Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện dài Võ Anh Cương

295

Nhà văn Võ Anh Cương

 

CHƯƠNG 1

1.Ngã ba cây số sáu – 1960

Như một quy luật bất thành văn, mỗi khi một con đường vươn ra xa thì hai bên đường nhà cửa mọc lên.  Con đường Đan Kia cũng vậy, hai bên đường nhà ván, nhà xây mọc lộn xộn theo ý thích của từng chủ nhà. Con đường tuy nhỏ nhưng đã được tráng một lớp nhựa cho nên cũng tránh được cảnh lầy lội khi mùa mưa đến. Sống ở ngã ba có tên gọi là cây số sáu này đa số là dân miền Trung đến lập nghiệp, mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng họ rất giống nhau ở cái cảnh nghèo khi mới đến. Trồng rau là nghề đương nhiên của họ. Nói đương nhiên vì theo những ông già lớn tuổi, ngày lập ấp, ty canh nông đã từng thử trồng lúa tại đây, nhưng nghe nói thổ nhưỡng không thích hợp, lúa làm đòng nhưng hạt lép hết trơn, không có được một hạt thóc nào cả. Thật lạ, cách chỗ này độ năm sáu cây số, người Thượng lại trồng được lúa, tuy là lúa đồi, cơm cứng, năng xuất thấp, nhưng dù sao cũng là hạt ngọc nuôi người. Đã không trồng được lúa thì chỉ còn cách làm vườn, dân ngã ba trồng rau đem bán cho người phố thị. Vậy là một nghề nghiệp ra đời, nghề buôn “la ghim” như cách gọi của một số người có chút ít chữ Tây, dù chỉ là Tây bồi. Sáng sớm những người buôn rau lũ lượt gánh những gánh sú, gánh lơ, gánh cải, khoai tây, cà rốt…xuống chợ Tân Thị để mong kiếm được chút ít tiền đong gạo. Chợ Tân Thị là cách gọi “sính chữ” của một số người, còn đa số gọi là chợ mới để phân biệt với chợ Cây mà bây giờ gọi là khu Hoà Bình. Ngôi chợ mới đó do một ông kiến trúc sư tài hoa thiết kế, khi mới xây xong đã nổi tiếng trong cả nước. Người ta dành cho những người bán rau một khoảnh đất để bán sản phẩm của mình. Không có sự phân biệt ở đây, người buôn rau và anh làm vườn đều giống nhau, họ đều muốn bán cho nhanh gánh rau của mình để về sớm sau khi mua vài thứ hàng trong chợ. Đó là những năm đầu của thập kỷ sáu mươi.

  1. Ông Tuất – 1998

Một ngày ở ngã ba cây số sáu bắt đầu từ 5 giờ sáng, lúc đó ông Tuất đặt gánh xôi xuống vỉa hè trước quán bà Hóa và ra sau quán vần cây dù được hàn vào một vòng tròn bằng sắt thật to ra chỗ ngồi. Đó là nơi bán hàng lâu nay của ông Tuất. Ông Tuất với nồi xôi của mình chờ người mua mở hàng, trên tay ông là ly cà phê đen mua ở quán cô Thân. Sáng sớm nào ông Tuất cũng mở hàng cho cô Thân bằng một ly cà phê đen nóng hổi. Nói cho cùng, ông ghiền mùi vị cà phê cô Thân pha từ lúc nào không rõ, chỉ biết rằng nếu không được uống một ngụm cà phê vợtở quán Ngọc Tuyền thì ông chưa tỉnh ngủ hẳn. Cà phê vợt khó pha lắm, bởi phải làm sao giữ được cả hương và vị của cà phê cùng lúc với độ nóng bỏng của thứ nước uống này là cả một nghệ thuật. Cái nghệ thuật đó ông Tuất không biết, vả chăng ông cũng không có ý định tìm hiểu làm gì, ông chỉ chú ý vào một chuyện là làm sao nấu xôi cho thật ngon để khỏi mất khách. Khách hàng của ông Tuất nhiều dạng lắm, từ anh xe ôm cho đến đứa học trò, vị công chức, người làm vườn và cả mấy bà bán cá. Sáng nay, lúc ông Tuất đang thưởng thức ngụm cà phê đen thì Bằng chạy xe ra bến. Bằng dựng xe chỗ quen thuộc rồi sà ngay vào gánh xôi ông Tuất. Ông Tuất không hỏi Bằng ăn gì, ông quá quen với sở thích của tay xe ôm có bộ râu quai nón, ông làm cho Bằng một hộp xôi bắp và cho nhiều hành phi hơn thường lệ. Nhìn Bằng ăn ngon lành món quà sáng, ông Tuất hỏi:

– Sao, mở hàng chưa?

