Chửa hoang – Nỗi ám ảnh về những phận người

1940

Nguyễn Văn Hòa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chửa hoang (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) là tập truyện ngắn đầu tay của Tâm An, tập sách gồm 18 truyện với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh về đời về người với những bi kịch của số phận, những bất an trong đời sống. Các nhân vật trong truyện hầu như gặp phải những bất trắc, đôi lúc tưởng như bế tắc, đi vào ngõ cụt. Tuy vậy, bằng tình thương, niềm tin, sự thiện lương… đã thức tỉnh họ, giúp họ đứng dậy và sống tiếp quãng đời còn lại ở phía trước có ý nghĩa hơn.


Tập truyện ngắn “Chửa hoang” của Tâm An.

Đọc qua từng truyện của tập sách, người đọc không khó để nhận ra tác giả Tâm An đã có những quan sát rất tinh tế, sự liên tưởng, xâu chuỗi các tình huống dẫn dụ người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tâm An rất nhạy cảm với những kẻ bất hạnh, nhất là số phận của người phụ nữ. Vì thế, anh có phần cảm thông và ưu ái hơn đối với những nhân vật là phụ nữ. Tạo hóa đã cho họ thiên chức làm vợ làm mẹ cùng với đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả gấp bội phần so với cánh đàn ông. Những người phụ nữ trong truyện ngắn Tâm An bao giờ cũng chịu thiệt thòi, những thiệt thòi do hoàn cảnh, số phận và cả những điều ập đến không thể cưỡng lại được. Chính điều này làm cho người đọc càng cảm thông nhiều hơn đối với những thân phận đàn bà có hoàn cảnh kém may mắn. Một cô Nga bị sếp lợi dụng đến có con (Nghiệp báo); một cô Mai với mối tình đầu bị lợi dụng rồi mang tiếng chửa hoang (Chửa hoang);  cô Hồng – một  người đàn bà miền ngược có nhan sắc nhưng lại “sát phu” và mang tiếng là cô phò (Gái đĩ và cô phò); cô sinh viên tên Loan vì nhẹ dạ cả tin mà có mang với một đàn ông, rồi anh ta cao chạy xa bay, cô phải một mình sinh con, nuôi con trong gia cảnh khốn đốn, lúc con bệnh không có tiền đành phải đi làm gái (Em là gái)…

Cô Mai trong trong truyện ngắn Chửa hoang trải qua bao đau khổ, tủi nhục ê chề, tưởng cô đã kết thúc cuộc đời mình trong cái đêm cô tự vẫn ở bến sông. May thay, cô đã gặp một gã đàn ông tốt bụng, gã tử tế và tâm lý hết sức. Để rồi sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm gã đàn ông tên Dũng ấy và Mai đã nên duyên chồng vợ, họ sống hạnh phúc theo đúng nghĩa của từ này. So với những người phụ nữ trong các truyện khác, Mai (trong truyện Chửa hoang) là kết thúc có hậu nhất.

18 truyện trong Chửa hoang đã phần nào phác họa bức tranh đời sống của con người thời hiện đại. Bên cạnh những mặt tích cực thì còn biết bao những cái xấu, cái ác, sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ… Để rồi nhà văn có lúc cũng cảm thấy đau đớn, xót xa.  Đọc truyện Nghiệp báo, bất giác khóe mắt tôi cay cay vì nhận ra rằng hình như đâu đó trong cuộc đời này – ở thời đại mà tôi đang sống có những trường hợp na ná như thế. Biết bao cô gái làm phải hiến thân mình mua vui cho sếp và vật hy sinh để ký kết các hợp đồng hay là phương tiện để “biếu”/ “tặng” cho sếp cấp trên… Cô Nga là nạn nhân, lão sếp cô vì làm điều thất đức mà hậu quả nhãn tiền: vợ tự vẫn, con trai bị tai nạn giao thông, lão thì hóa điên. Cũng may vợ lão là người theo Phật nên khi cô Nga có thai thì bà ứng phó có phần tử tế: “Cô sinh con đi. Tôi sẽ chu cấp, nếu cô không thể nuôi nó, thì đợi cho đến khi đứa bé cứng cáp tôi sẽ tự có cách. Cô cầm chỗ tiền này, nó đủ cho cô làm lại cuộc đời”.

