Giọt chiều cay đắng – Truyện ngắn Hoàng Phương Nhâm

650

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Căn phòng tranh tối tranh sáng. Một người đàn ông nằm co quắp trên giường trải đệm ga màu vàng nhạt có điểm những bông hồng màu vàng đậm. Không thấy nhịp thở. Trông ông ta như kẻ chết rồi. Gương mặt ông ta thì khác. Một gương mặt vuông vức sáng sủa sống mũi thẳng miệng rộng và vầng trán cao. Vẻ hồng hào dần trở lại trên gương mặt vừa có nét đau buồn lại vừa có nét thoả mãn nấp dưới vẻ buồn đau mất mát ấy.

Ông Cân đứng bên cạnh giường lặng lẽ ngắm nhìn người đàn ông. Ông không hiểu tại sao người đàn ông này lại nằm trên giường của vợ chồng ông. Nằm trên chiếc giường mà vợ ông đã mất khá nhiều công phu tiền bạc để mua sắm và trang trí khi vợ ông nghe mấy cô ở văn phòng Uỷ ban huyện “tham mưu” tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày cưới của vợ chồng ông. Khi ấy ông mới được cử giữ chức phó Bí thư huyện uỷ kiêm Chủ tịch huyện. Mà sao gã đàn ông này giống ông quá thể. Cứ như anh em sinh đôi. Mà tuyệt nhiên ông chẳng có anh em trai nào cả. Phòng ngủ của vợ chồng ông được vợ ông trang bị toàn bằng đồ gỗ cao cấp Đài Loan. Đến ông nằm trên cái giường đệm ấy cũng thấy như không phải là mình. Nó ngượng ngập lúng túng như vào nhầm phòng ngủ của nhà khác.

Có bóng người thấp thoáng ở đâu đó trong phòng. Mà sao căn phòng bỗng rộng thênh như không có gì ngăn cách với bên ngoài. Xung quanh rặt một màu trắng sữa. Vợ ông đi đến. Vợ ông có vẻ như không hề nhìn thấy ông đang ở trong phòng mà chỉ thấy gã đàn ông nằm co quắp trên giường. Bà đến ngồi xuống bên cạnh gã. Ông Cân cũng không đứng yên được. Những hành động của vợ ông chưa hề có trong ý nghĩ của ông. Ông chồm lên và thấy tất cả vỡ vụn. Kỳ lạ hai chân ông như đã hoá đá ăn liền xuống nền nhà thành một khối vững chắc. Ông quờ tay ra xung quanh định với một thứ gì đó. Ông sẽ đập vỡ tan tành thứ đó nếu ông nắm được trong tay. Có chiếc bình gốm màu men ngọc lục bảo cắm đầy hoa hồng vàng để trên mặt bàn ngay bên cạnh. Ông với tay nắm lấy cổ bình nhưng không được. Chiếc bình như được làm bằng không khí. Bàn tay ông cắt ngang thân chiếc bình mà không một chút gợn. Ông giận dữ nắm chặt bàn tay Chỉ thấy những ngón tay mềm mại co quắp gặp nhau. Chiếc bình hoa vẫn thế. Ông hộc lên như con bò mẹ nhìn con bê con bị tay Thôi đồ tể chọc tiết hôm nọ dưới xã Hiếu Đức. Vợ ông vẫn không nghe thấy gì. Những bông hồng vàng khẽ rung rinh trên miệng bình. Hình như ngày xưa đã xa lắm rồi anh chàng Cân nhà quê một cục lại mê mẩn trước những đoá hồng vàng mơn mởn sư cụ trồng ở vườn chùa làng. Trước mặt ông chiếc bình và những bông hoa dường như chỉ là ảo ảnh. Hay chính ông cũng đang là ảo ảnh?

Ông cấu vào tai mình thật mạnh. Đau! Ông lại cấu một nhát nữa vào tai bên kia. Đau thật! Không hiểu sao mọi hành động và tiếng gào thét của ông không ai thấy và nghe được! Ông đành bất lực chôn chân đứng nhìn với sự giận dữ dâng lên đến nghẹt thở. Trên giường gã đàn ông vẫn không tỉnh dậy. Gã thở hay gã ngáy nghe không to nhưng đều đều chứng tỏ gã đang khoẻ mạnh. Gã chỉ chìm trong giấc ngủ say sưa. Bằng sự kiên nhẫn của kẻ nô lệ vợ ông khẽ khàng cởi từng chiếc giầy ra khỏi bàn chân gã để lộ ra đôi tất màu xám có những chấm sao màu trắng li ti quanh cổ chân. Ông Cân nhìn xuống đôi chân đã hoá đá của mình thấy giống y hệt đôi tất ông đang đi. Đôi tất cũng được vợ ông sẽ sàng cởi ra. Vợ ông lật gã đàn ông lại và thận trọng cởi quần áo dài cho gã. Gã có vết sẹo bên sườn giống vết sẹo ông bị cái cọc tre đâm vào khi ông bị bom trên huyện hồi chiến tranh. Ông rùng mình nhìn vợ ông ấp mặt vào vết sẹo của gã. Một lúc lâu vợ ông mới ngẩng lên với đôi mắt ầng ậng nước. Gã chỉ khẽ cựa mình rồi vẫn ngủ mê mệt. Vợ ông thất vọng đứng dậy đi ra ngoài.

