Lê Cung Bắc – một niềm quê trên muôn trùng cát bụi…

144

Tôi đã đọc một mạch tập hồi ký Bụi cát chân mây của anh Lê Cung Bắc trong ngổn ngang cảm xúc: trước hết đó là cuộc chạy đua với thời gian khi mà những người đàn em trong cuộc đời, trong nghệ thuật của anh muốn rằng: cho dù anh sẽ phải ra đi nhưng cuộc đời anh còn lưu dấu trên những trang sách chân thành từ chính cuộc đời anh.

Hai diễn viên Võ Sông Hương và Hồng Ánh đã đến bên giường bệnh, bắt đầu cho cuốn sách bằng những băng ghi âm câu chuyện đời anh, từ ngày 5.4.2021, và chỉ hơn hai tháng sau, ngày 13.6 anh Bắc rời cõi tạm. May mắn thay, dù anh ra đi nhưng chị Giang, người vợ tào khang của anh đã ngồi rã băng từng dòng ghi âm ấy, rồi với tất cả tình yêu thương, những câu chuyện kể ngay trước ngày anh ra đi đã liền mạch với nhau thành một tập hồi ức vừa chân thành vừa sinh động và cô đọng. Đọc hết 224 trang sách, tôi ước ao giá anh Bắc bắt đầu ghi âm sớm hơn, rất có thể tập hồi ký này phải dày gấp vài lần thế.

Hồi ký là một thể loại rất khó viết, bởi trước hết nó phải cực kỳ trung thực. Không ít cuốn hồi ký được in ra, người đọc tinh ý dễ biết rằng thường tác giả hay “tốt khoe xấu che”. Nhưng anh Bắc đã bắt đầu câu chuyện đời anh khi biết rằng anh sẽ không còn được nhìn cuộc đời bao lâu nữa. Những dòng đầu tiên của hồi ký anh đã nói rõ điều đó:

Ngày 5.4.2021 (Bản ghi âm đầu tiên)

Tôi nói những dòng này để Võ Sông Hương ghi lại trong lúc tôi biết rằng dòng đời của tôi đã cạn, tôi không biết ngày nào sẽ rời khỏi thế gian. Cổ nhân thường nói: tiếng hót của con chim sắp chết rất đáng thương, lời nói của người sắp chết rất chân thành. Tôi ghi lại hết tất cả những gì tôi đã nhìn thấy, đã trải qua, đã sống trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra ở một ngôi làng nhỏ ở miền Trung…

Câu đề từ cho chương sách đầu tiên cũng là câu chuyện về quê hương nguồn cội: “Một người không yêu nguồn cội của mình thì sẽ không yêu ai cả” (Bruce Weil). Rất nhiều chương nói về những đoạn đời của anh theo thứ tự thời gian, nhưng rồi thế nào đó, anh lại quành trở về với mảnh làng quê của mình, những người anh em họ mạc của mình, những kỷ niệm thiếu thời của mình.

Xa quê từ rất sớm, sau năm 1954 khi mới tám, chín tuổi anh đã vào Sài Gòn ở với người anh cả để đi học nhưng rồi học hết lớp 3 thì “nhớ nhà nhớ mạ”, anh lại về quê học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) ở trường làng Gia Độ rồi học lên đệ nhị cấp (cấp 2) ở trường Nguyễn Hoàng, lên “đệ tam” (lớp 10, đầu cấp 3) anh vào Huế học, rồi học miết từ Viện Đại học Đà Lạt (khoa Chính trị – Kinh doanh) xong về học Cao học ở Sài Gòn, thoáng chốc đã biền biệt quê nhà ngót một phần hai thế kỷ. Cái khoảng thời gian anh “ăn ở” với quê nhà chỉ chừng hơn mười năm nhưng như sau này anh tự nhận: Nhẩm tính thời gian tôi được sống ở quê nhà không bao nhiêu, nhưng với tôi thời gian đó là cả một đời người vì nó đã hình thành nên số kiếp của tôi ở cõi nhân gian này.

