Vũ Thị Huyền Trang & Giải cứu

2123

26.9.2017-09:30

Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang

 

>> Sống như những đóa hoa

>> Thanh xuân…

>> Hàng rào

>> Khoa sản

 

Giải cứu

 

 TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THỊ HUYỀN TRANG

 

NVTPHCM- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn vừa gửi công văn hỏa tốc kêu gọi cả nước giải cứu thịt lợn. Sau khi giá thịt lợn hơi đã giảm xuống kỷ lục, đẩy nhiều hộ chăn nuôi vào cảnh nợ nần điêu đứng. Thuần biết đến một vài vụ tự tử trước khi nó chình ình trên mặt báo. Cạnh nhà Thuần có hai vợ chồng nhảy lầu vì nợ cả tỷ đồng tiền xây chuồng trại, lợn giống, cám bã. Đùng cái lợn rớt giá, mất ăn mất ngủ. Lúc giá lợn xuống hai tư ngàn đồng một cân thịt thì không ai nỡ bán, giữ lại chờ giá lên. Càng chờ giá càng tụt thảm hại, nhiều nơi chỉ còn mười hai ngàn một cân thịt mà gọi không được người mua. Nợ tiền tỷ biết làm gì để trả? Mà không trả thì sống không yên ổn, người ta còn thuê cả xã hội đen đến nhà đòi nợ. Thôi thì chết quách đi cho xong. Nhưng khổ nỗi rủ nhau nhảy lầu mà chồng chết chứ vợ không chết. Bi kịch chồng lên bi kịch.

 

Mẹ Thuần cũng nuôi hai chục nái lợn. Đó là toàn bộ gia tài, là số tiền em trai Thuần đi xuất khẩu lao động nhiều năm tích cóp. Người ta nuôi đợt này bù đợt kia thì đã đỡ. Mẹ Thuần vừa mới bập vào nuôi mà đã thua trắng tay. Lợn khóc vì đói người khóc vì nợ. Khắp cả nước có biết bao nhiêu người đang bị dồn vào đường cùng, lặn ngụp trong cơn bĩ cực. Giờ giải cứu sao đây? Toàn dân ăn thịt lợn à? Lòng trắc ẩn ai cũng có đấy nhưng mà… sợ lắm. Lợn nuôi toàn bằng cám tăng trọng, chất tạo nạc nghĩ thôi đã sợ. Đã vậy theo tính toán thì cứ ba người phải ăn chung nhau một con lợn thì mới hết số lợn cần giải cứu. Hết giải cứu thanh long, dưa hấu, cà chua, hành tím và giờ là thịt lợn. Tại sao nước mắt của những người nông dân cứ phải rơi xuống trên thành quả lao động của chính mình? Chúng ta còn phải giải cứu thêm bao nhiêu thứ nữa? Thuần tự hỏi như vậy khi nằm vuốt má con. Con Thuần vừa ngủ vừa nấc. Những tiếng nấc tức tưởi oan ức sau một trận khóc dai dẳng vì bị Thuần đánh mắng. Dạo này Thuần không kiểm soát nổi bản thân. Thuần sắp điên mất rồi. Người ta lo giải cứu thịt lợn, giải cứu một dòng sông đang chết, giải cứu biển khơi, giải cứu nguồn nước và không khí. Làm ơn có ai đó hãy giải cứu những đứa trẻ tội nghiệp như con Thuần. Những người mẹ như Thuần…

 

Cô giáo chủ nhiệm của con Thuần vừa gọi điện thông báo:

 

– Con chị đang làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua của cả lớp.

 

– Chết thật. Cháu lười học, nghịch ngợm hay là đánh nhau ở trường vậy cô?

 

– Kết quả học tập của cháu không tốt như các bạn. Cháu học lệch quá, môn văn hơi kém. Suốt ngày chỉ thích vẽ vời.

 

– Cảm ơn cô giáo đã nhắc nhở. Để về nhà tôi kèm thêm cháu.

 

– Cách tốt nhất là chị nên cho cháu đi học thêm môn văn như các bạn. Tôi có nhận dạy các em tại nhà. Nhưng gia đình phải viết đơn xin học thêm thì tôi mới nhận.

