Lê Lâm
Han Kang sinh năm 1970 tại GwangJu, sau đó chuyển lên Seoul. Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Yonsei. Hiện đang làm việc tại Trường Đại học Nghệ thuật Seoul. Bắt đầu hoạt động văn học từ 1993 với truyện ngắn được giải trên báo Văn nghệ tân xuân. Tác phẩm: Tình yêu người nữ tù nhân, Hoa trái của em (Truyện ngắn); Hươu đen, Bàn tay lạnh của anh, Trắng, Bản chất của người (Tiểu thuyết); Tình yêu và những thứ xung quanh tình yêu, Bài hát lặng lẽ ngân (Tản văn). Các giải thưởng: Lee Song, Nghệ thuật trẻ hôm nay, Tiểu thuyết Hàn Quốc, và đặc biệt là giải Man Booker International năm 2016 cho Người ăn chay.
Tác giả đề cập đến chủ đề gia đình ư? Hẳn rồi! Thậm chí là một gia đình hoàn hảo. Nhà có ba người con đều đã có gia đình riêng. Hai cô con gái, người thì lấy được chồng có công việc tốt, mua được nhà, là trưởng phòng một công ty; người thì làm chủ một cửa hiệu mỹ phẩm rất có uy tín. Người con trai út cũng đã có gia đình. Có lẽ họ sẽ rất hạnh phúc như bao nhiêu gia đình khác.
Chuyện bắt đầu từ giấc mơ của Yeong- hye, chán ngấy thịt đến nỗi bao nhiêu thứ mua về để trong tủ lạnh cô đều tống hết ra ngoài. Anh chồng cũng phải chiều vợ, nhịn thịt, tuy chỉ khi ở nhà, còn vợ từ chối ăn thịt đến nỗi thân thể ngày càng gầy mòn, ngực teo tóp, không còn là một phụ nữ nữa, lại thường ở trần, bỏ áo lót, chỉ muốn sống cảnh hoang dã, rồi bỏ cả ăn, chỉ khát nước, thậm chí chỉ cần ánh nắng… Chịu hai cái tát rớm máu của bố, dùng dao tự sát phải vào viện cấp cứu, ở viện lâu hơn vì thói quen cởi áo phơi nắng; từ viện về hôn nhân đổ vỡ, cô không về sống cùng chồng, chồng thì cho không thể sống suốt đời với một “người tâm thần”, không còn nơi trú thân phải ở tạm anh chị một tháng mới thuê được phòng trọ; chuyện xảy ra bất ngờ với ông anh rể, sau đó lại vào viện. Ở viện cũng không ổn, tìm mọi cách chống trả bác sĩ vì bị bắt ăn qua đường mũi, bắt tiêm thuốc an thần; cuối cùng đến phải chuyển viện lớn ở Seoul trong tình trạng nguy kịch. Chị gái cũng chịu vạ lây, tuy rất thương em, nhưng cũng rất giận em, xem em là nguồn cơn dẫn đến chuyện chồng bỏ đi… Cảnh gia đình “tan nát” không thể cứu vãn, thậm chí lấy lý do nhớ con gọi điện về, anh cũng không được đáp lại; chị cũng cho tính nghệ sĩ rất dễ bị tổn thương của anh nên biết một lần bị từ chối, không bao giờ anh gọi nữa… Bà mẹ, tưởng chỉ tập trung vào cô con gái lớn, hóa ra vận mệnh con gái thứ phải được đặc biệt quan tâm, may ra mới cứu được. Bi kịch cả gia đình phải chịu, hóa ra không có lối thoát …
Chủ đề nghệ thuật ư? Cũng chẳng cần bàn. Người chồng Kim In- hye, bấy lâu sống nhờ sự tháo vát của vợ, có nhà cửa không trang; bản thân biết không giúp được vợ về việc nhà, về kinh tế cũng muốn tập trung cho tài nghệ, vốn tốt nghiệp mỹ thuật, lại là đạo diễn; tác phẩm graphic 3D và phim tài liệu có nhiều, nhưng chủ yếu khai thác “cuộc sống mòn mỏi của con người trong thời kỳ hậu tư bản chủ nghĩa”, cũng muốn hướng tới điều gì khác thường. Chính vì điều này anh đã phạm sai lầm. Cái vết chàm trên mông Yeong- hye có gì hấp dẫn để anh không tự chủ được, không biết đó là em vợ mình, đã chọn làm người mẫu thể hiện ý nghĩ riêng độc đáo. Kết quả anh đã thực hiện được cảnh giao hoan trên những bông hoa do anh vẽ. Chuyện vỡ lở, nhờ cái máy quay, anh để quên bên ngoài, vợ đã học được cách mở, biết hết sự thật, bắt được quả tang anh đang ở trên giường trong khi đột ngột đến thăm em, anh tỏ ra sợ hãi tột bậc… Bản thân anh phải đánh đổi tất cả. Thậm chí anh muốn chết đi cho rảnh, thoát khỏi sự nhục nhã…
Nhưng chỉ trên hai bình diện ấy tác phẩm cũng như những tác phẩm khác, dễ bị lãng quên.
