Xuống biển lên giời – hành trình trong tưởng tượng

49

Đỗ Nguyên Thương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chắc hẳn nhiều người đồng tình với suy nghĩ của tôi khi bắt gặp nhan đề Xuống biển lên giời, sẽ nghĩ đó là hành trình của một người có sở thích giang hồ nhưng sự thực lại là cuốn tiểu thuyết thể hiện trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Đỗ Xuân Thu về thế giới phẳng của những ký tự trong một chiếc laptop.

Nhà văn Đỗ Xuân Thu

Nhà văn Đỗ Xuân Thu nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ là một tác giả rất quen thuộc trên văn đàn cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đã từ lâu tôi định bụng viết một cái gì đó về anh, Vượt sông ư đã có nhiều người viết và chưa kịp hoàn thiện bài viết thì anh đã lại xuất bản tập mới! Mỗi tác phẩm của anh ra đời hầu như đều có người viết cảm nhận, phê bình…

Năm 2024 là một năm thành công đối với nhà văn Đỗ Xuân Thu, truyện ngắn của anh xuất hiện hầu như ở khắp các trang báo, tạp chí trung ương và địa phương đủ khắp các miền trên đất nước. Bên cạnh truyện ngắn anh còn sáng tác thơ, dù là thơ hay truyện ngắn thì các sáng tác của nhà văn Đỗ Xuân Thu cũng luôn luôn giản dị, gần gũi, mộc mạc và thân thương. Có ai đó đã nói rằng cái đẹp nằm trong sự giản dị và với văn Đỗ Xuân Thu thì trường hợp này thật đúng và năm 2025 trên đà thành công, nhà văn tiếp tục hành trình đi và viết, lại có báo chí khắp các tỉnh thành, lại xuất hiện trên trang điện tử hoặc báo giấy từ trung ương đến các địa phương và Quý II năm 2025 anh xuất bản tiểu thuyết Xuống biển lên giời.

Đỗ Xuân Thu trong đời thường là một người giản dị thường gắn với biệt danh là Chõe Bò. Trên trang Facebook bài viết của anh thường gắn với địa danh là Phượng Hùng, Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.

Đỗ Xuân Thu là người đi nhiều và viết nhiều, chất liệu hiện thực cuộc sống khá giàu có, khá phong phú; đi đến đâu anh cũng có tác phẩm vừa để lưu lại dấu ấn kỷ niệm với mảnh đất mình từng qua vừa để chiêm nghiệm những thực tại mà anh đã được đón nhận trong cuộc sống. Chính vì vậy nên Xuống biển lên giời ban đầu chắc nhiều người đồng ý nghĩ như tôi rằng cuốn tiểu thuyết này chắc hẳn lại mang đậm tính chất ký sự, ghi chép lại hành trình dọc dài đất nước, ghi lại những chặng đường mà anh đã đi qua những mảnh đất mà anh đã đặt chân tới…

Nhưng khi đọc vào tác phẩm mới té ra rằng anh đang viết về những ký tự trên một chiếc laptop. Không thể không thừa nhận trí tưởng tượng của nhà văn thật sự phong phú. Tôi cũng hơn 20 năm làm việc với bàn phím, có những ký tự nhắm mắt vẫn nhớ vị trí nhưng không hề nghĩ sẽ có ngày biến mỗi ký tự hoặc một số ký tự thường dùng thành nhân vật trong sáng tác của mình. Vì lẽ ấy, sự cảm phục của tôi tăng lên gấp nhiều lần khi đọc Xuống biển lên giời của nhà văn Đỗ Xuân Thu.

