nắng thu mát dịu trên bờ sông Cần Thơ. Chiếc cầu dài thế kỷ hùng vĩ, tráng lệ như một cổng trời nối đôi bờ sông Hậu mênh mông hiền hòa bằng những nhịp cầu duyên, rực rỡ dưới nắng mai.

Anh hẹn cùng Như Lệ hai đứa sẽ sóng đôi nhau và tâm sự nhiều hơn cùng em ở bến Ninh Kiều dưới chân tượng Bác Hồ trong một ngày tái ngộ không xa.

Yêu em

Đan!

Phương Đình