Lúc sau vợ ông trở lại với thau nước thơm và chiếc khăn mặt ướt trên tay. Vợ ông lau khắp người gã như lau cho đứa trẻ. Xong xuôi vợ ông kéo chiếc chăn thu Hàn Quốc đắp nhẹ ngang tấm thân trần lực lưỡng của gã. Khi vợ ông bê chậu nước đi ra ngang qua chỗ ông đứng bấy giờ ông Cân mới thấy hơi rượu và mùi mồ hôi chua loét từ chậu nước và chiếc khăn ướt nồng nặc phả ra. Vợ ông như chìm vào bức tường màu trắng sữa. Có mùi hương của hoa hồng thoang thoảng. Ông Cân hít một hơi thật sâu. Bà vợ ông trong bộ váy ngủ đi đến. Bộ váy ngủ màu lông gà non mỏng như cánh chuồn chuồn. Vợ ông đi sát ngay cạnh ông. Tơ lụa mỏng tang vờn trên da thịt ông mát rượi như gió nồm buổi chiều hè trên bến đò qua sông Cái. Ông trông rõ tất cả mọi thứ bên trong làn vải mỏng làm mắt ông cay xè như lúc gội đầu bị dầu gội đầu của “Người đàn ông đích thực” dây vào mắt. Vợ ông đứng bên giường nhìn gã đàn ông với đôi mắt rừng rực vẻ thèm khát của kẻ bị bỏ đói lâu ngày trước những món ăn thịnh soạn bày ra trước mắt. Vợ ông từ từ quỳ xuống nhẹ nhàng kéo tuột chiếc chăn khỏi người gã đàn ông. Lớp lụa mỏng màu lông gà non rủ xuống. Ông Cân nuốt nước bọt khan. Cả thân hình đồ sộ của vợ ông trườn lên gã nhẹ nhàng như con rắn. Bộ ngực quá cỡ của vợ ông cứ nhỏng lên. Mụ áp mặt lướt đôi môi mềm mại lên cổ gã đàn ông rồi lùi xuống ngực gã. Mụ lùi xuống nữa xuống nữa. Mụ áp mặt vào đấy mơn man. Ông Cân nuốt nước bọt khan liên tục và rống lên như chính ông đang bị làn môi mềm mại của vợ ông lướt trên da thịt. Gã đàn ông tỉnh ngủ. Vẫn không mở mắt gã choàng tay ôm nhẹ vợ ông rồi đẩy mụ xuống. Gã kéo chăn đắp lại uể oải:

– Thôi nào. Tôi đang mệt bã cả người! Mai vậy nhé!

Không một lời. Vợ ông lăn sang bên cạnh. Thân hình của mụ vừa mới phốp pháp hừng hực là thế giờ lún sâu vào đệm mút. Mụ ngửa mặt nhìn trân trối. Ánh mắt đờ đẫn khuôn mặt đẫm nước. Toàn thân ông cũng chùng hẳn xuống. Tự nhiên ông thấy thương vợ ông. Đã lâu lắm rồi ông chưa cảm thấy thương vợ ông như bây giờ. Ông muốn cho gã kia một cái bạt tai nhớ đời. Ông lại muốn ôm mụ vợ ông thật chặt. Tất cả điều ông muốn lúc này đều không được. Trước mắt ông chẳng còn vợ ông chẳng còn gã đàn ông chẳng còn chiếc giường đệm với những bông hồng màu vàng sậm. Tất cả chỉ toàn là màu trắng đùng đục như sữa đặc.

2. …. Reng… Reng… Re… eng… Bà Cân vồ lấy chiếc tổ hợp điện thoại. Bà cố nén tiếng thở hổn hển. Bà lấy tay bịt miệng. Từ trong tổ hợp tiếng ông Cân vọng ra:

– Đừng nấu cơm tôi nhé! Hôm nay không về được đâu!

Giọng bà Cân thật nhỏ:

– Thế… mai mình có về không?

Từ trong ống nghe giọng ông Cân chần chừ:

– Có lẽ không về được! Huyện đang chuẩn bị triển khai Nghị quyết. Công việc cứ rối bù cả lên. Hàng đống công văn trên bàn đây này.

Có lẽ nghe tiếng bà Cân thở dài ông Cân chuyển giọng:

– Tôi cũng mệt bã cả người ra đây! Bọn trẻ có đứa nào về chưa?

Bà Cân nhìn ra ngõ. Ngõ vắng tanh khiến bà muốn khóc:

– Đứa nào cũng điện là tuần này không về. Tôi cứ tưởng…

Ông Cân an ủi:

– Thôi mặc kệ chúng. Công việc của tôi mình biết rồi còn gì! Thôi tuần sau công việc thư thư…

Ông chưa kịp nói hết câu bà Cân nghe tiếng ông nói với ai đó: “Mời anh ngồi!” rồi nói với bà:

– Thôi nhé! Tôi đang có khách!

Tiếng tút tút đều đều trong ống nghe vọng ra.

