Thật khó mà định vị nghề nghiệp của người phụ nữ có tên Xuân Phượng, tác giả của Gánh gánh gồng gồng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020), bởi cuộc đời hết sức phong phú và thú vị của bà đã đưa người phụ nữ 93 tuổi đi qua không biết bao nhiêu trải nghiệm khó quên.
Ở tuổi ấy, danh mục nghề nghiệp của Xuân Phượng kéo dài qua hai thế kỷ, từ chuyên gia thuốc nổ, phiên dịch, bác sĩ, phóng viên chiến trường tới đạo diễn, chủ phòng tranh, nhà văn…
Từ nữ sinh đến phóng viên chiến trường
Năm 1945, ở tuổi 16, bà cùng người cậu bí mật từ giã gia đình, đạp xe ra bờ sông, để vào chiến khu. Gần đến nơi, chiếc xe của cậu bị xẹp bánh, người cậu chạy về lấy bơm xe. Ngay lúc đó, lính Pháp đi càn, không chờ cậu được, vội bỏ xe đạp, một mình bà lên đò. Con đò đưa cô nữ sinh xuất thân từ gia đình tri thức trung lưu ở Huế, thoát ly theo cách mạng.
Khi Bộ quốc phòng tìm người biết tiếng Pháp vào Nga nghiên cứu kỹ thuật Bộ quốc phòng, bà là người nữ duy nhất được chọn về làm việc ở Quân giới Liên khu IV. Bà phụ trách 1 tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ) mà không biết rằng từ việc này, mình trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo thuốc nổ.
Tác giả Xuân Phượng.
Năm 1967, bà là phiên dịch cho đoàn phim của đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens khi làm phim Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân. Đây là chuyến đi định mệnh để tiếp tục đưa cuộc đời bà sang trang khác. Ông Ivens khuyên bà nên làm phóng viên chiến trường vì thấy bà rất có khả năng. Điều này làm bà đắn đo suy nghĩ mãi, khi mình đã ở tuổi 37 mà chuyển ngành, bỏ công việc ổn định lương cao, chuyển sang làm phóng viên chiến trường là trở về lương khởi điểm như người lao công.
Nhưng rồi bà đã quyết! Năm 1968, Xuân Phượng được cử đi B (chiến trường miền Nam), là nữ phóng viên chiến trường hiếm hoi của Việt Nam ở thể loại “hình ảnh động”. Từ đó, bà đi khắp các chiến trường ác liệt nhất, thể hiện những thước phim quay được thành những bộ phim tài liệu ấn tượng trong vai trò đạo diễn, quay phim.
Bôn ba nước ngoài tìm việc ở tuổi 60
Năm 1989, khi nghỉ hưu, đời sống khá chật vật, bà nghĩ, người ta xuất ngoại từ tuổi thanh niên, mình đi lúc tuổi hưu, tìm cơ hội xem sao. Bà đi vay bạn bè tiền để đi mua một chiếc vé máy bay đi Pháp mà bà phải nói dối là mở tiệm kẻo mọi người lại trách mình… lẩm cẩm.
Thời gian ở Pháp, bà làm thông dịch. Một số người đề nghị bà nên quảng bá văn hóa Việt, trong đó có cả những bạn đang cầm cọ vẽ ở Pháp. Đây chính là bước ngoặt của bà, vì bà tin rằng tranh ảnh là thông điệp văn hóa dễ đi vào lòng người. Bà làm ngay một cuộc triển lãm tranh Việt Nam tại Paris, Pháp trước khi chuẩn bị về lại quê nhà.
Bà kể lại: “Không ngờ tranh Việt Nam lại được yêu quý đến thế, người ta mua gần hết số tranh triển lãm. Về Việt Nam, tôi liền mở phòng tranh tư nhân đầu tiên. Khi tôi đi xin giấy phép mở phòng tranh tư nhân, cán bộ nơi cấp phép lo lắng dùm cho tôi vì thời điểm năm 1991 ấy, phòng tranh tư nhân làm sao địch nổi phòng tranh nhà nước, và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng, từ chỗ chỉ có 2000 USD để mở, bây giờ phòng tranh Lotus của tôi đã có chi nhánh ở TP.HCM, Phú Quốc, Pháp, Nhật”.
