Vĩnh việt nhà văn không quân Lê Thành Chơn

478

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chỉ trong một ngày, tin buồn liên tiếp diễn ra trong giới văn nghệ khi Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời vì Covid-19. Chưa hết bàng hoàng thì giới nhà văn nhận tin buồn về sự ra đi của nhà văn Lê Thành Chơn. 

Nhà văn Lê Thành Chơn qua đời do tuổi cao sức yếu chiều 10/9 (nhằm mùng 4 tháng 8 năm Tân Sửu), thọ 83 tuổi.


Nhà văn Lê Thành Chơn (1938-2021).

Trên trang cá nhân, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thông tin: “Tin buồn nối tiếp tin buồn…

Nhà văn Trầm Hương vừa cho tôi biết, nhà văn Lê Thành Chơn, sinh năm 1938 xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là một cựu Thiếu tá quân đội và là một doanh nhân, đã trút hơi thở cuối vào lúc 1 giờ chiều nay, ngày 10 tháng 9 năm 2021. Nhà văn mất vì tuổi cao và bệnh.

Lê Thành Chơn được biết nhiều nhất với tư cách là một sĩ quan dẫn đường của Không quân Nhân dân Việt Nam và với tư cách nhà văn, ông viết nhiều, viết khỏe với nhiều quyển tiểu thuyết nhiều tập về đề tài không quân Việt Nam.

Xin vĩnh biệt Lê Thành Chơn, một nhà văn với sở trường viết về người lính không quân và là một người lúc còn làm giám đốc một đơn vị kinh tế của thành phố, với lòng nhân và tính cách hào hiệp đã tạo điều kiện và giúp không ít bè bạn về kinh tế, trong đó có những đồng nghiệp nhà văn…”.

Nhà văn Lê Thành Chơn sinh năm 1938 tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là một cựu thiếu tá quân đội và là một doanh nhân.

Tên tuổi Lê Thành Chơn từ lâu đã khá quen thuộc với bạn đọc nhất là những người yêu dòng văn học chiến tranh cách mạng. Xuất thân từ một người lính không quân nên ông là một trong những nhà văn viết nhiều, viết sâu về lực lượng phòng không – không quân Việt Nam trong những năm kháng chiến.

Nhớ về một thời máu lửa, ông từng tâm sự với báo chí, rằng: “Suốt những năm tuổi trẻ, tôi ở trong quân đội. Môi trường quân đội rèn luyện cho tôi phẩm chất và tất cả những gì tôi có được hôm nay”.

Cả cuộc đời văn chương, Lê Thành Nhơn dành nhiều tâm huyết để viết về đề tài không quân Việt Nam và các anh hùng liệt sĩ. Ông từng tâm sự trên báo SGGP: “Đồng đội tôi có người viết vì không muốn người ta quên đi quá khứ, có người viết như trả món nợ cuộc đời. Còn tôi, viết tất cả những gì mình biết về cuộc chiến tranh vừa qua với một mong muốn để lại cho mai sau những tư liệu riêng về chiến tranh, những suy nghĩ, cuộc sống của người lính trong chiến tranh. Lev Tolstoy sinh ra sau cuộc chiến giữa Nga và Napoleon nhưng ông vẫn viết nên kiệt tác Chiến tranh và hòa bình. Ông dựa vào cái gì để viết, tài năng không đâu đủ, tư liệu lịch sử chính thống làm sao có thể ghi lại hết những góc riêng của chiến tranh. Chắc chắn ông đã phải nghiên cứu cuộc chiến 1805, 1812 qua những trang viết khác của những người trong cuộc, từ đó sử dụng tài năng của mình để tổng hợp, khắc họa nên những nét đa dạng của chiến tranh. Điều tôi đang làm là cố gắng hết sức mình, với tư cách là nhân chứng nhỏ bé của lịch sử, để lại cho mai sau những hiểu biết của tôi về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta với một hy vọng ngày nào đó, những trang viết của tôi sẽ lại góp một phần nhỏ bé để chúng ta có một Lev Tolstoy, có một Chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, nhà văn Lê Thành Chơn có 8 tập ký, 6 tập tiểu thuyết, 3 kịch bản phim truyện.

Các tác phẩm được nhiều người biết như: Đọ cánh (tiểu thuyết, 1990), Anh hùng trên chín tầng mây (truyện ký, 1994), Như muôn vàn người lính (tập truyện ký, in chung, 1996), Người anh hùng chưa được tuyên dương (1998), Canh năm (3 tập, 2000), Bầu trời ước vọng (2000), Tầm cao (2001), Huyền thoại đất phương Nam (2002), Bản án tản thất quân dụng (2002), Đọ cánh với pháo đài bay B52 (2002), Khối mây hình lưỡi búa (2006)…

Nhà văn Lê Thành Chơn từng đoạt Giải thưởng tiểu thuyết do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2000; tặng thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998 – 2000, tác phẩm Canh Năm; tặng thưởng Ban an ninh quốc phòng – Hội Nhà văn Việt Nam 1996, tác phẩm Anh hùng trên chín tầng mây.

Sự ra đi của nhà văn Lê Thành Chơn để lại niềm tiếc thương vô vàn cho giới văn nghệ và bạn đọc.

Ban Biên tập Vanchuongphuongnam.vn xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà văn Lê Thành Chơn!

BBT