Lịch sử hiện đại Việt Nam trải qua nhiều biến thiên, mang âm hưởng bi tráng qua những cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ độc lập tự do, xây dựng và đổi mới đất nước từ sau 1975. Nếu chúng ta hội nhập rộng và sâu trong xu thế của “thế giới phẳng”, thì các giá trị đích thực để sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển không phải là những phát minh vĩ đại thay đổi thế giới, các siêu tập đoàn kinh tế, hay những Nobel về các lĩnh vực… mà là giá trị văn hóa Việt Nam, góp vào giá trị phổ quát của nhân loại.
Văn học đương đại Việt Nam, tính từ sau 1975, theo “thi pháp” trong giai đoạn lịch sử mới, phản ánh xã hội và con người trong dạng thức “chưa hoàn thành”; cái hôm nay ngày càng phong phú và phức tạp với tính chất hiện sinh, hiện tồn. Nhưng sự đa dạng của văn chương đương đại chính là sự mở rộng biên độ phản ánh với nhiều đề tài, chủ đề, nhiều khuynh hướng phong cách… Sự trở lại ngoạn mục của đề tài truyền thống lịch sử và chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay chiếm một vị trí quan trọng trong sự kiến thiết nền văn chương đương đại có tính chất “mở” và “hội nhập”. Thực tế đó cho thấy nhu cầu tinh thần “ôn cố tri tân” là thực tiễn và cấp bách. Trên chặng đường lịch sử mới, cả dân tộc và mỗi con người cần “ngoái đầu nhìn lại”, cần phục dựng “ký ức lương thiện” để tăng cường sức mạnh văn hóa – đạo đức của dân tộc trong thời đại mới.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích động hướng sáng tác “tôn vinh văn hóa dân tộc” qua mảng tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người chiến sỹ, đặc biệt là qua những tiểu thuyết xuất bản trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21.
Tiểu thuyết viết về chiến tranh sau sau năm 1975, theo quan điểm của chúng tôi, đã trải qua ba “phân khúc” chính. Một là, tiểu thuyết tả trận, viết trực diện về chiến tranh trong tính thời sự nóng hổi, như: Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, Ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi, Chiến sĩ của Nguyễn Khải, Thôn ven đường của Xuân Thiều, Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy, Nắng đồng bằng của Chu Lai, Biển gọi của Hồ Phương v.v… Hai là, tiểu thuyết thực hiện nhiệm vụ nghệ thuật tái nhận thức chiến tranh và số phận con người, như: Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận Vỹ, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Ăn mày dĩ vãng và Mưa đỏ của Chu Lai, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân v.v… Ba là, tiểu thuyết viết về chiến thắng, tôn vinh văn hóa dân tộc Việt Nam trong chiến tranh qua một số tác phẩm tiêu biểu xuất bản gần đây, như: Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân, Con chim Zoong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Nậm Ngặt mây trắng của Nguyễn Hùng Sơn, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của Đoàn Tuấn, Hương của Nguyễn Thụy Kha v.v…
Đặc điểm chung của những cuốn tiểu thuyết thuộc “phân khúc” thứ ba trên đây có thể khái quát như sau: Hiện thực tinh thần được quan tâm hơn hiện thực sự kiện trong phản ánh, tái hiện chiến tranh; Chiến thắng của văn hóa Việt Nam được tô đậm hơn chiến thắng quân sự trong phản ánh về chiến tranh; Đánh dấu sự phát triển bền vững của tiểu thuyết khi lý giải mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình từ quan điểm triết học, xã hội học, đạo đức học, văn hóa học ở tầm nhìn mới.
