Ca khúc (bài hát) có chất liệu dân ca là những bài được tác giả khai thác từ những làn điệu dân ca gốc được lưu truyền từ ngàn xưa để hình thành nên giai điệu của mình. Dân tộc nào cũng có rất nhiều dân ca. Đó là những bài ca được ra đời từ xa xưa, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác giả. Là một thứ văn nghệ truyền miệng giống như thơ, truyện cổ tích, dân ca được truyền từ đời này qua đời khác. Qua mỗi đời, lại có thể được thay đổi chút ít đến khi người ta thấy nó hoàn chỉnh thì thôi.
Nước ta có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có những làn điệu dân ca riêng rất độc đáo và đặc sắc. Riêng người Kinh là đông nhất lại có nhiều làn điệu thuộc các vùng khác nhau như: Dân ca đồng bằng Bắc Bộ, dân ca miền Trung, dân ca Nam Trung Bộ, dân ca Nam Bộ. Rồi thì tại mỗi miền lại có nhiều làn điệu khác nhau ở những địa phương khác nhau: quan họ Bắc Ninh, hát xoan, ghẹo ở Phú Thọ, hát trống quân ở Hải Dương, hát văn ở Nam Định, hò sông Mã ở Thanh Hóa, hát phường vải, ví dặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Lại có nhiều điệu lý, điệu hò ở vùng Thừa Thiên – Huế, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long v.v…
Nguyễn Văn Tý (bên trái) và Đỗ Nhuận là hai nhạc sỹ triệt để khai thác chất liệu dân ca trong sáng tác.
Có những làn điệu rất quen thuộc khiến bất cứ người Việt Nam nào cũng biết, ví như quan họ Bắc Ninh, chèo ở Bắc Bộ, ví dặm Nghệ – Tĩnh, các làn điệu hò Huế, cải lương, vọng cổ Nam Bộ… Lại có rất nhiều làn điệu tương đối xa lạ vì chưa được phổ biến ở khắp mọi nơi và cũng không mấy đặc sắc mà chỉ giới nhạc sỹ nghiên cứu, sưu tầm hoặc quan tâm tìm tòi, khai thác mới có thể biết. Những nhạc sỹ có tài đã từ những làn điệu này mà sáng tạo nên những ca khúc của mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa, ai cũng ưa thích bài “Bài ca may áo” của Xuân Hồng (“Chiến sỹ ta dầm mưa, dãi nắng/ Mưa rét run người nắng sẫm màu da /Tấm vải ta làm ra mảnh áo/ Là chiến sỹ quyết tâm diệt thù...”) mà không mấy ai biết tác giả khai thác từ chất liệu bài dân ca “Bậu lỡ thời” ở vùng Nam Bộ: “Bậu lỡ thời như nhái lột da/ Nhái lột da người ta còn xáo/ Bậu lỡ thời như áo vá vai...”. Bài dân ca này không có gì đặc biệt về giai điệu nhưng bàn tay tài tình của Xuân Hồng đã nhào nặn nên một ca khúc sống mãi với thời gian.
Một bài rất nổi tiếng khác của ông là “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được khai thác từ chất liệu dân ca vùng Bom Bo, tỉnh Bình Phước (Đông Nam Bộ), đặc biệt về tiết tấu khiến chẳng những bà con nơi đây mà bất cứ ai nghe cũng thích thú (“Lửa bập bùng, tiếng chày khua cắc cum cum cùm cum…”).
Đỗ Nhuận cũng là một nhạc sỹ tiêu biểu cho khuynh hướng “dân tộc, hiện đại” trong sáng tác âm nhạc. Hầu hết ca khúc của ông không nhiều thì ít đều khai thác các làn điệu dân ca hoặc về giai điệu hoặc chỉ đơn thuần về tiết tấu. Bài “Trống hội tòng quân” ra đời hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ tiến hành trên miền Bắc nước ta đã khai thác tiết tấu của nhịp trống ngũ liên để tạo nên tác phẩm. Hoặc trong bài “Chiến thắng Điện Biên”, dễ nhận ra chất liệu điệu chèo “Sắp qua cầu”, rất rõ ở câu: “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc đồng bào náo nức mong đón ta trở về”. Dân ca gốc chính là điệu chéo “Sắp qua cầu” quen thuộc: “Ấy mấy bông lúa thơm kìa là bông lúa chín, lúa chín mọng i i….”.
Rất đậm đặc chất liệu dân ca trong các sáng tác ca khúc của mình có thể thấy rõ ở các nhạc sỹ rất nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Tý, Phạm Duy, Văn Chung, Lê Yên, Lê Lôi, Thái Cơ. Riêng Phạm Duy và Nguyễn Văn Tý còn được coi như nhạc sỹ sáng tác “dân ca mới”.
Một số nhạc sỹ tài ba khác cũng bộc lộ rõ khuynh hướng cắm sâu vào mảnh đất âm nhạc truyền thông nhưng có phần hiện đại hơn – tức là không hoàn toàn nệ vào dân ca mà chỉ có hơi hướng rồi phát triển, tạo sự mới mẻ cho ca khúc thêm phần hiện đại. Đó là những Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Nguyên Nhung, Vĩnh An, Hoàng Thi Thơ, Phó Đức Phương… và rất nhiều nhạc sỹ khác có những bài hát được công chúng ưa thích không thể kể hết.
