Lính đánh thuê –  Truyện ngắn của Việt Thắng

782

(Vanchuongphuongnam.vn) – Biết là như vậy nên tôi mới phải nhờ tới chú chấp bút. Những chuyện đói khát, sốt rét và bom đạn ở rừng thời chiến tranh, chú từng là lính đã quá hiểu rồi. Chú cứ thêm thắt làm sao cho nổi bật hình tượng một người lính sống chết vì lý tưởng.

Nhà văn Việt Thắng

Tiếng điện thoại reo, từ đầu dây bên kia:

– A lô… xin lỗi anh có phải là nhà văn Việt Thắng không?

– Vâng tôi đây, có gì không anh?

– Chuyện hơi dài dòng, chả là tôi muốn nhờ anh viết cho một tập hồi ký ấy mà. Thế này nhé, hẹn anh một tiếng nữa tại quán cà phê… ta nói chuyện cụ thể hơn.

Bỏ máy xuống, ngồi vào bàn uống tiếp bình trà đang uống dở buổi sáng. Tôi tự phì cười một mình, cái thời buổi có miếng ăn miếng để, thiên hạ đua nhau làm thơ, in thơ. Các câu lạc bộ mọc lên như nấm sau mưa; phần nhiều họ viết thơ theo kiểu “phong trào”. Đầu tiên là ca ngợi chế độ, sau đó kể lể công lao của bản thân, nội dung đừng có nói xấu chế độ, lãnh đạo là được xuất bản tuốt tuồn tuột. Chỉ béo cho các nhà xuất bản; thậm chí mấy chi nhánh in nhỏ tư nhân, từ hai bàn tay trắng ở nhà thuê, ngoảnh qua ngoảnh lại họ đã sắm xe hơi, mua đất đai nhà cửa cũng chỉ nhờ in thơ, in truyện của những người thích khoe mẽ với đời. Dạo này lại nổi lên phong trào viết hồi ký của mấy bác có đi bộ đội hoặc làm việc từ thời chống Mỹ cho chế độ. Anh chị nào tự viết được ghi là truyện ký để tránh tiếng ấy mà. Ai không đủ trình độ viết thì đi thuê mướn. Người ta làm quan to thì họ ghi hồi ký, còn mấy tay lèng èng lâu năm lên lão làng, từ anh lính quèn khi về nghỉ hưu cũng lên tới cấp tá, chả lẽ ghi là hồi ký e khó nghe.

Vừa bước chân vào quán, đã thấy một ông già cỡ trên bảy mươi tuổi. Bộ quân phục sĩ quan chẳng nâng nổi khuôn mặt béo phệ đầy nếp nhăn và tàn nhang bám đầy trên da mặt, bụng phệ như cái trống chầu của ông. Sau cái bắt tay và được dẫn vào bàn đã thấy hai ly cà phê phin đang nhỏ từng giọt đen thui xuống đáy ly. Vừa nhâm nhi cà phê ông ta tự giới thiệu:

– Tôi tên là Kháng, năm nay đã bảy mươi lăm tuổi. Trước đây tôi phục phụ trong quân đội, đã về hưu hơn hai chục năm nay, cấp bậc cuối cùng của tôi là trung tá. Hiện đang ở cùng phường với nhà văn, tôi có được đọc một số truyện ngắn của nhà văn. Tôi rất thích cái kiểu hành văn như vậy, nên hôm nay tôi gặp nhà văn muốn bàn cụ thể, về việc tôi muốn nhờ nhà văn viết cho tôi cuốn hồi ký của bản thân; qua quá trình đi bội đội và phục vụ cách mạng ấy mà…

Nhấp thêm ngụm cà phê, rít một hơi thuốc lim rim mắt nhìn ông Kháng. Tôi ngắt ngang ý rườm rà của ông ta, vào thẳng đề:

– Xét về tuổi tác anh lớn hơn tôi gần chục tuổi, tôi gọi anh là anh còn anh cứ gọi tôi là chú cho thân mật.

Ngừng giây lát tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta:

– Ý của anh là mướn tôi viết một cuốn hồi ký; cụ thể cuốn sách sẽ là bao nhiêu trang?

– Tùy chú sắp xếp, một vài trăm trang gì cũng được.

– Ý tôi muốn hỏi số trang để còn tính giá cả tiền công viết, và tiền in sách cho anh. Cụ thể như thế này, tôi viết đây là viết thuê cho anh, nói nôm na như nhà binh các anh là lính đánh thuê ấy mà. Bản quyền sách là của anh, tôi chỉ là người chấp bút viết theo ý của anh, khi viết xong lấy tiền công là hết trách nhiệm.

