Ám ảnh chuyến về nguồn cuối năm 2017

775

01.01.2017-18:00

NVTPHCM- Hành trình về nguồn đã kết thúc, nhưng dư âm và ý thức trách nhiệm trong các thành viên hết sức lớn lao. Chuyến đi giúp chúng tôi chiêm nghiệm một điều rằng: vạn vật có sinh ra là có mất đi, nhưng những gì thế hệ cha anh để lại là điều hằng thường trong cõi vô thường…

 

Trở về TP.HCM trong cái nắng ấm áp, bình yên sau những thấp thỏm lo âu được dự báo trước đó vào đêm Noel về cơn bão số 16 (Tembin) uy hiếp Nam bộ, lòng tôi thở phào nhẹ nhõm khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 26.12.2017.

 

Những tưởng cái sự nhẹ nhõm ấy sẽ kéo dài ít nhất một hai ngày nữa, vậy mà lòng tôi bỗng chùng xuống, trĩu nặng hơn khi ngắm lại những hình ảnh kỷ niệm chuyến đi về nguồn do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức từ ngày 22 – 26.12.

 

Đây có lẽ là chuyến đi ấn tượng và ý nghĩa nhất khi lần đầu tiên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM do nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch làm trưởng đoàn, đã quy tụ được nhiều gương mặt tiêu biểu, trẻ trung, năng động và có đóng góp tích cực của 9 Hội chuyên ngành cùng tham dự. Trong đó, Hội Nhà văn TP.HCM góp mặt 4 nhà văn, nhà thơ trẻ là Hồ Thị Ngọc Hoài, Minh Đan, Trần Hoàng Nhân và Trần Huy Minh Phương.

 

Chiến tranh ác liệt đã trôi qua hơn 40 năm, nhưng trên mảnh đất đầy máu và hoa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế – những cung đường lịch sử nơi chúng tôi vừa đi qua dường như chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ngày ngày, lớp lớp người Việt vẫn hành hương về các địa chỉ đỏ: Làng Kim Liên quê Bác, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn,… để được thắp nén tâm nhang bày tỏ cảm xúc, và lòng biết ơn trước hàng vạn vong linh liệt sỹ đã ngã xuống trong các chiến dịch vì độc lập tự do đất nước.

 

Trong 5 ngày trải nghiệm thực tế, tôi cứ bị ám ảnh mãi những câu chuyện có thật, đầy xúc động.

 

Nỗi ám ảnh đầu tiên là câu chuyện của Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc – một nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc khi vừa tròn đôi mươi và chưa lập gia đình. Chị Cúc là một trong 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã bị vùi lấp dưới lòng đất sâu bởi một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm khi đang tránh bom. Chị đã ra đi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Phải đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị trên đồi Trọ Voi.

Những hình ảnh chuyến về nguồn cuối năm 2017 của văn nghệ sĩ trẻ TP.HCM – Ảnh: MĐ

 

“Giá như…” thì có lẽ chị Cúc đã có cơ hội được cứu sống. Nhưng, may mắn ấy đã không kịp đến với chị. Trái tim tôi chết lặng, tâm trí tôi càng ám ảnh hơn khi đọc lại bài thơ Cúc ơi của nhà thơ Yến Thanh viết trong nghẹn ngào:

 

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?…

Gọi em,

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi!”

 

Nỗi ám ảnh thứ hai là bức thư của người lính Lê Văn Huỳnh gửi người vợ trẻ mới cưới được 6 ngày đã lên đường làm nhiệm vụ và mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị kiên cường:

 

Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa, đời còn trẻ lắm… Nhưng anh chỉ mong 1 điều là đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em…“.

 

Viết thư căn dặn người ở lại, dự cảm về sự ra đi của mình, phải là người bản lĩnh mới làm được. Có nỗi đau nào hơn thế!

 

Đúng, đời còn trẻ lắm. Nhưng, người vợ bất hạnh ấy đã “thủ tiết thờ chồng”, ở vậy phụng dưỡng mẹ già, và không đi bước nữa.

 

Cả đoàn, lặng im nhìn vào mắt nhau, đỏ hoe.

 

Rời Thành cổ Quảng Trị trong mưa bay lất phất, chúng tôi di chuyển ra bến sông Thạch Hãn. Đứng gần tôi là Trần Huy Minh Phương, miệng lâm râm khấn vái, khe khẽ đọc bài thơ “Lời người bên sông” của nhà báo Lê Bá Dương viết khi về thăm đồng đội:

 

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

 

Trong giây phút thiêng liêng, thấm đẫm cảm xúc đó, những nhành hoa thơm, những chiếc đèn hoa đăng, những giọt nước mắt,… tưởng nhớ tới những người lính trẻ đã hi sinh trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng như vòng tay ấm siết lại ôm chặt đôi bờ Thạch Hãn.

 

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Màu xanh đã vá lành nhiều vết thương trên mặt đất. Lịch sử đã sang trang mới. Nhưng, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân vẫn còn thao thức trĩu nặng trong lòng mỗi thế hệ. Đặc biệt là thế hệ trẻ của chúng tôi hôm nay.

 

Hành trình về nguồn đã kết thúc, nhưng dư âm và ý thức trách nhiệm trong các thành viên hết sức lớn lao. Chuyến đi giúp chúng tôi chiêm nghiệm một điều rằng: vạn vật có sinh ra là có mất đi, nhưng những gì thế hệ cha anh để lại là điều hằng thường trong cõi vô thường. Vậy, chúng ta hôm nay phải sống xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của tiền nhân, quý trọng hơn thành quả của người đi trước.

 

Vì một dân tộc hòa hợp, cùng chung tay dựng xây đất nước phồn vinh giàu đẹp. Xin mượn lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn thay lời nhắn gửi đến thế hệ trẻ:

 

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
Gian khổ sẽ dành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai
Cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu?
Phải đâu trong đục cũng đành
Phải không em, phải không anh?

 

Chân lý thuộc về mọi người
Không chịu sống đời nhỏ nhoi!
Xin hát về bạn bè tôi
Những người sống vì mọi người
Ngày đêm canh giữ đất trời
Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân.

 

MINH ĐAN

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…