‘Của tôi và gió’ – Truyện ngắn của Ngô Thị Ý Nhi

602

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi là người thực tiễn. Nhìn vào một sự việc, khía cạnh thực tế đập vào mắt tôi trước tiên đầy sắc sảo, ngọt ngào và quyến rũ. Tôi nhìn vào cái thực và đó là con đường ngắn nhất đưa đến thành công. Tôi có nhiều thứ lắm. Tuổi trẻ, sức khỏe, tài năng và cả một phần nhan sắc. Đối với tôi, thượng đế quả là hào phóng.


Tác giả Ngô Thị Ý Nhi.

Lanh canh… lanh canh… lanh canh…

Tôi ngước mắt nhìn lên. Mấy đồng xu cũ kỹ. những thanh kim loại rỗng, thuôn tròn buộc trên những sợi chỉ mảnh khua vào nhau khe khẽ. Chúng xoay thành một vòng tròn níu lấy nhau đùa vui với gió.

Lanh canh… lanh canh…

Lại gió, gió nữa rồi. Khung cửa sổ mở rộng trên đầu giường. Bên ngoài kia là một khoảng trời xanh và mây trắng. Ừ, mà sao tôi lại nằm đây ngắm trời xanh mây trắng. Cả cái chuông gió kia nữa. Của ông Lữ đấy. Vớ vẩn! Nhưng thực tế là tôi nằm đây, cái thực tế không thể nào tin được. Tôi đâu có ho, chỉ nghe vương vướng ở cổ rồi khạc một cái. Thế là máu trào ra. Tôi bàng hoàng. Máu tươi, nóng ấm, mằn mặn và tanh. Trời đất quay vòng vòng. Bụm miệng tôi lảo đảo chạy vào phòng tắm. Hôm đó là hai mươi hai tết. Thằng em đang dung dăng dung dẻ với người yêu bị triệu hồi ngay lập tức. Nó và cô bạn hốt hoảng đưa tôi lên taxi cấp cứu. Thế rồi mọi chuyện diễn ra như không có thực. Cô hộ lý đẩy chiếc băng ca quát:

– Ai, ai ho ra máu leo lên đây?

Cả ba chúng tôi nhìn nhau. Cả ba đều tươi tỉnh, sạch sẽ, hồng hào. Cô hộ lý không nhận ra bệnh nhân là đúng. Mấy giây sau tôi mới bừng tỉnh chấp nhận thực tế chính mình là bệnh nhân với chiếc băng ca. Chụp hình phổi. Phổi trong sáng. Hai đứa chúng nó quyết định ngay đưa tôi đi chụp cắt lớp. Tôi hoang mang. Chuyện gì thế này. Cánh cửa sắt đóng sụp xuống. Căn phòng mờ mờ. Tôi nằm xuôi tay dưới một thiết bị gì đó. Mắt nhắm nghiền cảm thấy thân thể mình trôi đi, đưa tới, kéo lui. Hít vào, thở ra. Tôi làm theo giọng nói vô cảm nào đó như cái máy. Chỉ vài phút. Xong. Khuôn mặt hai đứa em nghiêm trọng, căng thẳng. Chờ kết quả. Bao giờ thì có kết quả? Rồi ra sao? Tôi chới với trước thực tế lạ lẫm này. Trở về phòng, nằm bên những khuôn mặt gầy gò, xanh xao, bệnh hoạn. Tiếng ho, tiếng khạc nhổ làm tôi rùng mình. Ngoài kia đêm tối đen. Tôi trở mình. Chiếc giường sắt già nua tuổi tác rên rĩ dưới lưng tôi. Trời ạ, nằm ở đây thì không bệnh cũng trở thành có bệnh. Mà tôi, tôi đang khỏe mạnh hoàn toàn. Cuộc đời đang phơi phới ngoài kia. Mới hôm qua thôi, tôi còn lượn lờ lui tới mấy đại lý xe. Spacy, Lead, Attila, Click… Màu trắng sữa ngọt ngào, màu đen tuyền cá tính, màu xám bạc điệu đàng sang trọng… Đường phố cuối năm dập dìu những khuôn mặt như hoa. Tôi cũng là một bông hoa giữa cuộc đời này. Năm mươi triệu và một chiếc xe. Chọn lựa thế nào với món bổng lộc hậu hỉnh này. Công ty tôi làm sẵn sàng bỏ ra số tiền đó cho tôi mua xe với điều kiện cọng tác ba năm. Cũng là một cách đãi ngộ. Có chất xám là có tất. Ngày ngày trong y phục văn phòng có đẳng cấp, cỡi xe có đẳng cấp tôi sẽ đến công ty, không quên vô tình lượn lờ qua những phố xá tụi nó thường lui tới. Tụi nó là lũ bạn bè công ty cũ. Cho tụi nó sáng mắt ra. Đừng hí hửng tưởng rằng hại chết được nhau. Bỏ chỗ cũ tôi đi chỗ mới còn ngon gấp mấy lần. Rồi cái tập đoàn đó sẽ hối tiếc khi để sổng mất tôi. Thời đại “săn đầu người” này mà cư xử với nhau ngu xuẩn đến thế là cùng. Ngu xuẩn! Mà tôi làm việc ở công ty ngu xuẩn đó cũng sáu bảy năm rồi chớ ít ỏi gì. Tôi đã từng ngọt bùi, từng gắn bó. Tôi đã ký được hợp đồng vô thời hạn… Hợp đồng vô thời hạn thì cũng như tờ hôn thú. Ký cái rẹt. Xong. Nhưng ký rồi chắc gì yên thân ấm chỗ. Mà cuộc đời này muốn có chỗ cho mình phải bản lĩnh, phải biết xông vào. Dẫu là phụ nữ mềm mại đấy, điệu đàng đấy nhưng phải biết cách ra đòn, cách né đòn…