Ông Tuất hỏi cho có hỏi chứ ông biết sáng nào từ lúc 3 giờ Bằng cũng thức dậy và chở cô Xinh xuống chợ đầu mối mua rau về bán. Cô Xinh không chồng không con, tuổi xuân của Xinh sắp qua đi nhưng không thấy cô có ai đưa đón cả. Có người thấy Bằng hàng ngày chở cô Xinh đi mua hàng từ sáng sớm nói rằng hay là Bằng lấy luôn Xinh “làm phòng nhì” đi cho xong chuyện. Bằng chỉ ngước nhìn người phát ngôn ẩu một cái rồi thôi, Bằng không trả lời trả vốn gì cả. Đâu ai biết Bằng nghĩ gì trừ ông Tuất. Ông Tuất ở cạnh nhà Bằng, hàng ngày những chuyện lớn chuyện nhỏ nhà Bằng đâu qua được mắt ông? Vợ Bằng tên Thắm, tên là Thắm những không đằm thắm chút nào. Ngày nào Thắm cũng xoen xoét chuyện chồng chuyện con. Con thì Thắm có hai đứa, một đứa học lớp 5, một đứa vừa vào lớp 1. Những trò nghịch ngợm của hai thằng con trai khiến Thắm la lối suốt ngày. Hết la con Thắm lại la chồng. Cũng lạ, Bằng nhìn bặm trợn với một hàm râu quai nón xanh um, nhưng anh lại sợ vợ một phép. Thắm nói gì thì nói, Bằng chỉ một mực lặng thinh. Bắt đầu bao giờ Thắm cũng lôi chuyện tiền nong ra nói, Thắm hỏi Bằng sao hôm qua chạy xe ra sao mà chỉ đưa cho vợ năm chục bạc? Năm chục bạc thì làm sao nuôi hai thằng con phá như giặc ăn học cho nên người, chắc cuối cùng cũng chỉ làm đến anh xe ôm như bố là cùng.

3.Buôn gánh – 1970

Chị Hoá là một người buôn rau, chị chuyên buôn gánh. Quê chị ở Quảng Trị, vào vùng đất cao nguyên này, chị vẫn giữ nguyên giọng nói đặc sệt miền quê nghèo khổ. Quả chị nghèo khổ thật, thằng con đầu ba tuổi của chị cứ khóc thét lên mỗi sáng sớm thức dậy quơ tay không thấy chị đâu. Lúc ấy có lẽ chị đã đi được một nửa đoạn đường với chiếc đòn gánh cong vòng kẽo kẹt.  Chị đi tắt qua bãi tha ma mà người ở đây hay gọi là mả thánh. Chẳng biết có thánh thần gì ở đây không, nhưng còn ma thì chị sợ lắm. Chị tin là ma ở khắp nơi rình rập từng bước chân con người trong đêm hôm tăm tối. Nhưng nỗi sợ trong chị vẫn không thắng nỗi sự mệt nhọc khi phải gánh đến sáu chục ký lô rau và đi xa năm, sáu cây số đường trường. Ai đã từng lao động cật lực như chị mới thấm thía nỗi vất vả mà người đàn bà gần ba mươi tuổi phải gánh chịu. Người ta cũng như chị thôi, ai cũng phải băng qua một quả đồi nhấp nhô mồ con mả lớn trong đêm vắng vẻ để có thể bớt đi một đoạn đường dù phải leo lên một con dốc tối tăm. Chị đi không mệt mỏi, ngày nào cũng vậy, sau khi bán rau xong, chị vội đi lấy hàng bỏ mối mà mấy quán tạp hóa dặn, mua một ít thức ăn đơn  giản thường là mắm hay cá khô, rồi tong tả trở về.