 

***

 

Thằng bé từ đâu đó chạy về cầm theo một bức tranh trừu tượng. Thuần nghĩ nó trừu tượng vì từ trước đến giờ chị thật sự không thể hiểu được con vẽ cái gì. Chị chỉ biết con đã vẽ những đường nét loằng ngoằng, những mảng màu hỗn độn ấy bằng sự phấn khích và niềm đam mê tột cùng của một đứa trẻ. Lần nào thằng bé cũng khoe mẹ bằng tất cả sự tự hào. Mọi khi Thuần gật đầu khen lấy lệ. Nhưng lần này thì khác. Cuộc điện thoại vừa kết thúc, mấy lời của cô giáo vẫn còn ong ỏng bên tai. Thuần giằng lấy bức tranh trên giấy oli của con xé làm đôi “không lo học hành suốt ngày vẽ vời. Này thì vẽ…” Thằng nhỏ ngước lên nhìn Thuần một cách kinh ngạc. Như thể người đang đứng trước mặt không phải là mẹ nó. Thuần bỗng nhiên nhũn người trước ánh nhìn của con, chị cảm thấy mình không còn chút sức lực nào. Chị lại lên cơn điên như rất nhiều lần khác. Thuần đang giận chính mình vậy mà đổ lên đầu một đứa trẻ con. Thuần hèn và tệ quá.

 

Nếu Thuần có tiền thì nhất định sẽ cho con học trường quốc tế. Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần một môi trường học tập tử tế. Đó là môi trường giáo dục giúp học sinh tìm thấy chính mình. Chúng được tôn trọng và phát huy cái “tôi” đáng quý. Còn môi trường giáo dục mà con Thuần đang theo học lại tận diệt đi cá tính của từng đứa trẻ. Nếu con Thuần được học ở một ngôi trường tử tế trong một nền giáo dục tử tế thì hôm nay có lẽ bức tranh của con không bị xé. Bức tranh sẽ được treo trang trọng trong tim người mẹ, được nâng niu trên tay của thầy cô. Thuần bỏ mất thói quen hỏi con “Hôm nay đến trường điều gì làm con vui?” Bởi không muốn nhìn thấy cái lắc đầu mệt mỏi của con. Ba lô nặng trĩu trên vai, những buổi học thêm triền miên từ ngày này sang ngày khác. Con từng có lần cho Thuần xem bức tranh nó vẽ. Con chỉ cho Thuần thấy một ô cửa sổ bé xíu giữa khối màu nhàu nhĩ và u ám. Con thủ thỉ “đây là thế giới của con”. Thuần nhói đau nghĩ đến những buổi chiều muộn, khi từ trường về nhà. Con ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ và miệt mài vẽ. Khi con vẽ, sự ồn ào xung quanh không thể chạm đến những mẩu bút màu và thế giới tươi đẹp trong mường tượng. Thuần từng nhiều lần cất tiếng gọi nhưng con không nghe thấy. Như thể trí tưởng tượng đã lôi tuột con mãi tận nơi nào. Cửa sổ nơi con ngồi nhìn ra ngoài không thấy gì ngoài bức tường bong tróc bê tông…

 

Con Thuần luôn đứng gần bét lớp vì không chịu đi học thêm môn văn của cô chủ nhiệm. Thuần không muốn mất tiền để con đến lớp chép mấy bài văn mẫu hoặc nằm ngủ gật trên bàn. Cô giáo “chạy sô” dạy thêm nên lúc nào cũng uể oải như trò. Hôm nào thích thì dạy, không thích thì cho học sinh ngồi làm bài tập từ đầu đến cuối. Cô thảnh thơi ngồi nhắn tin, lướt face book, chát zalo. Hôm đọc được bài báo có gia đình trong Sài Gòn cho hai con nghỉ học ở trường để tự học tại nhà, trong đầu Thuần lập tức lóe lên ý nghĩ. Hay là… Nhưng ở một đất nước chuộng bằng cấp này, con Thuần sẽ phải lớn lên như thế nào để không bị bỏ rơi? Chính những người làm cha làm mẹ như Thuần có chắc mình đủ can đảm để đi cùng con suốt chặng đường dài. Nhất là khi chặng đường ấy đi ngược với cả xã hội này. Thuần đã từng nhiều lần đánh con vì nó bị điểm kém. Từng nhìn con nhà người ta nhận giấy khen mà mắng chửi con mình. Từng khiến con sợ hãi khi nhìn sắc mặt của mẹ lúc cầm bảng điểm. Thuần tự hỏi mình đã thỏa hiệp với nền giáo dục mắc bệnh thành tích này từ bao giờ vậy? Đến bố mẹ còn như vậy thì những đứa trẻ như con Thuần biết kêu cứu ai đây?

