13.3.2018-10:15
Nhà văn Duy Bằng
Người đàn bà xa xứ
(Kỳ 1)
TRUYỆN CỦA DUY BẰNG
I.
NVTPHCM- Không ai rõ bà tên gì và bao nhiêu tuổi, nhưng biết bà người châu Á, vì mũi tẹt da vàng. Tóc bà lốm đốm muối tiêu.
Bà không son phấn nên trông già đi trước tuổi, nhưng khỏe mạnh và lanh lợi. Nhờ có chút heo may của thời tiết làm da mặt bà căng lên hồng hào, tuy vẫn không lấp hết được vết nhăn khắc khổ của thời gian.
Hàng ngày bà ngồi trên vỉa hè phố người Hoa đường Dundas Street và Spadina Avenue. Khu dành bán hàng lặt vặt và quà lưu niệm tại trung tâm thành phố Toronto. Trên đường ngắn ấy những nhà mặt tiền được mở cửa kinh doanh bán lẻ, phục vụ khách du lịch. Ở giữa chừa một lối cho người đi lại và mua sắm. Bà ngồi gần ngã tư, ngoảnh lưng ra đại lộ, trở mặt về hướng khách bộ hành.
Trước mặt bà để mấy bó rau thơm. Tôi thấy ngày nào cũng vậy, chỉ có khách châu Á thỉnh thoảng nhìn bà bâng quơ. Còn những ông Tây bà Đầm chẳng thấy ai hỏi bà một câu. Họ vừa dắt tay nhau nói chuyện vô tư vui vẻ. Có người nhìn bà nở nụ cười thông cảm. Ở tuổi ấy, người mới nhập cư ngoài 65 có tiền trợ cấp của chính phủ. Nếu họ phải thuê nhà ở, đồng tiền còn lại không dư giả, nhưng đủ sống. Sao tuổi này bà còn lăn lộn bán buôn vất vả, mớ rau chẳng đáng bao nhiêu tiền lời.
Tôi thầm nghĩ, ở nhà con cái bận rộn đi làm, bà cô đơn nên tới đây tìm nguồn vui chốn đông người. Thấy khách châu Á đi qua, bà phân biệt rất gỏi người Hàn, Thái Lan, Trung Quốc. Nếu người Việt bà để ý từ thanh niên, đến người già.
Tuy không mặn mà với khách mua rau nhưng về chiều, hàng bà vẫn bán hết.
Trời vừa bước sang thu, những đám mây vảy cá nhè nhẹ từ biển trôi về đất liền. Gió se lạnh. Nắng hanh heo mơ hồ làm cho con người dễ chịu. Mấy con chim bồ câu ngây thơ chăm chỉ tìm ăn trên đường, có ai ném miếng bánh, chúng tập trung tranh nhau. Nếu trẻ con nô đuổi, chúng giãn ra đâu đó rồi quay lại tìm ăn.
Trời có nắng, nhưng nhờ gió, du khách không cần đội nón. Đoàn người đi như trôi trên đường. Khách ba lô, nào da đen, da trắng, da vàng, nói đủ thứ tiếng trên thế giới, đa số dùng tiếng địa phương của họ. Tôi nghe như tiếng chim. Vỉa hè không rộng lắm nhưng đủ chỗ cho khách du ngoạn và mua sắm.
Bên đường hàng hóa bày la liệt đủ thứ, nào xoài, táo, cam, ổi… Quà lưu niệm, móc chìa khóa, đồ chơi trẻ con… Nơi du lịch, những mặt hàng giá cả dễ chịu, áo thun đủ các kiểu dáng, màu sắc tha hồ khách lựa chọn, chất lượng không nỗi nào, nếu ai muốn mua thứ đắt tiền vẫn có.
Mọi món quà đều in dòng chữ Canada, hay thác Niagra. (Nơi địa danh du lịch nổi tiếng thế giới). Trái cây có loại trồng ở địa phương, có loại nhập từ Mỹ và một số từ châu Á vào.
Khu phố này người đông nghẹt ồn ào vào những ngày nghỉ. Bà ngồi một mình. Tôi lân la đến gần hỏi chuyện:
– Thưa bác! Bác người Việt Nam?
Nghe nói tiếng Việt, mắt bà sáng nhìn tôi tình cảm và nở nụ cười đôn hậu. Bà cở 65 tuổi, mặc chiếc áo mùa thu màu nâu, cổ quấn khăn rằn, tóc cắt ngắn ngang vai, tôi đoán bà người miền Tây Nam Bộ.
Có lẽ ít lần được gặp người quen chia sẻ, bà nhìn tôi niềm nở:
– Tôi và ông nhà sang đây hơn hai chục năm và có với nhau một đứa con gái sinh bên này. Vợ chồng thuê một căn hộ để trú thân.
Ông bảo sang đây buồn, không cùng ngôn ngữ, không cùng văn hóa, không bạn bè, không gì vui bằng quê hương.
Tôi hỏi lại:
– Thế bác để ông ở nhà một mình?