Tôi không thích những từ ngữ này nhưng một người đã nhìn thẳng vấn đề bảo tôi như thế. Đuôi mắt nheo lại, nụ cười nhếch lên: Rhett Butler!! Lồng ngực đau nhói. Chết rồi , lại muốn trào ra nữa chăng. Chỉ một mình tôi trong phòng. Bốn bức tường bệnh viện màu sơn loang lỗ. Tôi nằm xuống, nhắm nghiền mắt giữ hơi thở đều đặn. Sẽ không có chuyện gì hết, không sao cả. Lữ đã bảo tôi như vậy. “Em bệnh hoạn gì đâu, chẳng qua trục trặc một tí.” Rồi anh cười, đôi mắt híp lại trên khuôn mặt tròn quay. Cái bụng bắt đầu phát triển của đàn ông tuổi bốn mươi ưa bia bọt bạn bè. Dáng đi chậm chạp. Chậm chạp nên tôi nhập viện hai hôm mới thấy anh mò vào. Mà Lữ bao giờ chẳng thế. Không có gì ồn ào hốt hoảng cả. Mọi việc thường thôi. Kể cả khi tôi mệt lả người kể lể bệnh tình với anh rằng tôi ọc ra từng thìa máu. Anh không nói gì, lúi húi sửa lại cái khăn trải giường, thò đầu ra cửa ngó nghiêng ngửa rồi tỉnh bơ bảo tôi:

– Em có định ăn tết không? Còn mấy ngày thôi đó. Thiên hạ đi tưng bừng ngoài phố.

Tôi trào nước mắt:

– Anh xin bác sĩ cho em sớm xuất viện. Em không muốn nằm hoài ở đây.

– Ai cho em nằm hoài. Người ta đuổi về bây giờ đó. Chẳng qua là còn mấy cái xét nghiệm cần theo dõi.

Xét nghiệm gì, ngày nào cũng thử. Thử máu, thử nước tiểu, thử đàm. Mà làm gì có đàm.

Tôi chỉ nhổ ra toàn nước bọt. Lữ đặt tay lên đầu tôi:

– Về còn mua xe nữa chứ, cô nhỏ. Mấy cửa hàng xe cứ xôn xao hỏi nhau không biết cái cô mi-nhon hôm bữa đâu rồi.

Tôi cười quay mặt đi. Khi hí hửng khoe anh chuyện mua xe, anh trầm ngâm hỏi:

– Đổi lại là ba năm ràng buộc hả?

Cái giọng lừng khừng của anh làm tôi phát chán. Cứ như anh lo tôi không đủ năng lực, tôi sắp phải bỏ của chạy lấy người. Tôi dấm dẳng:

– Có chỗ giới thiệu lương ba ngàn đô kia nhưng hơi xa. Em đòi điều kiện phải có xe đưa rước.

– Thế người ta đòi em những gì?

– Chất xám.

– Ờ há, anh quên. Ngày xưa anh cũng có học rằng trong não mình có chất đó.

Tôi quay ngoắt đi. Ghét cái giọng châm chọc đó. Cái kiểu tưng tửng gàn gàn. Gàn thế nên hơn bốn mươi rồi mà chẳng cô nào chịu nổi. Tôi không thèm cải anh. Tôi hiểu anh quá rồi. Tôi nhắm thẳng mục tiêu và chỉ biết tiến, còn anh, bao giờ cũng dành sẵn một con đường để khi cần thì… rút lui. Anh em tôi là thế. Thủy hỏa khó lòng dung hợp. Vậy mà lâu lâu gặp điều bức xúc tôi lại tìm đến anh kể lể. Anh yên lặng chăm chú nghe. Nếu thấy cần buông ra một lời khuyên ấm ớ hội tề nào đó. Tôi đón nhận hững hờ. Cả hai biết rằng lời nói gió bay, rằng tôi chỉ cần ở anh những phút giây thư giản. Để xả stress chẳng hạn. Rồi thôi. Ra khỏi mấy lùm cây xanh xanh của quán cà phê là hết. Lữ là bạn của anh Hai. Ngày lên máy bay theo gia đình vợ xuất cảnh anh Hai đã nửa đùa nửa thực “gởi gắm” tôi cho Lữ. Lữ hí hửng “Được, để đó… tao nuôi”. Anh Hai vỗ vai bạn cười vang “Khéo không lại xúc tép nuôi cò”. Dạo đó tôi còn là cô sinh viên bé bỏng đã đỏ mặt cười theo. Bây giờ mỗi lần nghe anh Hai ngân nga điệp khúc “xúc tép nuôi cò” tôi cũng cười nhưng không còn đỏ mặt nữa. Về hình thức tôi không thuộc loại chân dài. Thế mà đi bên tôi anh cũng chỉ cao ngang ngửa. Lại thêm cái dáng nặng nề, cái bụng xuê xoa đi trước. Trông nản gì đâu! Bác sĩ cơ đấy! Chẳng oai phong bệ vệ tí nào cả. Người ta kìa, nhất là mấy ông bác sĩ ngoại khoa khoác áo vô trùng tay cầm dao mổ. Căng thẳng, nghiêm trọng ngay từ cái nhíu mày. Anh thuộc khoa nhi, tối ngày vuốt đầu xoa bụng mấy đứa con nít. Con nít cũng có cái nghiêm trọng của con nít chứ. Nhưng đến phòng mạch anh lúc nào cũng nghe tiếng con nít eo xèo. Anh cười cười vuốt đầu đứa này, hỏi han đứa nọ. Xong, mỗi ca thu vài chục ngàn. Vậy là thỏa mãn. Cuộc đời đơn giản thế thôi. Tôi không chấp nhận cách “kiếm tiền cắc” này. Với tôi thì phải tiền đô, ngàn đô. Sáng sáng váy áo tề chỉnh tôi đến công ty. Tòa nhà cao ngất ngưởng, cửa kính sáng bóng tự động mở ra trước tôi. Thang máy, những con số chớp tắt, tiếng giày khua, hương thơm thoang thoảng dịu dàng của mỹ phẩm đắt tiền. Bầu không khí đó thu hút tôi một cách kỳ lạ. Đúng hơn là tôi cần không khí đó như cá cần nước. Bao nhiêu người ngưỡng mộ tôi, không phải chỉ là nhan sắc mà còn là trí tuệ và quyền lực. Phải, quyền lực! Đó là thứ trang sức vô hình mà giá trị của nó quyết định giá trị của mỗi con người. Một người đã dạy tôi điều này. Đăng, sếp trực tiếp của tôi.