 

***

 

Thuần nằm lịm đi giữa hơi nóng hầm hập từ trần nhà ập xuống, từ dưới đất bốc lên. Giữa mùi rác thải đốt cháy khét lẹt phía bên kia đường. Giữa tiếng con khóc chói tai và âm thanh gào rú của một chiếc xe gắn máy nào đó vừa mới lao qua. Mặc kệ tất cả, Thuần cho phép mình lịm đi giữa nhà vì không thể chịu đựng hơn được nữa. Đã bao lâu rồi, kể từ lúc lấy chồng sinh con, Thuần đã quên mất bản thân mình. Suốt ngày quần quật làm đủ thứ việc nhà, chăm sóc hai đứa con và trông coi quán trà đá đủ khiến Thuần kiệt sức. Ngay cả lúc không ăn uống nổi gì, không buồn nhấc chân tay lên, Thuần cũng không cho phép mình được ốm. Cái quyền cơ bản của con người cũng thành xa xỉ với Thuần. Đã có lúc Thuần định bỏ trốn đến một nơi nào đó chỉ có một mình. Không chồng con, không gánh nặng gia đình, không cần biết vắng mình thì mọi thứ sẽ đảo lộn ra sao. Hoặc là biến mất một mình hoặc là tự kỷ phát điên. Hoặc là như một vài người mẹ khác ôm con nhảy xuống sông mà chết. Không có thứ lựa chọn nào lấp lánh hạnh phúc hoặc thư thái êm đềm. Chồng cười khan “Có mỗi việc ở nhà nuôi con mà cũng thở than”. Mẹ chồng nói “Như chị vẫn còn sướng chán”. Trong lúc cúi gập mình lau sàn nhà nhìn chồng giạng chân ngủ trên giường Thuần đã ước “ví đây đổi phận làm trai được”.

 

Chồng Thuần thường trở về nhà khi đã say mềm. Không cần biết hôm nay đứa nhỏ sốt gần bốn mươi độ, đứa lớn bị xe tông bong cả móng chân. Lúc chồng vục dậy nôn khắp nhà thì Thuần đang bận sửa lại cái xe đạp cho con. Thằng nhỏ đã hạ sốt nằm thiu thiu ngủ. Thằng lớn ngồi vẽ trong ô cửa sổ bé như bàn tay. Thuần chun mũi trước đống nôn mửa chua loẹt của chồng. Chị ngửa cổ lên trời hòng thoát khỏi không khí ngột ngạt này thì bắt gặp những đám mây đen đặc. Bầu trời cũng đang tắc thở như Thuần. Những tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi trong thành phố này. Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động đỏ. Sự nguy hiểm lởn vởn xung quanh chúng ta. Ngấm ngầm đầu độc chúng ta. Hàng triệu con người vẫy vùng lặn ngụp trong một thành phố ô nhiễm chẳng khác nào những trái sầu riêng bị nhúng vào thùng hóa chất. Ngoài kia những tiếng còi xe inh ỏi rú lên buốt óc. Cái nắng tháng sáu nóng bỏng trên những mái tôn, căn nhà trở thành lò nướng không khói. Thuần không có những cuối tuần ra ngoại ô thay đổi không khí như chồng. Cũng không có những buổi chiều ra hồ ngồi hóng gió uống sinh tố thay cơm. Không được ngồi trong phòng máy lạnh rúc chân gậm bàn như bao nhiêu người khác. Nên Thuần không tránh được những cơn điên có thể ập đến bất cứ lúc nào.

