Lê Hà Ngân & Rượu son

1206

30.12.2017-21:00

 Nhà văn trẻ Lê Hà Ngân

 

>> Để chiều nay ta thầm gọi ta về

>> Có ai về xứ đạo ngày xưa

>> Bánh trôi hoa

>> Người gánh dọc cơn mưa

 

Rượu son

 

TÙY BÚT CỦA LÊ HÀ NGÂN

 

NVTPHCM- Thưa chị! Bây giờ đã là cuối năm, nghe trong se lạnh hơi xuân đang ăm ắp ùa về. Nhìn những cánh đào hàm tiếu e ấp trong rét giá lòng em lại rưng rưng. Chị ơi! Chỉ sớm mai thôi hàng ngàn vạn sắc hồng phai sẽ khoe trước nhân gian. Lòng ai kia có tưng bừng nở hoa như bao mùa xuân trước? Khẽ thôi nhé! Hãy lắng nghe bước đi của mùa xuân dẫu tần ngần trước những lòng trẻ dại… “Anh còn son em cũng còn son.” Lòng em lại ngùi ngùi nhớ câu thơ chị thường ngân nga mỗi khi rót rượu.

 

“Rượu hồng em uống cho say

Vui cùng chị một vài giây cuối cùng”

 

Bao lần em nhắc chị đầu xuân đừng có đọc “Lỡ bước sang ngang” đừng có giông gió kẻo đầu năm lại ươm sầu. Chị không nghe em lại còn mỉm cười trách khéo:

 

– Cái cô này chỉ được cái lo xa! Rượu hồng trong đám cưới người ta là rượu chia ly là rượu chất ngất cung sầu của người đi kẻ ở. Còn rượu của chị là rượu Son cơ mà! Rượu đỏ mang phúc lộc may mắn đầu năm. Uống đi em! Uống cho hồng môi thắm má! Uống cho trai làng mình khối kẻ phải lòng em.

 

Ơi trời! Nhìn má chị hồng rực, mắt lúng liếng như hàng vạn sắc đào bung biêng nơi đầu ngõ em không thể chối từ. Nào thì nhấc chén! Màu rượu thật đẹp ánh lên như ngọc lựu, chén rượu dâng đầy tươi như “màu son trên môi ai.” Hương rượu cay nồng mới chạm môi đã ấm sực nức. Em từ từ nhấm một chút mà ngất ngứ say. Chị vội vàng dúi vào tay em miếng xôi gấc đầu năm đỏ thắm như son. Ui chao! Rượu của chị đỏ, xôi của chị thắm, chiếc áo lụa của chị cũng óng như ráng đỏ bình mình. Và má chị rực hồng…lâng khâng trong mắt em một màu hồng lung linh bóng hình chị.

 

Chị là người đảm khéo nhất họ mình. Mỗi dịp lễ tết mà thiếu chén rượu son của chị dâng lên bàn thờ tiên tổ là các cụ nhắc ngay.

 

– Sao không thấy con bé dâng rượu Son đầu năm nhỉ? Thiếu rượu đỏ cúng các cụ đầu năm là không được đâu?

 

Ông trưởng họ vừa lên tiếng, một bà cuối chiếu đã thẽ thọt thưa lên:

 

– Con bé lấy chồng nơi xa rồi cụ ơi! Nó xa xôi thế làm sao còn kịp dâng rượu Son nữa. Xin cụ cứ lấy Vò Di làm phù tửu kính cáo tiên linh cho đủ lễ ạ!

 

Ông trưởng họ chợt thở dài nhớ lại những chén rượu hồng đào đã rót bao mùa xuân qua. Lòng ông chợt trùng lại thấp thỏm lo âu như người đi giữa đồng bỗng gặp cơn mưa dông mà không nơi trú.