Một chủ đề không phải ai cũng nhận ra. Tác phẩm đề cập không nhiều. Ông bố từng đến Việt Nam, điều tự hào lớn nhất theo chàng rể thứ được vài lần nghe kể, ông “đã từng tham gia chiến tranh và nhận được huân chương”, chắc cũng trùng khớp với lúc quân Mỹ, quân ngoại bang đông nhất giày xéo lên một đất nước xa lạ! Chiến tranh qua đi nhiều người đến vùng đất từng sống để “tạ tội”. Nhiều người sống không yên ổn cuối đời, nhiều người mắc những bệnh quái lạ, thậm chí hóa điên. Hội chứng này xảy ra với rất nhiều lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Còn ở đất nước khác không phải không có những cảnh tương tự. Vết chàm trên thân thể con gái ông, rồi trên người cháu ngoại ông không biến đi được, phải chăng nhắc lại những dấu tích không thể quên với lính chiến. Giấc mơ đầy máu cùng những cảnh giết người man rợ như đập cuốc vào đầu, thọc dao vào bụng người khác lôi hết ruột gan ra, cảnh rừng núi hoang vu, chết chóc, cứ hỗn độn, khó nhận ra ai là kẻ giết người và ai là người bị giết, xuất hiện thường xuyên trong các thành viên gia đình; cảnh sợ thịt, sợ hơi người, chối bỏ ăn thịt, rồi không muốn ăn bất cứ thứ gì có liên quan đến những giấc mơ kỳ dị, đến khuôn mặt vừa quen vừa lạ, “lúc đẫm máu…lúc giống như thi thể thối rữa” cứ mờ ảo, khó cắt nghĩa … Hành động thô bạo của ông bố đến con rể đầu cũng phản đối, khi vạch mồm Yeong- hye nhét thịt vào; chuyện ông đối xử tàn tệ với các con, con trai mỗi khi bị đòn trả thù bằng cách ra đường đánh lại những đứa trẻ khác, con gái lớn nhờ thay mẹ đã mệt mỏi chăm nấu canh giải rượu cho bố lại đóng vai chị cả phải bảo vệ các em, khiến ông phần nào dè chừng, chỉ người con gái thứ nhu mì tuy cũng có lúc bướng bỉnh không khuất phục bố, nhưng không kháng cự phải “tiếp nhận tất cả đến tận xương tủy”, bị đánh đòn và đánh cả bằng báng súng cho đến năm mười tám tuổi. Năm lên chín cô bị chó nhà cắn, ông xiết chặt cổ chó kéo lê theo xe máy đến bảy vòng hộc máu mồm cho đến chết để có thịt mềm dễ ăn, cô cũng chan canh để ăn hết một bát cơm, nhưng “trên bát canh cứ hiện lên hình ảnh con chó chạy, đôi mắt đờ đẫn, miện phun ra bọt với máu…”, cũng là năm cô cùng chị bị lạc trong rừng sâu trời sắp tối vẫn không muốn về nhà …liên quan gì đến những nơi ông từng đến. Các nước phương Đông, nhất là những nước ít nhiều liên quan đến đạo Phật, không xa lạ chuyện “quả báo”. Ở đây giống như hậu quả chất độc da cam, không chỉ để lại di chứng một đời… Một người như Yeong- hye, một cô gái bình thường về mọi phương diện, tưởng có chồng đã yên bề gia thất cũng sẽ có một cuộc sống bình thường. Nhưng hóa ra phải chịu sự đày ải của số phận, có thể nói đến lúc không thể thoát khỏi cái chết. Cô nói trong cơn đau với chị gái, không được chết à? Thực ra cô đã bình tĩnh đón nhận nó như một định mệnh. Cảnh chiếc xe cứu thương đưa cô qua khỏi núi Chuk-sung, vào những đoạn đường gấp khúc cuối cùng của dải rừng lúc đang chết dần để cấp tốc về viện trung tâm ở Seoul có đến được nơi không. Có lẽ là không!
Đến đây người ta cảm thương cho nhân vật. Nhưng cũng không quên thảm họa con người phải chịu do đâu. Liên quan đến bạo lực và chiến tranh không? Chắc chắn là có!