Thực hiện hàng trăm cuộc triển lãm tranh ảnh Việt ở nhiều nơi trên thế giới, bà nghiễm nhiên trở thành một bà đỡ cho các họa sĩ trẻ Việt Nam. Bà còn tham gia làm phim, viết và phối hợp chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn hóa, lịch sử Việt sang tiếng Pháp và ngược lại. Bà chủ gallery Lotus không ngờ có ngày, nhờ những hoạt động của mình, được Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng năm 2011.
Xuân Phượng kí tặng độc giả trong lần ra mắt sách.
Cuộc đoàn viên sau gần 40 năm và hồi ký để đời
Xuân Phượng xa gia đình năm 16 tuổi đến năm 60 tuổi mới gặp lại. Trong quãng thời gian đó, bà bặt tin gia đình mình.
“Sau gần 40 năm xa cách, trong bữa cơm đoàn viên lần đầu tiên được gặp lại mẹ mình, tại Pháp, mẹ tôi nói: “Con ơi, con đi giúp họ làm chi cho gia đình mình ly tán”. Từ đó, tôi hiểu rằng mình phải làm một cái gì đó” – bà kể – “Tôi muốn mẹ tôi biết rằng, nỗi đau khổ của người ra đi còn đau khổ hơn 10 lần người ở lại. Tôi đi không phải để gia đình ly tán, mà đi để có ngày được sum họp. Từ đó, tôi ý thức rằng mình phải viết lại cuộc đời của mình”.
Cũng từ phòng tranh đầu tiên ở TP.HCM này, năm 2001, bà có một người khách xem tranh đặc biệt – Tổng biên tập tờ Madame Firago. Người khách ấy ngạc nhiên khi biết bà chủ phòng tranh này từng là một phóng viên chiến trường và đề nghị Xuân Phượng kể lại câu chuyện đời mình. Ba tuần sau, bà nhận được thư từ nhà xuất bản nổi tiếng Plon, đề nghị mình viết hồi ký bằng tiếng Pháp.
Xuân Phượng nghĩ rằng bà mình làm một việc rất bình thường của người phụ nữ kể lại cuộc đời mình. Nhưng cuốn sách Áo dài đã gây tiếng vang lớn khi phát hành, và bán đến 300 ngàn bản. Bà nói rằng, đó là “một vinh dự không phải cho riêng bản thân tôi, mà là niềm vui cho tất cả những người đàn bà nào đã từng chịu đựng, vất vả, khổ đau, hy sinh”.
2 năm trước, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, phải ở nhà nhiều hơn, ở tuổi 91, bà lại ngồi vào bàn viết lại cuốn hồi ký Áo dài bằng tiếng Việt, mang tên Gánh gánh gồng gồng.
Bây giờ, ở tuổi 93, Xuân Phượng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Bà cười giòn khi được nhiều người hỏi liệu mình có thêm những ngả rẽ định mệnh nào ở tuổi gần đất xa trời. Mà thôi, cuộc đời người phụ nữ ấy đã quá phong phú, như giới truyền thông từng gọi là một phần của pho sử phụ nữ Việt thu nhỏ, có lẽ cũng không cần phải “hỏi cắc cớ” thêm làm gì.
Thú vị “Gánh gánh gồng gồng”
Cuốn sách Gánh gánh gồng gồng đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ngay lần xuất bản đầu tiên năm 2020. Một thời gian dài, cuốn sách liên tục nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của nhiều sàn thương mại điện tử. Hai tháng sau khi phát hành, cuốn sách đã tái bản, và đã tái bản lần thứ 2 với 2.000 bản in/ lần xuất bản.
Theo Minh Minh/Vanvn