(Vanchuongphuongnam.vn) – Với Hà Nội, từ mảnh đất cuối cùng của tổ quốc Việt Nam, dù hiếm khi được về thăm cội nguồn đất mẹ nhưng trong tôi mãi ấp ủ tự sâu thẳm trái tim mình hình bóng thủ đô yêu thương nơi đỉnh đầu tổ quốc. Có lẽ tình cảm “nhớ Bắc” trĩu nặng trong tâm tư thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong suốt hai mùa binh lửa cũng là nỗi nhớ khôn nguôi trong tâm hồn người Nam bộ như tôi vốn đã có nguồn cội hơn mấy trăm năm trước từ vùng đất Thăng Long lịch sử: Ai về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Nhà văn Lan Đình (Nguyễn Tấn Thành)
Ngay từ tuổi ấu thơ vụng dại, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những trang lịch sử vàng son và nền văn học nghệ thuật rạng rỡ của nước nhà đã sớm đưa tôi sớm đến gần gũi với thủ đô rồng bay hơn nghìn năm xây dựng, khiến tôi thêm quyến luyến mến thương đất nước và con người của đô thị ba mươi sáu phố phường. Hà Nội, thuở mới chào đời, với tôi, cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ đã mang ý nghĩa một mùa xuân chói lọi: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) nơi quảng trường Ba Đình lịch sử, xóa tan xích xiềng nô lệ gần trăm năm từ thực dân Pháp, thực sự khai sinh cho một nước Việt Nam độc lập tự chủ trên thế giới Rực rỡ sao vàng, hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe lên năm cửa ô… Và Hà Nội, tiếng reo hò bất tuyệt/ Vang sang bờ nọ Thái Bình dương (Vũ Hoàng Chương).
Tôi yêu hồ Hồ Hoàn kiếm lịch sử đẹp như mơ với tháp Rùa cổ kính, lung linh dưới mây trời, qua giai điệu trầm hùng một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ kháng chiến Phan Nhân, phản ánh không gian huyền thoại nhân dân thủ đô một thời hào hùng oanh liệt đấu tranh chống đế quốc Mỹ: Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Đường lộng gió thênh thanh năm cửa ô/… Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau/ Chân ta bước lòng ung dung tự hào/ Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao (Hà Nội, niềm tin và hy vọng). Tinh thần “Diệt phát xít” hay đấu tranh chống thực dân đế quốc bảo vệ đất nước vẫn hừng hực cháy bừng trong âm nhạc, văn chương của Người Hà Nội: Thơ nhạc Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu trữ tình, óng ả, lồng lộng hùng khí chiến đấu như những bản hùng ca hay áng thơ xuân, đẹp như hoa đào hoa mai ngày xuân (Đất nước, Bài ca xuân 61, Bài ca xuân 68…), tạo nên “dáng đứng Việt Nam” cao vợi nơi con người tài hoa, nơi đất thiêng Hà Nội.
Thiêng liêng vô cùng những cái tên, những địa danh đã ghi dấu vào lịch sử của Thủ đô: Văn miếu, dấu ấn muôn đời, biểu tượng của văn học và trí thức Việt Nam; Ngã Tư Sở, nơi hội tụ của tao nhân mặc khách tài hoa ba khắp miền Tổ quốc, và Phố Phái cổ kính mang dáng vẻ u hoài trầm mặc và thấm đẫm hồn thơ… Tôi yêu trời Hà Nội sang mùa, không mưa không nắng, chỉ với một chút gió mong manh cũng gợi nhiều nhung nhớ: Sáng nay, Hà Nội sang mùa/ Hồ Gươm tóc liễu, tháp Rùa lung linh (Hồ Dzếnh). Tôi cũng ngưỡng mộ vô cùng con người Hà Nội, đã thể hiện trọn vẹn tài năng và khí phách trong những cuộc đấu tranh chống giặc để bảo vệ đồng bào và xây dựng đất nước trong suốt mấy mùa chinh chiến… Sức mạnh con người Hà Nội hòa vào sức mạnh Việt Nam trong trận Tổng Công kích Xuân Mậu Thân 1968 và trong Chiến thắng Mùa Xuân lịch sử 1975, là biểu tượng cho sức mạnh vô địch của cả dân tộc, được hun đúc từ 4.000 năm lịch sử, tôi rèn qua bao cuộc đấu tranh giữ nước mà những trận đánh, những chiến công từ cổ chí kim đã in đậm trong sử sách, in đậm giữa lòng người, qua bao tháng năm, qua bao thế hệ, qua cả không gian và thời gian…
Hà Nội trong tôi còn là chân dung đĩnh đạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngọn Hải Đăng soi đường cho dân tộc đi đến mùa xuân vĩnh cửu. Hà Nội cũng là trái tim rộng lớn căng đầy máu nóng của đồng bào cả nước, là thủ đô yêu dấu của đất nước Việt Nam với nền hòa bình, độc lập, tự do mà từ đó hôm nay chúng ta có chung được lá cờ son rực rỡ sao vàng, khiến cho hồn thơ đã có lúc phải buột lên đầy hứng khởi: Lòng ta chung một cụ Hồ/ Lòng ta chung một thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam (Tố Hữu) với tình cảm riêng chung hòa quyện: Quan san muôn dặm một nhà // Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà.
Hà Nội trong tôi, mỗi năm cứ vào những ngày cuối chạp với ngọn đông phong se lạnh, dù chưa hẹn bầy chim én xao xác bay về báo hiệu xuân sang trên phố phường đô thị, trong lòng tôi, không gian đặc thù và con người giàu cá tính Hà Nội vẫn mãi rực rỡ một màu xuân bất tận. Và khi ấy, từ một góc sâu thẳm nào đấy trong tâm hồn một người con phương Nam, tôi bỗng thấy chợt lung linh hiện về những xốn xang đong đầy trong nỗi nhớ. Ấy là sự náo nức của buổi giao mùa giữa Thu và Đông năm 1954, trong không khí vỡ òa niềm vui thắng lớn, mênh mang giai điệu trầm hùng khúc khải hoàn ca của nhân dân thủ đô, đoàn quân anh hùng bách thắng Việt Nam, từ chiến khu Việt Bắc rầm rập đỗ về tiếp quản thủ đô, có người Việt Nam nào đã tự hào không nghĩ đó là một mùa xuân chiến thắng… Và từ ấy điệp khúc trong tôi, với Hà Nội yêu thương, mãi mãi hằng năm với bốn mùa xuân diễm tuyệt của núi sông hoa gấm giữa đất trời lồng lộng, tôi luôn dành cho thủ đô Tổ quốc mỗi độ vào xuân tình cảm yêu thương hy vọng vô bờ: Hà Nội lên xuân cả bốn mùa/ Mai đào không đợi sắc hoa phô/ Lưng trời không có bầy chim én/ Xuân cũng theo về năm cửa ô.
23.03.2020
Lan Đình