(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu lặng lẽ rời cõi tạm vào lúc 3h ngày 29/4/2024, hành trang trong cuộc viễn du cuối cùng của ông vẫn là tình yêu thương con người bất tận… Cầu mong linh hồn ông sẽ thanh thản nơi ông đến… Xin vĩnh biệt ông nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Người buồn vui vì người.
Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu
Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, sinh năm 1945 tại Phan Thiết (Bình Thuận), năm 8 tuổi theo gia đình về Ninh Hòa (Nha Trang). Ông là anh cả trong một gia đình có 7 anh em. Cha mất sớm. Mẹ buôn thúng bán bưng lúc ở chợ, lúc ở ga Nha Trang nuôi bầy con thơ dại. Cũng như bao đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn và ngỗ nghịch tuổi học trò, một lần cậu cùng nhóm bạn bắn phá mấy trái xoài của một người hàng xóm. Chủ nhà tóm được, qua nhà mắng vốn. Bà mẹ mới đi chợ về cầm roi hỏi tội. Thu không bị đánh roi nào nhưng nhìn những giọt nước mắt mẹ rơi và lời nhắc nhở:
– Mẹ lam lũ vất vả chỉ mong các con nên người… Thu cũng khóc và từ đó cậu thay đổi. Ngoài những giờ học bài, lên lớp, cậu còn ý thức đội bánh đi bán, phụ giúp mẹ nuôi các em. Có lần viết bài được đăng báo, cậu đem về đọc cho mẹ nghe, người mẹ tội nghiệp không biết chữ đem tờ báo khoe khắp chợ: “Con tôi biết viết báo” trong niềm tự hào. Nhà nghèo nhưng Nguyễn Hoàng Thu theo học hết tú tài và rất giỏi Anh văn. Cũng là cơ sở để những năm bôn ba sau này ông vận dụng làm đủ các nghề: Thông dịch viên, mo rát, đánh máy, viết báo… . Sau ngày đất nước thu về một mối, ông được giới thiệu học lớp viết văn khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du cùng với lứa những nhà văn nổi tiếng như Hữu Thỉnh, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh… được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2001. Ông giữ chức Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Tây Nguyên hai nhiệm kỳ (10 năm). Là người được học hành căn bản, với những trải nghiệm sâu sắc trên trường đời, Nguyễn Hoàng Thu luôn đau đáu sống đẹp, tha thiết yêu cuộc đời, yêu người thể hiện trong 5 tác phẩm: Trường ca Krông A Na không đổi dòng (2000); tiểu thuyết Con đường đêm 2002; Đi qua bóng tối (2005); Nỗi buồn đi qua (2008); và tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Thu 2015.
Năm 1965, Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược dùng người Việt đánh người Việt. Tất cả thanh niên Miền Nam cùng lứa tuổi với ông được lệnh tổng động viên xung vào quân đội Việt Nam cộng hòa. Nguyễn Hoàng Thu thích văn chương thi phú, chứ đâu có thích súng đạn, chiến tranh. Đặc biệt, việc cầm súng bắn vào “người phía bên kia”!. Người phía bên kia là người nào? đều là con người, đồng tộc với nhau, máu đỏ da vàng, không thù, không oán, tại sao lại phải bắn giết nhau?. Tự hỏi và tự có câu trả lời, Nguyễn Hoàng Thu chọn con đường trốn lính. Bắt đầu những ngày tháng trốn chui, trốn nhủi, luôn trong tâm trạng thắc thỏm, lo âu bị bắt quân dịch bất cứ lúc nào. Rồi cái gì tới cũng phải tới, hai lần ông bị bắt đi lính, hai lần đào thoát và bị bắt lại. Cả hai lần bị Tòa án Việt Nam cộng hòa tuyên án tội đào ngũ và hai lần đi tù. Từ một thanh niên có học thức, Nguyễn Hoàng Thu bị tước mất tự do, bị đẩy vào quân lao cùng với nhiều thanh niên khác. Với thân phận lao công đào binh (LCĐB), thân phận tù tội, bị cạo đầu, bị nhốt chung như ép cá, không cho nước tắm rửa, bị bắt làm những công việc dơ bẩn thụt tháo hầm cầu. Mỗi ngày Nguyễn Hoàng Thu phải bắt 100 con ruồi, thiếu sẽ bị đánh đập, đấm, đá, roi điện, hành hạ, tra tấn như thời trung cổ, bắt nằm trong rọ sắt phơi nắng, chạy trốn bị bắn chết bỏ… . Vậy nhưng Nguyễn Hoàng Thu và nhiều người tự đặt cho mình cái tên rất tự do “Loài chim đi biển” tên gọi khác của LCĐB và chấp nhận “vượt thành” tức là chạy trốn.
