Đọc tác phẩm Thao thức đợi trăng

1122

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thật ấn tượng khi tôi được nhà thơ Nguyễn Thắng tặng tập thơ Thao thức đợi trăng (NXB Hội Nhà văn, 2017) trong một buổi sinh hoạt tại CLB Lục bát Đất phương Nam với bút danh Trọng Nhân Nghĩa. Anh là hội viên HNV TPHCM, đang phục vụ trong quân đội. Cái bút danh như một tuyên ngôn đanh gọn về đạo đức xã hội gióng lên giữa thời đại @ cho thấy lập trường kiên định của nhà thơ về truyền thống đạo đức của dân tộc. Tập thơ ngót nghét 180 trang, đủ các thể loại, nhưng chủ yếu là những vần lục bát ngọt ngào, chân chất, thấm đượm hồn Việt.

Tập thơ Thao thức đợi trăng

Robert Frost (một nhà thơ Mỹ) nói: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”.

Lật đọc từng trang Thao thức đợi trăng, tôi nhận ra rằng, thơ Trọng Nhân Nghĩa là một tập hợp những cảm xúc bất tận trong một tâm hồn thơ da diết, mỗi thời khắc anh sống là mỗi thời khắc ý thơ dồn nén trong suy nghĩ để rồi khi anh ngồi vào bàn viết là lúc những âm vọng ấy “phát tiết” ra ngoài thành vần thành điệu.

Tại sao lại là “Thao thức đợi trăng”? Phải chăng nhà thơ hằng đêm thao thức mơ về một non sông tươi đẹp, thao thức về giấc mơ tình yêu son sắt vẹn nguyên, thao thức cho khát vọng hạnh phúc canh cánh bên lòng, tất cả đẹp như vầng trăng vằng vặc sáng tỏ trên bầu trời cao thẳm. Nhà thơ dành hết tinh túy thơ ca cho Em, nhân vật trữ tình của mình ôm ấp mộng đẹp:

“Em mơ mớ ngóng trăng lên
Vầng trăng mười tám đôi mươi
Đang tràn đầy nhựa sống
Các vầng trăng non…”
(Đợi trăng)

Vầng trăng trong ước mơ anh là vầng trăng lung linh, rạng ngời những hy vọng, tròn vành vạnh trên bầu trời tự do, ngay cả nơi góc biển chân mây xa thẳm của biên cương:

Từ Hoàng sa đổ bóng xuống Trường Sa
Trăng soi tỏ bóng hình tổ quốc.

Vầng trăng là nhân chứng cho sự khẳng định chủ quyền biển đảo yêu thương mà một người lính như anh có trách nhiệm gìn giữ. Thật lãng mạn đáng yêu khi Trọng Nhân Nghĩa tưởng tượng ví von dáng hình người mình yêu là dáng hình tổ quốc, để anh bảo vệ, gìn giữ và yêu thương:

Vai thon tha thướt dáng em
Tóc đen dài, xõa dịu êm, nết người…

hay là:

Tình sâu nghĩa nặng bao nhiêu
Hình em tổ quốc sớm chiều anh mong
(Dáng em hình tổ quốc)

Chủ đề muôn thuở trong thơ là tình yêu. Tình yêu trong thơ Trọng Nhân Nghĩ không diễn tả những nỗi buồn, những khắc khoải phân ly, những đợi chờ sầu muộn. Thơ tình Trọng Nhân Nghĩ cũng hồn nhiên rộn rã như thơ xuân của anh. Đầu tiên là nỗi đợi chờ:

Về thôi, ngủ giữa sao đêm
Hình em hiện rõ giữa miền đắm say.
(Ngủ giữa sao đêm)

Thật dễ thương, đợi người yêu hay là người trong mộng chưa về qua lối ấy, chàng thẩn thơ và tự nhủ với lòng, tự an ủi sẽ gặp nàng trong giấc mộng đắm say. Tình yêu của Trọng Nhân Nghĩ, cũng như bao chàng thư sinh khác, ý tình gieo hạt từ thời còn cắp sách:

Tình yêu từ thuở mực loang
Còn in kí ức chùa làng, bóng si…

Họ hẹn hò và giao ước, dấu chân hò hẹn đã in khắp các nẻo đi về trong thôn xóm, thế nhưng chàng trai vụng về quá:

Khất em một nhánh cỏ hoa
Tươi trong nắng sớm chói lòa bình minh.

