Dọc đường miền Trung – Bút ký của Trần Ngọc Phượng

47

Anh Nhân và chú Phụng mời mình du lịch miền Trung. Trong đoàn có mình, Huynh, Thứ, Tô Minh là lính thời chống Mỹ. Còn anh Nhân, An, Phụng, Ngọc Hùng, Lương là những cựu chiến binh thời chiến tranh biên giới Tây Nam.

Anh em đi xe ô tô từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường Trường Sơn ra Nghệ An, rồi quay về theo đường số 1, thăm các khu di tích lịch sử và các thành phố ven biển. Từ Tân Cảnh Ngọc Hồi, xe bon bon theo đường Trường Sơn mới mở, hai bên là những cánh rừng xanh ngắt. Thỉnh thoảng bắt gặp các bản làng và những con đường mòn vào rừng lên núi. Trong kháng chiến, chúng tôi phải vượt Trường Sơn hơn 4 tháng trời, không nhớ nổi phải qua bao đèo, bao suối, vượt qua bao thác ghềnh nguy hiểm, chịu bao nhiêu bom đạn để vào đến nơi tập kết ở Bà Rá, Phước Long. Lòng ai cũng rưng rưng theo những bài ca Trường Sơn mà cậu lái xe mở trong băng nhạc:

“Ta vượt lên đỉnh núi cao Trường Sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn.”

Những đoàn quân nối tiếp nhau như dòng thác chảy, hành quân trong mưa bom bão đạn, trong đói ăn thiếu thốn cùng cực.

(“Lại hiện về thẳm thẳm núi non kia
Dưới lá là rừng là tăng là võng
Là cơn sốt rét rừng vàng bủng
Là muỗi vắt bom mìn, vực sâu đèo cao”

  • Thơ Nguyễn Duy)

Con đường đi bộ dài dằng dặc 4 tháng ấy, nay đi xe hơn một ngày chúng tôi đã đến Nghệ An.

Ngày tiếp theo, sau khi về thăm quê Bác, cả đoàn đến thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Mình vào Nam năm 65, đi qua những cung đường khu 4 ác liệt, gặp biết bao các cô thanh niên xung phong trẻ măng bám trụ mở đường. Trong bom rơi pháo sáng không nhìn rõ mặt, chỉ nghe tiếng nói cười ríu rít của các em. Chúng mình chỉ đi qua một lần, còn các em phải bám trụ sống chết ngày đêm ở các trọng điểm, như ngọn đèn đứng gác, ngọn đèn không bao giờ được tắt. Mình cũng đã nhiều lần đến thăm mộ mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng lần này, mình thấy trên mộ các cô ngoài hương hoa, nhiều bạn trẻ đặt thêm gương lược, dầu thơm. Các cô hy sinh khi còn quá trẻ. Hồi đó những thứ này làm gì có, mỗi tháng chỉ được cấp nửa cục xà phòng, đen cứng như đá.

Mắt em nhìn trong veo đến vậy
Tuổi hai mươi trẻ mãi đến mai sau
Trên mộ em vẫn góc riêng con gái
Có dầu thơm gương lược chải đầu.

Sau giải phóng, trở về đời thường, tuổi xuân lỡ làng, mang theo bệnh sốt rét, chất độc da cam, có cô tự kiếm cho mình đứa con, rồi lại quây quần với nhau bên “Bến không chồng”, có cô tìm về cửa Phật Nam mô Di Đà.

Đèo Ngang bây giờ đã có đường hầm, nhưng anh em chúng tôi vẫn muốn vượt đèo bằng con đường cũ để thưởng thức phong cảnh, ngâm nga câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà…”

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, ở vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến, cách Đèo Ngang khoảng 10 km, thuộc xã Quảng Đông, đâm ngang ra biển. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi an nghỉ của Người có thế núi hùng vĩ, có vùng biển bình yên thoáng đãng:

“Đèo Ngang mây bay lồng gió
Vũng Chùa sóng vỗ hiền hòa
Nằm giữa hai miền đất nước
Dang tay ôm dải sơn hà.”

Hàng ngày trên đường vào Nam ra Bắc, nhiều đoàn người vào đây viếng Người, cầu mong Người linh thiêng phù hộ cho quốc thái, truyền thêm sức mạnh cho toàn dân đập tan quân bành trướng xâm lược.

Đến thăm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và cuộc đấu tranh 21 năm (1954-1975) với biết bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống để giành độc lập, thống nhất đất nước.