 

Dâng rượu đầu năm như một nghi lễ, chỉ có chén rượu của chị thắm đỏ được ngâm ủ chưng cất từ bàn tay cô gái đồng trinh là làm các cụ đẹp lòng. Khi nắng còn non trên nhành mơ trắng xóa vườn nhà, các thôn nữ thi nhau nhặt những cánh hoa đào mãn khai tả tơi dưới gốc vào ngày mùng bảy tháng giêng đem giã nhuyễn chưng cất thành một thứ thần dược đắp lên gò má thanh nữ. Má sẽ mịn màng tươi thắm như Tây Thi. Thanh nữ thầm thì, thanh nữ khấn nguyện ngàn vạn lời bí mật thì chị lại lặng lẽ nhặt những hạt gấc nếp cái to mẩy đã được phơi dưới nắng đầu đông hoanh hanh. Để có được những hạt gấc ưng ý, chị chọn những quả gấc nếp to đẹp màu sắc đỏ tươi hài hòa và ít gai. Những quả gấc vừa mắt, lọt đôi bàn tay khéo léo, chị dùng dao bài bửa quả ra ngọt mềm như bổ dưa hấu. Những hạt gấc được bao bọc bởi phần thịt gấc đỏ mọng. Gỡ phần hạt riêng ra với phần thịt quả. Hạt đó được đem phơi khô và được đặt xuống lớp đất mùn mềm ẩm được tưới mưa xuân mát lạnh. Chị nhẹ tay vun ủ cho hạt gấc nảy mầm. Mưa xuân như rây bột trên màu áo thiên lý biếc xanh. Chị lặng lẽ làm, lặng lẽ tưới chăm trong ánh nhìn thầm vụng của người trai láng giềng.

 

Hạt gấc gặp nắng xuân, mưa xuân và đất ải tơi xốp đã nhanh chóng nảy mầm. Mầm gấc biếc xanh, non mởn giờ vươn thẳng như hướng tới mặt trời. Mưa thuận gió hòa, mầm gấc được ấp iu từ bàn tay chăm bón của chị, để rồi một sớm chớm hè nụ hoa gấc vàng phai nhắc nhở nhau hé nụ, giàn dây leo cho một thứ quả như xuất hiện từ thiên đường cũng bắt đầu lấp ló. Gấc leo bờ ao, leo tường rào làm thành bóng râm mát trên lối đi. Em bắt gặp ánh mắt trong không một thoáng ưu tư khi những hoa gấc đầu tiên xuất hiện. Em thường dẫn lũ bạn về chơi chuyền dưới bóng râm của giàn gấc. Chuyền một, chuyền hai, chuyền ba…Quả chuyền tung lên thảng trong gió những cánh hoa gấc rớt nhẹ xuống mái tóc đuôi sam… Hoa gấc đậu thành quả nhỏ và cứ lớn dần lên trong sự trông mong chăm chút của chị. Nhỏ xinh như ngón tay út rồi cứ thế to tròn căng mẩy lớp da xanh sẫm có gai nhọn mọc kèm. Nắng hạ cháy bỏng cả khung trời, gấc vẫn trần mình đón nắng và gió, thu vừa sang quả gấc lại được tắm mình trong nắng vàng như mật ong. Quả gấc lúc này phổng phao, gai như mờ đi nhường chỗ cho lớp da láng bóng ngả màu vàng nhạt, rồi chuyển dần sang đỏ cam. Trái gấc nếp láng bóng, căng mịn đỏ thắm lủng lẳng trên cành, trông thật thích mắt. Gió đầu đông se sắt, những trái gấc đỏ ửng trên cành làm lòng ta chợt ấm lạ ấm lùng.

 

Chị mừng ra mặt, ngày thu hoạch gấc là ngày trọng đại và thật vui đối với người làm rượu gấc. Chẳng phải chị có duyên với loại quả dây leo đỏ thắm này hay sao, mà lứa gấc thu hoạch lần nào cũng đều tăm tắp. Mọng đỏ như màu má của kẻ đang yêu. Từng rổ gấc đầy được xếp lại ở chái cửa cuối hè. Chúng nằm đấy đỏ lựng ủn ỉn như lợn con đợi bàn tay người cưng nựng. Chẳng có giậu tầm xuân nào bên ấy mọc thêm gai, để ai kia phải vướng áo, mà chỉ có dây gấc của chị bò la liệt sang nhà hàng xóm ra hoa, kết trái và đỏ thắm bên bờ giậu nhà ai.

 

Khi hái vãn những quả gấc trên dàn nhà mình, chị mừng vui hỉ hả nghĩ tới hũ rượu gấc đỏ như son đầu năm thì chiều cũng muộn, người ta ngập ngừng khệ nệ với một rổ gấc đỏ au đứng nơi đầu ngõ. Con trai gì mà bẻn lẽn như con gái… Cũng phải rồi người ta đi học xa nhà có mấy khi về đâu cơ chứ.

