Về tập thơ “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh

561

BRUCE WEIGL

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2022 vừa được trao ở Hà Nội, trong đó có tập thơ Ngàn bài thơ khác của tác giả Trần Lê Khánh. Tại lễ trao giải, dịch giả Bruce Weigl người Mỹ đã có bài phát biểu về tập thơ này.

Nhà thơ Trần Lê Khánh (thứ 4 từ trái sang) và các tác giả nhận Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2022

Độc giả thơ nói chung và các nhà thơ nói riêng khó tìm được những tác phẩm vừa giàu tính nghệ thuật lại sâu sắc, chân thực về cảm xúc  – những tác phẩm khiến các nhà thơ xem xét lại hiểu biết bấy lâu về thơ ca và nghệ thuật. Trong khoảng mười năm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để chuyển ngữ hai tác phẩm thơ như vậy từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Sớm thôi, các bạn sẽ được đọc và nghe nói về một bài thơ của Nguyễn Quang Thiều tên là “Lò sát sinh” (Slaughterhouse), tác phẩm mô tả lại thế kỷ 20, song cũng là tác phẩm tiêu biểu cho bất kỳ thời nào khác. Đây cũng là tác phẩm tôi cho là đã đạt đến mức tinh tuý trong nghệ thuật thơ. Tôi và Thiều đã cùng nhau dịch bài thơ dài này ra tiếng Anh, và sẽ sớm ra mắt bản in song ngữ.

Nhưng hôm nay, với tư cách là khách mời của Hội Nhà văn, tôi sẽ giới thiệu một tác phẩm lớn khác của thơ ca Việt Nam, cuốn “The sum of now” (Ngàn bài thơ khác), tuyển tập một nghìn bài thơ ngắn của nhà thơ Trần Lê Khánh. Đây là tuyển tập thơ đặc biệt trên nhiều bình diện: độc đáo về tư tưởng, kết nối sâu với truyền thống thơ ca Việt Nam, lại vừa có khả năng tác động lên tâm thức về thời gian – khiến cảm thức về cái “trước đây” và cái “bây giờ” dịch chuyển lẫn nhau trong tức khắc. Về bản chất, khả năng nhanh chóng thay đổi tâm thức của người đọc là cái khiến tôi thực sự hứng thú khi đọc thơ Trần Lê Khánh. Những bài thơ đó có khả năng đưa người đọc đến những vùng biên đầy rộng mở của tâm trí, nơi những tư tưởng và cảm xúc đẹp nhất của chúng ta tìm được nơi cư ngụ.

Tập thơ “Ngàn bài thơ khác” của tác giả Trần Lê Khánh

Tôi nói về thơ Trần Lê Khánh dưới góc độ cá nhân bởi trong vòng năm năm qua, tôi đã cùng Khánh dịch một nghìn bài thơ này ra tiếng Anh. Quá trình dịch thuật của tôi không thể thực hiện được nếu không có sự tận tuỵ và kĩ năng dịch thuật của Khánh, thế nên bạn có thể hiểu tại sao tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi với cuốn sách này. Nhưng sự kết nối này còn mạnh hơn tình bè bạn và hơn khoái cảm ngôn từ, bởi trên hết đó là khả năng một nhà thơ có thể vượt qua những rào cản biên giới và những đại dương vật lý để kết nối với phần tâm hồn sâu sắc nhất của một nhà thơ khác. Đây cũng là bằng chứng sinh động nhất về sức mạnh của thơ ca.

Trong Phật giáo, có một khái niệm gọi là “Samsara”, thường được dịch trong tiếng Việt là “sinh tử luân hồi”, nhưng đồng thời cũng mang đậm chất bi hài kịch, đặc điểm có thể thấy rõ trong thơ của Trần Lê Khánh. Trần Lê Khánh cũng chọn được những hình ảnh có thể truyền tải được cả tính hài kịch và bi kịch. Những chiếc lá, ngọn cỏ, dòng sông được diễn đạt bằng những cách thức tinh tế nhất, chẳng hạn như trong bài thơ này:

authentic autumn

thoughts about him

are like leaves

although they have yellowed

why haven’t they fallen

 

Những dòng suy nghĩ của anh

như những chiếc lá

nhưng từ hôm úa vàng

sao chẳng rụng ra

Nhà thơ, qua khả năng quan sát sâu sắc, có thể đồng thời bộc lộ cái bên trong và cái bên ngoài, cái chủ quan và cái khách quan. Làm được điều này quả là không dễ, nhưng có lẽ với Khánh thì khả năng này không chỉ là kĩ thuật văn chương mà còn là kết quả nhiều năm thiền tập.

Sự phi lý cũng là một đặc điểm nổi bật của thơ mang tính thiền, và Khánh không bao giờ ngần ngại sử dụng công cụ mạnh mẽ này bởi anh hiểu con người thường lựa chọn đau khổ hơn là hạnh phúc, và nếu ta nhìn thấu hơn vào sự phi lý của sự vật thì vẻ đẹp sẽ hiện ra. Trí tưởng tượng của nhà thơ khiến anh ta có thể với lấy trăng sao. Thơ Trần Lê Khánh đã vượt qua cảm thức thông thường, và nhà thơ đã chứng kiến những quyết định phi lý của con người. Ta có thể thấy trong bài thơ dưới đây:

a red flower

nodding on the branch

standing on her toes to still

a glistening drop of water

(Landscape)

 Nụ hoa đỏ

 ngủ gật trên cành

em nhón tay giữ

giọt nước long lanh

(Phối cảnh)

Hay trong bài thơ này:

the woman

carefully

picks herself up

in pieces of the broken mirror

(do yourself no harm)

Người đàn bà

thận trọng

nhặt mình lên

từ những mảnh gương vỡ

(đừng tự làm đau mình)

Cách nhìn này thể hiện việc lựa chọn sự mong manh, không chắc chắn, bấp bênh, mơ hồ, phi thực thay vì sự ấm áp, dễ chịu, niềm vui khi phải đối mặt với đau khổ của mọi người theo cách mà tất cả chúng ta chịu đựng. Cách nhìn đó cũng thể hiện tác giả là người hiểu sâu sắc tâm thức của người Việt nói riêng và tâm thức con người nói chung, và đây là cách nhìn đi sâu vào ý thức nhân loại.

Ngay cả trong những bản dịch thì thơ của Trần Lê Khánh vẫn giữ nhiều giá trị, bởi chiều sâu tư duy của anh có sự mạch lạc, tính kì vĩ, nói lên được những sự thật phổ quát vượt khỏi biên giới quốc gia, và đôi khi vượt khỏi thời gian. Bởi những lí do nói trên, tôi tin Trần Lê Khánh xứng đáng đạt giải thưởng này cũng như nhiều giải thưởng khác khi cuốn sách này có thêm nhiều độc giả ở cả Việt Nam và quốc tế. Tôi rất vinh hạnh được dịch thơ của Khánh và sẽ hứa sớm có bản dịch tiếng Anh cho các bạn trong tương lai rất gần. Xin cảm ơn các bạn đã mời tôi đến phát biểu hôm nay về tập thơ quan trọng này.

B.W

Theo Vanvn