Xuống biển lên giời là cuốn tiểu thuyết đáng đọc, 260 trang viết chia làm 9 chương với tên gọi khá độc đáo “Chương 1 Những năm tháng bình yên; Chương 2 Biến cố; Chương 3 Thất lạc; Chương 4 Dưới đại dương; Chương 5 Trong mây, Chương 6 Đại dịch, Chương 7 Gặp gỡ; Chương 8 Trợ thủ A.I và Chương 9 Đoàn viên”. Cách đặt tên từng chương, theo trật tự tuyến tính của thời gian có thể hình dung như một hành trình của câu chuyện cổ tích: Có mở đầu bình yên (chương 1)  có diễn biến thăng trầm, thất lạc, gặp khó khăn (chương 2 đến 6) , được giúp đỡ (chương 7,8)  và kết thúc Đoàn viên (Chương 9). Có nét giống hành trình cổ tích bởi cổ tích cũng diễn biến bình yên – biến cố – vượt khó và kết thúc có hậu trong sự đoàn viên hạnh phúc. Có sự tuân thủ cấu trúc thông thường mang tính đặc trưng nổi bật của một tiểu thuyết là phạm vi không gian rộng (như nhan đề gợi ra Xuống biển lên giời); có chia ra từng chương gắn với hành trình số phận nhân vật, gắn với thực tại biến cố của đời sống xã hội theo trình tự thời gian; có hư cấu, tưởng tượng gắn với số phận nhân vật .v.v…

Trước hết, cần khẳng định một điều chắc chắn rằng nhà văn Đỗ Xuân Thu rất chăm làm việc cùng máy tính, có cảm xúc và sự trân trọng, biết ơn đối với những ký tự đã ngày ngày cần mẫn và linh hoạt giúp anh viết nên thơ, nên truyện ngắn và tiểu thuyết. Văn chương chỉ thực sự giá trị khi được sinh ra từ cảm xúc và đồng hành cùng cảm xúc mang thông điệp đến độc giả. Xuống biển lên giời có một thế giới nhân vật phong phú được gọi tên thật dí dỏm Tý chuột (chuột máy tính), bác An (Alt), Y cờ lét (Y) và I bị thịt (I).v.v… Mỗi nhân vật (thực chất là các ký tự được nhân hóa) có tính cách khác nhau, cách hành xử khác nhau nhưng cùng chung ý chí và tâm huyết, trách nhiệm phục vụ “Ông chủ”. `

Xuống biển lên giời kể về làng Chữ Coco, ở đó cuộc sống thanh bình, mỗi nhân vật là mỗi ký tự trên bàn phím được hư cấu thành một thế giới sinh động và bình yên, vui vẻ. Bỗng một ngày xuất hiện những con virut độc hại (tựa như thế giới của con người gặp thiên tai, gặp dịch bệnh…) khiến nhà cửa sập đổ, đường xá không còn nguyên vẹn, dân làng nháo nhác thất lạc, bạt xứ muôn nơi. Và để tìm lại sự bình yên vốn có, mỗi người đều phải nỗ lực trong hành trình tìm kiếm người thân. Nhờ công nghệ A.I, nhờ ChatGPT, sau bao biến cố, hoảng loạn, mọi người đã tìm thấy nhau, về làng đoàn tụ và chung tay xây dựng lại ngôi làng cũ vốn một thời tươi đẹp, bình yên.

Xuống biển lên giời có những đoạn đối thoại thực sự hấp dẫn như trang 23 “4. Ngồi trên chiếc “a còng”, cưỡi trên vầng mây trắng, họ hàng nhà giá An bay trên không trung. Tất cả mọi người ai nấy đều hớn hở…” và trong không khí ấy các nhân vật Tý chuột, Y-cờ-lét, bà Bê béo, Cúc cổ cò, già An, I-cù- lần, I-bị-thịt… đều bị cuốn vào câu hỏi của Y-cờ-lét dành cho Tý chuột Cậu tên là Tý phải không ?, “Vậy cậu là Tý “y dài” hay là Tí “i ngắn” ? Rất thực tế bởi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhiều khi khó phân định rạch ròi Y, I vì có trường hợp viết được cả hai, như tên người (Tý/ Tí hoặc Sỹ/ Sĩ..), hoặc một số khái niệm khác như Quản lý/ quản lí, Vật lý/ Vật lí.v.v…).