Cái độc đáo là tác giả Tâm An đã khéo tạo ra sự nhớ nhớ, quên quên xen lẫn của nhân vật lão sếp. Sự giày xéo trong tâm hồn còn đau đớn gấp vạn lần so với nỗi đau thể  xác. Cuộc độc thoại, đối thoại nội tâm diễn ra trong chính con người lão càng làm cho nỗi đau càng dày, sàng đầy hơn. Như một thước phim quay chậm, ngược về quá khứ, lão hồi tưởng: “Lão vừa đi, vừa suy nghĩ về chuỗi ngày dài tội lỗi. Cái sự khốn nạn tận cùng trong lão khi thằng A Tũn đối tác người Tàu nhòm ngó đến Nga trong chuyến ghé thăm công ty.

Cũng chính lão đã đẩy thằng Tũn vào phòng con bé. Chính lão đứng canh ở cánh cửa phòng chiều hôm ấy để đổi lấy món hợp đồng béo bở.

Tiếng rên rỉ khoái lạc trộn lẫn tiếng gào thét nức nở cho đến khi mọi thứ chìm vào yên lặng. Thằng A Tũn bước ra khỏi căn phòng, đi qua lão hắn đưa ngón tay cái lên kèm theo cái gật đầu trọc lóc “hảo la…hảo la”.

Lão đưa tay đấm ngực thùm thụp, đôi chân lão lê bước, giọt nước mắt ân hận khổ đau lã chã rơi. Lão đã cảm nhận được sự ghê tởm chính bản thân mình bằng nỗi đau lão đánh gánh chịu.

Bầu trời chuyển dần vào màn đêm, sự âm u của đêm tối trộn lẫn sự cô đơn và lương tâm dằn vặt lão tạo nên một bức tranh rõ nét về nhân quả hiện tiền. Lão ngồi thụp xuống tay ôm mặt khóc tru lên như đứa trẻ”.

Qua từng nhân vật ta có thể thấy được sự am hiểu sâu sắc, tinh tế của tác giả Tâm An về cuộc sống và con người thời hiện đại. Đó là một bức tranh đời sống đa diện, đa chiều; có hạnh phúc, có đau thương, có sum họp, có chia lìa… Nhưng tác giả Tâm An chủ yếu khai thác, đào sâu ở khía cạnh mất mát, tổn thương. Đọc truyện nào trong tập Chửa hoang cũng thấy miên man những nỗi buồn. Nỗi buồn đến từ nhiều người, nhiều phía nhưng ám ảnh và đáng thương nhất vẫn là thân phận con người.

Vấn đề gia đình, con cái, mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình được tác giả Tâm An đặc biệt chú trọng. Cái hay của anh là trong các câu chuyện kể của mình bao giờ cũng có nhắc đến, nói đến, nhấn mạnh đến vai trò của gia đình. Có thể nói những vấn đề thuộc về đời sống gia đình hiện lên chân thực, sống động mà xót xa nhức nhối đến như thế. Tâm An khai thác hiện thực đời sống qua số phận con người, có khi qua những mảnh vỡ từ bi kịch làm người của chính họ.

Con đò cô đơn là câu chuyện buồn, một chuỗi những sự kiện liên quan đến một gia đình: bố, con trai và đứa con dâu. Vì đứa con trai không thể có con mà người bố đã làm một việc trái với lẽ thường cũng vì mục đích là có người nối dõi. Để rồi cuối cùng cái nhận về là những mất mát, đau thương, bởi lương tâm không cho phép.