Truyện ngắn “Người bắt ruồi” là truyện ngắn đầu tay Nguyễn Hoàng Thu viết từ thực tế của chính mình và của một bộ phận không nhỏ những thanh niên Miền Trung (Việt Nam) không chịu cầm súng chống lại Nhân dân, đồng bào mình. Họ chấp nhận bị chính quyền NGụy kết án, bắt giam. Câu chuyện kể về cuộc sống lầm than của những LCĐB trong trại giam, bị đày đọa, bị hành hạ, tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong cuộc đấu tranh thầm lặng ấy, nhiều người phải trả giá bằng mạng sống. Truyện ngắn “Người bắt ruồi” được đăng báo. Tên tuổi Nguyễn Hoàng Thu gây được nhiều sự chú ý của giới cầm bút, không chỉ trong Nam mà truyện ngắn này còn bất ngờ vượt chiến tuyến có mặt trên tờ báo Văn nghệ danh giá của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (Tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Con Trâu) ở Miền Bắc đã cất giữ tờ báo có đăng truyện ngắn, đến sau ngày Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đã tìm vào tận nơi trao báo biếu và nhuận bút cho Nguyễn Hoàng Thu. Chỉ tiếc rằng, do điều kiện lịch sử, do hoàn cảnh mà số người biết đến tác phẩm và cuộc chiến thầm lặng của bộ phận thanh niên Miền Nam không chịu cầm súng chống lại đồng bào mình đã không được ghi nhận xứng đáng. Hành động của họ không khác gì hành động không chịu gia nhập quân đội Mỹ sang tham chiến tại chiến trường Miền Nam (Việt Nam) của võ sỹ huyền thoại Muhammad Ali. Ông này bị Nhà cầm quyền Mỹ tước hết đai vô địch, kết án 5 năm tù, bị phạt 10.000 USD. Sau 4 năm bị giam cầm, trước tòa Muhammad Ali vẫn khẳng định “Tại sao tôi phải bắn họ? Lương tâm không cho phép”. Hành động của Muhammad Ali sau đó được cả thế giới ca ngợi và Tòa án Mỹ phải tuyên tha bổng ông.
Cuộc sống tù tội, những lần đào thoát của “Loài chim đi biển” và tâm trạng bất an, trốn tránh sự truy lùng ráo riết của Quân cảnh Ngụy, cả những cái chết tức tưởi của những người bạn tù, tiếp tục được ông khai thác sâu hơn trong hai cuốn tiểu thuyết “Con đường đêm” và “Đi qua bóng tối”. Ở đó, nhân vật chính là tôi (Hải), một thanh niên trí thức bị bắt lính, làm nhiệm vụ phiên dịch cho sỹ quan Mỹ. Anh vẫn bỏ trốn khi có cơ hội, bị tuyên án 2 tháng tù làm LCĐB. Nhiều đêm mất ngủ nằm trong trại giam Hải nghĩ: “Tôi yêu Đất nước tôi, biển xanh, rừng núi thẳm, mây trời lồng lộng và ruộng lúa làng quê êm đềm. Chính vì thế, tôi đã khước từ cầm vũ khí với bước chân bạo hành xâm phạm vào những nơi thân yêu của lòng mình. Người ta đã nhân danh, lợi dụng những mỹ từ Tổ quốc, quê hương, trách nhiệm với Đất nước miền Nam để kết án và ném tôi vào tù. Thật phi lý, khi trong lòng tôi luôn cảm thấy xa lạ với chế độ này và không chút mảy may hận thù với những người đồng tộc bên kia chiến tuyến… Bản án tù với tôi hôm nay chỉ có nghĩa bị bắt buộc đọa đày” (Con đường đêm – trang 19).