Lanh canh… lanh canh… lanh canh…

Cái chuông gió lại ngân lên dưới những sợi chỉ mảnh mai mềm mại. Những đồng xu cổ, những thanh kim loại rỗng thuôn tròn lại lả lướt xoay xoay, lấp lánh ánh nắng ban mai. Tôi ngước lên. Tiếng lanh canh như lùa vào vùng trí nhớ hổn độn của tôi những tiếng cười gần xa trong veo như gió nắng ngoài kia. Không sao đâu. Tôi ổn mà. Cuối cùng thì bác sĩ cũng phài trả tôi về vì không tìm ra nguyên nhân. Người ta chỉ tìm thấy một vết xước nhẹ ở phế quản. Có lẽ bị giản một mạch máu nào đó. Nhẹ thôi. Mẹ tôi thì kết luận giản đơn là bị “tổn”. Làm việc nhiều quá thì tổn. Ông ngoại ngày xưa cũng vậy. Thế là sau tết mẹ buộc tôi phải xếp lại tất cả. Lần đầu tiên gia đình can thiệp vào “đường chạy” của tôi. Tôi phải theo dì Ba lên xó xỉnh này dưỡng bệnh. Tôi buộc phải nghe lời. Không nghe sao được khi tôi phải đi đứng nói cười gượng nhẹ. Cái chừng mực làm tôi phát điên lên. Tôi đành phải xa thành phố một thời gian. Thành phố yêu thương đã quấn riết lấy tôi và nhấn chìm tôi ở đó. Tôi nhớ nhiều thứ lắm. Quán xá, đường phố, tiếng còi, mùi khói xăng. Những chiều mưa dòng người nối đuôi nhau rồi dồn lại ở một ngả tư nào đó. Cả những con đường thênh thang khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng nữa. Lâu lâu Đăng lại chở tôi vi vút trên chiếc Air Blade hai màu đen đỏ phóng ào ào trên đại lộ. Tôi nép người vào anh, nhắm mắt cười một mình. Đăng của tôi.. Tôi đủ thực tế để nhận ra rằng Đăng là mẫu người dành cho tôi, chính là cái tôi cần và phải có. Hai chúng tôi phối hợp nhịp nhàng ăn ý trong công việc, trong cả cuộc sống riêng tư. Tôi ngưỡng mộ anh và học được ở anh nhiều thứ lắm. Mặc dù không dưới một lần tôi nghe người ta ném sau lưng rằng “đê tiện”, “đểu cáng”. Thương trường là chiến trường mà cũng là chính trường. Nếu không đủ bình tỉnh dẫm lên điều tiếng thị phi… Nhiều lúc tôi rùng mình chùn bước nhưng lại thán phục sự phớt tĩnh và quyết đoán của Đăng. Nghĩ mà xem, bao nhiêu người muốn đê tiện mà không đủ điều kiện để đê tiện, muốn đểu cáng mà không đủ tài năng để đểu cáng. Tôi và Đăng trở thành một cặp rất đẹp trước mắt mọi người. Những cặp mắt thán phục, ghen ti, thèm khát. Quen tôi, anh đang có một người. Nghe đâu đã hứa hôn. Hai nhà đã qua lại thăm hỏi theo đúng nghi thức cổ điển. Và rồi gặp tôi, tôi cuốn anh đi. Không, đúng ra là cả hai cùng cuốn nhau đi. Tôi bất chấp người phụ nữ kia. Lô cốt nào mà chẳng có địch. Vấn đề là phải biết cách đánh bật địch ra. Tôi đã thành công. Bốn năm trời bên tôi, không nghe tiến triển cưới xin gì cả. Mặc dù anh không đặt thẳng vấn đề tình cảm với tôi, mặc dù đôi lúc anh vẫn nhắc đến người phụ nữ ấy như một tia sáng yếu ớt của lương tâm. Tôi trân trọng tia sáng yếu ớt ấy nhưng vẫn tin chắc những gì mình nắm được trong tay. Thời buổi này dẫu đàn ông hay phụ nữ thì sự nghiệp vẫn là trên hết.

Tôi còn thời gian. Vội vàng gì…

Đăng có một lô đất ở khu Hưng Gia. Chiều cuối tuần, lâu lâu anh lại chở tôi về Phú Mỹ Hưng bảo đùa là đi thăm đất. Ôi, những buổi chiều tuyệt diệu. Những con đường thênh thang rợp bóng cây. Những dòng xe hơi sáng bóng nối đuôi nhau thanh thản. Phố xá, nhà cửa, con người… Một thế giới trong niềm mơ ước của tôi. Đăng đứng trước lô đất của anh. Cỏ lúp xúp. Mảnh đất khiêm nhường bên những ngôi biệt thự sang trọng kín cổng cao tường. Tôi bảo anh: “Ở đây hầu như ai cũng có xe hơi” Anh không nhìn tôi, ánh mắt xa xôi mơ màng: “Rồi mình cũng phải vậy thôi.” Tôi nghe rung động toàn thân. Chữ “mình” của anh vẽ vời một tương lai có tôi trong đó. Đúng, đây ắt phải là cảnh đời của chúng tôi trong tương lai. Thông minh và nhạy bén như anh chắc chắn anh phải thấy ngay rằng tôi là để dành riêng cho anh. Hai chúng tôi là một kết hợp tuyệt vời. Tôi đã nghĩ về tương lai này nhiều lắm. Sự nghiệp của anh cần đến bàn tay của tôi. Kiếm tiền và tích lũy. Đất của anh nhưng để ngôi nhà tuyệt vời mọc lên tôi sẽ góp phần vào đó.