Cách viết tạo sự bí ẩn của tác giả là có dụng ý. Ngay ba phần hợp thành tiểu thuyết, nhân vật trung tâm Yeong-hye, nhưng tác giả không bao giờ để nhân vật tự thuật. Nếu Người ăn chay, người chồng nói về người vợ thì đến Vết chàm Mongolia là chuyện anh rể nói về em vợ, còn Cây pháo hoa lại chính người chị nói về em gái, cũng là lúc tổng kết cuộc đời mình. Mỗi truyện theo từng cấp độ lại nặng lên, dù tác giả đã cố đặt tên để “mềm hóa”.
Chủ đề hình như ít được chú ý bây giờ mới lộ diện. Tác giả đã đào sâu đến tận cùng tâm khảm mỗi nhân vật trong khi số trang không nhiều. Chính ở đây mới là tâm điểm dành cho tác phẩm. Giá trị của tác phẩm cũng từ đó được nhân lên. Không hiện ra từ đầu nên chịu “búa rìu” dư luận cũng phải. Người ta cho tác phẩm đầy bạo lực, thực sự thì bạo hành đã xuất hiện từ trước, với thế hệ đi trước, chủ yếu từ ông bố độc đoán mặt đen sạm tuy bây giờ lưng đã hơi còng xuống, cũng đã bớt dữ dằn đi nhiều lúc về già với việc cai quản xưởng mộc và cửa hàng nhỏ trong thành phố. Người ta cho tác phẩm đầy chất ma mị, độc hại, kích dục không hợp với trẻ chưa thành niên, nhất là tuổi trẻ học đường cũng không có gì khó hiểu.
Nhưng trước hết tác giả cũng không phải không muốn bảo vệ những gì người phương Đông hằng gìn giữ. Ngoại trừ ông anh rể có lúc lú lẫn, bị ma quỷ xui khiến lấy nghệ thuật biện minh, người khác như J. người đóng thế cũng phản đối cảnh “khiêu dâm” dù vẫn chưa biết đó là em vợ anh khi được nhờ, chỉ cảm tưởng có người khổng lồ đã nhấc bổng anh lên, anh cũng không “hơi đơn giản” như người ta thường nghĩ. Bản thân anh lúc tỉnh táo xem biểu diễn ba lê cũng không vỗ tay đồng tình với biên đạo múa, muốn tìm cách thể hiện khác dù rất hiểu sự cố gắng của các nghệ sĩ; cũng từng phản đối video của một tác giả nước ngoài có cảnh “nam nữ cơ thể trần truồng vẽ đầy nhằng nhịt các màu, họ quấn lấy nhau trên nền nhạc quay cuồng”. Lối viết cũng không có gì quá táo bạo. Nhưng phải nói tác phẩm rất ám ảnh. Phải chăng để vượt qua rào cản của dư luận, tác giả đã làm cho nó “đậm” chất nghệ thuật nhằm giảm thiểu sự bi ai. Cũng ở đây xét cho cùng là chất nhân văn phải đạt tới. Điều đáng nói đối với người làm công việc sáng tạo, để người đọc nhận xét, mỗi lần đọc lại tác phẩm có cảm tưởng như mới đọc lần đầu. Phải chăng đó là cái mới đích thực không phải ai cũng làm được.