3. Thứ sáu. Đã ba bốn năm rồi từ ngày ông Cân được chuyển lên công tác trên huyện bao giờ bà Cân cũng mong đến thứ sáu. Bà mong mỏi và thấp thỏm. Tai bà lúc nào cũng nhóng về chiếc điện thoại đặt trên chiếc đôn gần kệ ti vi. Tiếng là được nghỉ hai ngày cuối tuần nhưng chưa bao giờ bà được ở bên ông trọn vẹn hai ngày ấy. Thường ông về trong trạng thái mệt mỏi vì công việc hoặc say nhũn say nhùn vì tiếp khách. Tỉnh táo trở lại ông lại chúi vào công việc tài liệu công văn. Ông còn hay cáu gắt vô cớ. Nhiều khi bà chỉ nhìn ông và thở dài thườn thượt. Chả dám đòi hỏi gì. Vợ chồng bà được mọi người xung quanh gọi là “ông bà” vì họ tôn trọng chức danh của ông. Theo tuổi thì dù ở nhà quê với cái tuổi bốn nhăm của bà và tuổi năm mốt của ông mà chưa có cháu nội cháu ngoại thì người ta chỉ gọi bằng “cô chú”. Bà thích mọi người gọi là “cô Cân” hơn là “Bà chủ tịch”. Chủ tịch là ông Cân nhà bà thôi chứ có phải bà đâu. Nhiều lần trong đám giỗ họ, phần đông đàn bà con gái trong họ cứ nhìn bà mà ao ước. Hôm gặp người bạn gái thân thiết khi xưa ở ngoài chợ bà đã kéo chị bạn về nhà bằng được. Phần vì lâu lắm không gặp nhau phần vì không có người để giãi bày phần vì muốn cho bạn thấy “gia cảnh” của mình. Bà Cân dẫn bạn thăm hết các phòng trong nhà mình. Hai người nói với nhau nhiều chuyện nhưng trong đầu bà chỉ còn đọng lại câu xuýt xoa của bạn:

– Được tấm chồng như chị mới là sướng! Cánh đàn ông nhà mình chán bỏ xừ. Đêm nào cũng chỉ thích “cơm no bò cưỡi”! Mà mình có được thơm tho! Người lúc nào cũng mùi bùn, mùi lợn gà, mùi nước đái trẻ con khai điếc mũi. Thế mà đêm nào cũng bị hắn vần cho đến khi hắn lử cò bợ mới thôi!

Chị bạn cười khúc khích má ửng đỏ như ngày xưa. Bà Cân cũng cười nhưng mặt tai tái vì phải dấu nỗi chạnh lòng. Bà thầm thốt lên: “Ước chi đàn ông nhà mình cũng được như thế!”. Rồi bà lại lẩm bẩm: “Trời ơi! Mình tham lam quá!”. Chị bạn mải cười không nghe rõ vội hỏi lại:

– Chị bảo gì kia?

Bà Cân khẽ thở dài và lắc đầu:

– Tôi bảo chị thật là hạnh phúc!

Chị bạn vừa cười vừa xua tay:

– Không. Chị mới thực sự là người hạnh phúc. Này nhé! Chồng chị là người có địa vị. Con cái ngoan ngoãn học hành giỏi giang. Cơ ngơi nhà chị thế này còn hơn chán vạn toà ngang dãy dọc dinh cụ Phán Ngọc ngày xưa mà bu chị khi còn sống hay kể cho chúng mình nghe ấy! Nghe nói trang trại chăn nuôi nhà chị cũng khá phải không? Mà chị vẫn tham việc như ngày xưa ấy à? Thôi nghỉ đi! Giao khoán cho người ta! Làm lắm vào! Ốm chết rồi có mang theo được đâu!

– Thì tôi cũng đã nghỉ hơn năm nay rồi! Không biết có phải khi trước mình vất vả quá không mà đi khám bệnh bác sĩ bảo mình bị thoái hoá cột sống! Chữa mãi mới khỏi.

Chị bạn đắc ý vì vừa có lời khuyên chính xác:

– Đấy tôi đã bảo mà!… Bây giờ đến nơi nào trong huyện này cũng nghe người ta khen ông Chủ tịch Cân biết làm cho dân sung sướng…

Chị bạn ghé sát tai bà Cân nói nhỏ:

– Này. Anh nhà đẹp trai lồng lộng mà đàn bà thì chỉ tường tận có độc một mình chị thôi!
Bà Cân hơi ngửa người ra sau:

– Sao chị biết?

– Thì hôm đi dự hội nghị tổng kết công tác phụ nữ ở huyện khi ông Chủ tịch đang phát biểu tôi nghe các bà các cô làm việc ở các cơ quan huyện thì thào với nhau vậy. – Chị bạn nhìn bà Cân dò hỏi – Có phải vậy không?

Bà Cân gật đầu:

– Phải!

Trước khi ra về chị bạn còn nhắc lại:

– Chị thật là người sung sướng!

Phải! Ai cũng bảo bà là người sung sướng! Từ khi làm vợ ông đến giờ chưa bao giờ bà nghe thấy điều tiếng gì về sự chung thuỷ của ông. Bà cũng không nghi ngờ gì ông cả. Bà quá thuộc tính nết của ông. Bao giờ ông cũng đặt công việc lên trước. Khi còn là xã đội trưởng đôi lần bà cũng bắt gặp ông sững sờ nhìn trộm cô Câm vợ lão Hao quét chợ. Mà cô Câm thì chả riêng chồng bà nhìn trộm. Đàn ông cả xã đều thế. Đàn bà nhìn cô Câm và bĩu môi. Của đáng tội. Cô Câm cũng được Trời ban cho chút nhan sắc nhưng phải cái xuất thân hèn hạ rồi cuộc sống cũng bị đày đọa trong sự hèn hạ. Thượng đế thật công bằng! Từ ngày ông Cân được lên công tác trên huyện, được cấp đất xây nhà ở khu phố mới đưa cả nhà lên theo, bà chưa gặp lại cô Câm lần nào. Không biết bây giờ có khá hơn không? Sau ngày lão Hao chết bất đắc kỳ tử mẹ con cô Câm ẻo lả như rọc khoai héo.