Để tôi kể cháu nghe:
– Tôi chưa kịp chuẩn bị gì cả, ông đã mua vé máy bay về nước. Ông bảo đi ba tháng thăm bà con nội ngoại rồi trở lại. Cản mãi không được, con nói cũng không nghe, tôi bực mình không can thiệp nữa.
Vợ chồng chúng tôi chỉ sinh một bé gái nên ông thương con lắm. Lúc còn nhỏ cha con quấn quýt suốt ngày. Học xong con đi làm lo cho cuộc sống tự lập. Xứ này, trẻ trên mười tám tuổi có quyền ra ở riêng, cha mẹ không quản lý được nữa, con tôi cũng nằm trong trường hợp ấy.
Nó học với Tây, mang bản sắc văn hóa Tây, nói tiếng Tây. Bé đi làm một thời gian vì ở riêng rồi bị bạn bè quyến rũ. Thật buồn cháu ạ, nó cặp bồ với anh chàng người Canada.
Cha mẹ khuyên nhủ mấy vẫn không nghe. Nó chung sống với nhau và sinh đứa bé gái. Hạnh phúc chưa được bao lâu, hai đứa mâu thuẫn rồi chia tay.
Một mình mẹ nuôi con tội nghiệp, đứa cháu bụ bẫm xinh như búp bê. Tôi bảo để con ở nhà ngoại trông cho. Nhưng vì thương con nên lâu lâu mới đưa cháu về với bà mấy bữa. Cũng vì thế ông nhà tôi càng ngày càng buồn hơn.
Lớp trẻ sau này đều mất gốc hết, bé Phượng (con bà) lúc ở với ba má, tôi dạy nó nói tiếng Viêt. Năm lên sáu nó lém lỉnh không khác gì bé sống ở Việt Nam. Cháu học đến lớp tám, tiếng Việt bắt đầu quên dần, về nhà tôi và ông kiên quyết bắt nói tiếng mẹ đẻ.
Không biết ai bày nó, lúc ông cáu lên, đánh nhẹ một roi, nó đòi gọi điện thoại báo cảnh sát bắt ông, cháu thấy có buồn không! Từ đó ông bực mình chỉ khuyên nhủ nó bằng lời.
Ở Việt Nam quen rồi, các cụ thường bảo: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”, bên này khác lắm cháu ạ.
Bà dừng một lát, như nhớ điều gì đó, rồi kể tiếp:
– Thế hệ trẻ sau này mất gốc hết, đứa cháu ngoại chẳng biết nói tiếng Việt, ở với mẹ nói toàn tiếng Anh, vì thế tình cảm bà cháu có phần nhạt nhẽo. Nó nói nhiều câu tôi không hiểu và ngược lại tôi nói nó ú a ú ớ.
– Cháu thấy sống ở nước ngoài mình chưa quen, nhiều cái còn bỡ ngỡ.
Ngừng một lúc tôi tò mò hỏi thêm:
– Thưa bác, ông về Việt Nam đã lâu chưa? Sao bác không cùng đi một chuyến với bác trai cho vui.
– Bây giờ tôi hưởng trợ cấp chính phủ, còn ông được nhận thêm tiền hưu, nhưng trả tiền thuê nhà và các khoản chi phí khác có dư cũng chẳng nhiều. Thỉnh thoảng tôi còn cho mẹ con Phượng một ít tiền để thêm vào nuôi cháu.
Lâu ngày về Việt Nam, mang tiếng Việt Kiều phải rộng rãi với bạn bè. Họ hàng gần gũi, nghe nói người nước ngoài về bà con mình mừng lắm. Từ miền Tây đánh xe ra sân bay Tân Sơn Nhất đón, nếu xử sự vụng, họ cho mình là kẻ keo kiệt. Tôi có ý định sang năm hai người cùng bay một chuyến.
“Cóc chết còn quay đầu về núi”, con người làm sao quên được Tổ tông. Tôi nhớ bạn bè, nhớ từ thuở tóc còn để chỏm, nhớ ngày mình trần lấm lem bùn đất, nhớ ngày chèo xuồng trên con rạch nhỏ chở đầy trái cây ra chợ bán. Bây giờ chẳng hay bạn bè ai đi lấy chồng xa, cuộc sống thế nào, đường sá nhà cửa chắc thay đổi nhiều.
Kể đến đây bà ngừng lại xúc động. Tôi hỏi tiếp:
– Sao bác không liên lạc điện thoại về hỏi thăm?
– Ba tháng trước, ông thường phone về nhà, sau đó không thấy ông gọi nữa. Tôi gọi, ông không bắt máy. Con cháu tư vấn, tôi dùng điện thoại bạn gọi ông vẫn không trả lời.
Thời sự Việt Nam tối nào chẳng đưa tin tại nạn giao thông nghê gớm, ngày nào cũng xảy ra vụ chết người. Rồi nạn cướp giật xì ke ma túy, chém giết lẫn nhau. Người mình ham tiền bất nhân, sản xuất và bán thực phẩm bẩn. Trái cây rẻ Trung Quốc tẩm hóa chất bảo quản độc hại nhập lậu tuồn sang Việt Nam. Vì thế ung thư dân mình chiếm tỷ lệ nhất nhì thế giới.