 

– Mẹ tôi bảo! Gấc này là gấc nhà em bò sang kết trái bên nhà tôi. Nay đã chín, mẹ sai tôi hái đem sang cho em dùng vào việc tết.

 

Bốn mắt nhìn nhau lúng túng, thẹn đỏ, những quả gấc được đẩy đi đẩy lại trong rổ như cũng nhuốm vẻ thẹn thùng của “em còn son anh cũng còn son”. Ngại ngùng nhau lắm láng giềng ơi!

 

Sáng hôm sau, mặt trời còn ngủ vùi trong chăn mây, lão gà tồ gáy lên dõng dạc trên đống rơm sau nhà thì chị cũng đã chuẩn bị những chiếc rổ mau sạch sẽ, con dao bài thật bén và chiếc thau đồng sáng loáng được để lại từ thời các cụ chỉ được đem dùng những việc trọng đại trong nhà.

 

Tới chái nhà đánh thức lũ gấc đang thiếp ngủ trong sương đông lạnh giá, chị mỉm cười nựng nịu bọn chúng như dỗ dành trẻ con. “Nào gấc son gấc đẹp! Thức dậy cho chị làm rượu Son chuẩn bị đón Têt nhé!”

 

Nhẹ nhàng bế lũ gấc đặt hết ra sân. Tay ngà mềm mại đưa lưỡi dao sắc ngọt bổ những quả gấc nếp tươi đỏ, gạt hết thịt gấc vào chiếc thau đồng. Chị nghiêm cẩn tỉ mỉ tách lớp thịt gấc đỏ thắm vào chậu và nhặt hạt gấc đen nhánh sang một bên. Chị thầm thì cười bâng quơ khi nghĩ tới những cuộc đánh đáo gấc nảy lửa của mấy cu Tý trong xóm lần nào cũng ngấp nghé qua ngõ nhà chị xòe tay xin hạt gấc. Ngẩng lên bẽn lẽn thẹn đỏ mặt khi láng giềng đang chăm chú nhìn mình âu yếm. Tay ngà lóng ngóng giờ đỏ như son tàu. Bàn tay tháp bút giơ lên ngắm nghía lớp lụa gấc đỏ thắm rồi khéo léo gạt vào chậu. Cố tỏ ra bình thản nhưng lại bối rối trước ánh nhìn của người ta.

 

Chẳng nói gì với nhau, nhưng thi thoảng ngước lên chị lại bắt gặp ánh nhìn ấm áp, ánh nhìn như có lửa làm tim chị đập mạnh, bối rối xốn xang. Chị cố trấn tĩnh, bưng chiếc bình thủy tinh trong suốt như pha lê, chiếc bình to đậm, thấp cổ đẹp như một thứ đồ trang trí mỹ nghệ được vẽ những họa tiết tinh xảo đắp nổi để lại từ thời cụ nội làm đốc học. Gạt lớp thịt gấc đỏ thắm vào bình, chị nhẹ nhàng gạn rượu Vò Di, thứ rượu nếp Vò Di được chưng cất hai lần thơm ngon và nồng độ thật cao đựng trong chum sành chôn ủ trong lòng đất lâu năm giờ rót vào bình gấc đỏ. Rượu thơm quyện trong gấc đỏ tan chảy vào nhau thành màu hồng ngọc, pha sắc nồng nàn. Bình rượu được bịt chặt để trong bóng tối cho rượu và gác thấm đượm rồi thiếp ngủ hơn bốn mươi ngày. Lúc này rượu đã ngấm có thể đem ra lọc chắt thành một màu rượu Son đẹp đến lạ lùng.

 

Sáng mùng Một Tết chị nghiêm cẩn đem một bình rượu Son dâng lên bàn thờ họ tổ, cầu xin may mắn phúc lộc cho gia đình, cầu cho người ta mau chóng thi đỗ tốt nghiệp kiếm được việc làm về đón chị ra phố.

 

Vâng! Rượu hồng em đã uống cho say! Nhưng còn chị thì lâu rồi không về quê cũ. Bao mùa xuân chị lặng lẽ cất rượu Son đem may mắn phúc lộc cho nhân gian. Bàn tay chị mềm mại, tài hoa đảm khéo tạo men say thắm đỏ ngày đầu năm, lời khấn nguyện của chị tốt lành, dịu ấm cho những ai kia tình duyên son sắc bền chặt. Sự may mắn hình như chị dâng tặng cho hết người đời. Em đã có người lặng lẽ đạp xe theo về tận ngõ sau mỗi giờ lên lớp mà chị vẫn phòng không chiếc bóng một mình. Đông hanh hao trên gò má chớm phai nét xuân thì, gấc nhà mình vẫn hồn nhiên bò sang rào nhà hàng xóm mà người hái gấc đem trả mãi không về. Đau lòng nhau lắm láng giềng ơi!