Cuộc thăm viếng của chị bạn với câu nói về “cánh đàn ông nhà mình…” rất gợi để những lúc ngồi một mình bà Cân tưởng tượng ra nhiều thứ. Và làm bà buồn hơn. Bảy chục kênh truyền hình cáp cũng không thể giải khuây cho bà như ông tưởng. Có điều chẳng bao giờ bà nói với ông nỗi buồn của mình. Chẳng như ngày xưa ít nhất là một tuần đôi ba lần bà phải đòi ông nộp thuế đầy đủ. Dạo ấy chỉ cần bà cọ cọ đùi vào bụng dưới của ông mấy cái là đã được như ý. Bây giờ thì khó hơn nhiều. Khổ một nỗi khi xưa còn lấy sự vất vả để át đi mọi sự thèm khát riêng tư. Còn giờ đây chẳng còn sự vất vả nào để bà chế ngự bản thân mình. Chồng bà lại chỉ có rất ít thời gian nghỉ ngơi ở nhà. Thường thì ông về nhà khá muộn, nhiều hôm còn say xỉn không biết trời đất ở đâu. Bà phải thay quần áo cho ông, lau rửa cho ông bằng thứ nước lá thơm vẫn không hết mùi rượu. Những lúc lau người cho ông bà đã không cưỡng nỗi sự ham muốn trước cơ thể cường tráng của ông. Bà làm mọi cách hy vọng ông tỉnh rượu. Nhiều khi bà cũng làm được điều đó nhưng khi ấy lại sáng rõ mất rồi. Đã đến lúc bà phải dậy để chuẩn bị bữa sáng cho ông để ông kịp giờ đến công sở hay đi dự một hội nghị quan trọng nào đó. Sáng sớm hôm nay cũng vậy. Ông Cân tỉnh rượu thì đài truyền thanh công cộng đầu phố đang phát bản tin sáng. Đang định dậy chợt bà thấy bàn tay ông đang chầm chậm lướt nhẹ trên thân thể gần như để trần của bà. Bà cố nằm nán lại để hưởng sự vuốt ve âu yếm của ông. Bà chợt nhận ra bàn tay ông mềm mại quá. Đã chẳng còn nốt chai sần nào trên bàn tay. Cơ thể bà nở nang dưới bàn tay ông.

Tất cả các giác quan và tất cả những nơi nhạy cảm trên cơ thể đều nở rộng. Cửa đã mở và sẵn sàng đón nhận. Vị thượng khách đã kề sát bên cửa. Bà nín thở cố tìm cách mở rộng cửa hơn nữa. Thượng khách chậm rãi tiến thêm một bước nhưng không hiểu sao cứ loay hoay mãi với “màn chào hỏi”. Bà ưỡn cong người kiên nhẫn chờ đợi. Chuông điện thoại reo. Cả hai đều giật bắn người như nghe chuông báo cháy. Bà hết sức thất vọng. Thượng khách đã thụt lùi. Người bà trở nên mềm nhũn. Ông nới lỏng vòng tay nói với bà bằng giọng của kẻ có lỗi:

– Lại có việc đột xuất mất rồi!

Và ông quay ra uể oải nhấc ống nghe điện thoại. Bà chẳng còn cớ gì để nán lại trên giường. Bà mặc quần áo một cách vội vã như đang xấu hổ. Ông bảo không kịp ăn sáng ở nhà. Ông vào nhà tắm. Bà chuẩn bị cho ông bộ com lê màu sẫm mà ông ưa thích. Bà thẫn thờ sửa lại chiếc ca-vat hơi lệch trên cổ áo ông cho ngay ngắn. Đã có tiếng còi xe bim bim ngoài cổng sắt. Ông Cân xách chiếc ca-tap đi ra. Bà bước theo ông. Ra đến cửa ông dừng lại nheo mắt nói khẽ:

– Tối nay nhé!

Câu nói của ông như một lời hò hẹn của những kẻ đang yêu làm ngực bà phập phồng. Cửa xe mở. Ông chui vào trong xe. Trước khi đóng cửa ông quay lại nhìn bà. Một lần nữa ông lại mỉm cười và nháy mắt với bà. Điệu bộ ấy trông ông thật trẻ trung duyên dáng. Bà muốn nghẹt thở luôn. Giá như không có cái việc đột xuất chết tiệt kia. Suốt ngày hôm nay bà chẳng chú tâm vào việc gì ngoài việc tắm rửa bằng sữa tắm và xà phòng Camay có mùi hương quyến rũ như quảng cáo trên ti vi. Bà mặc thử tất cả các loại váy áo bà mới lên tận Hà Nội mua sắm cùng với cô chủ tiệm Chăm sóc sắc đẹp ngoài phố huyện. Ngồi trước gương bà trang điểm và chải các kiểu đầu học được ở cô chủ tiệm làm đẹp. Bà đã bỏ hàng tháng để học. Và bà luôn nghĩ đến hình ảnh và lời nói của chồng mình khi sáng. Trong lòng lúc nào cũng cảm thấy phơi phới. Bước chân của bà lướt nhẹ trên nền gạch men mát rượi. Không hề có một chút nặng nề vì thân hình hơi quá cỡ như thường ngày. Bà thử đi thử lại gần chục bộ đồ ngủ treo trong tủ. Xem ra chỉ có mỗi bộ váy lụa mỏng màu lông gà non là ưng hơn cả. Thú thực bộ váy này rất đẹp rất sang trọng và hợp với cơ thể mỡ màng của bà. Phải cái nó mỏng quá. Nhìn qua tấm gương lớn treo ngoài phòng khách bà giật mình, mặt thoắt đỏ bừng vì thấy rõ cả một “Toà thiên nhiên” lồ lộ phơi bày trước thanh thiên bạch nhật. May mà nhà bà kín cổng cao tường.