 

Thuần thèm hơi thở trong lành như bầu trời thèm mây trắng. Những đám mây trắng xốp khiến Thuần liên tưởng đến cơn mưa đá của ngày xưa xa lắc. Cầm những viên đá trong vắt trên tay Thuần thả tõm vào vòm miệng. Thuần ngậm lại, nhắm chặt mắt và nhâm nhi sự mát lạnh của bầu trời đang tan trên đầu lưỡi. Nhưng ngày xưa ấy bầu trời và những đám mây không bị ô nhiễm bởi khói công nghiệp, khói xe, khói đốt rác thải. Nên viên đá nhỏ từ trời rơi xuống chẳng khác nào món quà dành tặng tuổi thơ. Giờ nếu có mưa đá chắc những viên đá cũng đục ngầu. Làm sao các con dám bỏ vào vòm miệng như Thuần ngày xưa nữa. Tựa như lúc gắp miếng rau xanh bỏ vào miệng. Đầu lưỡi chưa kịp cảm nhận vị ngon thì trí tưởng tượng đã dẫn người ta đến những bình thuốc trừ sâu. Lúc ngậm miếng cơm trắng trong mồm người ta giật mình hỏi liệu mình có đang ăn gạo nilon. Sáng ra nhúp miếng xôi ruốc ăn không thể nguôi nghi ngờ mình ăn bã sắn dây. Con mực nướng thơm lừng trên bàn nhậu cũng có thể là mực cao su lắm chứ. Chồng Thuần chắc hẳn sẽ ít hoang mang hơn. Vì hàng ngày không phải loanh quanh lượn từ đầu chợ đến cuối chợ chỉ để tìm những mớ rau sâu cắn nham nhở của bà cụ chân lấm tay bùn. Không phải chạy ngoắt ngoéo qua hết ngõ này đến ngõ khác để tìm một mảnh vườn nhỏ nhỏ có cây đu đủ chín, vài quả hồng xiêm, buồng chuối mắn… gõ cửa năn nỉ hỏi mua về cho con. Không phải ký gửi niềm tin vu vơ trên mạng vào một vài cửa hàng rau sạch, thịt sạch, hoa quả sạch. Mọi thứ đều được người ta gắn mác sạch mà không biết có sạch thật không. Cứ tin vu vơ vậy thôi để chi thêm vài chục vài trăm mà cứ ngỡ “tiền nào của ấy”. Để rồi về nhà cắm hoa quả vào máy đo an toàn thực phẩm thấy báo “vượt ngưỡng ở mức nguy hiểm”. Nhưng nhiều người mắc bệnh hoài nghi lại hỏi nhau liệu cái máy đo an toàn thực phẩm ấy có phải hàng giả hay không? Mỗi ngày những người phụ nữ nội trợ đều phải đau đầu với hàng trăm câu hỏi thật giả lẫn lộn để chiu chắt một bữa ăn an toàn cho chồng con mình. Thì cũng dễ phát điên lắm chứ. Nhưng đến bữa chồng đi nhậu không về. Đứa lớn khảnh ăn món nào cũng chỉ gẩy đũa, đứa nhỏ thì vừa ăn xong đã nôn trớ hết. Thuần soi mình vào bát canh rau muống chỉ thấy mây trong đáy mắt mình. Thằng nhỏ một hôm nào đó chìa trước mặt Thuần bức tranh vẽ những luống rau xanh tốt. Nó hỏi:

 

– Mẹ nhìn bức tranh mẹ nghĩ đến điều gì?

 

– Mẹ nghĩ… ừm… mẹ nghĩ đến những bát canh ngon.

 

– Chứ không phải mẹ nghĩ về những luống rau đầy thuốc trừ sâu?

 