Chuyện anh Lê Cung Bắc học giỏi sau này tôi nghe nhiều bạn bè thế hệ anh kể lại, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên bởi “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ông nội của anh là tiến sĩ Lê Phát, chú ruột là Phó bảng Lê Nguyên Lượng – dòng tộc của anh ở làng Xuân Thành hồi đó trứ danh như họ Hoàng ở làng Bích Khê (Triệu Long), quê hương của tiến sĩ Hoàng Hữu Xứng, Hoàng Hữu Đàn, sau này là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ… nên dân Triệu Phong có câu: “Họ Hoàng làng Bích Khê, họ Lê làng Xuân Thành” để tán tụng hai dòng họ khoa bảng của Triệu Phong. Thừa hưởng một cái “gen” như vậy để làm “hương hỏa” cho cuộc đời, đi khắp chân trời góc bể mà cái chất nhà Nho xưa cũ vẫn cứ vương vấn nơi anh, và cũng từ một cội nguồn vang bóng như thế nên vật đổi sao dời, bể dâu trần thế, biến dịch trầm luân thì anh Lê Cũng Bắc vẫn giữ cái nết người trong “nết” đất Quảng Trị: khiêm nhu mà ngạo nghễ và cũng rất nghĩa tình bao dung nhân hậu.

Những câu chuyện đời qua những khúc quanh thời cuộc và lịch sử bạn đọc có thể đọc thấy trong cuốn hồi ký. Còn nhớ tới anh Bắc, trong tôi luôn hiện ra cái nỗi niềm đau đáu lòng anh: hoài hương. Bài viết này cũng chỉ nhắc lại niềm hoài hương của người nghệ sĩ Lê Cung Bắc sau bao năm biền biệt cố xứ cho đến lúc về miền mây trắng.

Trong một bài viết trên tờ Tình Quê của đồng hương Quảng Trị ở Đà Nẵng, anh Bắc đã có một nhận xét đầy triết học: “Không có cảm khái về thân phận nào giống thân phận nào, nhưng lòng hoài hương thì chỉ là một cho dù quê hương của mỗi người khác nhau”. Anh có thể là người miền Trung, miền Bắc, miền Nam, thậm chí có thể là người châu lục này đang sinh sống một châu lục khác, và dự tưởng mai sau nỗi hoài hương không chỉ là chuyện châu lục mà rất có thể là từ hành tinh này nhớ về một hành tinh khác (có thể lắm chứ khi người ta tính đến việc đưa con người lên sống ở sao Hỏa, sao Mộc?). Vậy thì vì sao và từ đâu lại sinh ra nỗi nhớ làng, nhớ quê nhà cố xứ, nhớ từ ngày nắng ngày mưa, nhớ hơi gió bấc hiu hắt ngày đông, nhớ cơn gió quê nhà rát bỏng mùa hạ, nhớ mùi củ khoai nướng lùi trong bếp tro hay hương lúa đồng mùa ngậm sữa… Mà nỗi nhớ ấy đâu chỉ ở con người, cổ thư còn ghi lại điển tích “Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong” – con chim trĩ phương Nam của vua nước Việt dâng cho Chu Thành Vương về nuôi trong vườn ngự vẫn chọn cành cây phía Nam mà làm tổ, con ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế khi nghe gió bấc thổi về thì ngoảnh mặt về phương Bắc hí vang. Hóa ra niềm hoài hương nó kinh khủng đến vậy, là ngựa là chim còn vậy, huống nữa là những kiếp người luân lạc?

Cái quê xứ con người nó mang sức nặng kinh hoàng đến vậy nên cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ khi sống giữa Sài Gòn hoa lệ vẫn rứt ruột viết nên câu: Có nơi mô như ở quê miềng? Quê miềng đó, Quảng Trị đó, khó nghèo còn dai dẳng, trĩu nặng những âu lo trên những gương mặt người mà đi đâu ở đâu tận phương trời nào vẫn khó lẫn được giọng nói, nết cười, vẫn phảng phất cái nét khắc khổ của miền “Ô Châu ác địa” mà anh Lê Cung Bắc bảo là “Quảng Trị tính”.