Đến đây bà dừng lại, tôi thật thà kể thêm tin đọc được trên mạng xã hội:
– Con gái Miền Tây mới lớn da trắng tươi, đẹp phây phây học đòi, vô nghề nghiệp, đứng vỉa hè chào hàng đầy rẫy buổi tối, có cung ắt có cầu làm sao cấm được. Nghe tôi nói vậy, bà giành lời:
– Cháu nghĩ xem, người đàn bà tính hay lo, làm sao tôi yên tâm. Có lần tôi nhận được tin người quen cho biết, sau ba tháng ông đã rời Tiền Giang. Tôi chờ mãi không thấy, lại càng lo thêm. Vì thế tôi mới ra đây vừa vui và lân la may ra gặp người Việt cùng quê đi du lịch để hỏi tin tức.
Bà vừa kể vừa nhìn xuống, mấy giọt nước mắt lăn trên gò má trông thật tội nghiệp. Bà lặng thinh một chốc rồi tiếp:
– Tôi nói nhiều mà quên hỏi cháu tên gì, quê ở đâu, du lịch hay du học sinh, hay người Việt sang định cư bên này.
– Dạ! Cháu tên Hòa quê Mỹ Tho, Tiền Giang. Cháu là du học sinh và chuẩn bị thi, tốt nghiệp xong cháu về nước.
– Thế là bác cháu đồng hương gần gũi nhau quá.
Nghe bà nói tôi càng đồng cảm và tò mò muốn tìm hiều thêm cuộc sống bên này. Bà nhỏ nhẹ:
– Tôi tên Mai quê thị trấn Cai Lậy Tiền Giang, chục năm nay tôi không về. Bây giờ chẳng biết có thay đổi địa danh, khi về nước anh tạt qua và hỏi thăm hộ tin tức ông nhà tôi.
– Dạ khi trở về cháu sẽ đến Cai Lậy vừa đi chơi ngắm phong cảnh quê hương và hỏi thăm hộ bác.
– Ông nhà tôi tên Hoàng, ai cũng biết.
– Dạ thưa bác, ông nhà đi lâu rồi, lớp đồng niên còn ai đó nữa không?
– Thường con trai lớn lên về Sài Gòn hay đi tứ xứ làm ăn, trẻ mới lớn chắc gì đã biết.
Bà suy nghĩ một lúc, tôi nhìn rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn bà khắc khổ.
Gió thu cuốn mấy sợi tóc trước trán bay bay và lật chiếc khăn rằn bà quấn không chặt. Bà lấy tay tém tóc và chậm rãi thắt chiếc khăn lại.
– Ừ, tôi đi lâu và ở xa nên nhớ sao nói vậy.
– Thưa bác, bốn năm rồi chưa về, cháu cũng có người bạn gái quê Tiền Giang, quen cô ta thời sinh viên ở Sài Gòn. Sau một năm du học, cháu không nhận được tin tức gì nữa. Con gái bây giờ có lối sống thực dụng và hiện đại. Các cô cần nhiều tiền để ăn chơi, gặp được đại gia, dù ông già có vợ vẫn lao vào như con thiêu thân.
Nghe tôi nói câu này bà giành lời:
– Ông nhà tôi mang tiếng Việt Kiều nhưng đâu có nhiều tiền để con gái bám. Sống với ông mấy chục năm, tôi biết ông không có tính trăng hoa, mèo mả gà đồng.
– Xin lỗi bác, cháu nói chung vậy thôi, bác đừng lo quá. Hòa biết mình nói không duyên chạm đến vết buồn của bà.
Hòa ân hận vội đứng dậy:
– Cháu xin lỗi bác.
Trời đã chiều. Nắng chênh chếch xuyên qua hàng rào, hàng cây bên đường. Gió lành lạnh hơn.
– Xin phép bác cháu về.
– Gặp cháu bác mừng lắm, nếu chưa trở lại Việt Nam nhớ nghé nhà bác chơi nghen.
Bà móc trong túi ra mảnh giấy ghi lại địa chỉ nhà và số điện thoại đưa cho Hòa. Hòa cầm mảnh giấy đọc kĩ:
– Thưa bác, sắp xếp công việc nhất định cháu ghé thăm bác.
– Trước khi tới, cháu gọi điện thoại cho bác, và nhớ đến ngày thứ bảy hay chủ nhật là tốt nhất.
Đêm ấy Hòa nằm trong kí túc xá sinh viên không thể nào ngủ được. Việt Kiều mình sống ở đất khách quê người kinh tế không nỗi nào nhưng tình cảm thiếu thốn. Về già họ nhớ quê hương, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn…
(Trích từ Những thăng trầm của người Việt trên nước bạn, NXB Hội Nhà văn 2017)
>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC