Bìm bịp – Tản văn của Nguyễn Đăng Khương

716

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi sáng gánh rau ra chợ bà lão đều có mấy con bìm bịp cột ngang cổ. Hôm nào ít nhất là hai con. Hối hả giờ giấc nên chẳng mấy người bận tâm, bà ở đâu, bằng cánh nào bắt sống được bìm bịp, sao già rồi còn cực thân như vậy…

Ngày có bình minh tươi sáng còn đỡ, ngày mưa bão ngoi ngóp là chuyện thường. Dòng thời gian theo bước chân người lảo đảo mãi trên con đường hun hút.

Những buổi chợ tan xóa nhòa bóng nắng, bà lão đi đâu về đâu chẳng ai biết, dòng người tụ tán bán mua. Mấy con bìm bịp biến mất. Thành quả của một ngày ra chợ. Người mua bìm bịp đã phóng sinh hay giết thịt. Dòng sông quê dường quên nước lớn ròng.

Bìm bịp có sự nhạy cảm của nghệ sĩ. Môi trường có thay đổi chúng sẽ bay vào những huyền thuyết xa xăm mặc cho con người bàn tán mải mê về chúng.

Nào là chúng có tài bắt rắn độc canh giữ dưới các lùm cây có tổ cho con sắp nở rồi học bay. Chẳng ai dại mà ham hố tổ bìm bịp, hiểm nguy đấy, bài học bản năng cho sự tồn tại.

Nào là chúng biết các loài cây thuốc làm lành xương cốt nên con người hay nghĩ đến việc uống rượu ngâm nguyên lông lá của bìm bịp để giảm đau gân cốt.

Theo nhịp gánh của bà mấy con bìm bịp hoang mang quay quắt, chúng đối diện với chính nỗi sợ hãi của mình.

Trong các khu vườn còn rậm rạp, mọi người vẫn nghe tiếng kêu từng hồi bịp, bịp, bịp. Sông quê giờ này không biết nước lớn hay ròng. Chạnh lòng chợ nhớ câu ca dao “Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi – buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”.

 N.Đ.K