Còn có nhiều câu chuyện nhỏ về anh Bắc nhưng ít người biết, ấy là khi anh vào học ở trường Quốc Học thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tốt nghiệp đại học về dạy học ở đó. Thầy trò cách nhau vài tuổi, rồi sau đó anh Tường “nhảy núi” lên xanh đi kháng chiến, biền biệt mấy chục năm sau gặp nhau, tóc của thầy trò đều đã bạc, trò nay đã là một đạo diễn nổi tiếng vậy mà anh Bắc vẫn khoanh tay thưa thầy như cậu học trò xưa. Thời tôi thường trú phụ trách văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Huế, mỗi lần anh Bắc ra Huế là vội vã bảo tôi đưa anh lên thăm “thầy Tường”. Vì anh Tường vẫn chưa bình phục sau nhiều năm tai biến, sợ anh Tường mệt hai anh em bấm nhau thăm anh Tường chừng một tiếng đồng hồ rồi về, nào ngờ thầy cũ trò xưa gặp nhau, hàn huyên từ đầu buổi sáng đến quá giờ ngọ, chị Mỹ Dạ bảo: Chưa khi nào thấy anh Tường ngồi lâu như vậy. Nhìn cái dáng anh Bắc ngồi nghiêm cẩn trước người thầy xưa mà chợt nghe trào dâng nỗi cảm khái về đạo học thuở nào. Hôm đó tôi cũng loáng thoáng nhớ anh Tường nói với anh Bắc rất nhiều, vẫn là những câu chuyện về cái nết đất tính người Quảng Trị, cả cái nỗi hoài hương của một nhà thơ Trung Hoa mà anh Tường bảo rằng đấy là Trương Hàn đi làm quan xa, nhớ quê nhà ông ở miền Giang Nam, nhớ món ăn người vợ nấu là rau thuần cá lư mỗi độ thu về đến mức xin thôi làm quan trả ấn kiếm mà tìm về với quê nhà: Gió thu một tiếng bên tai / Thuần lư sực tỉnh nhớ mùi Giang Nam. Dĩ nhiên bây giờ khoảng cách thiên lý cũng không phải xa xôi gì nữa bởi có những chuyến bay, Sài Gòn – Huế cũng chỉ hơn một giờ bay, thêm một giờ đồng hồ ngồi xe từ Huế ra là đã gặp Quảng Trị. Biết thế nhưng nỗi đời cơm áo mưu sinh, và trăm ngàn công việc không tuổi không tên khác thành ra đâu dễ gì cứ nhớ nhà là ra phi trường.

Có lần anh Bắc ra dự Festival Huế, mấy anh em hẹn đưa ô tô chở anh về quê, loay hoay chưa kịp đón anh thì anh đã một mình nhảy xe về làng, dẫu là những chuyến vội vã đi, vội vã về nhưng như anh bảo vẫn là điều may mắn cho những ai còn có một quê nhà để thương để nhớ, nỗi nhớ ấy làm cho con người vơi bớt đau khổ mất mát của thời gian.

Những câu chuyện với anh bao giờ cũng bắt đầu từ Quảng Trị, lan man qua bao nhiêu kỷ niệm rồi anh lại ngùi ngẫm với những bài thơ Đường. Với anh, Đường thi không chỉ là tinh hoa thi ca của vương quốc Trung Hoa thời thịnh trị, phía sau những câu chữ với khoảng cách thời gian đo bằng thiên niên kỷ kia là những niềm riêng chất chứa, nói hộ bao nhiêu tâm sự cho nhân gian. Rồi anh cất giọng đọc Tương tiến tửu của Lý Bạch: Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai / Bôn lưu đáo hải bất phục hồi / Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát / Triêu như thanh ty mộ như tuyết… Cái ám ảnh thời gian một đi không trở lại ấy như dòng sông chảy từ lưng trời xuống, ra đến bể đã không còn quay về suối nguồn, như tấm gương soi mớ tóc bạc, buổi sáng hãy còn tơ xanh mà chiều đã ra màu tuyết trắng. Với anh Lê Cung Bắc, đó là dòng sông đời không bao giờ quay lại bến bờ ngày cũ, như triết học của Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhận thức được sự miên viễn nghiệt ngã của thời gian, với anh, đó cũng là một hành trình thiên di của đời người, dẫu có quay lại quê nhà ngày cũ thì tuổi thơ hoa niên mơ mộng đã bay đi, như những con đò dọc một thời cũng đã trôi về đâu trong mịt mùng ký ức, chỉ còn tóc trắng trên đầu như một ấn chỉ thời gian.

Giờ thì anh Bắc đã bay về trời tròn hai năm, mộ phần anh được chị Giang và các con lo cho anh nằm ở một hoa viên nghĩa trang rất đẹp ở Long An, nhưng biết đâu thi thoảng anh lại vân du về với mảnh làng bên sông Thạch Hãn và đi trên con đường quê ngâm ngợi những câu thơ Đường mà anh đã rất mê đắm suốt cuộc đời. Khác chăng là dòng nước trong câu Đường thi kia không trở lại suối nguồn (Bôn lưu đáo hải bất phục hồi), nhưng tôi tin linh hồn anh Lê Cung Bắc sẽ luôn về lại với bến sông bên ngôi làng Xuân Thành, Triệu Độ.

Theo Lê Đức Dục/ Tạp chí Cửa Việt