Bà ngượng ngập nhìn vào gương lần nữa. Bà ngạc nhiên vì thấy toàn thân mình như đang phát sáng. Một thứ ánh sáng rạng rỡ ngời ngợi phát ra từ mái tóc, đôi mắt, nụ cười đọng trên môi ngay cả những đường cong (không còn cong lắm) trên cơ thể cũng đang toả ánh hào quang của sự viên mãn tràn trề. Bà đang hạnh phúc. Bà mỉm cười hài lòng nghĩ: nếu như thế này là hạnh phúc thì bà đang thực sự hạnh phúc! Bà chợt thấy mình không hề giống mình thường ngày. Kỳ diệu thay câu hò hẹn và cái nháy mắt tinh nghịch của chồng bà. Bà nhớ chưa bao giờ ông cho bà lời hẹn hò đầy ắp sự khêu gợi đến như vậy! Lướt nhẹ một vòng, đôi chân đưa bà vào phòng bếp. Vạt váy loè xoè vướng nhẹ vào chân tủ lạnh. Bà chợt nhớ ra: Bữa tối. Bữa tối cho hai người! Trong trí nhớ của bà hiện lên cảnh trong một bộ phim nào đó bà đã xem. Hai người bên bàn ăn. Hai chiếc ly cụng nhẹ vào nhau. Ánh mắt họ nhìn nhau đắm đuối. Họ hôn nhau. Và có thể bữa ăn bị dừng lại vì chiếc gường trải ga có những đoá hồng màu vàng đậm ở ngay bên cạnh… Nghĩ đến đấy toàn thân bà từ từ cứng đơ. Mồ hôi rịn ra lấm tấm trên trán. Bà thấy xấu hổ vì ý nghĩ của mình. Bà vội đi thay đồ.

Quả thật bà phải làm vài món ăn ông ưa thích cho bữa chiều. Nhiều lần ông mệt mỏi than phiền với bà khi ông nhìn mâm cơm có đĩa chả chìa bà làm rất kỳ công, món ăn trước đây ông thường ao ước được chính tay bà làm. Ông bảo: “Đãi khách toàn những món ăn bổ dưỡng cao đạm. Nhiều lúc nghĩ đến đĩa rau lang luộc chấm nước cáy mà thèm!”. Ô! Toàn những thứ dân dã thôn quê thôi mà ở đây bây giờ bà thấy khó quá! Giá như ngày xưa còn ở dưới quê cáy bán đầy chợ trong nhà bao giờ bà cũng muối vài hũ ăn cho đỡ tốn. Nước cáy rẻ hơn nước mắm nhiều! Rau lang thì đầy ngoài vườn ngoài ruộng. Nhà ai chả có. Gặp mưa xuống ngọn lang vươn ra non mơn mởn. Hái về luộc chấm nước cáy cứ ngọt như đòng đòng. Khi ấy cốt ăn cho đầy ruột. Chả cứ bọn trẻ người lớn cũng chỉ mơ được ăn cá thịt. Bây giờ thì khó đây! Khó thì khó. Bà phải làm cho ông ngạc nhiên mới được! Bà nhìn đồng hồ và nghĩ còn kịp! Bà ra đường gọi xe ôm về quê.

Ở quê lên vừa kịp vào trong bếp đã nghe chuông điện thoại reo. Bà giật mình tay run run nhấc ông nghe. Bà muốn phát khóc lên vì lại nghe giọng nói đều đều của ông y như được nghe từ băng ghi âm vậy:

– Tôi lại có khách mất rồi! Tối nay không về được! Sáng mai phải đi cùng đoàn khách thăm mấy điểm du lịch trong huyện. Sáng sớm ngày kia dự lễ động thổ khởi công nhà máy Chế biến thức ăn gia súc. Chiều duyệt dự án xây dựng nhà máy xi măng. Cả tuần sau dự lớp học tập quán triệt nghị quyết trên tỉnh. Thế mình nhá!

Bà vứt bịch chai nước cáy với túi rau lang xuống nền nhà. Hết cả mọi sự ham muốn. Bà ủ rũ buông mình xuống ghế. Mãi đến gần nửa đêm bà mới nhớ cả ngày nay chẳng ăn gì. Ăn hết bát mì Tam Tiên hảo hạng bà mới lên giường mong tìm được giấc ngủ cho đêm ngắn lại. Thế mà bà cứ tưởng mình đã quá quen với chuyện thế này. Nằm mãi vẫn không thể ngủ được với bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ trong đầu bà ngồi dậy với tay bật ti vi. Thực ra hôm nay bà chẳng muốn xem kênh nào nên cứ chuyển kênh liên tục. Những hình ảnh chẳng đâu vào đâu cứ loang loáng trên màn hình. Đang định tắt ti vi thì chợt nhớ đến cái đầu quay đĩa. Bà lấy đại một cái đĩa trong đống đĩa đám con mang về cho vào đầu quay và bấm. Có con muỗi vo ve. Bà dừng tay để đập muỗi. Chợt tiếng thở hổn hển xen lẫn tiếng rên khe khẽ chỉ nghe thôi cũng dợn cả da thịt. Bà bỏ mặc con muỗi ngẩng phắt lên dán mắt vào ti vi. Gì thế này? Bà kêu khẽ và thấy mặt mũi mình nóng ran. Bà bấm chuyển về chương trình ti vi. Một cánh đồng mở ra mênh mang trời nước. Một đàn vịt trời sà xuống. Chúng lặn ngụp tìm kiếm thức ăn. Tôm cá ốc ếch ở đây có vẻ hiếm. Mãi mới thấy một con mò được cái gì đó. Chưa kịp nuốt những con khác đã phát hiện được. Thế là chúng lao vào nhau giành cướp với những tiếng kêu cạc cạc váng cả mặt nước. Cảnh này với bà thì có gì hấp dẫn? Sự nhàm chán của chương trình