Lanh canh… lanh canh… lanh canh…

Lanh canh… lanh canh… lanh canh…

“Anh tuột mất cái trưởng khoa rồi!” Tiếng cười của Lữ đâu đó khua vào vùng trí nhớ của tôi. Tôi đã lườm anh: “Anh thì cái gì cũng để tuột”. Tôi biết anh không có khả năng làm lãnh đạo. Muốn ngồi vào vị trí đó phải thế nào chứ. Đành rằng anh có năng lực chuyên môn, đành rằng anh đạo cao đức trọng nhưng cứ ngồi đó chờ thì ai đem cơ hội đến dâng anh. Cứ xem người ta giành giật nhau kìa. Khi có một sếp sắp đến tuổi hưu là thiên hạ ngấm ngầm lo “xếp ghế”. Một cuộc chạy đua âm thầm nhưng khốc liệt. Còn anh, anh có giữ đâu mà không tuột. Cả chuyện tôi cũng vậy.. Ngày đó anh còn là ông bác sĩ mới toanh rờ rỡ hào quang. Tôi ngước nhìn anh đầy ngưỡng mộ và đã đặt trước anh trái tim non nẻo cũa mình. Anh biết điều này không? Tôi tin là có. Nhưng anh vẫn vậy. Lừng khừng. Vẫn chừng đó ân cần chăm sóc. Anh chỉ chú tâm mỗi chuyện “xúc tép nuôi cò”. Thì cứ để anh nuôi. Thời gian đẩy tôi và anh mỗi người một phía. Tôi hăm hở vào đời, vấp váp chút xíu, vắt thêm lên vai mình dăm ba mảnh tình con con. Lâu lâu tôi đến tìm anh. Cái sân thượng bé tẹo rậm rì cây xanh và lủ khủ những đá. Anh ngồi đó kiên trì xếp đá lớn đá nhỏ cạnh nhau và … ngắm. Để làm gì tôi không biết. Nhưng anh chỉ cho tôi xem và bảo là hòn non bộ của anh. Những góc cạnh, những đường vân… anh ngồi thừ người ra săm soi từng chút để mặc tôi với chuyện tình tự kể lúc bỗng lúc trầm. Vậy mà tôi vẫn thích tìm anh… độc thọai. Cho đến lúc anh chịu phủi tay bỏ những đá lớn đá nhỏ dẫn tôi đi cà phê. Vui buồn của tôi tan biến đâu đó. Chỉ có một lần anh ngoảnh lại nhìn tôi, hòn đá đang xếp nửa chừng mất thằng bằng rơi vào hồ nước. Tôi giật mình. Tôi đang nói với anh về Đăng. Chuyện gì đó tôi quên rồi nhưng cái nhìn của anh lạ lắm. Cái nhìn vừa sâu vừa nghiêm nghị. Chưa bao giờ tôi bắt gặp ở anh ánh mắt này. Tôi cụp mắt xuống như người phạm tội. Không, tôi có làm gì đâu. Đăng cũng chưa hề vượt quá giới hạn cho phép. Anh ấy trí thức, đàng hoàng. Có lẽ Lữ cảm nhận được rằng đây là lần yêu thực sự của tôi chăng. Yêu thực sự! Có lẽ vì vậy mà từ đó tôi rất dè dặt khi nói về Đăng với anh. Tôi không còn kể lể để rồi trước những buồn vui của tôi anh xuê xoa “Ừ, mà… tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Tôi ghét câu nói cửa miệng này của anh Những cuộc tình của tôi dang dở là vì tự nó dở dang. Tôi đâu có thích nó đẹp kiểu này. Không dám đương đầu với nghịch cảnh. Đây chỉ là cách ngụy biện cho những gì đớn hèn yếu đuối. Tôi và Đăng dứt khoát không thuộc kiểu này.

Đăng bỏ việc làm đi công ty mới. Một cú đập khá mạnh vào mặt tôi. Hay tin Lữ nhìn tôi nghiêm nét mặt:

– Còn em?

Tôi đã qua phút bàng hoàng cứng cõi trả lời:

– Em có chuyện của em chứ.

Thần kinh của tôi đã quen với những va đập kiểu này rồi. Đăng đã gọi là đánh đấm. Lần này hình như anh không đỡ nổi kiểu ra đòn của đối phương. Tôi ở lại. Tôi chưa phải là mục tiêu người ta nhắm vào, nhưng tôi hiểu nhanh chậm gì thì cũng đến lượt tôi . Nhanh chứ không chậm. Tôi gồng mình trước đòn phép của sếp mới. Cũng đúng thôi. Sếp mới thì phải có ê-kíp mới. Tôi như cái gai trước mắt. Tách bộ phận này, nhập bộ phận kia, đổi cách điều hành khác. Tôi quay như cái chong chóng cho đến khi nhận thấy là chỉ huy mà dưới tay mình hầu như… không có lính. Công việc giao cho tôi không đầu không cuối không đâu vào đâu. Sức ép ba bên bốn bề cọng thêm những ánh mắt soi mói hả hê. Tôi bỏ việc sau khi dự phỏng vấn hàng chục công ty. Tôi và Đăng rơi vào cơn lốc.

