108 đoản khúc thơ Nguyên Hùng

893

Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Nguyên Hùng đã từng có trên 50 bài thơ được phổ nhạc, trong số đó, không ai là không nhớ ca khúc “Lời hẹn tình quê” với lời thơ bay bổng, mượt mà, đậm chất miền Trung của anh; nên việc viết những bài thơ ngắn xem như là một thể nghiệm thành công ngoài mong đợi của của vị Tiến sĩ chuyên ngành công trình thủy.

Tập thơ 108 đoản khúc của nhà thơ Nguyên Hùng 

Thơ ngắn, kiệm lời, một dạng thức cô chặt để bùng nổ là xu hướng thơ vừa mang tính cổ điển, vừa hiện đại. Cổ điển, bởi thơ ngắn thường là thơ tứ tuyệt (hàm súc tối đa về mặt ngôn từ và cấu trúc cân đối, hài hòa, ổn định; rất đắc dụng trong việc thỏa mãn nhu cầu “tốc ký nội tâm” và “câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy ngắn nhưng nghĩa lại xa”); hiện đại, bởi lẽ cấu tứ thơ ngắn của Nguyên Hùng không theo niêm, luật, vận đối mà theo tứ, lập tứ trong tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy đối chiếu và so sánh, đặc biệt là ảnh hưởng cấu tứ của thể thơ tự do.

Khi đọc mỗi bài thơ ngắn của anh, ta không cần biết là viết mấy câu, mỗi câu mấy chữ, điều ta nắm bắt được là ý tứ, là tâm hồn và cảm xúc nhà thơ gửi gắm vào trong đó. Bài thơ hay là bài thơ đọc đã hết mà ý tình chưa hết: “Biển đẹp nhường này, em trốn đâu?/ Gọi em đến khản tiếng còi tàu/ Phải em hóa sóng ngầm đáy biển/ Bất chợt xô anh đến bạc đầu?” (Sóng ngầm). Viết ngắn bởi cảm xúc bất chợt, nén chặt và đúc kết thành khối. Dù nhà thơ có giải thích là bài nào có dài trên bốn câu, khi tách khổ vẫn có thể chia thành những bài thơ nhỏ, nhưng chúng tôi thấy dẫu có trên bốn câu thì ý tứ cũng đã nén chặt trong tứ thơ rồi.

Thông thường, viết theo thể thơ tự do, viết thơ dài dễ hơn thơ ngắn, còn khi bạn chỉ định nén chặt cảm xúc trong bài thơ ngắn thì quả là khó, bởi viết làm sao cho ý tứ chặt chẽ, ngôn từ thấm đẫm chất thi ca: “Khi ta uống rượu cùng trăng/ Ngoài kia người lính gồng căng hết mình/ Khi ta ngồi viết thơ tình/ Ngoài kia biển cháy, thái bình lâm nguy!” (Khi ta làm thơ). Bài thơ có 4 câu, kết cấu bằng 2 mạch cảm xúc – Tổ Quốc và Thi ca – quả là nén chặt để rồi nổ tung – đấy cũng là nét riêng của Nguyên Hùng với 108 bài thơ ngắn. Nét riêng này có làm nên phong cách nhà thơ hay không, ngoài vấn đề thể loại còn cần đến yếu tố ngôn ngữ, nhịp điệu và giọng điệu của nhà thơ.

Nhà thơ Nguyên Hùng đã từng có trên 50 bài thơ được phổ nhạc, trong số đó, không ai là không nhớ ca khúc “Lời hẹn tình quê” với lời thơ bay bổng, mượt mà, đậm chất miền Trung của anh; nên việc viết những bài thơ ngắn xem như là một thể nghiệm thành công ngoài mong đợi của của vị Tiến sĩ chuyên ngành công trình thủy.

Thơ ngắn cũng là thơ tốc kí, ghi lại hành trình của nhà thơ với mỗi địa danh của đất nước, nơi anh từng đi, từng đến và lưu luyến rời xa: “Về thăm cụ Nguyễn đầu xuân/ Không cầu đỗ đạt, thăng năm tiến mười/ Chỉ xin một chữ TÂM thôi/ Để cho người mãi với người yêu nhau” (Xin chữ Cụ Nguyễn Du). Đúng là “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Xin Đại Thi hào Nguyễn Du chữ Tâm cũng là điểm tựa để nhà thơ bộc lộ thế giới nội cảm trước cuộc đời, những cảm giác với nhiều sắc thái cảm nhận và rung động tinh vi về cuộc sống: “200 năm dựng xây/ 850 năm tồn tại/ Chỉ vài giờ bùng cháy/ Nhà thờ Đức Bà rúng động cả Paris/ 5 năm trồng si/ 20 năm xây lâu đài mộng ước/ Chỉ một lần lỡ bước/ Lâu đài hóa mồ hoang” (Nhà thơ Đức Bà Paris và…).

Thơ là tiếng nói tình cảm, tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo và đó là quá trình tích tụ những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên: “Ngày của anh, em ở phương trời khác/ Anh ngậm ngùi ngồi uống hoàng hôn/ Ngày tẻ nhạt dù vang bao câu hát/ Đêm ồn ào không xua nổi cô đơn” (Ngậm ngùi).

Trong hành trình sáng tạo thể thơ ngắn, anh đã chuyển hóa sự rung động và cảm xúc thành một thực thể hữu hình, một dạng cảm xúc có tính chất cảm tính cụ thể qua hình tượng thơ cổ điển “thuyền – bến” mà vẫn hiện đại bởi tứ thơ bất ngờ ở câu kết: “Anh sống sót nhờ bất ngờ biển cạn” – “Đã có lúc anh làm con thuyền rạn/ Chở mùa trăng trên biển tím là em/ Mải say trăng gặp sóng bị đánh chìm/ Anh sống sót nhờ bất ngờ biển cạn” (Biển cạn).

Đam mê trong hành trình sáng tạo thơ ca, anh đã xuất bản liên tiếp các tập thơ Cánh buồm thao thức (2007), Sóng không từ biển (2009), Bay về phía bão (2013), Dấu chân lục bát (2014), 102 mảnh ghép văn nhân (2017) và bây giờ ra mắt 108 đoản khúc thơ, âu cũng là duyên nợ văn chương mà anh miệt mài sáng tác như con tằm rút ruột nhả tơ: “Vẫn cứ thế em – nàng thơ luôn trẻ/ Như én xuân biết chao níu nắng chiều/ Dẫu trầy xước bởi bao niềm nhân thế/ Trái tim người luôn rung động vì yêu” (Nàng thơ). Nàng thơ thì “đỏng đảnh” và thi nhân đã đi cùng nàng trên suốt hành trình sáng tạo thơ ca, bởi trái tim thi nhân luôn rung động vì yêu, một tình yêu bỏng cháy, đam mê!

Huế, 19/6/2019