Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện dài của Võ Anh Cương

323

Chương 1 (Tiếp theo)

11. Xe mì ngã ba cây số sáu – 2000

Khi Luông chuyển qua bán hủ tiếu mì, mùa mưa đã hết. Trời mùa khô hanh hao với những cơn gió ban mai se lạnh khiến con Hà ho sù sụ. Hoa sốt ruột vì con nhưng biết sao được, bé Hà mới ba tuổi rưỡi không thể ở nhà một mình. Hoa sốt ruột vì con một thì Luông lo đến mấy lần, Luông cố tìm một tấm tôn che gió để con bé ngồi cạnh lò lửa cho đỡ lạnh. Nhưng con nhỏ cứ chạy loăng quăng miết, đôi lúc la khan cả tiếng mà bé Hà có chịu nghe lời đâu?


Nhà văn Võ Anh Cương

Rồi công việc bán hàng cuốn lấy Luông và Hoa, chỉ những lúc rảnh rỗi cả hai mới nhớ đến con thì thấy con bé đang thơ thẩn với một bụi hoa dại màu vàng mọc từ một kẽ nứt hiên nhà bà Mùi mà Luông xin ngồi nhờ. Bé Hà đang mải miết chơi với mấy đóa hoa dại quên cả chén mì mẹ múc, Hoa vừa đút cho con ăn vừa nói với chồng:

– Không biết sao con nhỏ lại mê hoa mến cỏ quá, nó cứ thấy hoa là ngắt cho bằng được?

Luông hỏi vợ:

– Hoa gì đó em?

– Hoa bồ công anh, trên này nhiều vô khối, nó mọc hoang nhiều khi nở vàng cả đồi hoang!

Luông không hỏi tiếp, anh đẩy thanh củi vào lò, một làn khói mỏng thoát ra bị cơn gió lùa đi nhưng vẫn để kịp lại một thứ mùi hăng hắc. Thứ củi này chiều chiều Luông đi lượm quanh cánh rừng thông quanh Viện Sinh học gần nhà, xin cọc hàng rào mục chưn của mấy người làm vườn hoặc mấy khúc cây bỏ đi của công trường xây dựng Viện Sinh học mới. Hoa nói với chồng coi chừng con em đi mua hàng, Hoa nói chưa hết câu đã qua bên kia đường. Luông nhìn vào nồi nước nhưn còn chừng một tô, trên thớt là vài lát thịt mỏng tang Hoa xắt để sẳn nếu nhìn soi qua thấy cả trời xanh. Luông nghĩ sáng nay vậy mà bán được, chiều phải nhắc Hoa lấy thêm mì. Một thằng nhỏ chừng như đang học cấp hai đi ngang qua, mắt nó liếc vô xe hủ tiếu mì chỗ Luông đứng bán với một ánh mắt là lạ. Luông cười mời:

– Vô ăn mì đi cháu!

Thằng nhỏ lắc đầu rồi đi thẳng nhưng Luông vẫn kịp thấy nó nuốt khan nước miếng! Bỗng dưng Luông thấy băn khoăn quá, không lẽ thằng nhỏ không tiền mà bụng thì đói? Nghĩ tới đó Luông nhớ tới những ngày mình lang thang lên đây kiếm sống, nhớ đến cái ngày Luông không một hột cơm bỏ bụng nhưng túi thì không tiền. Lúc đó Luông đi ngang qua một xe bánh mì bán đêm, bà già bán hàng cũng mời Luông như vậy, Luông cũng như thằng nhỏ lúc nãy, lắc đầu và bỏ đi sau khi nhìn xe bánh mì với dĩa chả, thịt, rau, tương…rồi vô tình nuốt nước miếng vào trong bụng. Vậy mà bà già nhìn rõ, bà chạy theo nắm tay Luông miệng nói vô đây cháu, để bác làm cho con một ổ, nhìn “bay” là tao biết đang đói rả họng, cùng một cảnh nghèo mà! Đó là má Tám, má của Hoa, má đã bỏ Hoa và Luông mà đi năm rồi, tháng trước vợ chồng Luông làm giỗ cho má và mời mấy người quen của má tới dự. Vậy mà tại sao lúc nãy Luông lại không kêu thằng nhỏ đói bụng như má Tám kêu Luông? Chắc là tại thằng nhỏ khác Luông hồi đó. Nó còn đi học, quần áo tuy cũ nhưng coi cũng tươm tất lắm! Mà chắc gì nó lại chịu ăn tô hủ tiếu Luông mời, vả chăng gặp ai cũng mời ăn kiểu đó chỉ vài bữa là sập tiệm mất thôi, Luông đâu có cặp mắt tinh đời như má Tám? Tự an ủi mình như vậy, nhưng Luông vẫn bần thần với nỗi dằn vặt trong lòng. Hoa về đem theo túi thịt, rau, hành ngò để chút nữa về nhà làm hàng bán bữa tối cho mấy người đi qua ngã ba có tô hủ tiếu bình dân lót dạ lúc đói lòng. Thấy Luông thẩn thờ đứng nhìn về phía trường học, Hoa hỏi:

– Anh bị sao hả?

– Không, Luông đáp rồi hối vợ dọn hàng, ẳm con đẩy xe về nhà trọ.

12. Đồng hương – 2000

Kim vào thăm Luông, Hoa biết tính chồng, cô mời Kim ở lại ăn cơm trưa rồi chạy xuống ngã ba mua vài thứ thức ăn, xị rượu dĩa lòng heo để chồng lai rai với bạn. Lúc mới gặp Kim, Luông nghe giọng nói rặt Nam bộ của Kim khiến Luông bỏ ngang tô hủ tiếu đang múc cho Hoa, Luông hỏi:

– Em người đâu ta?

Khi nghe hai tiếng Châu Thành, Luông chắt lưỡi:

– Cái chỗ đó qua biết, qua có qua đó kiếm việc làm, ở đó chừng hai tháng lận….

Luông không nói tiếp sau hai tháng đó Luông đi đâu, Kim cũng không hỏi, Kim quay qua hỏi tên Luông:

– Tui hỏi khi không phải, anh thứ mấy? Luông lắc đầu nói không có thứ, Kim gặng hỏi vậy chớ anh tên gì?

– Luông!

– Hà, chắc là Hàm Luông, phải không?

– Sao biết, hay quá vậy ta?

Từ đó hai anh em quen rồi thân nhau. Kim lên đây chạy tắc xi kiếm sống, vợ Kim làm nhân viên dọn phòng ở khách sạn Hoàng Hậu. Hai vợ chồng Kim mướn một căn phòng nhỏ trong một con hẻm nhỏ rồi có một đứa con nhỏ ra đời. Nó ra đời đúng lúc thời buổi làm ăn khó quá, đến hãng tắc xi cũng phá sản, Kim thất nghiệp. Kim đi tìm mấy xe chở rau tại mấy phường vùng ven hỏi xem có cần tài xế hoặc lơ xe Kim xin làm. Đói bụng thấy chiếc xe bán hủ tiếu mì, Kim ghé vô rồi gặp Luông. Cùng quê dĩ nhiên cả hai mừng hết lớn! Bữa đó Luông dọn hàng sớm, Luông kéo Kim về nhà trọ, Luông hối Hoa nấu cơm mời Kim. Chuyện quê cứ ào ào tuôn ra nói hoài không hết. Cạn chai rượu Luông nói “chà giờ này mà có vài lát bần cặp với mắm cá linh thì phải biết!”. Kim hưởng ứng “nhậu say cắn miếng bần cặp với mắm cá linh tỉnh cả người, em nhớ quê quá anh Luông ơi!”. Câu nói của Kim rơi vào khoảng không vì cả hai cùng bần thần để hồn đi tận đâu đâu, dường như trong câu nói của Kim, Luông nghe tiếng xào xạc của rặng dừa nước ven sông mỗi khi cơn gió thổi qua. Rồi mùi bùn non, mùi sông nước mà khi còn ở nhà Luông không để ý giờ mới thấy nhớ làm sao?

Kim hỏi Luông có biết ai cần tài xế chỉ giùm Kim, Luông lắc đầu buồn rầu nói:

– Bây giờ làm ăn khó quá, qua may mà học được nghề nấu hủ tiếu của bà già vợ bán hàng kiếm sống qua ngày “còn nghề tài xế à… để coi. À, thôi mày đừng đi lái nữa, nhiều khi lái xe một chưn trong tù một chưn ngoài đời khổ lắm, tụi nhóc chạy bạt mạng biết sao mà tránh? Mày làm vườn đi, để tao hỏi mấy người quen hay ra đây mua bữa lỡ thử coi?”.