– Cụ thể xin chú cứ ra giá tiền công để tôi biết mà liệu.

Tôi đưa ly cà phê lên xoay xoay trước mặt. Uống thêm ngụm cà phê, rít rõ sâu hơi thuốc lá ngửa mặt nhả khói ra vẻ suy tư:

– Thôi đơn giản thế này, tôi sẽ cố gắng gom lại ngắn gọn cho tập hồi ký của anh khoảng 100 trang; để giảm bớt khoản tiền in sách và tiền công viết, ý anh thế nào?

– Cái này thì tùy ý chú sắp xếp sao cho đơn giản là được.

– Nếu viết dưới 100 trang, tình cảm lắm cũng xin tiền công hai tháng lương hưu trung tá của anh. Anh cứ về suy nghĩ kỹ nếu được ta tiến hành làm hợp đồng.

Hai ngày sau kể từ hôm gặp mặt anh trung tá. Anh điện thoại thông báo là nhất trí theo gợi ý của tôi như hôm ở quán cà phê và hẹn tôi đến nhà. Tôi xách xấp giấy A4, cây bút bi hỏi thăm tới nhà anh. Nói là nhà chứ thực tế nó là khu biệt thự rộng rãi có tường bao quanh. Khi bước vào sân tôi ngỡ ngàng về khu vườn rộng rãi trồng toàn cây cảnh, xung quanh treo những lồng chim, đang líu lo đủ giọng hót. Tôi buột miệng trầm trồ khen:

– Vào nhà anh cứ như về một vùng quê nào đó. Mát mẻ lại nghe tiếng chim hót đủ kiểu, ngỡ như đang ở trong rừng, anh hạnh phúc quá còn gì nữa.

Xoa xoa hai tay anh cười cười:

– Nhờ ơn đảng và nhà nước cùng bản thân cũng tự phấn đấu nhiều lắm đấy chứ.

Tôi chỉ tủm tỉm cười khi nghe anh nói. Phần đông những người nói là thành phần cốt cán của đảng, từ anh bần cố nông đi bộ đội hoặc làm việc cho nhà nước. Khi về nghỉ hưu cũng nhà cao cửa rộng, làm sao họ không mang ơn chế độ? Có lẽ tiền nhiều quá các ông bà muốn kể lể cái gì đấy cho con cháu đời sau đây mà…

Sau tuần trà tôi đi vào vấn đề:

– Bây giờ thế này anh ạ, để cho nhanh gọn, cứ tôi hỏi tới đâu thì anh trả lời tới đó. Phần nào muốn thêm bớt, anh sẽ ý kiến sau những điều tôi đã hỏi.

Tôi đặt xấp giấy lên mặt bàn uống nước, miệng hỏi tay hí hoáy ghi. Đang lúi húi ghi, anh Kháng vỗ vai tôi:

– Này nhà văn, tôi đề nghị với chú một điều thế này.

Tôi bỏ bút xuống liếc mắt nhìn anh, anh cười:

– Tôi đọc truyện thấy người ta viết về tinh thần của thanh niên thời chống Mỹ. Ai đi bộ đội cũng chưa đủ cân phải lén bỏ thêm đá vào túi quần, và còn phải chích máu viết đơn tình nguyện mới được đi. Hay là chú có thể thêm cái phần đó vào cho tôi được không?

Rót thêm nước trà vào ly nhấp một ngụm, nhìn anh tôi thủng thẳng:

– Tập hồi ký này in xong là anh sẽ gửi về quê tặng họ hàng, bạn bè… Ở quê ai cũng biết hồi anh đi bộ đội đã hai mấy tuổi rồi, cao to thế này làm sao mà hư cấu bỏ đá vào túi quần với cả chích máu?

Cười xởi lởi anh vỗ vai tôi:

– Lớp người lớn hơn và bằng tuổi tôi, họ cũng theo ông bà gần hết rồi. Tụi hậu sinh sau này họ làm sao mà biết mình hư cấu hả chú.

Tôi cúi đầu xuống đọc lướt qua những chi tiết đã ghi, nói nhỏ:

– Cái này là ý anh muốn, tôi sẽ viết chứ có gì khó đâu.