Anh Hai đột ngột trở về Việt Nam vì nhà vợ có tang. Lữ đưa anh em tôi vào một quán cà phê sau khi rẽ vào năm bảy con hẻm loằng ngoằng. Quán vắng. Cây xanh và nhạc tuyệt vời. Tôi thả người trên chiếc ghế mây, duỗi chân lặng lẽ nhìn giây cát đằng buông những chùm hoa tim tím. Tự nhiên tôi trở thành người lãng mạn bất ngờ. Mà với tôi, những giây phút như thế này hiếm hoi thật. Công việc mới đã chạy đều. Chạy đều với tốc độ điên cuồng chóng mặt. Báo cáo liên tục, họp hành triền miên, training tối tăm mặt mũi. Cứ nhằm vào thứ bảy, chủ nhật mà đi công tác. Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, rồi cả Singapore, Philippines… Không có thời gian nghĩ ngơi tôi phờ phạc cả người. Cứ thế, tôi chới với giữa cái công ty ngu xuẩn bên kia và cái công ty khốn nạn bên này. Chịu đựng. Phải tập thích nghi. Cuộc sống này, nếu một giây ngừng phấn đấu… Tiếng cười bùng lên làm tôi giật mình. Lại điệp khúc cũ “xúc tép nuôi cò…” Anh Hai chỉ tay về phía tôi trêu Lữ. Tôi thấy Lữ trầm ngâm rồi chầm chậm gật gù:

– Thì hồi đó tao cũng nghĩ đơn giản, ừ… nuôi thì nuôi. Nhưng bây giờ mới biết hình như… không phải cò mày ạ.

Anh Hai nuốt vội ngụm cà phê cười phá lên suýt sặc:

– A…A … có nghĩa là mày nuôi nhằm … khủng long bạo chúa.

Tôi hất mái tóc ngúng nguẩy:

– Em chỉ có bốn lăm cân.

Bốn lăm cân là con số lý tưởng mà tôi cầm cự. Tôi không thuộc loại chân dài, tôi biết, nhưng tôi cũng biết mình có lợi thế với vóc dáng nho nhỏ xinh xinh, đầy nữ tính. Đi bên

Đăng anh vẫn phải cúi xuống nhìn tôi. Ơi, Đăng… Đăng…

Lanh canh… lanh canh…

Gió lại lùa vào những đồng xu… Gió nữa. Hai mặt của đồng xu lại xoay tròn xoay tròn lấp lánh nắng. Đầu óc tôi cũng xoay tròn… xoay tròn… Đăng… Đăng…

Lại những con đường Phú Mỹ Hưng ngút ngát bóng cây. Lại vòng tay quàng ngang lưng anh thân thiết. Tôi xiết chặt tay chút nữa. Bao lâu rồi chúng tôi không gặp nhau. Cả hai ngụp lặn trong công việc riêng tư, cố ngoi lên trong môi trường mới đầy lạ lẫm và thách thức. Nhiều đêm thấy tên anh sáng lên trên màn hình máy tính, tôi gõ liền mấy chữ: “Đăng ơi, em đây.” Chờ mãi không thấy tín hiệu trả lời. Tin nhắn, điện thoại lúc có lúc không. Ậm ừ rồi tắt máy. Tôi hờn dỗi, rồi thôi. Có lẽ anh đang gặp khó khăn. Công việc không được thuận buồm xuôi gió. Đàn ông cá tính như anh khó mà thú nhận điều này dẫu là với người thân thiết như tôi chăng nữa. Thôi, cứ để anh xoay xở. Tôi biết anh đủ năng lực xoay xở. Như tôi, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy cả thôi. Gần năm bảy tháng trời tôi mớ có cảm tưởng mình lại có anh thực sự. Tôi giữ chặt anh trong vòng tay của mình. Người đàn ông của tôi bản lĩnh tự tin và đầy sức sống..

Chúng tôi lại ra khỏi thành phố hướng về khu đô thị mới nhưng lần này anh không chở tôi đi thăm đất nữa. Anh chạy vòng vòng, chậm rãi, lặng thinh. Trời cuối năm se se lạnh. Tự nhiên tôi rùng mình. Anh đưa tôi vào một quán ăn. Tôi ngơ ngác. Đã về đến Phú Mỹ Hưng sao lại chọn quán này. Tôi bở ngỡ nhìn chỗ ngồi lộ thiên với chiếc bàn gỗ mộc. Anh gọi canh bánh đa cua đồng cười cười bảo thứ này lâu rồi không ăn nên nhớ. Tôi cũng cười. Đổi phong cách đôi khi là một cái thú. Khu phố vắng. Gió lùa vào những hàng cây đen thẩm. Anh đối diện tôi, lơ đễnh rồi đột ngột ngước nhìn tôi:

– Ra năm anh xây nhà ở Hưng Gia. Thằng bạn kiến trúc sư đã vẽ xong bản vẽ.