Thế giới động vật không làm dịu con tim đang thổn thức bà bấm chuyển kênh tiếp theo. Có lẽ đây là chương trình phim truyện. Hình như phim về chiến tranh. Súng nổ. Một chàng trai trẻ ngã xuống từ lưng ngựa. Thật chả ra làm sao cả! Tự nhiên bà bấm về xem video. Trên màn hình chỉ thấy hai đôi chân trần xoắn lấy nhau. Bà nhìn trân trối vào màn hình nhưng chẳng hiểu gì cả. Vẫn tiếng thở hổn hển tiếng rên khe khe không phải vì đau đớn. Màn hình có vẻ như rộng dần ra cho bà nhìn thấy toàn cảnh. Phải một lúc sau bà mới hiểu. Một đôi đang yêu đương trên ti vi. Những gì nhìn thấy làm tim bà như bị một bàn tay vô hình khoẻ mạnh vần vò bóp nghẹt. Hồi lâu không thể chịu nổi bà tung chăn nhổm dậy hào hển thở. Bà vật vã rên rỉ như bị ma ám. Chỉ đến khi mồ hôi ướt đầm thân thể gần như lả đi vì mệt bà nằm vật ra và thấy buồn ngủ. Bà ngủ ngon đến mức tận nửa buổi sáng hôm sau mới tỉnh giữa đống chăn gối bề bộn áo váy xộc xệch. Bà nhớ lại những gì đã xảy ra đêm qua và tủm tỉm một mình. Lâu lắm rồi bà mới có một giấc ngủ ngon như thế! Bà ra khỏi giường trong trạng thái lâng lâng mãn nguyện đi vào phòng tắm. Tận lúc này bà mới thấy hai bên đùi non dinh dính nhớp nháp đến khó chịu. Bà kéo mạnh cái cần khoá vòi nước đến nỗi nó bật tung ra làm nước phun xối xả. Kệ. Bà hứng người vào đấy và thấy dễ chịu vô cùng. Tắm xong bà không thể nào khoá vòi nước lại được. Bà đành phải tìm đoạn dây cao su buộc tạm. Nước vẫn rí rách chảy. Phải gọi thợ thôi.

Mãi đến gần chiều tối người thợ sửa ống nước mới đến. Anh ta càu nhàu:

– Cậu thợ phụ việc nghỉ về quê ăn giỗ đến giờ vẫn chưa lên thành thử tôi không thể nào đến sửa sớm hơn cho chị được. Thông cảm cho tôi nhé!

Bà Cân ngạc nhiên. Rõ ràng anh ta càu nhàu nhưng sao vẫn thấy dễ nghe. Bà dẫn anh ta vào phòng tắm bật điện và chỉ chỗ vòi nước bị hỏng rồi quay ra bếp chuẩn bị nấu bữa chiều. Không đến nửa tiếng đồng hồ vòi nước đã sửa xong. Bà trả tiền và tiễn thợ ra cổng.

4. Bữa tối. Vẫn chỉ có một mình nhưng bà cảm thấy ăn đã ngon miệng hơn với món rau lang nước cáy. Không biết có phải tại món ăn dân dã ấy không mà bà Cân cảm thấy mọi chuyện vừa qua như chẳng còn gì vương vấn trong đầu. Bà hoàn toàn bình thường như lâu nay. Chỉ có điều bà vẫn thấy buồn vì quá rỗi rãi. Bà chẳng muốn giết thời gian bằng các chương trình ti vi. Hôm nay nhìn cái đầu quay đĩa bọn trẻ mang về tự nhiên bà cứ thấy thế nào ấy. Bà cảm thấy xấu hổ như nó là người bắt quả tang việc làm xấu xa của bà. Bà muốn cất cái đầu quay đĩa vào trong tủ nhưng vướng dây nhợ lằng nhằng mà bà không biết tháo thế nào. Đành cứ để nguyên đấy. Bà lấy chiếc khăn lụa phủ kín cái đầu quay đĩa và có vẻ yên tâm. Đêm xuống một mình trong căn nhà ba tầng rộng thênh không gian tĩnh mịch có làm bà xao xuyến một chút. Chỉ một chút thôi rồi tất cả lại trở về nếp cũ. Bình yên.

Từ khi theo chồng lên phố huyện bà Cân mới được hưởng sự thanh nhàn rỗi rãi. Bà sinh ra vốn con nhà nông tính lam làm thu vén đã được truyền lại theo huyết thống. Khi ông là Chủ tịch rồi Bí thư Đảng uỷ ở xã cũng vậy. Tuy cuộc sống có phần khấm khá hơn nhưng bà vẫn làm ruộng chăn nuôi và đi chợ. Vườn đất nhà bà chẳng để rỗi một chỗ nào. Ngay các cây cảnh trồng trong chậu bà cũng cấy đầy những loại rau thơm quanh năm tốt lợp dưới gốc. Nhà ăn không hết đem bán cũng gom được một món tiền trăm chứ không ít. Tích tiểu thành đại. Cứ vậy bà nuôi ba đứa con ăn học nên người. Lên phố huyện bà muốn mở một cửa hàng nho nhỏ hay làm một việc gì đó chỉ cốt cho vui nhưng ông Cân không bằng lòng. Ông bảo bà đã phải lam lũ nuôi chồng nuôi con. Già nửa cuộc đời chưa biết thế nào là sự an nhàn sung sướng. Với lại biết tìm việc gì cho bà bây giờ? Cũng có người gợi ý đưa bà vào làm công việc hành chính ở một cơ quan nào đó trong huyện nhưng ông không đồng ý. Bà không đủ trình độ văn hoá, tuổi lại không đáp ứng với yêu cầu. Ông bảo không được là không được! Ông cần bà ở nhà nghỉ ngơi và chăm lo cho ông để ông đảm bảo sức khoẻ tham gia công tác. Chủ tịch huyện. Công việc của ông nặng nề lắm! Điều đó thì bà hiểu quá đi rồi! Vậy là bà không đòi hỏi gì nữa.