Công việc lu bu gần cả tháng trời tôi mới viết xong phần tiểu sử, và những công việc ở quê, cho đến khi nhập ngũ của anh Kháng. Điện hẹn trước, khi tới nhà đã thấy anh bày trên bàn mấy lon bia, cùng  đĩa trái cây. Trong khi chờ đợi anh đọc bản thảo, tôi nhâm nhi từng chén trà Thái Nguyên đặc quẹo nổi màu nước xanh đậm. Hút đã hết hai điếu thuốc mà anh vẫn chưa đọc xong gần chục trang bản thảo A4. Nhìn anh miệng mấp máy, chắc đang lẩm nhẩm đọc. Sốt ruột quá tôi bỏ ra ngoài sân ngắm những cây cảnh anh trồng trong vườn. Đang mải mê ngắm nghía, nghe tiếng anh gọi. Tôi quay lại bàn, biết tôi sốt ruột chờ lâu, anh rót thêm bia vào đầy cả hai ly. Đưa ly bia lên bảo tôi cùng uống cạn. Đặt ly xuống bàn anh phân trần:

– Chú thông cảm, hồi đó nhà nghèo, sau hòa bình mấy năm nhà nước mới mở các lớp học. Nên khi đi học tôi cũng đã mười mấy tuổi, thành thử học hết cấp một đã tới tuổi thành niên. Đành phải nghỉ học ở nhà đi làm hợp tác xã kiếm công điểm phụ cha mẹ. Khi đi bộ đội vào chiến trường suốt ngày trong rừng rú bom đạn, công việc liên miên có điều kiện đâu mà học. Đến khi hòa bình có điều kiện cố gắng học bổ túc cũng hết cấp ba. Chú biết đấy lớn tuổi rồi lớp vợ con, cơm áo gạo tiền, ghi danh cho có tên vậy chứ học hành nó có vô đầu nổi đâu. Thật tình mà nói chữ nghĩa chả có được bao nhiêu.

Không muốn nghe anh kể lể dài dòng, ngắt ngang tôi vào đề:

– Xin anh kể chi tiết những kỷ niệm sâu sắc; về một vài trận đánh mà anh cảm thấy đáng nhớ nhất?

Không cần suy nghĩ, anh kể một hơi:

– Sau ba tháng huấn luyện. Đơn vị tôi hành quân sáu tháng trên đường mòn Hồ Chí Minh mới vào tới chiến trường Bê 2. Tôi được bổ sung vào một sư đoàn bộ binh. Về đơn vị chưa được một tháng, gặp ngay trận càn lớn của địch. Mở màn là những chiếc máy bay phản lực thi nhau trút bom xuống trận địa. Vừa ngưng tiếng bom là từng đợt pháo bầy, không biết bao nhiêu mà kể. Tôi cứ ngồi dựa lưng vào vách hầm hai tay bịt hai lỗ tai. Cứ nghĩ dại nếu quả bom, pháo trúng hầm chắc tan xác. Cậu lính kế bên cũng tân binh như tôi sợ quá cứ mếu máo: “U ơi, u ơi…!”. Khi tiếng pháo ngưng tụi lính Mỹ dàn hàng ngang tiến vào phía chúng tôi. Thú thực lần đầu tiên tôi mới thấy thằng lính Mỹ nó cao to, tay lăm lăm khẩu súng tiểu liên cực nhanh AR15 cứ lùi lũi tiến tới. Tôi đưa súng nhắm vào những cái bóng đen cao to đội mũ sắt. Lệnh nổ súng vang lên, tôi xiết cò hết cả băng đạn AK. Bị bất ngờ tụi lính Mỹ nằm bò xuống sườn đồi; súng đủ các loại của tụi nó xối xả bắn về phía chúng tôi. Đạn cắm vào thành công sự nghe bịch, bịch… Nói thật tôi cũng hoảng cứ cúi đầu dưới thành công sự, đưa súng lên bắn lia bắn lịa.

Cầm ly bia lên uống một hơi cạn, anh nhìn tôi:

– Sau này nghe kể lại ngay loạt đạn đầu vì bị bất ngờ nên tụi Mỹ đã bị thương vong cả chục mạng. Chả hiểu cả băng đạn AK của tôi có bắn chết thằng nào không; mà tôi cũng được đề nghị tặng thưởng trong trận này.

Ngưng lại giây lát, anh cười cười:

– Phần này tùy chú tả chi tiết thế nào cho ác liệt để đề cao tinh thần của chiến sĩ ta chú ạ.

Nghe anh kể, tôi lại nhớ tới nhiều lần xem những bộ phim đánh nhau; của phe đồng minh với phát xít Đức hồi thế chiến thứ 2. Họ chả cần giấu giếm chi, đưa lên phim cả hình ảnh những anh tân binh mới lần đầu tiên ra trận, đái cả ra quần… Thế mà bên ta đọc truyện hoặc xem phim nào cũng thấy tinh thần hừng hực.