Tôi hiểu vì sao như vậy, chàng còn xây đắp mộng đời, chàng hứa hẹn với nàng một tương lai tươi sáng mà nguyện ước chưa thành nên trong dạ cứ lần lửa ngày qua tháng lại. Chắc ai kia cứ đợi cứ chờ. Và, cũng thật đáng yêu, chàng trai khờ khạo Trọng Nhân Nghĩ hết khất lại mượn:

Mượn em một chút mơ màng
Ta xâu sợi nhớ chỉ hồng giậu thưa
Mượn em phút ướt đẫm mưa
Ta làm sợi nắng hong khô tình đầu

Tôi liên tưởng đến hai câu lục bát của nhà thơ Du Tử Lê: “tóc người chảy suốt cơn mưa/ ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về”. Có cái gì đó gặp gỡ, dù tôi nghĩ Trọng Nhân Nghĩ chưa hẳn đã đọc hai câu thơ này. Đó là giao điểm của thơ tình của thi nhân dù họ cách xa bao thế hệ. Nhà thơ Trọng Nhân Nghĩ của chúng ta yêu em vụng về như thế nên:

Bây giờ đứng trước chơi vơi
Níu tình ru mộng ta bơi kiếm tìm
Để thực sự rơi vào nỗi cô đơn khi:
Phố buồn còn lại mình tôi
Đêm ngơ ngẫn nhấm trăng trôi bên thềm
(Trăng Đà Lạt)

Trăng cứ trôi và thi nhân vẫn đợi. Trăng sẽ mang về hạnh phúc cho nhà thơ, tôi tin như thế. Bởi trăng luôn là nhân chứng cho bao mối tình sắc son, vẹn nguyên chung thủy. Ở một nơi xa nào đó, nàng cũng ngước đầu ngắm trăng và thấu tỏ nỗi lòng người yêu nơi viễn xứ. Tôi bất chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Du Tử Lê: Tôi ngồi trong nỗi tôi riêng/ bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời/ phòng tôi trần thiết gương người/ tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa.

Hình như, tình yêu của một nhà thơ lớn hay một chàng trai khờ khạo đều có một điểm chung là nỗi đợi chờ, nhớ nhung và nỗi cô đơn khi người yêu xa vắng. Thật là thú vị.

Và rồi, sau bao trằn trọc đợi chờ, hạnh phúc đã đến với chàng thi sĩ đáng yêu:

Nhoáng nhoàng đã cạn một ngày
Chỉ ăn và nghỉ mà ngây dại người
(Ngày bên em)

Hay là:
Chắt chiu đồn ngọt lên môi
Để nhâm nhi phút ngậy bùi bên nhau.

Tôi không thể không dừng chân đôi phút để nói về thi ngôn đắt địa mà nhà thơ đã chắc lọc để sử dụng, tức là đã “tìm ra lời cho suy nghĩ” và thơ ra đời. Chỉ ăn và nghỉ thôi mà sung sướng đến “ngây dại người” cho ta hình dung niềm hạnh phúc vô biên, hạnh phúc đến khờ khạo khi được sống bên nhau với thời gian hiếm hoi của người lính. Lại nữa, nhà thơ “nhâm nhi phút ngậy bùi bên nhau”. Ôi tôi không thể nào diễn tả được đúng cái chất của câu thơ, cái phút “ngậy bùi” đó nó ra làm sao, tôi chỉ thấy họ đang âu yếm quấn quýt bên nhau trong nỗi hân hoan tột cùng của tình yêu xa vắng lâu nay bây giờ gặp lại. Đó là khi họ về với nhau, còn khi chàng trai trở về đơn vị thì sao:

Hai đầu dây, một mối tình
Đã nhen cho lửa cháy thành tiếng yêu
(phone cho em)