Anh Vinh chồng chị là một người đỏm dáng, anh giống như một con gà trống  đẹp mã lúc nào cũng có thể cất cao tiếng gáy khoe mẽ với bầy gà mái vây quanh. Hình như trời sinh anh ra là để làm cảnh hay sao mà trông anh lúc nào cũng bảnh bao. Anh có bằng tiểu học nên xin đi làm thư ký cho một đội diệt trừ sốt rét ở quận Lạc Dương. Sáng sáng, anh đạp chiếc xe đạp cà tàng của mình đi làm sau khi nhét bụng một bát cơm rang. Thằng Thiên con anh nhìn theo mà lòng lại mong mạ về. Mạ về nghĩa là nó được một tấm bánh, cho dù tấm bánh chị Hoá mua cho con chỉ là loại rẻ tiền, thường là bánh cam làm bằng bột bắp, nhân khoai lang. Nhưng thằng Thiên ăn ngon lành lắm, nhìn nó ăn ai cũng bắt thèm. Không chỉ có Thiên, chị Hoá lại đẻ con, ông trời chi đâu mà bắt chị sòn sòn năm một, hai đứa con gái ra đời tiếp theo thằng Thiên chỉ trong vòng có bốn năm. Nhưng cái ăn thì lúc nào cũng cần thiết, nên vừa ở cử xong chừng một tháng, chị Hoá lại tiếp tục gánh rau đi bán. Trời thương người nghèo khổ, sức khỏe chị Hoá chỉ sa sút chút ít trong những lần vượt cạn. Có phải vì chị làm lụng từ thuở nhỏ nên có sự chịu đựng dẽo dai? Cũng có khi con người ta muốn thoát ra cảnh bần cùng nên không còn sự lựa chọn nào khác?

4.Xe ôm – 1998

Bằng chạy xe ôm, số tiền thu được trong ngày Bằng chia làm ba phần. Một phần dành cho xăng cộ, không thì lấy gì để chạy? Phần nữa Bằng dành cho sửa chữa và khấu hao xe, còn lại mới đưa cho vợ. Bằng không dành riêng cho mình một chút nào. Với cái quần din bạc màu, cái áo khoác giả áo lính Bằng “liên khúc” từ 3 giờ sáng cho tới 10 giờ. Nghỉ ngơi cho đến 12 giờ là Bằng chạy xe đến 8 giờ đêm. Cái thời khóa biểu của Bằng như vậy, không ngày nào sai trật, trừ ba ngày tết. Ba ngày đó cô Xinh cũng nghỉ bán hàng, Bằng  đành thất nghiệp, nói vậy chớ có ai kêu Bằng cũng sẳn sàng….

Ông Tuất biết Bằng hiền như cục bột thì làm gì có chuyện tòm tem với cô Xinh, quả là thiên hạ ác mồm ác miệng. Nhưng ông Tuất lầm. Bằng không đi lại với cô Xinh thiệt, nhưng Bằng bị bắt tại trận với vợ của một đồng nghiệp, không phải đồng nghiệp hai bánh mà là đồng nghiệp mười hai bánh! Đó là tay tài xế đường trường tên Trung chở hàng từ Nam chí Bắc, nhiều khi hàng tháng trời mới ghé qua thăm nhà một lần, còn Bằng thì ngày nào cũng chạy xe qua nhà cô Thủy, Thủy có cái miệng hay cười, Thủy có nước da trắng lắm…và Thủy thường nhờ Bằng vào coi cái này cái nọ giúp mình. Làm thằng đàn ông mà ba cái vụ sửa chữa vặt, điện nước nhỏ nhặt mà không giúp hàng xóm được thì ra làm sao? Nghĩ vậy nên Bằng xắn tay vào làm dùm cho Thủy. Bữa đó chồng Thủy về, hắn đột ngột hiện ra như từ đất mọc lên đúng lúc Bằng từ phòng ngủ của Thủy đi ra. Theo lời Bằng kể lại, Bằng không làm gì Thủy cả, Bằng chỉ vào phòng ngủ của Thủy sửa dùm cái bóng nê ông bị cháy, Thủy cà rà đứng một bên cố tình cạ cặp vú vào lưng Bằng khiến hắn nghe nhột nhột, Bằng đứng nép vào sát vách, Thủy cũng nép theo đến nỗi Bằng phải cự nự. Bằng kể, Thủy thấy vậy càng sấn tới, còn chọc quê Bằng sao mà nhát gái, em đây chả sợ mà anh thì sợ gì chứ?