Tác giả cũng cố tình “đỡ đòn” cho người anh rể Yeong- hye, một người dễ mủi lòng với những cảnh vật bi thương, những cảnh đời bất hạnh, cũng là người đầu tiên trong nhà nhận ra người em rể đồng hao vị kỷ, nói chuyện bỏ vợ như bỏ một đồ vật trong khi vợ đang ở viện, đến “cái cằm nhọn, cái trán ngắn phản cảm” của anh ta cũng làm anh khó chịu; dù vi phạm luân thường nhưng vẫn là người “tử tế”. Muốn sáng tạo phải biết quên mình, phải được tự do, muốn có tác phẩm để đời không thể chấp nhận cái bình thường. Hai anh em “không cùng huyết thống” nhưng lại có sự “thần giao cách cảm”, người vợ dù tạo cho chồng một cuộc sống đầy đủ nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu một điều gì, chuyện “đồng sàng dị mộng” xảy ra cũng thường tình. Hai anh em đến với nhau vì cùng ít nói, cùng sống nội tâm; ngay khi cô em bị cả nhà ép ăn thịt, còn cô thì cố tình chống cự, bất chấp nguy hiểm tìm cách thoát ra, rồi cứa vào cổ tay, chỉ có anh không quản máu me đang phun vào người, đã cầm máu, cõng vội cô ra xe đưa đi cấp cứu; chuyện cô không đảm đang như chị, nhưng có nét riêng anh kiếm tìm từ đôi mắt một mí, giọng nói mộc nhưng thẳng thắn chứ không phải giọng mũi như chị, ăn mặc lại giản dị; đến phát hiện vết chàm con trai anh cũng chỉ có ở cô khi vợ cho biết. Thực hiện “tính giao” cũng vì sự bức bối đến với cô B., bạn tình một thuở, ngay trong đêm hôm khuya khoắt, đồng ý vẽ hoa lên thân thể anh, tán dương sự “ham thích”, “làm mới mình” khác trước nhiều, không như ngày nào anh còn mang biệt danh “cha cố của tháng năm”, nhưng đã coi thường cơ thể đang “phệ” ra của anh. Quả nghệ thuật không dễ hiểu với người ngoại đạo khi anh luôn đưa vào tác phẩm các thứ biết bay như chim, bướm, máy bay, thậm chí như ruồi, mối tưởng không liên quan, còn anh lúc cần nhất lại không bay được như người vợ nhận xét. Chị cũng sẵn sàng tha thứ, chỉ tiếc chuyện xảy ra khi em mình đang mang bệnh. Anh bỏ đi rồi, chị cố thử nằm vào cái bồn tắm mỗi lần anh đi làm về để nguyên quần áo, chắc là quá mệt không đủ sức bật vòi nước, nhưng cũng không thể hình dung con người anh, dù chị biết chỗ chật hẹp nơi anh từng ra vào là chỗ “ấm cúng” đáng nhớ nhất trong căn nhà rộng rãi… Rồi cũng nhận ra tám năm chung sống có một đứa con nhưng quả là quá sức “chịu đựng” cho cả hai người. Cuối cùng chị cũng phải thừa nhận, anh là người đáng thương hơn đáng giận.
Nhà văn cũng chỉ ra, nghệ thuật cho phép dung nạp tính băn năng, nhưng xét đến tận gốc rễ, thiếu sự kiểm soát của lý trí cũng dễ thành sai lạc; nghệ thuật nếu không được đa số công chúng chấp nhận, không thể chỉ vì một vài cá nhân đơn lẻ cổ xúy, cũng không phải thứ để làm thỏa mãn sự riêng tư của người làm ra nó trong phút chốc…Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, nhưng cuộc đời bế tắc thì nghệ thuật cũng không thoát khỏi thông lệ.
Gia đình thất bại. Nghệ thuật thất bại. Bạo lực lên ngôi. Chính con người phải chịu. Người chịu hậu quả nặng nề nhất là người sống thụ động, dù do hoàn cảnh không mong muốn đưa đẩy. Mọi sinh linh thật nhỏ nhoi trước bạo lực và chiến tranh! Đấy là điều tác phẩm đặt ra trước mỗi con người dù ở phương trời nào, dù là người bình thường nhất!
Cũng may, dù bạo tàn đến đâu thì tình người vẫn còn lại. Cảnh Kim In- hye khi chồng rời nhà, con sốt, vẫn vào viện chăm sóc em; cảnh cố theo em trong chuyến xe cuối cùng, sẵn sàng bỏ qua những “lỗi lầm” em gây ra, vì nghĩ vắng chị không ai có thể thanh toán viện phí, ai là người đại diện gia đình duy nhất của em. Tuyệt vọng khi chị bị gia đình “cắt đứt mọi liên lạc”, nhất là ông bố cũng suy sụp đang tĩnh dưỡng vẫn không chịu được việc liên tưởng tới người con rể “không bằng cả thú vật”; dù bị rong huyết ngay khi nghe dư luận đồn thổi chuyện xấu gia đình vẫn gắng gượng đứng dậy; cảnh đứa con với giấc mơ con chim trắng bay lên, như sợi dây níu giữ với cuộc đời. Phải chăng đó là chất Đông phương? Chỉ như thế mới chấp nhận được cảnh này “Cô hít thật sâu, lặng lẽ. Những hàng cây bên đường vụt qua vun vút như vô vàn những con thú đang chuyển mình, bắn ra những vệt pháo hoa xanh rung rinh. Ánh mắt cô tăm tối, nhẫn nại như đang đợi câu trả lời, mà không, như đang kháng cự lại cái gì đó”
Lê Lâm
(Rút trong bản thảo “Nobel văn học đầu thế kỷ 21”)
Người ăn chay: Tiểu thuyết của Han Kang- Hoàng Hải Vân dịch- Nxb Trẻ- 2010