Người mẫu – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Hoàng

735

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi. Lối đi lên toàn sình và đất đỏ, nếu không có những hàng thông reo trong gió thì không khác chi ở chốn miệt vườn. Lẽ đó, không ai thích đi bộ, nhất là những lúc trời mưa như sáng nay.

Anh quyết định đi lên chùa bằng chính đôi chân của mình. Lạ? Hôm nay lại có thêm cái máy ảnh cũ kỹ treo lủng lẳng trước ngực. Trời ui ui. Ai đó vói tay vén đám mây xám trên đầu cũng không tìm được tia nắng yếu. Con dốc mỗi lúc một cao. Gió lạnh càng lúc càng thấm sâu vào áo, nó mon men xuống chân, tê rần.

Đưa ống kính ngắm một dây leo thả mình từ trên cổng rào xuống vuông cỏ rộng, sau khi dựng thêm một vài tiểu tiết từ hoa dại, xác bướm, cây khô… anh mất hơn hai giờ mà vẫn chưa có tấm hình nào ưng ý. Thời tiết không thương tình và dường như Phật cũng buồn nên đã trút mưa. Anh thu xếp máy, chân ảnh và những vật dụng linh tinh vào giỏ và chạy nhanh vào ngôi nhà dành cho khách nghỉ chân dưới tượng Phật.

Một chiếc xe du lịch dừng trước cổng. Đoàn khách chạy vội vào điện thờ để tránh những cơn mưa túa ra từ trên không như những đám mây trắng mang hơi nước lành lạnh. Áo lụa quần là, họ lần lượt xá qua loa vào lưng nhau rồi tha hồ mà chụp hình lưu niệm. Nếu ai đã đến chùa vào những ngày lễ Phật thì sẽ ngạc nhiên khi thấy nơi đây không có khói nhang cay mắt, dường như ngôi chùa chỉ để cho khách đến xem. Bằng chứng là người đàn ông trung niên đang dựa lưng vào cột điện đằng kia thở dài và nói: “Có chi đặc biệt mô, ngoài nớ đẹp hơn nhiều”. Hóa ra ngay ở chốn tôn nghiêm cũng có chuyện so bì đẹp, xấu. Anh chỉ biết lắc đầu và an ủi rằng: “Thôi thì đến chùa cũng có nghĩa là thấy Phật”.

– Mua giùm con bộ ảnh đẹp đi chú! Mua giùm cháu ảnh Đà Lạt đẹp đi cô! Mua đi, cháu kể sự tích 14 bức ảnh Phật Thích Ca cho cô nghe.

Tiếng con gái nghe dẻo đeo mời khách.

Không có ai trả lời cũng không có ai buồn ghé mắt vào xem xấp ảnh con bé đang cầm trên tay. Con bé mời hết người này đến người khác. Đột nhiên nó phóng như bay xuống dốc, tay giữ chặt cái túi nilon đựng toàn khoai lang sống.

Tia nắng lẻ loi ghé vội lên đồi. Trời trong hơn.

Anh đeo dây máy ảnh lên cổ choàng qua bâu áo, thả bộ xuống con dốc không có lối mòn, càng lúc càng sâu để tìm góc ảnh lạ. Không nhà. Không có bóng người qua lại. Gió thổi vù một cái lạnh rợn người. Đột nhiên anh nhớ đến con bé. Nó đi đâu nhỉ? Hay là… Một sự liên kết kỳ lạ như kéo những ngôi nhà ma hoang vắng khắp đồi đến trước mắt anh. Anh ngước nhìn lên đỉnh, cái cảm giác sợ hãi lan tỏa khắp người. Trên kia những con ngựa bé xíu xiu đang thong dong rảo bước.

Giữa lúc chân anh đang nặng trình trịch, hơi thở anh dồn dập, thì tiếng con bé gọi ngược phía sau lưng rền rền như âm thanh của phim kinh dị.

