Trần Thế Tuyển
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập hồi ký chưa đầy 200 trang (khổ 14×20,5cm) của nhà báo, nhà thơ Xuân Hoà mang tên “Một thời để nhớ” (*) ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.
Hồi ký “Một thời để nhớ” của nhà báo Xuân Hòa
Đúng như tên tập sách, đó là “một thời để nhớ” không chỉ đối với tác giả mà còn đối với những ai đã có mặt trong những thời khắc lịch sử của cuộc kháng chiến thần thánh đánh thù trong, giặc ngoài giải phóng Miền Nam, thu giang sơn về một dải.
Gọi là hồi ký nhưng tác giả tập sách – nhà báo Xuân Hoà không chỉ kể về mình mà ông dành phần lớn nói về đồng đội và những tháng năm cam go, khốc liệt đã theo sát ông trong quãng đời lính chiến. Tập sách chia thành 5 chương, ông dành 3 chương với dung lượng khiêm tốn để nói về mình. Ấy là “Làng quê” bên tả ngạn sông Đuống – vùng đất sử thi và huyền thoại: có lăng mộ Kinh Dương Vương – thuỷ tổ nước Việt. Cách đó không xa là Đền Đô, nơi thờ 9 vị vua triều Lý. Ngay dưới chân núi Thiên Thai là đền thờ lưỡng quốc trạng nguyên Lê Văn Thịnh và vườn vải “Lệ chi viên” với bao nỗi oan trái đầm nước mắt.
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê cổ tích trong một gia đình gia giáo giàu truyền thống yêu nước, Xuân Hoà đã sớm bộc lộ “cá tính” thẳng thắn, trung thực, không thế lực nào có thể làm ông khuất phục. Ấy là chuyện nhập ngũ vào chiến trường của ông và em trai khi nước nhà đang trong cơn nguy biến; bên cạnh “quân tử” trượng phu là những “tiểu nhân” thấp hèn. Chàng thanh niên vùng quê cổ tích ấy nghĩ: “Thân trai da ngựa bọc thây thì có xá gì! Có bao người viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu”.
Nghĩ thế và làm thế, đang làm cán bộ chuyên trách của huyện, Xuân Hoà tình nguyện nhập ngũ. Và chính thế, ông có mặt “Bên bờ sông La” và “Vượt cổng trời” cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Tác giả Xuân Hoà dụng công nhớ lại và suy ngẫm về chiến trường mà ông đã trải qua. Đó là những câu chuyện về “Vùng đất lịch sử” với những đất và người: sông Hàm Luông, Mỏ Cày Bắc, căn cứ I4… và những đồng đội: Người nữ giao liên Miền Nam; Sống mãi tên anh; Tư lệnh Trần Hải Phụng; Thu Bà Điểm…
Mỗi vùng đất, con người trong “Một thời để nhớ” đều có kỷ niệm sâu sắc, thẫm đẫm tình đồng đội, quân dân cá nước .
Nhà báo Xuân Hòa (bên trái) và phóng viên Trần Thế Tuyển (bên phải)
Con người là sản phẩm xã hội. Xuân Hoà dành nhiều tâm huyết, nhiều trang để nói về “Vào trận mới”. Trận mới đối với ông là giai đoạn sau ngày 30/4/1975 khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới ngòi bút của Xuân Hoà, cuộc chiến đấu mới, kẻ thù mới thôi thúc ông và đồng đội “dấn thân” thêm một lần nữa. Lần này ông không trực tiếp chiến đấu với đồng đội I4 (Khu Sài Gòn – Gia định) mà làm phóng viên chiến trường. Là phóng viên báo Quân khu 7, Xuân Hoà là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại chiến trường khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông dành nhiều trang với tư liệu ngồn ngột kể về những tháng ngày theo dấu chân bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất nước Chùa Tháp. Những vùng đất: Xa mát, Thiện Ngôn.
Sanun, Kroche, Ko kong… với những người lính của Trung đoàn 174, của Sư đoàn 310 như: Chính trị viên tiểu đoàn Kim Văn Bút; xạ thủ Nguyễn Đức Hùng, chiến sĩ Lê Văn Hải…mỗi người một nét giúp ông dệt nên bức tranh về người lính tình nguyện Việt Nam – đội quân nhà Phật ở Cam Pu Chia. Sự trải nghiệm ấy là nguồn cảm hứng để ông viết các tác phẩm lan toả một thời trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình như: Phía Tây sông Chi Kha (Ký); Nơi em gửi lại khoảng trời (thơ) …
Làm phóng viên chiến trường nhiều năm, Xuân Hoà có ấn tượng sâu sắc với những người đồng nghiệp. Đó là thế hệ nhà báo đàn anh như: Vũ Linh, Phạm Đình Trọng, Trần Ngọc Thị …(báo QĐND); Mai Bá Thiện, Minh Khoa, Đỗ Kết… (báo Quân khu 7)… Câu chuyện bữa ăn sáng Phở Hoà tiễn 2 phóng viên lên mặt trận của anh Mai Bá Thiện (phụ trách báo Quân khu 7) được tác giả kể lại thẫm đẫm tình anh em, đồng đội. Xuân Hoà dành nhiều tình cảm cho các đồng đội, đồng nghiệp sát cánh với mình. Đó là Trần Thế Tuyển, Vũ Xiêm, Lê Hanh, Phạm Văn Mấy, Mai Xuân Thọ, Phạm Sĩ Sâu, Nguyễn Trường…. Mỗi câu chuyện là lát cắt vui buồn cuộc sống của tác giả một thời làm phóng viên chiến trường – nhà báo quân đội.
Ký ức và hiện tại đan xen là nguồn cảm hứng vô tận để nhà thơ Xuân Hoà sáng tác. Ở tuổi bát tuần, chàng trai vùng đất cổ tích xưa vẫn tràn dâng nhiệt huyết. Ông vừa tổ chức kỷ niệm 25 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ và Hát quan họ Kinh Bắc tại TP HCM. Ông vẫn theo sát hoạt động của Ban Liên lạc Truyền thống báo Quân Giải phóng – Quân khu 7. Và đặc biệt, các tác phẩm thơ văn của ông vẫn xuất hiện đều đặn tại các nhà xuất bản, báo chí và truyền hình.
Như con tằm nhả tơ, Xuân Hoà vẫn miệt mài từng đêm trên trang viết.
Chúc mừng tác phẩm mới của người anh, người đồng đội, đồng nghiệp – nhà thơ, nhà báo Xuân Hoà.
T.T.T
TP Hồ Chí Minh, tháng 5 – 2025
(*) NXB Hội Nhà văn – 2025