 

Có phải chăng “Thiên không mà gặp đào hoa, cầm kì thi họa tài ba tuyệt vời, đa mưu túc trí hơn người, nghìn năm bạc mệnh là đời tài hoa”… Em chẳng tin lời giá đoán trong cung mệnh của chị… Lá số tử vi mà ông nội chấm cho chị có Hồng Loan chiếu mệnh và cung Phu rất tốt.

 

Thế mà lẽ nào một chiều đông năm ấy pháo cưới nhà bên giòn giã nổ, người ta của chị tay trong tay với cô dâu óng ngời vàng bạc trên xe hoa bước xuống. Chị rụng rời buông rơi bình rượu gấc vỡ tan. Rượu Son mừng đám cưới người ta giờ chan hòa nước mắt của người chờ đợi. Chẳng nói một lời chị đổ xuống như dây gấc bị đốn bỏ giữa trưa hè nắng lửa.

 

Chị chẳng còn nước mắt mà khóc nữa bởi bao đêm gối ướt mất rồi. Đầu xuân năm ấy, chị đem bình rượu gấc trong men sứ cuối cùng của nhà mình rót dâng lên bàn thờ tiên tổ rồi mỉm cười héo hắt với em:

 

– Uống đi em! Uống rượu Son lần cuối cùng với chị… Lạy giời cho em tôi được đẹp duyên. Nơi phương xa chị luôn cầu nguyện cho em may mắn và hạnh phúc. Chị phải đi đây! Em cũng phải học cách lựa gấc và ủ rượu Son đi là vừa. Chị không muốn mỗi giao thừa trên bàn thờ nhà mình thiếu bình rượu đỏ, đầu năm má em chị thiếu sắc hồng….

 

Em rụng rời! Cầm chén rượu mà nước mắt tuôn rơi…

 

Đã bao lần hoa đào thay sắc, mai trong vườn trắng xóa rồi lại kết trái trĩu trịt. Em cũng bắt chước chị trồng gấc, chế biến và ngâm ủ rượu Son. Nhưng cứ đầu năm rót chén rượu đỏ thắm trên tay, nhìn men hồng ngọc sóng sánh mà em ngút buồn. Chén rượu đầu xuân phảng phát bóng hình chị, lòng em ùa dậy một miền nhớ đến thắt lòng.

 

Chiều qua đọc bài thơ của ai đó nói về rượu chiều cuối năm mà tim cồn đắng, thương con đò ngược đẫm sương đông thì em nhận được thư chị. Mừng đến ứa nước mắt, khi lòng chị đã lành sau bao nhiêu giông gió. Chị lấy chồng miền ngược, người ấy thương chị và lấng khấng say với thứ rượu Son chị chưng cất ngâm ủ quanh năm. Từ những chén rượu hồng thắm đỏ được dâng lên từ tay chị đã tạo men say và thành cảm hứng cho mỗi trang văn cất cánh. Mừng cho duyên chị đã lành…

 

Chồng chị là người lính từ chiến trường trở về, Anh còn là nhà văn, những trang văn của anh thấm đẫm nỗi đau của chiến tranh, nỗi đau mất mát của bao thân phận con người. Anh thương chị, thương rượu Son như thương bao đêm nước mắt ngậm ngùi của chị.

 

Vâng có lẽ trời thương lên cung Phu của chị vẫn có Hồng Loan chiếu mệnh.

 

Chẳng biết trong nhân gian này có còn ai ủ rượu Son như chị nữa hay không? Em cũng không biết nữa! Liệu nhà văn ấy có mãi mê rượu Son của chị hay không? Em cũng không biết nữa…Chỉ biết rằng Tết này em không còn ngậm ngùi rót rượu Son! Trong hơi gió se lạnh đầu xuân, chen trong sắc hoa đào là nụ cười của chị ngoài ngõ…Em sẽ rớt rượu mừng để má chị hồng đỏ thắm tựa rượu Son….

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…