– Chú ơi …

Anh quay lại, đưa tay lên dụi mấy cái như không tin vào mắt mình. Con bé lù lù xuất hiện. Đẹp như không thể nào đẹp hơn. Anh định đưa máy lên chụp một kiểu nhưng chợt nhớ ra lời người ta đồn đãi “ma nữ đẹp lắm”, anh giật bắn người quay mặt ngước lên đồi mà tay vẫn tê rần, ốc nổi khắp da, chân không thể nhích đi dù chỉ một tí. Anh mấy lần định cúi xuống nhìn thử xem chân con bé có chạm đất không, thì nó lên tiếng.

– Chú mang giúp túi khoai lang này lên cho anh cháu với!

Anh chớp mắt liên tục, tay bấu vào nhau xem có đau không, cố trấn tĩnh lại để biết là mình không nghe nhầm tiếng ma.

– Cháu là …

– Dạ, cháu bán hình ở trên chùa ạ.

– Sao lúc nãy cháu chạy đi như bị ma rượt vậy?

– Ở đây không cho cháu bán, hễ bảo vệ gặp là rượt đuổi. Chỉ có một mình anh cháu là được làm ở trển thôi.

– Anh cháu làm gì?

– Tề Thiên. Anh cháu chụp hình với người ta, một tấm ba ngàn, chú chụp hôn?

– Thì ra cái người làm Tề Thiên trên chùa là anh của cháu. Còn có ai nữa không? Mà sao anh cháu làm được mà cháu thì không được bán?

Con bé lắc đầu nguầy nguậy.

– Còn nhiều người lắm. Anh cháu có góp tiền cho người ta mỗi ngày một trăm. Cháu hổng có góp nên không được bán, phải bán lén… Mà thôi, chú mang giùm túi khoai lang này lên cho anh cháu đi. Chừng nào ông bảo vệ về, cháu lên nói với anh cháu cho chú chụp hình với Tề Thiên miễn phí.

Con bé nói như mặc cả rồi nở một cười làm duyên, anh thấy cái lúm đồng tiền giáp sa hai bên khóe môi sâu húm. Anh đề nghị.

– Cháu đồng ý cho chú chụp hình không?

– Để làm gì?

Con bé tròn xoe mắt vẻ nghi ngờ.

– Để dự thi người mẫu.

Anh nửa đùa, nửa thật.

Thấy con bé chần chứ như có ý không chấp nhận, anh cố thuyết phục một lúc và cuối cùng thì nó cũng gật đầu, chịu cười lúng liếng. Có lẽ đây là lần đầu tiên nó được người khác chụp hình một cách nghiêm túc, chớ không giống như những lần trước đây nó luôn bị chụp một cách ngẫu nhiên để tăng thêm sắc màu hậu cảnh cho du khách bởi cái áo lông sặc sỡ và cái nón xinh xắn trên đầu. Con bé răm rắp làm theo lời gợi ý, hướng dẫn của anh khi tạo dáng và chẳng mấy chốc đã lên đến trên hai mươi kiểu ảnh.

Anh dắt tay con bé lên dốc. Đoàn khách tham quan đã rời chùa tự lúc nào, để lại dưới chân tượng Phật những rác rưởi thị thành là những vỏ chai, bao bì của thức ăn công nghiệp. Hai con ngựa đã hoàn thành nhiệm vụ mưu sinh cho chủ, chúng đứng nhai cỏ, phe phẩy cái đuôi có túm lông màu nâu vàng hệt như những quả thông khô. Một cảm giác thư thái, hiền lành, trái ngược với những vòng phi nước đại. Hai đứa con trai đã nhóm lên đống lửa từ khi nào. Anh ngồi xuống quây quần bên đám trẻ. Cành thông khô bắt lửa cháy thật to, tí tách reo những tiếng cuối đời của ngàn năm đứng hát.

Quốc Trầm, anh con bé, trạc chừng 12 tuổi dựng cây thiết bảng vào gốc thông, cởi cái mặt nạ Tề Thiên ra, hóa thành người với đôi mắt hồn nhiên không khác gì con bé. Mồ hôi túa ra khắp mắt, mũi, môi, tai, ướt nhem cả tóc, sau một đợt chụp hình với đám trẻ của đoàn khách mới rời chùa. Nó móc trong túi ra đếm được tám chục ngàn nhào nát.

