Đỗ Nguyên Thương
(Vanchuongphuongnam.vn) – Gió thơm miền thổ cẩm là tập thơ thứ hai của nhà thơ Dương Khâu Luông mà tôi được tiếp cận trong “gia tài” thơ đồ sộ của anh. Tập thơ nho nhỏ, gọn gàng, xinh xắn do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2023 gồm 52 bài thơ kèm theo bài bình “Xúc động và mến yêu Gió thơm miền thổ cẩm”.
Nhà thơ Dương Khâu Luông
Tôi dám chắc khi cầm trên tay tập thơ nhỏ xinh, gọn gàng với sắc tím dịu dàng đan xen sắc hồng xanh hẳn bạn đọc đã có thiện cảm với nhan đề của tập thơ. Nhan đề Gió thơm miền thổ cẩm vốn rất giàu sức gợi, giàu chất thơ.
Nói đến thổ cẩm là nhớ đến những sản phẩm handmade (sản xuất thủ công) với hoạ tiết bắt mắt, thường là của đồng bào dân tộc ít người. Tuy nhiên xưa nay người ta chỉ quen với áo thổ cẩm, khăn thổ cẩm, quen với khái niệm dệt thổ cẩm… chứ miền thổ cẩm là một khái niệm mới, mang tính ẩn dụ cao. Cùng với đó là gió thơm. Có cái gì đó dịu dàng nên thơ và nhẹ nhàng, hấp dẫn. Cứ vậy, nhan đề mang tính dẫn dụ, khiến người đọc không thể chỉ dừng ngắm nhan đề mà nhất định phải khám phá bên trong.
52 bài thơ có tên riêng, có sắc điệu riêng, có sức cuốn hút riêng và tổng thể vẫn mang đậm dấu ấn phong cách của một nhà thơ từng chiếm được cảm tình của hàng triệu khán giả trên cả nước! Thơ Dương Khâu Luông từng là đề tài nghiên cứu, làm luận văn thạc sỹ của nhiều sinh viên các trường đại học.
Dương Khâu Luông sinh ra và lớn lên ở bản Hon, nơi thấm đẫm ký ức và hoài niệm tuổi thơ bởi có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, nên thơ của mảnh đất Bắc Kạn, nơi mà nhà thơ rất tự hào bởi rất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Nơi có những con sông, con suối nước trong, xanh mát, có núi rừng trùng điệp, đẹp đẽ và thơ mộng đã nuôi dưỡng, đã hun đúc, đã tắm mát cho tâm hồn thi sỹ. Dễ hiểu vì sao hình ảnh bản Hon đã được nâng lên thành hình tượng đẹp đẽ và trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Dương Khâu Luông. Trong bài thơ Nhà sàn bản Hon có đoạn
Tập thơ “Gió thơm miền thổ cẩm” của nhà thơ Dương Khâu Luông
Ngày ông nội dựng nhà sàn/chọn hướng nhà có núi Ngọn Bút/ước con cháu chăm ngoan học giỏi/bản Hon có đàn chim bay xa
Và nhà thơ Dương Khâu Luông chính là người cháu nội giỏi giang, thực hiện được ước mong của ông nội, không phụ công chăm bẵm của gia đình. Anh đã từng sáng tác nhiều thơ thành công và đã đặt chân tới nhiều miền đất khác nhau, vừa “thỏa chí tang bồng”, vừa đầy đặn thêm vốn sống sau mỗi chuyến đi xa. Điều đáng quý, đáng trân trọng là có đi đâu thì như cánh chim không mỏi trong đàn chim bay xa, như cánh diều dẫu bay bổng vẫn có sợi neo là bản Hon yêu dấu. Cũng vậy, đi đâu cũng nhớ người Tày, bản Tày, gái Tày- gái bản Hon
“Giữa phố đông gặp em gái mặc áo chàm
Lòng bỗng thấy thân thương
Nơi đất lạ nghe tiếng then đàn tính
Lòng bỗng thấy ấm áp
Ở xứ người gặp người nói tiếng Tày
Bỗng thấy thân thiết như người nhà
Người Tày ơi!