Hay là:
Thơ tình mấy khúc ru hoang
Đốt đêm thành giọt nắng tràn tuổi yêu

Có thể nói, khi yêu, người ta có thể tưởng tượng ra những gì đẹp đẻ nhất để tô vẽ cho mối tình đắm say của mình, có thể nói, nhà thơ Trọng Nhân Nghĩ cũng là một chiến binh của tình yêu…

Thơ Thân Nhân Nghĩ còn là một khu vườn rực rỡ với trăm ngàn bông hoa nở thắm giữa mùa xuân, những bâng khuâng man mác của mùa thu lá rụng.Tôi bắt gặp một chuổi xuân trong TTĐT: xuân xanh, xuân mộng, xuân hồng, xuân rộn rã ngay từ những bài đầu của tập thơ. Phải chăng thơ ra đời cùng những khát vọng ủ men từ thời hoa niên đẹp đẽ. Ta hãy lắng nghe và chiêm ngưỡng xuân của một chàng trai luôn mong ngóng một ngày trở về bên mái nhà xưa, nơi đó, có lẽ nàng đang trông đợi:

Hương thơm còn đợi sang canh
mà xuân đã đến gọi anh quay về
(xuân về. tr 21)

Và khi xuân về là xuân gieo tràn trề hy vọng cho đôi tình nhân kia:

Xuân về gieo mối tình đầu
Gieo câu hát dặm, gieo màu biếc xanh
(xuân gieo. Tr 27)

Mỗi khúc xuân đều có một nét mới lạ, rộn ràng và theo tôi nghĩ, với tâm thế yêu đời, bình an và tự tin lắm mới viết được nhiều bài thơ xuân như thế.

Mùa thu trong thơ Trọng Nhân Nghĩ man man diệu vợi khi tác giả chạm khắc bóng hình tình yêu dại khờ mà đầy dấu yêu, từ thuở họ còn chung bước dưới bóng tre làng. Đẹp quá:

Chạm vào nỗi nhớ mùa thu
Tiếng chim cu gáy gật gù bóng tre

Nhà thơ thủ thỉ kể cho ta nghe:

Hẹn hò nhau đẫm cả chiều
Bóng hình theo đám mây liều bay ngang…
.
Mà lạ chưa, nhà thơ còn túm được cả ngọn heo may nữa:

Nắm tay túm ngọn heo may
Thu đi qua phố chiều say dập dềnh

Hoặc là hờn dỗi với cả thu vàng với những con gió heo may nhè nhẹ:

Thôi thì em hãy cứ xinh
Đê mê con mắt lặng thinh thu vàng

Trong suốt tập thơ, tôi còn bắt gặp vô số những địa danh nhà thơ đã đi qua, mà mỗi dấu chân anh để lại luôn có một bóng hình thiếu nữ, dù đó là hình ảnh một cô bạn thân, dù đó là một vương vấn thoáng qua khi ánh mắt thi nhân chạm bờ vai gầy, màu mắt biếc, son môi hồng trên khắp các nẻo đường đất nước. Những câu thơ ý vị, không tham lam câu chữ để bộc bạch tỏ tình, mà là những thoáng bâng khuâng tiếc nhớ vời vợi một thời nhà thơ đã sống. Tất cả nhẹ nhàng và êm đếm, đẹp như tình yêu trong thơ tình của nhà thơ Đinh Trầm Ca: “Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ /Nghiêng nghiêng suối tóc xõa bờ vai ngoan/ Lòng tôi nghiêng một suối đàn/ Xôn xao hoa lá, nồng nàn âm thanh…”.

Hành trình của Thao thức đợi trăng, theo tôi nghĩ, là cuộc dạo chơi của khát vọng, đam mê thi ca, là tìm tòi tự khẳng định mình của một nhà thơ trẻ, biết sống đẹp, yêu với tình yêu nồng thắm mà cao thượng. Thi ngôn mộc mạc mà dung dị, tạo ra một nét riêng cho thơ Trọng Nhân Nghĩ. Chúc nhà thơ vươn tới một chân trời rực rỡ và rộng mở hơn, đời thơ của Trọng Nhân Nghĩ còn dài lắm, và Thao thức đợi trăng chỉ là bước khởi đầu.

Bà Rịa, 31/3/2020

N.B