Trước hết phải kể đến Đỉnh cao hoang vắng (2016) của Khuất Quang Thụy. Bên ngoài (hình thức) rõ ràng là một cuốn tiểu thuyết chuyên biệt viết về chiến tranh. Nhưng nhìn sâu vào tác phẩm, nó là một cuốn sách nói về văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Câu chuyện nữ y sỹ Vân bị bắt làm tù binh, bị dẫn giải bởi hai người lính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong vòng gần một năm trời lạc rừng sâu, cho thấy dẫu Vân tuy chỉ là một người lính Giải phóng bình thường nhưng có cốt cách văn hóa được rèn giũa trong quân đội cách mạng, đằng sau là vốn văn hóa dân tộc có truyền thống nhân nghĩa. Nên cô đã thuyết phục và cảm hóa được đối phương khiến họ không những không xâm hại, không hề động đến “sợi lông chân”, không những thế còn quý nể, trân trọng, bảo vệ an toàn tính mạng cho mình. Tác phẩm đượm tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Người phát kiến lối viết đề cao tinh thần nhân văn mới mẻ này phải kể đến và ghi công đầu cho Nguyễn Minh Châu với tiểu thuyết Miền cháy (1977). Nếu Đỉnh cao hoang vắng thu hẹp câu chuyện giữa ba người (1 quân Giải phóng, 2 binh sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa) thì Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường mở rộng biên độ phản ánh khi viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào cuối thập niên 70 – đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Chúng tôi gọi đó là “khúc bi tráng thứ tư” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ngót nửa thế kỷ thời hiện đại (1945-1989). Điều gì, sức mạnh nào đã giúp chúng ta đánh bại đạo quân xâm lược vốn lân bang hàng vạn tên? Tất nhiên, lòng yêu nước căm thù giặc, ý chí chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khối đoàn kết quân và dân như cá với nước… là cội nguồn sức mạnh của chúng ta. Nhưng sâu xa và bền vững hơn là sự chiến thắng của văn hóa Việt Nam. Nhà thơ Lưu Quang Vũ có bài thơ để đời với tựa Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Có thể lấy cấu tứ của thi phẩm đó để cắt nghĩa thành công của tác giả trong thiên tiểu thuyết vừa hùng tráng, vừa bi tráng, được viết bằng một “đại khí văn chương” (để phân biệt với những lời ai oán về chiến tranh và thân phận con người, chúng tôi gọi là “tiểu khí văn chương”).
Theo dòng chảy kể trên, Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương, Lạc vào giông bão của Phương Văn… là những tác phẩm dẫu thành công ở những mức độ khác nhau, nhưng thống nhất cao ở chủ đề căn cơ: văn hóa dân tộc là chất keo hữu cơ gắn kết cộng đồng người Việt Nam dù ở trong nước hay nơi chân trời góc bể nào. Những người Việt tha hương vì bất kể lý do gì đều nuôi bền tâm chí “cố hương”, “cố quốc”, để vượt thoát “tha hương” như một mặc cảm tiêu cực. Tiểu thuyết Hương (2022) của Nguyễn Thụy Kha “chạm” đến một vấn đề quan thiết và nhạy cảm nhất hiện nay, đó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trên nền tảng hòa hợp – hòa giải dân tộc, như một sức mạnh vô song, lẽ sống thuận tự nhiên, biểu trưng của tinh thần nhân văn vì con người. Tiểu thuyết hấp dẫn nhờ tác giả kể lại một câu chuyện tình tay ba “cũ như trái đất”: nhưng bên trong và giữa các số phận là vấn đề nhân tâm thời đại: xóa bỏ hận thù và định kiến, cùng hướng tới tương lai, cùng với việc neo giữ ký ức lương thiện như là của cải tinh thần để dành cho các thế hệ mai sau, không gì khác là Tình – yêu – thương – lớn. Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức sự kiện lớn với chủ đề “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”. Nhiều nhà văn ở nước ngoài đã về dự và có cơ hội thấu cảm với cộng đồng dân tộc theo động hướng tinh thần “khép lại quá khứ cùng hướng tới tương lai”. Không có một thế lực nào có thể chia cắt mối tình cảm đồng bào của dân tộc Việt Nam hơn 100 triệu người cả ở trong và ngoài nước, dẫu định cư ở phương trời nào.
“Văn học là lương tri thời đại” là một định đề không bao giờ cũ, trái lại càng trong thực tiễn càng phát lộ tính chất ưu việt của nó trong việc hướng đạo sáng tác. Một định hướng có tính khoa học và chính trị là Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài cách mạng, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc khiến không ít người trong giới nghiên cứu và sáng tác văn học coi là “viết theo đơn đặt hàng” (commander). Nhưng văn nghệ sỹ không thể thoát ly xã hội, thoát ly hoàn cảnh, cho nên viết theo “giao kèo xã hội” thì cũng không có gì là không đúng. Vấn đề quan trọng là tài năng nghệ thuật. Nghệ sỹ tài năng đích thực không hề vấn vương “viết về cái gì” mà chỉ đau đáu suy tư “viết như thế nào”!
Theo Bùi Tùng Ảnh/Báo Văn Nghệ