Bà sống thanh thản như chồng bà mong muốn. Thấm thoắt thế mà đã gần năm năm. Vừa rồi Đại hội chồng bà lại trúng thêm khoá nữa với số phiếu khá cao. Chồng bà phấn khởi. Các con bà vui mừng. Họ hàng bạn bè của ông bà đều vui mừng. Bà cũng thế nhưng chìm sâu trong sự vui mừng của bà là tiếng thở dài không nén lại được! Cuộc sống của bà lại vẫn diễn ra một cách bình thường theo một lối mòn cũ. Chẳng còn cách nào khác bà phải bằng lòng. Vì chồng vì con. Nhưng làn gió của thời cuộc có muôn ngàn lối đi. Nó làm bà bừng tỉnh. Nó chỉ cho bà tự tìm lối thoát trong sự u mê nhàn rỗi. Một cô cháu họ xa từ thành phố về chơi. Mới thoạt nhìn thấy bà cô cháu đã reo lên như được của:

– Trời ơi! Dì trẻ ra nhiều quá! Không thể nào nhận ra dì nếu cháu gặp ở ngoài đường!
Tối đến hai dì cháu nằm trên giường nó thủ thỉ:

– Dì ơi! Dì trẻ ra nhiều so với tuổi nhưng cháu nói thật trông dì cứ quê quê thế nào ấy!… Công việc của chú tiếp xúc với nhiều người. Chú lại rất phong độ được nhiều người ngưỡng mộ. Cháu biết nhiều người như chú ra ngoài con gái còn say như điếu đổ ấy chứ!

Bà Cân cười:

– Ôi dào! Nhà mình nề nếp quen rồi! Với lại ai chứ chú mày thì dì biết. Làm lãnh đạo phải giữ thể diện chứ!

Cô cháu không cười:

– Thì đương nhiên! Thể diện thì vẫn giữ nhưng đằng sau cái thể diện ấy cơ. Ai mà biết được! Dì phải đổi mới đi mới được. Nhà cửa tiện nghi như thế này trông dì chẳng khác ôsin là mấy! Cứ đà này ông chú cháu nhìn mãi rồi cũng chán. Xưa khác giờ khác dì ạ!

Bà Cân thở dài:

– Thì cháu bảo dì biết làm thế nào được!

Cô cháu ôm lấy bà:

– Được rồi! Dì cứ nghe theo cháu! Mẹ cháu mà không nghe cháu đổi mới mình sớm thì còn lâu mới giữ được bố cháu dì ạ! May cháu có chị bạn là chủ tiệm Chăm sóc sắc đẹp ngoài phố huyện. Mà dì phải đổi mới dần dần thôi kẻo chú bị sốc đấy!

Cô cháu khúc khích cười. Bà cũng cười theo. Sáng dậy hai dì cháu đi lên chợ huyện. Nó bảo không có gì đáng để mua sắm. Nó kéo bà vào tiệm Chăm sóc sắc đẹp của bạn nó. Cô bạn nó cũng bảo về khoản này cháu sẽ tư vấn miễn phí cho dì. Chỉ cần lúc nào rỗi dì đến đây với cháu! Thế là bà thực hiện đổi mới mình theo sự chỉ dẫn của cô cháu gái và bạn nó. Tất cả mọi việc cứ diễn ra từ từ. Bà thấy chồng mình không hề bị sốc. Thực ra ông cũng chẳng có mấy thời gian để chú ý đến việc ăn mặc sửa sang của bà làm bà hơi bực. Mãi mới có một hôm ông về nhà với vẻ tỉnh táo thư thả. Khi đi ngủ bà mặc chiếc váy ngủ cô cháu mới gửi về cố tình đứng trước gương chải đầu cho ông nhìn thấy.

Ngắm bà một lúc rồi ông cũng khen:

– Ừ! Mình cũng nên như thế này!

Đêm ấy ông yêu bà (như cách cô cháu gái của bà nói) nhưng không khá hơn những lần ông cho bà từ trước đến giờ. Bà thấy không thoả mãn giống như năm xưa đói kém ngủ mơ thấy được ngồi trước một mâm cỗ thịnh soạn vừa giơ đũa lên gắp thì bừng tỉnh giấc. Vừa tiếc nuối vừa bực mà không làm sao được! Bên cạnh ông Cân như đứa trẻ vừa được bú no lăn ra ngủ ngon lành. Bà không thể ngủ. Hai bầu vú vẫn căng cứng và phía dưới càng ẩm ướt đến khó chịu. Bà xoay bên nọ xoay bên kia bắt chéo hai chân nhưng chẳng thấy dễ chịu hơn chút nào. Ông Cân ngáy khe khẽ. Không thể chịu nổi bà nhổm dậy bò qua ông đi vào nhà tắm. Chính bà cũng thấy ngỡ ngàng với chính mình. Từ khi làm vợ ông bà mới bị thế này là một. Bây giờ nhớ lại cảm giác lúc ấy bà lại thấy nhồn nhột như kiến bò khắp người.