Bản Tày ơi!
Nhớ thương nhau như máu chảy trong tim”.
(Nhớ người Tày, nhớ bản Tày)
Anh muốn trao vẻ đẹp bản Hon và vẻ đẹp của phong tục tập quán người Tày đến mọi miền Tổ quốc qua những hình ảnh thơ giản dị, thân thuộc: Mái nhà sàn, ngọn núi, đụn khói, rơm, rạ… hiển hiện qua những vần thơ đong đầy cảm xúc. Ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng mẹ đẻ thường trực trong anh, nhiều câu thơ, tập thơ song ngữ Việt – Tày ra đời. Thật nhẹ nhàng khi truyền đi thông điệp yêu thương từ trái tim. Bài thơ này người biết tiếng Tày mới đọc được thôi/Bạn là người Tày hãy vào đây đọc nhé/Tiếng cha ông đã truyền bao thế hệ/Và bây giờ chảy trong bạn và tôi…” (Bài thơ tiếng Tày).
Nhiều người đang quên tiếng mẹ đẻ, thậm chí, cá biệt đây đó có người còn muốn giấu đi lai lịch mình là người dân tộc thiểu số. Ngược lại, Dương Khâu Luông trân trọng và muốn khoe cho cả thế giới biết mình là người Tày, anh quan niệm Là người Tày không biết tiếng Tày/Như cái cây không biết đâu là gốc (Là người Tày không biết tiếng Tày). Chính vì như cây có gốc cây mới tồn tại và phát triển, nhà thơ đã tự hào với những tập thơ in song ngữ Tày – Việt như Phác noọng dú tin phạ quây – Gửi em ở phương trời xa, Cỏi dằng slì bjoóc mạ – Lặng lẽ mùa hoa mạ … bởi vậy, độ hấp dẫn, nét phong cách riêng được tạo dựng, hình thành, định hình thành phong cách và lưu dấu ấn sâu đậm nơi trái tim độc giả. Chẳng phải thế sao, nếu chỉ đơn thuần nói “đụn khói, đống rơm, gốc rạ” sẽ quen thuộc và chìm lẫn, thậm chí khuất lấp sau nhiều câu thơ khác. Nhưng khi viết tiếng Tày “cuổn vằn, coong nhù, cốc phàng” (Tổng nà) thì câu thơ đã đem lại sự hấp dẫn cho người đọc, người nghe. Đồng thời, ngầm chứa một thông điệp về mong muốn lan tỏa nét đẹp, sự độc đáo của ngôn ngữ Tày, văn hóa Tày đến mọi miền tổ quốc.
Ý thức giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa và tiếng mẹ đẻ đậm nét trong thơ Dương Khâu Luông. Hơn thế, anh luôn đau đáu về quá khứ tựa như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển tải bằng văn xuôi qua truyện ngắn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Dương Khâu Luông có cách nói riêng biệt và độc đáo
Quá khứ như con ngựa già/Chân không còn bước nữa/Quá khứ như dòng sông/Chảy mãi ngược về xa/Quá khứ như đêm sâu/Người vô tình đi qua không biết/Người kiếm tìm thắp lên ngọn đuốc/Quá khứ hiện ra sáng những con đường” (Quá khứ).