“Một cây cầu
Ngăn giữa hai màu sơn
Như nhát dao
Cắt đôi khúc ruột
Hai mươi mốt năm
Chia lìa đất nước
Chia cả vợ chồng
Chia cả cha con
Nắm đất Cà Mau
Mẹ gửi ra đất Bắc
Đường Trường Sơn
Dằng dặc khúc quân hành
Bao máu xương
Thành sông, thành núi
Để nối liền khúc ruột yêu thương.”

Anh em chúng tôi xuống xe đi bộ qua cầu dài 183 m, chụp ảnh bắt tay nhau giữa cây cầu, nơi ngăn cách bởi hai màu sơn. Nơi đây đã được xây dựng thành cụm di tích lịch sử. Phía bắc có nhà liên hợp, hệ thống loa, và nổi bật là cột cờ Hiền Lương cao hơn 28m. Phía nam có “Nhà trưng bày vĩ tuyến 17” và cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, trong đó có tượng đài Bà Mẹ miền Nam và người con trai thể hiện niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam vào ngày chiến thắng thống nhất đất nước. Đến đây để không quên một giai đoạn lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc.

Đến Nghĩa trang Trường Sơn vào chiều ảm đạm. Đây là nghĩa trang quốc gia rộng hơn 38ha, nằm trên 3 quả đồi thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị, quy tập hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ. Các anh nằm đây không theo đội hình đơn vị mà được sắp xếp theo tên tỉnh, tên thành. Từng khu vực có nhà tưởng niệm được thiết kế theo biểu tượng của quê hương. Tôi bỗng nhớ những năm tháng chiến tranh không thể nào quên được. Cả miền Bắc sục sôi phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Từng làng xã thi đua cam kết “Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người.” Trong ngày giao quân, những người mẹ không cầm được nước mắt nhìn những đứa con của mình, mặt còn búng hơi sữa, háo hức lên đường nhập ngũ. Mẹ chạy theo nhét thêm vào ba lô của con nắm xôi, quả trứng luộc, hộp dầu, cố dặn dò thêm lần cuối. Có lẽ chỉ có trái tim người mẹ, người vợ mới linh cảm, thấm thía hết nỗi đau của chia ly, mất mát này. Khi đang nén nhang, chúng tôi bỗng nghe tiếng tắc kè kêu. Trong rừng mỗi lần nghe như vậy, anh em lại nói đùa với nhau: “Sắp về, sắp về…”. Hai tiếng “sắp về” thắp lên bao hy vọng, khát khao từ Mậu Thân 68, từ Hiệp định Paris năm 73 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh tưởng như sắp tới, nhưng rồi biết bao đồng đội mãi mãi không thực hiện được.

“Đồng đội bao người không ‘về tới’ như anh
Nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa
Tất cả họ, suốt một thời máu lửa
Đều ước ao thật giản dị: sắp về…”
(Nguyễn Duy)

Chúng tôi đến đây trong những ngày mà Formosa vừa đầu độc biển ở Hà Tĩnh, tàu Hải Dương Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, khoan dò dầu khí trái phép trên lãnh hải của nước ta:

“Đất nước hòa bình
Nhưng nào đã bình yên
Giặc nội xâm, ngoại xâm tàn phá
Anh nằm đây có phút nào
Sóng biển động rung chuyển chỗ anh nằm
Hương khói bay lồng lộng gió ngàn
Đang bật dậy những linh hồn bất tử.”

Đến thăm Thành Cổ Quảng Trị, lòng ai cũng nghẹn ngào. Mảnh đất này chỉ rộng 16ha, nhưng là nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt nhất trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thành Cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ thành trì cuối cùng trên miền Bắc, trước khi đất nước tiến đến thống nhất.

“Mỗi tấc đất ngấm vào máu thịt
Mỗi tấc đất thấm đẫm hồn thiêng
Mười ba mươi mốt mảnh đạn xuyên
Thành Cổ mảnh trăng máu lửa”

Những dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị, là nơi nhiều chiến sĩ trẻ đã hy sinh khi băng qua để giữ vững thành phố này. Mỗi khi chúng tôi đứng trước dòng sông, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập, chúng tôi lại nghĩ về sự bình yên mà họ đã dành cho thế hệ sau.

Chuyến đi qua miền Trung khép lại, lòng chúng tôi trĩu nặng cảm xúc về những ngày tháng oanh liệt của dân tộc. Nhưng cũng chính từ những chuyến đi như vậy, chúng tôi càng thấy rõ giá trị của hòa bình và tự do mà các thế hệ trước đã chiến đấu và hy sinh để gìn giữ.

Trần Ngọc Phượng