Không lẽ nhà mình tuyệt tử tuyệt tôn hả con. Mày không làm được thì…… mày để tao làm …

Ông cụ nói xong thì đưa đôi tay lên che mặt nấc lên thành tiếng. Lão đứng thẫn thờ một lúc, lão bấm vai ông cụ

– Tùy bố

Bao đêm lão trằn trọc không ngủ. Lão không biết phải nói sao với vợ lão về cái chuyện ông cụ … chuyện con cái nối dõi.

Vợ lão thấy chồng u uất buồn phiền gặng hỏi lão đành thú nhận . Không khí trên con đò ấy càng trở nên tĩnh lặng hơn. Ngoài những lúc khua sào gõ nhịp lùa cá vào lưới vào chài thì cả ba con người dường như không ai nói được với ai câu nào. Sông cũng chuyển màu u ám.

Rồi một đêm mưa gió. Lão trở ra lấy rượu uống. Sau khi nốc hết chai rượu lão ghé tai ông cụ .

– Bố hãy làm như bố nói đi.

Nói xong lão lao ùm xuống dòng nước bơi vào bờ tựa vào cây bần mặc mưa xối xả. Lão nhìn theo con đó đang lắc lư chao đảo. Nước mắt lão chảy tràn theo cơn mưa. Lão ngồi đó thật lâu. Lão khóc….

Vợ lão có thai. Ông cụ vui lắm. Những con cá to ông cụ bảo để lại cho vợ lão tẩm bổ. Còn lão thì trở nên lầm lì ít nói, vợ lão càng héo hắt hơn. Thế rồi cũng đến ngày sinh nở. Một bé trai kháu khỉnh ra đời. Lão ẵm đứa bé trên tay quay sang hỏi ông cụ

– Gọi nó là con hay là em trai hả bố ?

Ông cụ buông một tiếng thở dài. Trách ai bây giờ, trách ông trời hay trách lão vô dụng. Hay trách bố lão loạn luân. Tội nghiệp thay cho cả vợ lão. Một thời gian sau thì bỏ thằng bé lại cho bố con lão mà gieo mình xuống dòng sông mãi mãi. Lão như hóa dại, lão cay cú trút lên đầu ông cụ những lời thóa mạ hằn học đắng cay . Và rồi khi tỉnh cơn say tiếng khóc của thằng bé làm lão tỉnh giấc. Đưa mắt nhìn về bến sông bóng ông cụ lủng lẳng trên cây bần già nua cằn cỗi. Ông cụ cũng giải thoát đời mình bằng một sợi dây. Những tưởng có thể nuôi thằng bé đến lớn khôn thì trong một lần sốt cao nó cũng bỏ luôn cả lão.

– Từ ấy đến nay chỉ còn mỗi tôi với con đò chú ạ”.

Câu mà đứa con trai nói với bố nghe day dứt, não nề: – Gọi nó là con hay là em trai hả bố? Vâng, đây đúng là một bi kịch!

Tâm An luôn có một cái nhìn biện chứng về con người. Anh luôn đặt nhân vật của mình trong những mối quan hệ đa dạng, phức tạp của đời sống. Đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và bản thân họ. Bao câu hỏi về kiếp người, lẽ sống, niềm tin, giá trị đạo đức, nhân văn được đặt ra.

Đọc truyện Lời nguyền trên sông mới thấy tình thương đã vượt qua mọi rào cản, tình thương là sức mạnh vô biên giúp con người xích lại gần nhau, dù đó có thể không là ruột rà, máu mủ. Chính tình thương mà con trai cụ Tứ đã hy sinh để cứu dân làng. Sự ra đi của con trai lão đã phần nào thức tỉnh trong lão về những “luật lệ” tồn tại bấy lâu nay của người làm nghề chài lưới trên sông nước. Và rồi, cũng từ đây cụ Tứ đã làm theo tiếng gọi của trái tim mình: cụ đã cứu sống 3 đứa trẻ đuối nước trên sông. Trong truyện này, Tâm An không hề đưa ra phát ngôn nhưng chính những hành động và việc làm, chính nghĩa cử cao đẹp của hai cha con cụ Tứ đã minh chứng cho tấm lòng, tình thương yêu đồng loại của cụ Tứ và đứa con trai.