Quá khứ là những gì đã qua, theo trật tự tuyến tính của thời gian, quá khứ một đi không trở lại. Ý thức rõ điều đó, nhà thơ so sánh Quá khứ như con ngựa già/Chân không còn bước nữa và Quá khứ như dòng sông/Chảy mãi ngược về xa. Cách so sánh giản dị, gần gũi, lấy chất liệu từ thực tại (chắc chắn từ bản Hon) khiến người Tày dễ thuộc dễ nhớ và độc giả nói chung dễ neo vào cảm xúc. Sự so sánh độc đáo và đắt giá còn được thể hiện qua cặp câu tiếp theo Quá khứ như đêm sâu/Người vô tình đi qua không biết. Vâng, không biết nên lặng lẽ đi qua. Nhưng chính vì nhiều người không biết mà đêm sâu càng mịt mờ, tối đen, thăm thẳm. Để rồi, may mắn cho ai không vô tình sẽ kiếm tìm và hành trình trong “đêm sâu” phải có ngọn đuốc. Giá trị của bài thơ tỏa sáng, lung linh ở câu kết, từ một chiêm nghiệm được đúc kết, đánh động trái tim bao người Người kiếm tìm thắp lên ngọn đuốc/Quá khứ hiện ra sáng những con đường”. Quá khứ không thể lặp lại như cách nói của Xuân Diệu “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Nhưng quá khứ có giá trị lớn lao với hiện tại và tương lai.
Thơ Dương Khâu Luông luôn “thăm thẳm một miền ký ức”, trân quý quá khứ, trân trọng hiện tại trong lời lẽ giản dị, chân thành, giàu cảm xúc về quê hương, về những người lao động bình thường, chất phác, về những cô gái Tày duyên dáng, đẹp xinh với sắc áo chàm riêng có. Sắc thái dân tộc được thể hiện qua nhiều thi liệu nhưng đậm nét hơn cả vẫn là áo, váy thổ cẩm với sắc màu, hoa văn bắt mắt Ở trong các hội nghị diễn đàn/Em là người tôi dễ nhận ra nhất/Em chẳng diện mốt thời trang kiểu này, kiểu khác/Chỉ với bộ khăn áo Tày e ấp nét duyên/Vẻ đẹp của em đâu dễ gọi tên (Vẻ đẹp cô gái Tày).
Đọc thơ anh, đã hơn một lần tôi từng ao ước
Ước được làm con gái bản Hon
Khi đọc được những vần thơ anh da diết
Người bản Hon đáng yêu khôn xiết
Chất phác, thật thà, đằm thắm yêu thương
Mong được đến bản Hon bởi đọc thơ Dương Khâu Luông thấy cảnh và tình người đằm thắm, thêm nữa, bởi sự mời gọi Bạn ơi đến quê tôi/Một lần thôi sẽ nhớ/Em gái mặc áo chàm/Dịu dàng xinh đến thế (Quê tôi).
“Quê tôi” – cả quá khứ và hiện tại đều đáng yêu bởi sự ấm áp khôn tả, bởi sự gắn bó của cha mẹ, của dân bản, dù cuộc sống còn bình dị, còn lam lũ vẫn ánh lên một cảm xúc đong đầy. Bởi vậy, đi xa bốn phương trời không nguôi nỗi nhớ thương:
Bản Hon tôi bạn đã đến chưa/Căn nhà sàn bốn mái ở đầu bản chính là nhà tôi đó/ Nơi gắn bó với tôi từ nhỏ/Nơi đi xa bốn phương trời không nguôi nỗi nhớ thương…”. (Bản Hon tôi)
Kết dệt từ tình yêu thương, từ nỗi niềm nhớ nhung đối với con người và cảnh sắc vùng Tây Bắc nói chung, quê hương bản Hon nói riêng, nhà thơ Dương Khâu Luông đã dệt nên một miền thổ cẩm thật đẹp qua những trang thơ thật đẹp nơi Gió thơm miền thổ cẩm. Tôi tin, ai đọc tập thơ này cũng nhớ như in lời nhắn của nhà thơ về thông điệp giữ gìn tiếng mẹ đẻ, cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó không chỉ là thông điệp cá nhân, không chỉ dành riêng cho người Tày
“Mai này dù đi tới muôn nơi
Bạn và tôi luôn mang trong tim tiếng Tày nhé
Cùng truyền giữ tình yêu tiếng mẹ
Để tiếng Tày còn mãi đến muôn sau…”
(Bài thơ tiếng Tày)
Phú Thọ, 13/4/2025
Đ.N.T