Tôi giật mình như vừa rơi xuống từ cung trăng, tròn mắt ngơ ngác. Chuyện gì vậy? Giọng Đăng rạch ròi:

– Đến lúc phải ổn định cuộc sống thôi em ạ. Mà em có vẻ thích Phú Mỹ Hưng. Để anh giới thiệu cho, một lô đất đẹp, cách anh mấy căn. Nếu em mua được thì hay lắm. Mình sẽ là hàng xóm của nhau…

Tôi vớt từng cọng bánh đa. Nhai, nuốt. Như một cái máy nhưng phải ăn, ăn cho kỳ hết. Phải nói một cái gì đó, làm một cái gì đó nếu không, tôi đông cứng thành đá mất. Tôi đưa tay với lấy lọ hạt tiêu mặc dù đã cay chảy nước mắt. Môi tôi khó khăn kéo một nét cười nhìn lơ đãng nhưng chiếc xe hơi bóng loáng đậu dọc theo hè phố:

– Rồi anh có tính mua xe?

Đăng cười khẽ:

– Ừ, để xem lại tài chánh đã.

Ngã người, tựa vào thành ghế, Đăng nhìn tôi vớt những cọng bánh cuối cùng. Thu hết can đảm tôi ngước nhìn anh. Hai tia nhìn giao nhau, cái nhìn như cứng lại. Chỉ một thoáng, rất nhanh, Đăng chớp mắt:

– Ngon quá phải không em? Anh cũng còn thòm thèm muốn làm thêm tô nữa.

Rồi anh hạ giọng, những nốt nhạc trầm nhất, da diết nhất:

– Nhưng thôi, em ạ. Chuyện gì cũng vậy. Ta nên rời bàn ăn khi còn muốn ăn thêm

Nên rời bàn ăn khi còn muốn ăn thêm. Ờ… ờ… tình chỉ đẹp những khi còn dang dở… Tôi phản ứng như người mộng du, đứng dậy, gấp chiếc khăn giấy lau một vết bẩn trên ngón út của mình. Ly sôđa uống dở nằm trơ trên chiếc bàn gỗ mộc. Chiếc ghế được đẩy ra nhẹ nhàng. Tôi bước ra đứng bên cạnh Đăng. Một vòng tay ôm xiết lấy bờ vai tôi. Từ từ, từ từ xiết chặt. Tôi có cảm tưởng mình la một khúc cây giá băng chết dần, chết dần từ gốc đến ngọn. Và cuối cùng trong tay Đăng chỉ còn là một khúc cây khô.. Vòng tay ấy lỏng dần ra và một khuôn mặt cúi sát xuống khuôn mặt tôi. Khóe môi nhếch lên. Cái nhếch môi cười của Rhett Butler:

– Những người như anh, như em thì cách gì mình cũng sống được thôi

Đúng. Cách gì tôi cũng sống được thôi. Tôi sóng bước bên Đăng, nghe tiếng giày khua trong đêm vắng. Vững vàng từng tiếng một.

Một tuần sau tôi nhập viện cấp cứu. Đầu óc hoàn toàn tỉnh táo nhưng vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra. Một tuần lễ lao mình vào công việc. Tôi giải quyết công việc sáng suốt nhạy bén đến lạ kỳ. Cái nhìn thán phục của đồng nghiệp, nụ cười hài lòng của cấp trên. Tôi bước vào những shop thời trang. Nào váy, nào giày, nào túi xách… Tôi lượn lờ qua những cửa hàng xe. Kiểu dáng, giá cả… Trên những đường phố thân quen, người ta giăng những đèn hoa màu hồng sen, màu vàng thắm. Gió cuối năm phơi phới niềm vui. Tất cả bùng lên trong tôi một sức sống mãnh liệt, nồng nàn…