Bằng không kể chồng Thủy hành sự ra sao khi thình lình xuất hiện và bắt gặp Bằng đi ra từ phòng ngủ của vợ chồng y. Bằng chỉ nói với ông Tuất rằng chú có dư cho cháu mượn hai chục triệu, thằng Trung bắt cháu viết giấy nhận nợ, quả là oan tày trời cháu biết kêu ai! Không dưng mà ông Tuất tin lời Bằng, còn dư luận ở ngã ba thì không như vậy, chuyện của Bằng có nhiều kịch bản, trong đó có nhiều tình tiết giựt gân, éo le và có thể chuyển thể thành …chuyện phim. Ông Tuất về nhà mở tủ gom đủ hai chục triệu đưa cho Bằng, ông Tuất nói:

– Đây là số tiền chú lận lưng phòng lúc trái gió trở trời. Mày cứ lấy trả cho nó đi cho xong nợ. Mà lạ sao tao không nghe vợ bay la lối gì hết?

Bằng im lặng nhìn ông Tuất, trong đôi mắt của Bằng lóe lên một thứ ánh sáng xanh xám, ông Tuất hiểu ngay Bằng phải chịu đựng cơn tam bành lục tặc của con Thắm khổ sở đến độ nào! Bằng ít nói nên không biết nói gì, nhứt là trong những lúc như vầy, Bằng càng im lặng. Nhưng nếu nhìn kỹ, hai giọt nước mắt sắp sửa ứa ra từ khóe mắt Bằng, Bằng ngó lơ đi chỗ khác rồi lấy tay dụi mắt, dường như chiếc xe chở hàng vừa chạy vụt qua đã làm bụi vào mắt Bằng. Bằng càm ràm:

– Chạy gì mà chạy dữ quá, còn sớm mà….

5.Chuyện chồng chuyện con – 2005

Chị Hoá giầu nhưng không sướng gì như nhiều người đồn. Hiển nhiên thôi, một đời chịu cực chị quen rồi. Sáng sương mù còn phủ kín mặt đường chị đã dậy, tiếng la của chị  cả dãy nhà bên cạnh ai cũng nghe. Đầu tiên chị la anh Vinh chồng chị trưa trờ trưa trật mà còn ngủ. Thứ đến chị lôi hai con bé giúp việc mà chị lặn lội về quê đem vào ra chửi vang lừng. Chúng đang độ lớn, con gái dậy thì ngủ cứ như chết. Chị ghét cay ghét đắng những đứa như vậy, bằng tuổi chúng chị đã có con, đã lặn lội với những đám rau cải để sớm mai gồng gánh xuống chợ bán chứ đâu có sướng như chúng bây giờ? Vậy là chị tức, chị xách roi vào giường quất túi bụi  những cái mông tròn lẳn, những cái mông con gái mà anh Vinh cứ nuốt nước bọt mỗi khi nhìn vào. Những lúc ấy chị bắt gặp ánh mắt có lửa của anh, thế nào đêm ấy bắp vế anh cũng bầm tím chớ chẳng chơi. Chị quất hả hê như cố tuốt ra ánh mắt của anh Vinh hằn lên bờ mông trắng nỏn nà của con Nguyệt, con Ngà. Bà Bảy bán chè ngồi nhờ hiên nhà chị chắt lưỡi tội nghiệp hai con nhỏ đang độ tuổi ăn tuổi ngủ nhưng chẳng biết phải can thiệp làm sao?

Bây giờ đám con nhà chị không còn đứa nào ở với chị. Chị dựng vợ gả chồng cho chúng theo tiêu chuẩn của chị. Con dâu thì chị mặc đám con trai muốn lấy ai thì lấy, còn con rể chị chọn những người nghèo. Chúng càng ham của nả của chị càng tốt. Chị cho người thăm dò xem những chàng “chuẩn rể” nhìn vào số tài sản của chị như thế nào? Nếu anh ta có ý dòm vào gia tài nhà chị thì chị đánh tiếng gả liền. Còn nếu anh làm ra vẻ chẳng phải vì tiền, chị gạt ra ngay. Từng lăn lộn với thương trường chị biết những ai nhìn đồng bạc bằng cặp mắt hau háu thì đó là người chị sai khiến được. Chị sai họ bằng tiền, vậy thì những chàng rể của chị cũng không có cách nào thoát khỏi bàn tay và bọc tiền của chị. Mà quả thật những thằng rể nhà chị ngoan ngoãn lắm, chúng nó như những cục bột chị tha hồ vo tròn bóp méo!