Sáng dậy như thường lệ bà Cân đi bộ vòng quanh khu phố mới gặp vài người cùng phố cũng đi bộ như bà. Có những người bà chưa nhớ tên. Tất cả đều chào nhau một cách vui vẻ. Đến khi mồ hôi vã ra ướt đẫm lưng áo và có người đi chợ sớm bà mới quay về. Còn phải tưới hàng chục chậu cây cảnh trước sân nhà và trên sân thượng. Bà vặn vòi nước. Không hiểu sao nước không chảy mạnh như mọi bận. Có lẽ lại bị hỏng ở đâu rồi. Đáng ra không nên mắc đường ống nước bằng nhựa ở ngoài trời. Mãi mới đủ nước để tưới xong bằng ấy chậu cây. Bà đi xem kỹ lại một lượt. Thì ra đường ống nước dẫn vào nhà tắm dười tầng một bị nứt. Lại phải gọi thợ đến sửa. Cũng phải đến gần trưa mới nghe thấy tiếng chuông gọi ngoài cổng. Lại vẫn người thợ sửa ống nước hôm nọ. Người quen. Bà Cân đãn người thợ đến chỗ ống nước bị hỏng. Chẳng nói chẳng rằng anh ta mở hộp đồ nghề ra và cắm cúi làm. Đang thổi nấu ở bên ngoài thi thoảng bà Cân mới nghe tiếng dụng cụ và vào nhau lách cách. Mãi sau bà nghe có tiếng nước phun thật mạnh dường như ống nước đã bị vỡ. Người thợ cuống quýt gọi vọng ra nhờ bà vào giúp. Một chỗ ống khác lại bị vỡ chắc đã bị oải quá rồi. Bà cân lóng ngóng làm theo sự chỉ dẫn của người thợ và vì không quen bà làm bật tung cái khoá vòi nước người thợ vừa lắp tạm. Nước phun xối xả. Cả bà lẫn người thợ cùng ướt sũng.

Loay hoay mãi rồi cũng sửa xong. Cả hai người cùng thở phào. Người thợ kiểm tra lại xem còn chỗ nào cần sửa nữa. Bà Cân bấy giờ mới nhìn kỹ người thợ. Quần áo dài của anh ta treo trên mắc áo đằng sau cánh cửa. Anh ta chỉ mặc quần đùi và áo thun ba lỗ. Hiển hiện trước mắt bà một cơ thể đàn ông cường tráng. Bà đứng ngây người như bị thôi miên. Bà quên mất quần áo mình cũng ướt. Bộ đồ mỏng dính sát vào người làm tất cả mọi thứ như bị phơi ra lồ lộ. Người thợ ngẩng lên. Cái kìm rơi xuống nền gạch. Như một cái máy bà Cân cúi xuống nhặt cái kìm. Và như có một sức hút vô hình không thể cưỡng lại khiến bà áp sát phía sau tấm thân cường tráng ấy. Hai bàn tay bà như có ma dẫn vòng về phía trước lần tìm sờ mó mân mê. Bà xoay dần cơ thể cường tráng của người thợ quay lại đối diện với mình và ghì chặt. Bà thấy mình chìm trong sự ướt át đầy hứng khởi. Bỗng có tiếng nước sôi trào xuống bếp ga nổ lốp bốp. Người đàn ông nãy giờ như con ếch đang bị con rắn thôi miên chợt bừng tỉnh. Anh ta cố gỡ vòng tay đang ghì riết và lúng búng trong miệng:

– Thưa bà! Thưa bà…!

Anh ta vùng ra được vơ vội quần áo, đồ nghề và đi như chạy ra cổng. Chỉ còn một mình bà Cân đờ đẫn đứng đó. Bà không hiểu mình đã ra khỏi nhà tắm như thế nào. Như một cái máy bà Cân mở cổng đi ra ngoài phố mặc dù chẳng hiểu mình định đi đâu. Đang giữa trưa. Đường vắng ngắt chỉ có những chiếc xe Bò Ma chở đất san lấp ở đâu đó. Lái xe tranh thủ lúc đường quang lao vùn vụt cuốn bụi mù che mờ cả một đoạn phố. Bà chợt nghĩ đến tiệm Chăm sóc sắc đẹp. Hình như bà phải sang bên kia đường. Bà chìm trong đám bụi. Người lái xe không nhìn thấy có người trong đám bụi của chiếc xe đi trước. Bà thấy mình chìm sâu và cứ luẩn quẩn trong đám bụi mịt mù không thoát ra được.

Mãi hàng năm sau mỗi khi ông Cân nằm ngủ ở bất cứ một chỗ nào đó ông đều thấy vợ ông đang chăm sóc cho một gã đàn ông say rượu giống hệt như ông. Ông chứng kiến sự khao khát muốn được yêu thương của bà. Ông nhìn thấy ngọn lửa ham muốn xác thịt đang ngấm ngầm đốt cháy cơ thể bà. Trong bộ váy ngủ màu lông gà non mỏng như cánh chuồn chuồn bà bay lượn trước mắt ông vươn đôi tay mập mạp trắng trẻo về phía ông nhìn ông ngơ ngác:

– Mình ơi! Tôi lạnh quá!

Ông choàng tay định ủ ấm cho bà thì bà biến mất và ngay lập tức lại hiện ra ngay bên cạnh và gọi:

– Mình ơi! Tôi lạnh quá!

Cứ thế cuộc rượt đuổi chỉ dừng lại khi người ông đẫm mồ hôi và tưởng như mình không thể thở được nữa.

H.P.N