Nói là làm, Luông lấy điện thoại gọi ngay cho ông Thường. Ông Thường mừng rỡ nói em kêu chú ấy vô liền đi, anh đang kiếm người làm đỏ con mắt đây, ngày một trăm, bao ăn trưa, có việc gì làm việc nấy, mà anh chuyên trồng dâu tây, công việc nhiều nhưng không vất vả lắm đâu!

Vậy là Kim có việc làm, hên thiệt là hên. Chiều đó Kim vô liền nhà ông Thường. Vườn ông Thường trồng chỉ có dâu tây và vài vạt rau đang thiếu người làm, Kim xắn tay áo lặt lá dâu liền, coi bộ ông Thường ưng bụng với cái nết chịu làm của Kim. Có công việc mới Kim vui lắm, Kim thở ra như vừa thoát được một gánh nặng ở trong lòng!

Luông hỏi:

– Sao lóng rày vườn tược làm có cực lắm không?

Kim kể chuyện làm vườn với Luông. Gì chớ chuyện làm vườn Luông cũng đã trải qua, hồi chưa quen Hoa, Luông cũng đi làm vườn nhưng mà làm mướn, ai kêu gì Luông làm nấy. Còn bây giờ Kim làm tháng cho ông Thường công việc coi bộ đỡ hơn, sáng cứ sáu giờ rưỡi Kim có mặt ở vườn, chiều năm giờ là đã về nhà. Vậy là ổn ha, anh Luông? Luông hỏi lại ổn cái gì, không lẽ mày định làm mướn cả đời sao, tao tính vầy: mày lo dồn tiền, vừa làm vừa dòm coi ai đó dư đất thì sang lại miếng vườn mà làm, dù sao làm chủ cũng đỡ hơn làm mướn nhiều. Kim cười buồn, em biết vậy nhưng làm sao mà dồn tiền mua được đất hả anh Luông, chắc là đến tết Ma Róc? Tự nhiên Luông nổi nóng, Luông tuôn một thôi một hồi những lời tức tối ra với Kim. Mày làm người phải lập chí chớ, đã bỏ quê lên đất lạ làm ăn mà không có chí thì có nước ăn mày. Mày nhớ chưa, dưới quê mình, ngày nào cũng nhậu, có chút tiền là đổ vô chai rượu, chiều chiều tao vẫn nhớ tao cầm bịch mắm ruột giơ giơ ra trước mấy người bạn rượu rồi nói “mồi bén nè!”, “ý sao nè?”. Tao bỏ được rượu em biết nhờ ai không, mà thôi đã lâu tao không nhậu nữa, gặp mày mừng quá lai ra chút đỉnh chớ say sưa gì? Để sức lo làm lo ăn, cái nghề buôn bán cực thì cực thiệt, nhưng có đồng vô đồng ra. Vợ chồng tao dành dụm được chút đỉnh, sang miếng đất trên đồi, ráng một hai năm nữa cất cái nhà cấp bốn có chỗ đi ra đi vô chớ ở nhà mướn hoài, rồi con Hà lớn lên không lẽ cũng vậy sao? Em à, giọng Luông trở nên tha thiết, cố gắng bắt chước vợ chồng anh chị, mày thích làm vườn thì trước hết kiếm miếng đất mà làm để tao hỏi dò cho….

13. Thao thức – 2002

Kim nhìn Luông cảm động không nói được lời nào, đến anh em ruột chưa chắc đã lo cho nhau như vậy, vậy mà Luông dành cho Kim cả một tấm lòng! Chiều nay Kim xin ông Thường nghỉ một buổi để về nhà rủ vợ đi mua cho con chiếc xe tập đi mới ghé nhà thăm Luông và được Luông mở mắt cho chuyện làm ăn. Kim nghĩ, xứ này thiếu gì người như mình, ban đầu lên đi làm thuê, làm mướn rồi tích cóp từng chút một để sang một miếng đất. Đất cũ đãi người mới mà, ông Thường thường nói với Kim như vậy. Ông Thường kể hồi ngoài Quảng mới vô đây ổng cũng đi làm mướn như Kim vậy. Mà cả hai vợ chồng cùng đi làm kìa, ăn thì đã có rau xin vô khối, xứ rau mà, còn cá mắm gì cũng qua ngày thôi. Vậy mà giờ tao có trên năm sào đất, nuôi một bầy con bảy đứa, cho ăn học đàng hoàng. Tụi nó lớn rồi bay nhảy tứ phương, chỉ có con út còn học lớp 12 và thằng anh đang học năm thứ ba là ở nhà, còn năm đứa kia tụ hết ở Sài Gòn. Ông Thường cười phô hàm răng thiếu mấy cái, tụi nó cũng như chú ngày xưa thôi, lúc đó ở ngoài đó khó quá, tao leo đại xe đò vô đây, trong túi chỉ có mấy chục bạc. Lớ ngớ tao đi ngang nhà ông Hai Phong ghé vô xin ngụm nước. Ông già nghe giọng đặc sệt xứ Quảng của tao hỏi tới tới liền. Chú em mới vô sao? Giờ đi đâu? Kiếm việc làm à? Thôi thì chú cứ ở lại đây đi, để rồi tui chỉ việc cho, thiếu gì người cần công mà không có người làm. Vậy chớ ông già cũng cẩn thận lắm, coi căn cước tao đàng hoàng. Thấy tao trai tráng ông già cười hỏi trốn lính à? Tao cười rồi dạ một tiếng. Chú em đừng lo, tối xuống nhà máy ngủ, tụi nó có xét nhà cũng không biết đâu mà lần. Hồi đó không phải như bây giờ, chỉ cần bật công tắc điện là hệ thống tưới tự động làm một màn múa nước. Khoảng năm sáu mấy bảy mươi, nhà nào có máy dầu là xịn, còn không thì máy Bẹc na chạy xăng tưới chỉ được một vòi. Cái máy này chạy bơm ép, nước mới lên được trên những miếng vườn trên cao, càng cao thì nước càng yếu, tưới càng lâu lại hao xăng. Vậy mà lại hay bị mất trộm bơm, mà mất bơm không sắm kịp coi như mất mùa, nên chi có chú ngủ dưới nhà máy ông già Hai Phong yên tâm lắm.

Kim nghe ông Thường kể nhiều chuyện lắm, chuyện ông mua miếng đất mà hàng ngày Kim chăm sóc đám dâu tây trước kia là một vũng sình. Những đêm trăng, hai vợ chồng ông Thường đào đất đồi rồi xe đất lấp dần từng chút một mãi một năm sau miếng đất mới thành hình. Vụ sú (cải tròn, người Đà Lạt gọi loại rau choux choux phiên âm tiếng Pháp) đầu tiên, ông Thường trồng trên miếng đất này ông trúng giá mà lại được mùa. Dường như ông trời nghĩ thương vợ chồng chú, chú mua một con gà làm lễ tạ ơn trời đất. Lòng thành chú chắc thấu tới trời xanh nên vụ sau chú lại trúng nữa. Ông Thường cười hề hề, có vậy tao mới nuôi một lũ con lóc chóc tới nơi tới chốn chớ? Kim nghe ông Thường kể chuyện ngày lập vườn, con suối chảy ngang qua nhà ông nước trong xanh thấy cả những con cá lòng tong đuôi chấm xanh, bây giờ tìm đâu ra? Còn nước thì con suối đã biến thành một dòng chảy nhỏ, còn đâu con nước dồi dào như ngày xưa? Coi vậy chớ chỗ này còn hơn nhiều chỗ khác, làm vườn cứ nhứt nước nhì phân, bây giờ người ta làm vườn nhiều, rừng thông đầu nguồn chỉ còn chừng một phần thì lấy đâu ra nhiều nước? Ông Thường cay đắng kết luận cũng may mấy ông nhà nước mạnh tay với những người phá rừng chớ không thì….Ông bỏ lửng câu nói nhìn Kim bằng một cặp mắt đượm buồn.

Mình có làm được như ông Thường không? Nhiều đêm Kim tự hỏi. Trưa nay những câu nói của anh Luông càng làm cho Kim thao thức. Phá rừng để làm vườn thì không được rồi, còn mua đất biết lấy tiền đâu và biết ai bán đặng mua? Kim nghĩ lung lắm, bỗng nhiên trong đầu Kim lóe lên một tia sáng: mướn đất! Chắc đây là con đường sáng sủa nhứt! Anh Hai Trực cũng mướn đất mà làm vườn, nghe đâu đất của Chùa không có người làm. Kim không giống anh Hai, Kim đâu biết ai có đất mà không có người làm để hỏi mướn, thôi thì nhờ anh Luông vậy. Anh Luông người buôn bán giao thiệp với nhiều người chắc biết?

Quả là Luông biết thật. Ông Hương ở đối diện nhà Luông thuê tối đó ghé xe hủ tiếu của Luông ăn. Luông hỏi thăm công chuyện làm ăn, ông Hương bèn kể một thôi một hồi về chuyện nhà chuyện vườn. Ông Hương than mấy đứa con cứ ở riết Sài Gòn, không đứa nào chịu về. Không biết đất Sài Gòn có gì mà quyến rũ chúng ghê quá. Mà chúng làm đủ thứ, thằng đầu vô đâu như năm chín bảy, ban đầu đi làm thợ đụng, đụng gì làm nấy, sau nó đụng một con nhỏ người Sài Gòn chính hiệu, con nhỏ đưa thằng Hoa vô xưởng thêu đứng máy. Vậy là nó ở hẳn Sài Gòn, mới đây lại cất nhà 4 tấm, nó kêu ông vô ở với vợ chồng nó chớ “ba già rồi làm vườn chi cho mệt, vô đây chơi thôi, con lo hết!”. Còn con thứ hai và thứ ba là Lợi và Lắm học xong cũng lấy chồng Sài Gòn, cũng kêu ba mẹ vô ở với tụi con “trời ơi bốn thằng cháu ngoại phá như giặc, có ông bà ngoại vô rèn tụi nó thì tụi con đỡ quá?”. Rồi ông kết luận:

– Chú tính coi tui với bà nó ở đây mát mẻ quen rồi, vô trong đó nực nội sao chịu được? Mà không vô thì tụi nó trách, còn vô vườn tược ai lo?

Luông nói luôn:

– Chú cho mướn đi, thằng em con tìm đất làm vườn mấy tháng nay rồi, chú cho nó mướn vô Sài Gòn dưỡng già cho khỏe?

Hình như ông Hương hơi xiêu lòng, ông nói ừ để tui bàn với bà nó coi cái đã. Ông Hương ra về, Luông nghĩ thầm trong đầu “bà Ích là vợ ông Hương, mấy đứa con tên Hoa, Lợi và Lắm. Hương Hoa Ích Lợi Lắm? Luông cười tủm, hương hoa sao mà không có ích được chớ, nhà đó ngộ thiệt, hương hoa dĩ nhiên ích lợi lắm rồi.

Chắc là thằng Kim mừng lắm đây, để trưa mai kêu nó vô nói chuyện. Đó là ý nghĩ cuối cùng của Luông trước khi chìm vào giấc ngủ say. Luông mơ mình đang bơi ở một con sông vừa lạ vừa quen, giữa sông có một chiếc xà lan chở cát khẳm làm dậy lên một làn sóng đánh vô đám dừa nước mọc ven bờ. Bỗng nhiên Luông thấy mình nhỏ lại, Luông là một thằng nhỏ ngồi trên chiếc xuồng ba lá má chèo. Má cứ sục sạo mấy đám dừa nước hoài, mắt má đỏ hoe, má đi tìm cha. Má dặn Luông “con sông này tên là sông Hàm Luông, má đặt tên con là Hàm Luông chớ không phải là Hai Luông để con nhớ chỗ cha con hy sinh. Rằm tháng giêng con nhớ ra bờ sông đốt cho cha con nắm nhang, lúc còn sống cha con thích bông cúc lắm”.

Luông thức giấc phát hiện ra chiếc gối ướt nhèm. Mấy năm rồi Luông thất hẹn với má, rằm tháng giêng này nhứt định vợ chồng Luông ẳm con về giỗ cha, nhứt định Luông sẽ mang một ít hoa cúc đại đóa vàng ngát trời mây về cúng cha.

Hương hoa ích lợi lắm, chắc là cha má chứng cho tấm lòng của vợ chồng Luông!

V.A.C