Thằng nhỏ khiến Thuần đứng hình. Làm sao nó lại có thể đọc thấu suy nghĩ của chị? Nó chỉ mới mười tuổi. Bằng tuổi nó trong đầu Thuần toàn những điều tốt đẹp. Là tiếng chim hót, những cánh rừng bạt ngàn xanh, cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Là những buổi chiều nằm xuống cỏ sau khi đã nhét căng bụng đủ các loại quả rừng. Là những chiều chăn trâu khát nước vục tay xuống ruộng uống ừng ực từng vốc nước trong vắt. Là những buổi sáng lẽo đeo theo mẹ đi chợ nhìn hàng quà nào cũng sà xuống… Những cô bác chân chất thật thà dúi vào tay đứa trẻ lên mười quả gì là có thể cho lên miệng cắn ngay một miếng thơm ngon đến tận chân răng. Thế giới tuổi thơ của Thuần trong lành tươi đẹp hơn tuổi thơ của con mình. Thằng nhỏ nghe Thuần kể về những bữa ăn dân dã kiếm được dưới đồng, mắt nó thường long lanh hạnh phúc. Ngày đó nghèo lắm, Thuần không biết đến siêu thị, những cửa hàng thực phẩm, shop hoa quả đắt tiền. Chỉ có những bữa cơm độn thêm khoai sắn, rau dại trên rừng, cua cá dưới đồng và những chú chim trời cho trứng. Lớn thêm chút nữa thì chiếc xe bán hàng rong thường đi qua làng được coi như “cửa hàng tạp hóa”. Ngày ấy không có những cụm từ “hóa chất, hàng giả, thuốc trừ sâu, biến đổi gen, ung thư” nên con người sống với nhau và sống với vạn vật chan hòa. Chẳng cần phải nghi hoặc, hoang mang ngay cả với đồng loại của mình. Thằng nhỏ cứ xuýt xoa hoài “Tuổi thơ của mẹ y như cổ tích”. Thuần đọc được trong ánh mắt con sự ước ao, nuối tiếc. Hệt như ngày xưa Thuần nghe mẹ kể về tuổi thơ của mẹ. Những con chim sáo bay đầy đồng đậu trên lưng trâu không ai bắt. Thịt lợn cả năm không được vài miếng nhưng, cá, ốc, hến đầy dưới mương bắt lúc nào chẳng được. Những bụi đũm chín đỏ trên rừng có thể hái đầy cả mũ. Mùa hè luôn là bữa tiệc của trẻ con bởi sim chín bạt ngàn, hạt dẻ rụng đầy gốc và những quả nho rừng len lỏi khắp nơi. Thời của Thuần mọi thứ đã khác xa rất nhiều thời của mẹ. Chim muông ít hơn, những cánh rừng không còn um tùm như trước nữa. Thiên nhiên ngày càng nghèo đi trước sự khai thác tận diệt của con người. Khi Thuần lớn lên, vào mùa thu hoạch lúa, những người thợ bẫy chim từ khắp nơi kéo về rất đông. Họ dựng những túp lều bằng lá cây để ngụy trang. Họ sử dụng những con chim mồi đã được thuần dưỡng có tiếng gáy tốt để lôi kéo dẫn dụ bầy chim đang bay trên trời sa lưới. Những cái bẫy giăng mắc khắp nơi trên cánh đồng vốn bình yên. Thuần ám ảnh bởi những tiếng chim thảng thốt vừa bị sập bẫy. Ngoài chợ người ta bày bán chim quay. Ở nhà đàn ông rủ nhau nhậu bằng chim nướng, chim rang sả ớt. Sáng ở cổng trường đã thấy xuất hiện hàng xôi chim thơm lừng. Thời của con Thuần, những cánh rừng đang dần trọc lốc. Cá dưới biển ngộ độc. Con người đầu độc nhau dưới hố sâu của lợi nhuận, lòng tham. Sau này khi con Thuần lớn lên có thể chúng sẽ khát những tán xanh như cánh đồng khô hạn. Thành phố này những hàng cây chặt hết. Năm tháng chỉ để lại khoảng trống trong lòng người đô thị.

 

Một hôm đang ngồi ăn cơm thì thằng nhỏ gắp lên một con sâu trong bát rau dền. Thuần cười bảo:

 

– Rau có sâu chứng tỏ là rau sạch đấy con. Đừng sợ.

 

– Nhìn sâu để biết rau sạch vậy nhìn vào cái gì để biết được người tốt vậy mẹ? Những con sâu ăn rau vậy, những con sâu liệu có thể ăn được bộ não con người không mẹ?

 

– Con nói linh tinh gì vậy?

 

– Con chỉ đang hỏi về những con sâu thôi mà mẹ.

 

Ngày hôm sau khi vào buồng nó dọn, Thuần nhìn thấy trên tường thằng nhỏ dán một bức tranh mới. Một con sâu đang gặm mất một phần cái đầu chứa nham nhở máy móc, con số, tòa nhà, dòng sông nước đỏ ngầu như máu và những đám mây vẩn đục. Thuần ngạc nhiên trước trí tượng tượng của con. Thằng bé mười tuổi đang tập nhìn nhận đời sống xung quanh. Mọi thứ qua con mắt trẻ thơ đều chân thực và ngộ nghĩnh. Thuần ngắm bức tranh rất lâu và cảm thấy mặt mình đang đỏ dần lên. Không, hoàn toàn không phải Thuần đang giận giữ mà chị cảm thấy xấu hổ. Người lớn hàng ngày nhìn cá chết, rừng ngắc ngoải, nhìn những dòng sông kêu cứu, nhìn thực phẩm bẩn bày bán tràn lan, hàng hóa độc hại ào vào nhà mỗi ngày. Nhưng người lớn đã làm gì để có thể thay đổi và bảo vệ cuộc sống chính mình? Không làm gì hết. Thậm chí ai cũng nghĩ đó là việc của người khác chứ không phải của mình. Thuần còn nhiều lần tự huyễn hoặc mình rằng đến một ngày nào đó lương tâm con người sẽ thức tỉnh. Giờ thì Thuần thấy thật nực cười. Giống như bức tranh mà con vẽ, lương tâm của con người đang bị sâu gặm dần từng chút một. Hàng ngày chúng ta tìm kiếm thức ăn sạch cho cơ thể nhưng lại không chú tâm đến thức ăn sạch cho tâm hồn. Thuần sợ rằng tâm hồn chúng ta thường chết trước khi cơ thể bị già nua, bệnh tật, ung thư…

 

Mùa sấm. Cơn mưa rào ào ào đổ xuống mái tôn tạo thành thứ âm thanh ồn ã và dồn dập. Thuần thấy nghẹt thở nên mở tung tất cả các cánh cửa mặc cho mưa hắt vào tận nồi cá đang kho trên bếp. Lại ngập. Ngập lụt trở thành đặc sản của thành phố này. Chỉ cần một cơn mưa to kéo dài nửa tiếng là đường phố khắp nơi đã xăm xắp nước. Cứ mưa kiểu này đến chiều là Thuần lại phải kê tủ lạnh, đồ điện lên cao. Nước có thể ngập đến tận chân giường và thức suốt đêm ì oạp. Nhà gần đường, mỗi lần xe cộ đi qua là tạo thành sóng nước. Có hôm cả nhà ngồi ăn cơm trên giường mà sóng nước liếm đến tận mắt cá chân Thuần. Đêm đến Thuần không dám ngủ, chỉ sợ nhắm mắt vào nước từ đâu ập đến nuốt mấy mẹ con chìm nghỉm. Thỉnh thoảng lại bật đèn pin soi nước để trấn an rằng nước đang rút dần chứ không phải âm thầm lén lút dâng lên từng chút một như mường tượng. Nghe nói thành phố đầu tư mấy trăm tỷ đồng cho dự án thoát nước ấy vậy mà ngập lại càng thêm ngập. Con phố chỗ Thuần ở đường sá bị đào lên, lấp xuống suốt năm. Có lần đi đón con Thuần bị ngã vì những đống gạch đá để lổn nhổn khắp nơi. Vài cái hố ga chết tiệt được đội thi công mở ra mà quên đậy nắp từng nuốt chửng một bé gái đi học về, một cụ già mắt mờ chống gậy đi mua cháo. Đứa bé bị sứt xát tay chân, còn cụ già gẫy xương chân nằm bó bột cả tháng trời. Nhưng đó không phải là điều khủng khiếp nhất. Nghe nói bé gái sau khi bị rơi xuống hố ga, bị mắc hội chứng “hố sâu”. Lúc nào trong đầu óc nó cũng mường tượng ra những hố sâu đen ngòm đang rình rập mình đâu đó. Ngay cả trong giấc ngủ cũng giật mình hét lên khiếp đảm. Người thân lay dậy,  nó lau mồ hôi chảy đầm đìa trên trán nói “Con vừa thấy mình rơi xuống một hố sâu thăm thẳm không thấy đáy”. Một ngày nào đó đi học về, con của Thuần cũng có thể sẽ rơi xuống một hố sâu nào đấy…

 