Túi khoai lang được vùi trong lửa. Con bé cởi đôi ủng cao khỏi chân để lộ ra cái gót chai sần vì phải thường xuyên chạy trốn người ta rượt đuổi.

– Chú ở lại ăn khoai nướng với tụi cháu nghen!

Trầm đề nghị thật thà.

– Tất nhiên rồi. Nhưng mà chú có một điều kiện.

Anh dừng lại câu nói có vẻ ngập ngừng khiến cho những đứa bé đâm ra sốt ruột. Một đứa bạn con bé vội lên tiếng.

– Điều kiện gì vậy chú?

– Mấy cháu phải chịu làm người mẫu cho chú chụp hình.

Đến lượt anh con bé chưng hửng. Nó rút vai lại, mở to đôi mắt rồi thè cái lưỡi ra.

– Í ẹ… tụi cháu mà làm người mẫu cái nỗi gì. Xấu hoắc hà chú ơi!

– Vậy tại sao cháu dắt ngựa cho người ta chụp hình chung thì được?

– Tại… tại…

Trầm vò đầu, gãi gãi vành tai mấy cái y hệt như lúc nó làm Tề Thiên múa khỉ.

– Tại người ta trả tiền nên cháu mới cho chụp hình chứ bộ.

– Vậy bây giờ chú trả tiền là cháu cho chú chụp hình chứ gì.

Con bé ngắt lời anh nó.

– Thôi… thôi, không lấy tiền. Chừng nào chú thi đạt giải, chú lên đây dẫn anh em cháu vô Sài Gòn tắm biển như hồi nãy chú hứa là được rồi.

Anh gật đầu, không ngờ câu nói bông đùa của anh khi nãy ở dưới dốc sâu mà con bé lại để trong bụng mà nhớ lâu như thế. Vô Sài Gòn tắm biển, anh kiếm đâu ra.

Thấy anh đồng ý, mắt hai anh em con bé sáng hẳn lên, tiếng cười thật giòn như cây gẫy. Móc ngoéo với nó mà anh thấy buồn vì anh em con bé đâu biết rằng tụi nó phải làm thật lâu, dành dụm thật nhiều tiền thì mới có cơ mai vào Sài Gòn tắm biển nhân tạo ở Đầm Sen. Chỉ việc cơm, áo, học hành hàng ngày mà tụi nó phải vất cả cùng cha, mẹ mưu sinh lắm rồi.

Một đứa con gái có gương mặt hao hao giống con bé bưng cái mẹt hàng bước tới. Nó ngồi xuống, cẩn thận nhìn anh như dò xét. Nó nói chuyện với hai đứa kia bằng một tiếng dân tộc nào đó mà anh không thể hiểu được. Một lúc sau, nó quay sang anh hỏi.

– Chú là nghệ sĩ nhiếp ảnh hả?

Anh gật đầu.

– Còn cháu?

– Cháu tên Cẩm Trang, chị của Quốc Trầm và Quỳnh Trang.

Anh cười và bông đùa một câu cho vui.

– Ngộ nghen. Chị em cháu đặt tên toàn chữ T không hén.

Quỳnh Trang tía lia cái miệng. Dường như nó sinh ra trên đời để góp niềm vui cho những người xung quanh thì phải.

– Còn mẹ cháu, ba cháu nữa… cũng “tê” luôn! Mẹ cháu ngồi ngoài cổng chùa đan áo len bán cho khách du lịch đó chú, ba cháu thì ở nhà nấu cơm, giặt ủi đồ mướn cho khách.

– Ba cháu nấu cơm?

Anh ngạc nhiên trước câu nói không biết thật hay đùa của con bé. Thằng bạn của Trầm dẫn ngựa lại đứng nãy giờ nghe chuyện nên lên tiếng.

– Năm ngoái, ba nó chạy xe thồ bị ăn cướp giật xe, chém ba nó bị thương ở chân, không đi được luôn đó chú.