Tôi nháy mắt nhìn anh cười:

– Anh yên tâm, tôi sẽ viết hư cấu theo gợi ý của anh. Cái gì thì khó chứ cái phần này quá dễ với tụi tôi, nghề nghiệp mà anh.

Ngưng lại giây lát anh kể tiếp:

– Bị đánh trả quyết liệt tụi lính Mỹ bỏ chạy lùi lại phía sau, chúng kêu pháo bắn cấp tập xuống trận địa. Bom đạn Mỹ ở đâu mà nhiều thế, cày nát cả khu rừng. Pháo ngưng nghe tiếng phành phạch từ xa, thì ra chúng kêu tiếp viện, cả chục chiếc trực thăng đổ quân xuống. Lực lượng Mỹ đông và mạnh quá, lệnh đơn vị rút quân để bảo toàn lực lượng. Trên đường rút lui, bị tụi Mỹ bắn pháo chặn đường. Nghe tiếng xoẹt, xoẹt… là tôi lại vội vàng nằm sấp xuống tránh đợt pháo bầy của chúng. Đang chạy tôi thấy một người máu me đầy mình, nằm dựa đầu vào gốc cây. Tôi vội sốc anh ta lên vai vác chạy. Khi ra khỏi vùng bom pháo địch, mới hay người tôi đang cõng là ông tiểu đoàn phó. Khi lành vết thương ra viện, ông gọi tôi về tiểu đoàn bộ làm liên lạc. Vì sức khỏe yếu do vết thương, sau này chuyển qua làm lãnh đạo đơn vị hậu cần ông cũng dắt tôi theo.

Ngưng kể, anh rót thêm bia vào ly, ngửa cổ uống một hơi cạn. Anh nhìn tôi nhỏ nhẹ:

– Từ ngày tôi được theo ông tiểu đoàn phó qua đơn vị hậu cần ở tuyến sau, chả khi nào phải giáp mặt với bọn lính như trận chống càn tôi đã kể cho chú. Có lẽ nhờ vậy mà tới hòa bình tôi vẫn còn nguyên cả hình hài cha mẹ sinh ra. Chả hề có vết đạn nào găm vào người cả chú ạ.

Bỏ bút xuống bàn, tôi với tay rót thêm bia vào ly; rít mạnh hơi thuốc lá nhả khói nhìn bâng quơ ra ngoài sân. Tôi chậm rãi:

– Chuyện anh kể mấy ngày nay, chỉ thấy có trận chống càn là đáng giá. Kể từ khi anh về làm liên lạc và được ông tiểu đoàn phó dắt theo về đơn vị hậu cần; chả có cái gì đáng ghi cả. Khi hòa bình anh không phải ra mặt trận biên giới và sang Cam Pu Chia đánh Pôn Pốt…

Dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn, nhìn anh tôi thẳng thắn:

– Theo đề nghị của anh thì tôi phải thêm thắt trong cuốn hồi ký này nhiều lắm.

Đưa ly bia lên uống thêm một hớp, xoa xoa hai tay anh nhìn tôi cười xởi lởi:

– Biết là như vậy nên tôi mới phải nhờ tới chú chấp bút. Những chuyện đói khát, sốt rét và bom đạn ở rừng thời chiến tranh, chú từng là lính đã quá hiểu rồi. Chú cứ thêm thắt làm sao cho nổi bật hình tượng một người lính sống chết vì lý tưởng. Còn sau khi hòa bình, đơn vị cơ quan nào chả gặp khó khăn; trong khi đất nước lại bị bao vây kinh tế do đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt. Những chi tiết đó chú cũng ghi vào để sau này con cháu tôi, nó đang ở nhà cao cửa rộng, được học hành tới nơi tới chốn. Chúng phải hiểu và biết công ơn cha mẹ chúng đã hy sinh cả mạng sống; để gầy dựng cho chúng có cuộc sống như ngày hôm nay.

Mặt trời đã đứng bóng, tôi đứng dậy bắt tay tạm biệt anh. Thành thật tôi ái ngại nói với anh:

– Vì lỡ hứa với anh, chứ thật tình chuyện đời anh có kể lể lê thê cũng chỉ vài chục trang giấy. Mấy chục trang kia tôi phải phịa ra cho có tình có lý. Cái này là hơi mệt vì phải tưởng tượng để mà hư cấu.

Nắm chặt tay tôi anh cười cười:

– Có vậy tôi mới nhờ đến khả năng chuyên môn của chú.

Tay kia anh vỗ vỗ vai tôi:

– Chú cứ viết đủ 100 trang đi, anh hứa sẽ bồi dưỡng thêm không phụ công của chú đâu mà lo.

V.T