Và đêm. Đến lúc phải tắt đèn. Tôi sợ nhất bóng đêm. Không còn gì làm nữa. Thực sự là những đêm trắng. Mắt ráo hoảnh và đầu óc trống rỗng. Một sự trống rỗng lạ lùng. Rồi người phụ nữ xa lạ kia lại theo bóng đêm len lỏi trở về. Một nhan sắc tầm tầm, một tri thức tầm tầm, một cuộc đời tầm tầm nhàn nhạt. Giáo viên dạy văn cấp hai mở lớp dạy thêm lèo tèo mươi đứa học sinh. Tháng tháng đứa nào đóng tiền thì mở sổ ra vạch vào một dấu chéo. Tôi biết gì về chị ta? Biết gì nào? Không, tôi không biết gì hết. Tôi quá chủ quan. Đúng hơn là tôi choáng ngợp bởi hào quang. Tôi bị đẩy quá xa trong ảo vọng. Mơ mộng ư? Trời đất. Ba mươi tuổi rồi. Có sạn trong đầu rồi. Những gì tôi nghĩ tôi làm đều rõ ràng minh bạch. Điểm kỷ lại đi. Tôi mất gì nào? Tôi không mất gì cả. Dễ gì mà tôi chịu mất. Những gì tôi tích lũy còn đó. Vị trí của tôi vững vàng. Cả bản thân tôi nữa. Đừng giở trò cơ chế “xin – cho”. Tôi đầy bản lĩnh và kiêu hãnh. Tôi mất gì nào? Mất gì nào? … Tôi không mất gì cả. Không mất gì cả….

Và sáng hôm đó bỗng dưng tôi khạc một cái. Chuyện gì vậy? Dẫu có nằm mơ tôi cũng không nghĩ được điều này. Nằm trên giường bệnh cắn môi thật chặt tôi biết mình không mơ. Ngoài con bạn thân duy nhất, tôi buộc gia đình cốgiấu kín bệnh tình của tôi. Thiên hạ thật lòng thì ít, soi mói thì nhiều. Rồi thì tha hồ thêu dệt, tha hồ bình luận. Con bạn thân tất tả vào thăm. Nó nhìn tôi, không nói gì cả. Tôi tránh tia nhìn của nó. Một lần tôi nhắc đến Đăng và Rhett Butler. Con bé phá lên cười: “Đã nhìn kỹ chưa? Mày cũng lãng mạn ra phết nhỉ?”

Lanh canh… lanh canh… lanh canh…

Đã nhìn kỹ chưa? Đã nhìn kỹ chưa?… Gió, nhiều gió quá… Tôi nhổm dậy với lấy chiếc áo khoác bước ra ngoài. Nắng đang reo ngoài ngõ vắng. “Em bệnh hoạn gì đâu…” Câu nó đầu môi của Lữ mỗi lần ghé tạt vào bệnh viện thăm tôi. Đêm đầu tiên nhập viện một cô hộ lý đã nhẹ nhàng bảo tôi chuyển phòng, một căn phòng khá tươm tất. Tôi được chuyển về một khu vực mà sự lây nhiễm được xem là an toàn nhất. Nằm cả tuần lễ. Người ta xuất viện về ăn tết gần hết. Phòng ốc vắng hoe. Bác sĩ trưởng khoa, bạn Lữ. Có lẽ vì thế mà tôi bị giữ lại rất lâu, kiên trì làm hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác. Hội chẩn và hội chẩn. Tôi trở thành chai lì trước hai từ “hội chẩn”. Không còn lo lắng, không còn cảm xúc. Hai mươi chín tết rồi. Tôi nằm xuôi tay ngó bức tường màu sơn loang lỗ. Lữ đủng đỉnh bước vào:

– Thôi, về. Y học chịu thua em, cô khủng long bạo chúa.

Gió lại lùa vào lá lao xao.Tôi mỉm cười ngó lên bầu trời trong văn vắt. Tôi nghe như đâu đó có tiếng chuông gió reo lên gởi theo tôi một chuỗi cười xa gần giòn giã… “Để em ngắm và nghe”. Lữ đã bảo tôi như vậy khi nhét cái gói nho nhỏ vào hành lý của tôi. Anh đưa tôi ra bến xe rồi từ đó không thư, không điện thoại, không một lời hỏi thăm nào nữa. Anh phó thác tôi cho cái chuông gió của anh. Ban đầu tôi treo chuông lên vì nó ngồ ngộ, vì không có việc gì làm. Nhưng dần dần tôi đã ngắm và nghe. Tôi theo tiếng chuông bước ra khỏi tôi và ngắm lại mình. Có phải tôi đó không? Tôi là cái gì trong guồng máy quay như điên cuồng đó? Có bao giờ tôi dừng lại một chút, chầm chậm một chút để nghe vang vọng bước chân mình. Như bây giờ đây, tôi đang nghe lạo xạo tiếng lá thông khô. Cuộc sống cũng cần những nốt trầm để mình lắng xuống, những khoảng lặng để thấy mình bình yên. Tôi ngồi xuống một tảng đá bên đường, xòe tay ra nghe từng giọt nắng ngấm vào da thịt. Gió vẫn đuổi nhau hun hút cuối đường. Ngắm và nghe. Tôi nhìn mênh mang trời xanh và nghe đâu đó vọng về một cái tên: Ngô Phong Lữ.

N.T.Y.N