Một số đông nhạc sỹ tài năng khác tuy không có ý sử dụng các làn điệu dân ca cụ thể để hình thành ca khúc nhưng âm nhạc của họ vẫn cắm sâu vào mảnh đất âm nhạc truyền thống, không thoát ly yếu tố dân tộc nên tác phẩm không xa lạ với công chúng, được người nghe ưa thích. Đó là những Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Trịnh Công Sơn, Văn An, Hồ Bắc, Lưu Cầu, Phan Nhân, Y Vân, Văn Phụng, Hồng Đăng…
Khi người nhạc sỹ có ý thức triệt để khai thác chất liệu dân ca thì ca khúc của họ rất dễ đi vào lòng người. Đó là một lợi thế. Và những tác giả này sẽ được số đông công chúng thuộc mọi tầng lớp ưa thích, đặc biệt là bà con nông dân và những người không còn trẻ, cao tuổi, chứ không chỉ một đối tượng nào đó. Nếu xét trên phương diện lý thuyết, trong việc khai thác chất liệu dân ca, có khi nhạc sỹ đã vô tình mà “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhưng vẫn được công chúng chấp nhận nếu tác phẩm hay.
Rất rõ ở trường hợp nhạc sỹ Thái Cơ với bài “Qua bến Đò Quan” (“Bến nước quê ta ai qua mà chẳng nhớ, nhớ tiếng còi tầm âm vang trong lòng người thợ…”). Bến này ở Nam Định, nhưng tác giả đã khai thác chất liệu điệu “Hò mài dừa” là một làn điệu dân ca quen thuộc ở Bình Định (Nam Trung Bộ). Tuy nhiên do bài hát hay mà người nghe vẫn chấp nhận.
Một trường hợp nữa là Nguyễn Trọng Tạo với bài hát nổi tiếng “Làng quan họ quê tôi”. Tác giả viết bài hát về vùng Kinh Bắc – cái nôi của dân ca quan họ đặc sắc. Toàn bộ phần đầu bài hát, ông sử dụng chất liệu của những làn điệu quan họ quen thuộc. Nhưng đến gần về cuối bài, tự nhiên xuất hiện loáng thoáng âm điệu của cải lương Nam Bộ (“Ấy quan họ về là về trao duyên…”). Đây cũng là một bài hát hay, chẳng những được công chúng ở Bắc Ninh mà cả nước đều rất ưa thích.
Vậy nên việc sử dụng chất liệu dân ca nơi này để sáng tác về miền đất khác không còn là vấn đề nguyên tắc máy móc nữa, mà có thể linh hoạt nếu tạo nên được bài hát hay. Tuy nhiên, cả Thái Cơ và Nguyễn Trọng Tạo đều là những nhạc sỹ, chưa có dịp học âm nhạc bài bản, chính quy. Hai tác giả đã viết nên bài hát từ tài năng thiên bẩm. Và các chất liệu dân ca đã ngấm vào họ một cách tự nhiên, có thể họ không biết rõ đó là ở miền đất nào. Nếu là nhạc sỹ được đào tạo chính quy sẽ nắm vững các chất liệu dân ca từng vùng miền để tạo nên ca khúc.
Cần thấy rõ một thực tế: Những nhạc sỹ sáng tác theo khuynh hướng bám sâu vào mảnh đất âm nhạc truyền thống, triệt để khai thác các chất liệu dân ca cổ truyền để sáng tạo nên ca khúc thì dễ được tất cả mọi đối tượng công chúng tán thưởng mà ở trên tôi đã có dịp dẫn chứng một số tên tuổi. Xin ví dụ rõ hơn: Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có 3 bài hát rất nổi tiếng là “Dáng đứng Bến Tre”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Tiếng hát người xây hồ Kẻ Gỗ” viết về hai địa phương là Bến Tre và Hà Tĩnh.
Bài đầu, ông khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ rất quen thuộc, người dân nào ở đây cũng biết. Hai bài sau, chất dân ca Hà Tĩnh cũng nổi rõ. Đó là những ca khúc thường xuyên xuất hiện trong mọi hội diễn, liên hoan văn nghệ tại khắp nơi, ở cả hai khu vực chuyên nghiệp và quần chúng. Những bài đó được công chúng có tuổi, những người lao động bình thường yêu thích đã đành, cũng lại được giới trẻ hào hứng đón nhận. Trong khi đó, nhiều nhạc sỹ tài danh có nhiều bài hát có giá trị, bất hủ nhưng công chúng của họ chỉ là giới trẻ, giới có học, trí thức hoặc ở thành phố ưa chuộng chứ người cao tuổi và bà con lao động, nông dân ở mọi nơi thậm chí còn không biết đến.
Ba bài trên của Nguyễn Văn Tý cùng với những bài khác như “Tiếng đàn Ta Lư” (Huy Thục), “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Quảng Bình quê ta ơi!” (Hoàng Vân), “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu), “Những cô gái quan họ” (Phó Đức Phương)… và rất nhiều bài mang âm hưởng dân gian khác đã được mọi tầng lớp xã hội ưa thích, trong khi các ca khúc của những Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Đoàn Chuẩn… thì không như vậy mặc dù đây là những nhạc sỹ tài năng, rất nổi tiếng.
Mới thấy rõ chủ trương dân tộc hiện đại trong âm nhạc nói riêng và văn nghệ nói chung luôn là một đường lối đúng đắn, không thể khác.
Theo Nguyễn Đình San/VNCA