Chửa hoang là tập truyện ngắn có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ. Hệ thống từ ngữ bình dị, gần gũi, trữ tình, phảng phất chất thơ.

Ký ức gợi về đầy nhưng yêu thương trộn lẫn với niềm đau, sự tủi nhục cô đang gánh chịu. Với một gia đình gia giáo như gia đình cô thì việc cô chửa hoang là một vết nhơ khó lòng gột rửa. Mai bần thần nhìn dòng nước trôi. Cô khóc nhòe đôi mắt, con đê vắng vẻ chỉ có cô với hoàng hôn ảm đạm. Mặt trời xuống thấp phủ một màu ráng đỏ nhuốm cả mặt sông phẳng lặng. Một nhành củi khô trôi theo dòng nước chảy gần về phía cô, xoay tròn theo vệt nước xoáy trôi khi chìm khi nổi. Mai nhổm dậy thả đôi guốc ngay ngắn trên bờ đê cạnh chiếc nón lá. Cô thẫn thờ thả từng bước từng bước xuống tận chân đê. Nước thấm lên chân cô lạnh lẽo, bàn chân Mai bấm đạp lớp bùn non mềm mượt bước tới. Nước thấm ngang lưng cô, thấm cả cái lạnh mùa thu lên bụng cô nơi có một hình hài vừa nhú. Nước cứ vậy len lỏi lên đến cổ đến mặt cô. Mai chới với quẫy đạp với dòng nước đen ngòm và lạnh lẽo. Thân thể cô buông xuôi dập dờn theo con nước trôi về miền vô định…” (Chửa hoang).

Bên cạnh những cốt truyện mang kịch tính còn có những cốt truyện giàu tâm trạng. Ở đó là những dằn vặt, lo âu, những suy tư, trăn trở, cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật hiện lên một cách sắc nét và sinh động.

Những đề tài mà Tâm An đề cập tới trong tác phẩm không phải là những đề tài mới. Tuy nhiên, với sự tinh tế và nhạy bén, anh đã đi vào mổ xẻ những vấn đề của cuộc sống thường ngày nhưng có phần tế nhị, nhạy cảm. Anh đã đem đến cho độc giả cái nhìn đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn về thực tế xã hội. Bởi ẩn đằng sau sự phát triển, hào nhoáng, văn minh… luôn tồn tại những mặt trái, cái xấu, cái ác, sự bất công, mất lòng tin… Tuy vậy, đâu đó trong cuộc sống đời thường vẫn còn những con người, những tấm lòng đáng quý, đáng được trân trọng.

Tập sách Chửa hoang của Tâm An đã cho thấy một phương diện của thực trạng đời sống con người trong xã hội đương đại. Tác phẩm mang tính bi kịch và thông qua những số phận bi kịch trong từng truyện, nhân vật phần nào cũng trăn trở, khắc khoải, suy tư; nhân vật dằn vặt, tự vấn, tự thoại với chính mình. Đó chính sự “thức ngộ” về bản thân, sự khẳng định và trỗi dậy của ý thức cá tính. Tâm An hướng ngòi bút của mình về những phận người bất hạnh với một thái độ trân trọng, cảm thông sâu sắc. Có lẽ vì thế mà truyện của anh dễ gây cảm tình đối với người đọc.

Chửa hoang là tập truyện ngắn đầu tay của Tâm An nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định của một tác giả trẻ. Bên cạnh những truyện ngắn có chiều sâu với hệ thống tình tiết lớp lang, tạo yếu tố bất ngờ thì còn có vài truyện kết cấu đơn giản, có vẻ dễ dãi, ít gây ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể đây là tập sách đáng để đọc. Bởi cái neo đậu và tạo nên cảm giác ấm lòng với người đọc đó là cái tâm, là sự bao dung của tác giả Tâm An khi hướng về những giá trị nhân văn, nhân ái trong cuộc đời. Đây chính là điều đáng trân quý đối với một tác giả trẻ như Tâm An.

N.V.H