Thằng Thiên con chị Hóa vào tù. Thằng Thiên vào tù cũng phải thôi, nó học bài học của chị nhưng không thuộc. Làm ăn với đối tác phải nắm lấy người ta, đằng này nó để cho người ta nắm lấy nó. Thiên gặp một siêu lừa, lại gặp một ông sếp quá ư giảo quyệt giao hết chuyện cho Thiên chỉ ở đằng sau giật dây đến khi đổ bể thì ôi thôi, chữ ký rành rành là của thằng Thiên. Thiên ký cũng phải thôi vì nó bỏ bạc tỉ vào hùn hạp làm ăn với một công ty X,Y, Z chi đó mà chị nào có biết, nó được giao làm phó giám đốc phụ trách kinh tế. Chị Hoá tức ói máu nhưng biết làm sao được? Chuyện thằng Thiên chưa xong thì  bà Bảy bán chè mách với chị:

– Tui nói khi không phải cô coi chừng chú đó?

– Coi chừng chuyện chi hả thím?

Bà Bảy ngập ngừng một hồi rồi mới cho chị biết là anh Vinh lại đi  “tòm tem” với một con mụ chồng vừa chết năm ngoái, có một đứa con một tuổi và nghèo kiết xác. Chị Hoá tức lắm, chị quyết phải gọt đầu bôi vôi con lộn chồng cho hả. Chị biết anh Vinh chẳng có tiền đâu mà cho con nhỏ, chị quản không để một xu lọt ra ngoài, vậy nó mê ảnh chỗ nào cơ chứ? Chị tìm đến căn chòi của Hiền vào một chiều chập choạng, cái chòi làm bằng những miếng ván bìa chắp vá mà Hiền xin được của xưởng cưa ông Trí khi cô làm phụ việc ở đây. Tiếng rúc rích cười hạnh phúc của Hiền khi anh Vinh chồng chị nựng nịu con Hiền. Chẳng biết trước đó hai ngươi nói với nhau những gì nhưng khi chị nhìn qua kẽ ván, chị thấy anh Vinh rạng rỡ đút cho thằng nhỏ ăn bột miệng thì nói với Hiền:

– Thôi mạ nó cứ nấu cơm đi để tui đút bột cho con cũng được, phải vậy không thằng con cục vàng của ba?

Hiền nguýt anh Vinh một cái rõ to, nhưng miệng thì cười sung sướng. Cô dọn ra mâm một bữa cơm với một con khô và đĩa rau luộc rồi mời anh Vinh ăn cơm với một câu mà chị chưa bao giờ mời chồng như vậy:

– Anh ăn cơm đi, để đó em đút cho chớ không thì đói bụng chết.

Chị Hoá đứng như trời trồng, bao nhiêu dự tính đánh ghen hầu như đi đâu mất cả. Chị quay về tắp lự với những hình ảnh nhảy múa trong đầu….

6.Bán xôi – 2000

Có khách, Bằng lên xe rồ ga chạy, bỏ lại sau lưng lời khơi mào của ông Tuất “ngày đó mày nhỏ xíu…”. Bằng đã chạy xe khuất sau một khúc quanh nhưng hình ảnh của Bằng hồi nhỏ ông Tuất vẫn nhớ như in. Nhưng ông Tuất không thể tiếp tục chuyện riêng hồi ngày xưa của ông bởi ông còn lo buôn bán vì bây giờ là thời điểm bán hàng đắt nhứt của ông. Người mua xôi về cho con ăn sáng, kẻ dặn chục hộp xôi chút nữa ghé lấy để cho người làm công ăn bữa lỡ, ông Tuất gói xôi liền tay. Nói cho cùng xôi ông Tuất nấu hợp với dân ngã ba cây số sáu, xôi dẽo ngon, nóng, lại vừa túi tiền của những người làm vườn. Dân lao động ăn to nói lớn đã thành thói quen, đi làm vườn là bán sức lao động nên phải cung cấp đủ năng lượng mới làm việc được. Ông Tuất bán xôi ở ngã ba này đã trên chục năm trời, từ ngày bà Thành vợ ông mất. Trước kia khi vợ còn sống, bà Thành bán xôi còn ông Tuất chạy xe ôm chở mối cho quán bà Hóa, cái gì ông cũng chở từ gạo, phân bón, đến bia bọt và cả đưa đón mấy đứa học sinh. Vậy mới đủ ăn và nuôi hai đứa con ăn họcnhưng hai đứa con của ông đã làm ông thất vọng. Một đời với vốn chữ nghĩa lớp 5, ông Tuất phải bán sức lao động để sống nên ông thường hâm mộ những người nhiều chữ làm việc bàn giấy và mong sao hai đứa con của mình cũng kiếm chút chữ ra đời làm “sĩ quan” với người ta. Vậy mà hai đứa chỉ học đến lớp 9 rồi bỏ ngang, hình như chúng không thể nhét con chữ vào trong đầu chúng. Ông giận chúng lắm nhưng biết sao được, vợ chết, ông vừa buồn chuyện vợ lại lo nỗi chuyện con. Thấy ông như người mất hồn, bà Hóa nói:

– Tôi nói khi không phải, hay là chú bán xôi đi chớ cứ đi chở hàng cho tôi hoài, ngày càng có tuổi sức càng yếu chú chống chọi không nỗi với những chuyến hàng cả tạ đâu. Vả chăng bây giờ xe cày, xe tải nhỏ cũng nhiều, chú làm sao cạnh tranh cho được….

Bà Hóa bỏ ngang câu chuyện, ông Tuất biết trong đầu óc con buôn của bà Hóa đã có một bài toán vận tải rồi nhưng lâu nay bà chưa tiện nói ra. Mỗi lần ông Tuất chở hàng cho bà Hóa chừng một tạ là cùng, còn xe cày kéo cái rờ mọt chở vô tới tận vườn năm bảy tạ là chuyện thường thì phí chuyên chở vật tư phân bón, gạo nước cá mắm phải rẻ hơn là cái chắc. Ông Tuất biết mình sẽ mất việc nay mai, đêm đó ông về thắp một nén nhang khấn trước bàn thờ vợ:

– Bà ơi, chắc tui phải bỏ nghề chạy xe ôm, tui trở lại với nghề bán xôi của bà, bà phù hộ cho tui nghen bà!

Ông trầm ngâm trước bàn thờ vợ, nhìn sững nén nhang đang bốc khói, tàn nhang cong vòng khiến ông Tuất thấy an lòng. Hồi còn sống bà Thành bán xôi sáng, ông Tuất đều thức dậy lúc 2 giờ sáng để giúp vợ chuyện nấu xôi. Xôi không phải như món ăn sáng khác có thể chế biến sẳn từ ngày trước. Xôi phải nóng, dẽo mới ngon. Vậy là phải nấu sớm để kịp bán hàng lúc mặt trời còn chưa mọc, chuyện đồ xôi sao cho xôi chín đều ông Tuất chẳng lạ lẫm gì, bây giờ nghe bà Hóa nói vậyông quyết định chuyển nghề. Quả là trời chẳng phụ lòng người, dân ngã ba cây số sáu đang nóng lòng chờ một bà bán xôi thay thế chỗ của bà Thành nhưng chưa có ai đạt yêu cầu. Thiệt ra cũng có hai người bán xôi sáng khi bà Thành bệnh nặng không bán được nhưng họ không trụ được lâu. Người thì xôi không đạt chất lượng, xôi cứng, nếp đi đàng nếp, đậu đi đàng đậu thì ế là cái chắc. Còn người thứ hai nói cho cùng chất lượng cũng tạm được tuy không bằng bà Thành nhưng giá cả thì mắc quá. Dân vườn mà, đồng tiền họ kiếm được đâu phải dễ dàng gì nên chi họ tiêu tiền phải đúng giá trị của nó. Vậy là khi ông Tuất “ra nghề” dân ngã ba ủng hộ tức thì. Câu chuyện buôn bán của ông Tuất thuận buồm xuôi gió cũng nhờ một tay góp sức của bà Hóa. Ai vô mua hàng bà Hóa cũng “tiếp thị” cho ông Tuất, nên chi với chục ký nếp bữa đầu tiên ông Tuất bán hết vèo lúc bảy giờ sáng. Ông mừng lắm, vừa bán hàng vừa tỉ tê “tâm sự” với người mua rằng có lẽ bà Thành phù hộ cho ông!