Chồng Thuần lại say, dĩ nhiên có đập phá vài thứ trong nhà. Bọn trẻ sợ hãi khóc thét lên. Thuần không nói gì lặng lẽ thu dọn từng mảnh vỡ. Chị biết chồng mình chắc đang buồn bực gì đó. Sếp mới nghe nói rất khó tính, hay đe nạt nhân viên. Công ty dạo này làm ăn khó khăn, tháng nào cũng chậm lương mà tiền phụ cấp thì cắt tất. Tình hình chung thôi mà, có khi còn phá sản như biết bao công ty khác. Nghe nói bạn thân chồng mới mất, đàn ông con trai mà tự tử thì chắc là phải bi đát lắm. Nghe nói khoản nợ mấy chục triệu lần trước vay chữa bệnh cho mẹ giờ người ta giục trả. Bấy nhiêu gánh nặng buồn phiền đổ lên đầu kể cũng tội lắm chứ. Nên chồng có uống say, có bức bí mà đập phá cũng là điều dễ hiểu. Đến Thuần là đàn bà còn có lúc muốn hét thật to, muốn đập vỡ cái gì đó cho lòng nhẹ bớt. Chỉ tội hai đứa nhỏ, chúng còn quá bé để hiểu mọi nguồn cơn bĩ cực của cuộc sống hàng ngày. Thuần đứng bất động nhìn chồng nằm ngoẹo cổ ngủ sau khi đã đập phá chửi bới chán chê. Lâu lắm rồi Thuần mới nhìn thẳng vào mặt chồng lâu như thế. Thuần nhận ra chồng mình già rồi, trán và đuôi mắt có nhiều nếp nhăn, tóc trên đầu lơ thơ sợi bạc. Thuần bỗng nhiên thấy thương chồng quá dù tay mình vẫn đang giỏ từng giọt máu tươi vì cắm phải mảnh chai khi quét  dọn.

 

Thuần lại thấy mình sắp lên cơn điên. Thấy máu trong người mình sôi lên. Thấy mũi mình nghẹt thở. Thấy tim mình nhói từng cơn một mà không rõ vì sao. Thuần vào buồng ngồi bệt xuống đất tựa người vào tường nhìn thằng nhỏ đang say sưa vẽ. Thuần cứ nhìn chiếc gáy bé nhỏ của con và cảm thấy dễ thở dần. Thằng nhỏ quay lại chìa ra trước mắt mẹ bức tranh mới vẽ. Nó hỏi:

 

– Mẹ có nhìn thấy con ở đâu không?

 

Thuần nhìn chằm chằm vào bức tranh chỉ thấy một màu đỏ lịm. Đúng hơn là thằng bé dường như không vẽ gì mà dùng sáp màu đỏ bôi kín cả tờ giấy. Thuần tưởng như màu đỏ ấy đang tràn ra ngoài dính cả tay mình, chẳng mấy chốc sẽ lan khắp căn nhà như nước lũ. Nhưng hỡi ôi Thuần đã nhìn thấy một chấm trắng nhỏ nhoi đang vươn mình thoát ra khỏi bầu trời rực đỏ. Thằng nhỏ cười:

 

– Con đang bay đấy mẹ. Vươn cánh bay đến một vùng trời tự do. Mẹ có thấy mẹ ở đâu không? Mẹ ở trong quầng đỏ đây này, mẹ nhớ phải bay theo con đấy.

 

Thuần bỗng nhiên bật khóc. Suốt bao nhiêu năm qua Thuần cứ chờ đợi ai đó sẽ đến giải cứu mình. Nhưng con của Thuần thì không thích chờ đợi. Thằng nhỏ luôn nghĩ cách tự giải cứu mình. Ô cửa sổ bé xíu này làm sao ngăn được những chân trời bao la bát ngát. Ừ thì… bay đi con…

 

VĂN NGHỆ 27/2017

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Chàng thi nhân đầu bạc – Nguyễn Quang Thân

>> Dị đoan – Nguyễn Trương Quý

>> Điệu Valse ngày cũ – Vương Hoài Uyên

>> Ngày hôm qua – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Huyền sử – Nguyễn Hồng Lam

>> Đá thiêng – Vân Hạ

>> Gặp nhau giữa sân trường – Nguyễn Thị Bích Nhàn

>> Tìm em – Văn Giá

>> Lão Sướng – Phạm Thanh Khương

>> Mùa chim chích – Trần Quốc Cưỡng

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…