Có những trang viết đậm sắc màu thôn quê bình yên và gần gũi, thân thương, có những trang viết cập nhật thông tin thời đại số (Chương 8 Trợ thủ A.I)… Cách diễn đạt khéo léo và xây dựng đối thoại hợp tình, hợp lý để thể hiện rõ thông điệp A.I là trí tuệ nhân tạo, thông minh, nhanh, khả năng tổng hợp và tích lũy, kết nối số liệu tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, không thể thay thế hoàn toàn con người được. Là công nghệ nên A.I mang tính kỹ thuật, không chuyển tải được cảm xúc đích thực của con người (Tý chuột và các bạn tìm Y-cờ-lét, Ích-xì- Xuân và cái Chấm chỉ nhờ được A.I với vai trò trợ thủ chứ không có được kết quả hoàn toàn trong hành trình tìm kiếm).

Xuống biển lên giời thành công về sự hư cấu tưởng tượng (yêu cầu mang tính bắt buộc của tiểu thuyết là hư cấu), thành công về giọng điệu dí dỏm tạo sự hấp dẫn… thành công về cách kết nối các chi tiết trong mối quan hệ nhân vật với nhân vật một cách thật khéo léo, vừa “khoe” được chất thơ (của nhà văn từng sáng tác và thành công về thơ), vừa “khoe” được sự lao động công phu, trách nhiệm và vốn sống, vốn ngôn ngữ tiếng Việt phong phú (Thủ trưởng tôi để chào đón năm Canh Tý của “ông chủ” có đến gần 3 trang viết được kiến tạo từ chữ cái T hoặc Th).v.v…

Xuống biển lên giời còn đặc biệt thành công khi nhà văn ở tuổi cách xa thời niên thiếu vài chục niên nhưng sự hóa thân vào độ tuổi thiếu nhi lại tự nhiên và nhuần nhuyễn như chính tác giả đang ở độ tuổi ấy. Thật đáng yêu những chõm chọe, chòng ghẹo của Y-cờ-lét dành cho Tý chuột; thật đáng yêu khi các nhân vật có những sở thích và hành vi vừa hồn nhiên vừa có phần già dặn. Đó là sự hồn nhiên trong veo, tự thân của độ tuổi sinh học, nhưng đó cũng là sự già dặn của một thế hệ được sinh ra, lớn lên khi xã hội trang bị quá nhiều công cụ cho các em trưởng thành, nhất là công cụ của khoa học công nghệ. Nhà văn Đỗ Xuân Thu không chỉ am hiểu mà nhiều khi còn nhập thân vào từng nhân vật nhỏ tuổi để trang viết của mình thêm phần hấp dẫn đối với lứa tuổi thần tiên.

Bên cạnh những thành công của tiểu thuyết Xuống biển lên giời, người đọc mong muốn ở anh gia công thêm ở một số chi tiết ví như “Ngày xưa, Tết đến là lo lắm. Chả thế mà các cụ có câu” Tết đến sau lưng bố mẹ thì mừng, con cháu thì lo”. Lạ đời thế cơ chứ. Chẳng qua là các cụ hài hước, nói ngược để tếu táo cho vui thôi”. Nên thay từ thôi bằng một cách so sánh tương đồng xuất hiện từ đồng dao kiểu “Bong bóng thì chìm/Gỗ lim thì nổi” bởi như thế thông điệp được rõ ràng và còn được mở rộng sự liên tưởng (vốn là một yêu cầu nên có trong tiểu thuyết).

Không thể phủ nhận nhà văn Đỗ Xuân Thu là người lao động nghệ thuật công phu, cần mẫn; có vốn từ phong phú và tiểu thuyết Xuống biển lên giời với lối diễn đạt giản dị, giọng điệu hóm hỉnh đã thực sự chinh phục được độc giả, cho dù họ là độc giả khó tính. Cuốn tiểu thuyết thành công đã đưa vị thế nhà văn Đỗ Xuân Thu lên một nấc thang cao hơn trên hành trình cống hiến những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật đích thực cho cộng đồng. Đọc tác phẩm của anh, thêm yêu văn học, đã đành; thêm yêu và trân trọng công cụ lao động gắn bó với nghề viết đó là chiếc máy tính để bàn hoặc laptop cầm tay. Biết ơn công cụ đã hiện thực hóa ý tưởng trong đầu văn nghệ sỹ và làm cầu nối để văn học thực sự phục vụ đời sống con người như sứ mệnh vốn có của nó.

Đ.N.T