Tác giả đã vẽ bức tranh toàn cảnh về sự giã man, tàn bạo, giả dối đến phi lý của chế độ Ngụy quyền khi bắt cả ông già Ngôn 51 tuổi, người đã trốn lính từ thời còn trẻ, đến về già vẫn phải đi tù. Một ông già làm nghề cày thuê cuốc mướn, có người vợ tật nguyền do không có tiền hối lộ nên vẫn bị bắt. Ông ước ao hết chiến tranh được trở về chăm sóc người vợ mù lòa. Nhưng ông không thể thực hiện mơ ước đó. Xác ông bị tung lên cao khi vướng phải mìn trong lần trốn chạy cuối cùng… Một thanh niên Hiến, với cái nghề hớt tóc hiền lành chất phác và ngoan đạo. Anh luôn đem theo cuốn Thánh kinh bên người. Anh ước: “Sau này mãn hạn tù, hoặc hết chiến tranh, nếu còn gặp nhau thì tao sẽ hớt cho mày (Hải) một cái đầu tóc thật đẹp…” (trang 22). Nhưng anh đã chết thảm vì cây đè khi bị bắt đi đốn gỗ quý cho các sỹ quan Ngụy. “Hải ơi, nếu mày về được Nha Trang thì nói… tao rất nhớ… rất thương vợ con tao… (Trang 242). Nhiều cái chết bi thảm khác như Tín, trong lúc bỏ trốn, bị bắn chết, xác còn treo trên hàng rào kẽm gai. Phan chết, chỉ vì ánh mắt căm hờn nhìn thẳng vào tên thiếu tá mà bị tên này bắn vỡ đầu… Tất cả cho Nguyễn Hoàng Thu những trải nghiệm, những vết thương lòng đau đớn. Từ đó tình yêu thương đồng loại nhân lên tột cùng. Tất cả cho ông nhận diện khuôn mặt đời: “Tôi không còn hiểu được vì sao con người lại đối xử dã màn, tàn tệ với nhau đến thế…”.
Bước ra ngoài tác phẩm, từ năm 1975 – 1979 Nguyễn Hoàng Thu công tác tại Hội VHNT tỉnh Phú Khánh, đi học Trường viết văn Nguyễn Du mấy năm, rồi về công tác tại Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa. Từ 1991 – 2008, ông công tác ở báo Thanh Niên thường trú tại Tây Nguyên. Những năm tháng làm báo, ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống người dân bản địa, đến rừng cây, bến nước, chia sẻ với nỗi buồn mất rừng, mất đất của bà con, vui cùng niềm vui với bà con về cuộc sống mới đổi thay no, ấm… Từ 2008, Nguyễn Hoàng Thu nghỉ việc không lương đến nay. Ngày ngày, người ta vẫn thấy nhà văn Nguyễn Hoàng Thu một mình, áo quần bảnh bao, mũ bê rê đội lệch cỡi con DREAM II dạo phố, cà phê vào mỗi sáng. Buổi chiều, thi thoảng người viết bài cũng được ngồi bên ông hầu rượu, ngắm ông nâng ly điệu đà, đôi mắt trầm tư nhìn khói thuốc bay và nhớ về mẹ. Ông luôn tâm sự về nỗi nhớ, lòng kính trọng và thương yêu mẹ nhất trên đời. Trong những câu chuyện ông luôn nhắc đến người mẹ nghèo vĩ đại, không biết chữ nhưng luôn dạy con phải học để có tri thức làm người tốt. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn đang nhào nặn đứa con tinh thần xem như tác phẩm cuối cuộc đời, đó là viết về Tây Nguyên, về cuộc sống con người nơi đây. Ở đó, là những năm tháng xa xưa, tuy đói khổ về vật chất, nhưng con người đối xử với nhau rất tử tế, họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, chia nhau hạt muối, nửa con cá khô mà đầy ắp tình người. Tây Nguyên mất rừng là mất đi nguồn sống, bến nước. Buôn làng cũng dần mai một. Tình người cũng đổi thay theo năm tháng, để nhà văn Nguyễn Hoàng Thu sẽ còn mãi day dứt, khắc khoải về giá trị nhân văn, nhân bản của con người và mãi sẽ còn buồn, vui vì người… Ông lặng lẽ rời cõi tạm vào lúc 3h ngày 29/4/2024, hành trang trong cuộc viễn du cuối cùng của ông vẫn là tình yêu thương con người bất tận… Cầu mong linh hồn ông sẽ thanh thản nơi ông đến… Xin vĩnh biệt ông nhà văn Nguyễn Hoàng Thu!
Trương Nhất Vương