1
Người quê tôi
Bán mặt bán lưng cho đất trời mà cầm gươm giữ nước
Ăn cục nói hòn mà chơi bài chòi hát bội làm thơ
Không có ngày nghỉ cuối tuần để hong khô điều mong ước
Theo ngày đang trôi bình yên mây trắng nắng vàng
Cánh cò cánh vạc ngậm hoàng hôn mang nỗi nhớ đến bình minh.
2
Tôi về Đà Lạt ngày thu lạnh
Thông vẫn như xưa, sương vẫn như xưa, em không vẫn…
Loanh quanh ngỏ vắng dốc dài nắng trau tria má ửng hồng
Ly cà phê chạm vào môi đắng chát
Ở bàn bên cặp tình nhân như chim non ríu rít
Tôi nhặt câu hò hẹn thầm mơ chuyện vợ chồng.
3
Dãy núi sau lưng nhà tôi là nơi đàn cò làm tổ
Mỗi chiều chim trắng, rừng xanh khuất dần trong màu tối
Để cánh đồng xanh ngát kia trắng đơn độc cánh cò
Không có gì nghi ngờ
Cha cần cù mẹ tảo tần dưới bóng tre hàng dừa cổ tích
Tôi bình yên trú ngụ dưới bóng quê nhà.
4
Tôi chưa bao giờ thấy nghèo nơi làng quê xưa
Trời nhiều mây, sông nhiều nước, núi nhiều cây, đồng nhiều lúa…
Lam lũ, cần cù, hòa đồng, người quê thắm đượm tình quê
Mỗi khi nghe nói về dự án xây dựng đô thị nghìn tỷ
Tôi lại nghĩ đến nơi chôn nhau cắt rốn
Nơi con tim tôi trở về nương náu hằng đêm.
5
Con số chẳng vô hồn: 7/12/1964 – 7/12/2024
Sáu mươi năm – một đời người, một chặng đường lịch sử
Cô gái Bana, H’re lại mặc váy mang gùi đi lễ hội
Tròn mắt nghe chuyện cơm không muối, vườn đầy ve vắt sậy lau
Chẳng ai tiếc máu xương, nỗi khổ góp vào Huân chương độc lập
Một An Lão nối hôm qua – hôm nay – ngày mai – rực rỡ.
(Ngày 7/12/2024: Giải phóng huyện An Lão, tỉnh Bình Định)
6
Không phải thăm mà trở về với núi rừng hiên ngang dung dị
Tôi gặp tôi – gặp người xưa – gặp câu hát cũ
Chiều sương giăng ngang qua những khuôn mặt vừa lạ vừa quen
Trong những ngôi nhà sàn cách điệu
Không có người cời than chất củi sưởi ấm
Lẽ nào ly rượu hồi chiều mà đêm An Lão dài hơn
Ngô Văn Cư