Trầm liếc thằng bạn của mình. Hai đứa nó nói chuyện  với nhau rất hăng bằng cái ngôn ngữ gì đó mà anh không hiểu. Nhưng nhìn ánh mắt của Trầm anh biết mình cần phải làm gì. Anh thật thà nhìn ánh mắt thật thà của nó rồi lên tiếng.

– Chú xin lỗi, chú không cố ý…

Con bé Trang vẫn cười trong veo như không có chuyện gì xảy ra.

– Lỗi phải gì chú ơi. Chị em tụi cháu quen rồi. Nhà cháu lúc nào cũng vui lắm. Ở cuối con dốc kia. Hôm nào còn ở Đà Lạt rảnh rỗi chú ghé chơi. Mà ghé tối tối thôi, ban ngày không có ai ở nhà làm người mẫu cho chú chụp hình đâu nghen.

Nghe bọn trẻ trò chuyện thật dễ thương và lễ phép, anh chợt muốn biết chuyện học hành của tụi nó ra sao, nên hỏi một câu ngoài cái đề tài nhiếp ảnh đã được hai bên hợp tác.

– Mấy cháu còn đi học hết chứ!?

– Chị em cháu vừa thi xong cuối cấp. Cháu lớp 9, Quỳnh Trang lớp 5.

– Giỏi vậy à. Còn Trầm?

Thằng bé không trả lời, nó lí nhí điều gì đó với hai con bé rồi quay sang khều củ khoai lang đen thui như lọ nghẹ.

– Mình ăn khoai đi chú. Chín thơm lắm rồi.

– Muốn chú ăn khoai, thì mấy cháu phải dạy cho chú nói tiếng dân tộc.

Nghe vừa dứt câu đề nghị của anh thì con bé Quỳnh Trang bụm miệng cười. Nó ném thêm mấy nhánh thông khô vào lửa, mắt nheo nheo đầy khói.

– Tiếng Việt mình không đó chú ơi!

– Tiếng Việt?

Anh chưng hửng.

Con bé tằng hắng lấy giọng.

– Chú hổng tin hả? Được rồi, bây giờ cháu nói thiệt chậm cho chú nghe nghen.

Con bé làm ra vẻ trịnh trọng, anh thì háo hức, hồi hộp, còn Cẩm Trang và Trầm thì ngó nó cười khoe mấy cái răng khễnh.

– Chú nghe nghen. Cù su khoài sai chìn sin rồi sôi.

Anh chớp mắt mấy cái, chợt reo lên vỡ òa cảm xúc, thích thú không khá gì tụi nhỏ.

– A ! Chú biết rồi… Củ khoai chín rồi phải hôn?

Bốn đứa nheo mắt cười nhìn anh. Đây là lần đầu tiên nó dạy cho người lạ mấy tiếng nói nội bộ của mình.

– Rồi, vậy chú ăn khoai đi.

– Mấy cháu hay nói chuyện với nhau bằng cách này lắm hả?

– Tập riết rồi quen thôi chú. Mà phải nói như vậy thì người ta mới tưởng mình là người dân tộc chứ chú.

Anh lắc đầu.

– Chú chịu thua.

Con bé cắn dở miếng khoai cắc cớ giải thích.

– Tụi cháu cũng nói bằng tiếng Việt của dân tộc Kinh mà.

– Thì Kinh, mà là Kinh tái chế.

Cả nhóm cười khoái chí theo cách bông đùa của anh. Ánh lửa cũng bập bùng, phả hơi nóng đến từng nụ cười cho cái lạnh tan đi.

Ăn được nửa củ khoai, anh quay sang hỏi Trầm.

– Làm Tề Thiên mỗi ngày cháu kiếm được bao nhiêu?

Thằng bé lí lắc chỉ tay vào đống lửa.

– Đù su mùa sua khoài sai làng san.

– Nói xấu gì ba đó? Cơm tới rồi đây.

Người đàn ông khập khễnh đôi chân trên nạng gỗ, đặt các gà mên xuống cỏ, ông khẽ cúi đầu chào anh, rồi lấy một phần mang ra phía cổng chùa.

– Ba cháu là vậy đó. Lúc nào cũng mang cơm đến cho tụi cháu trước rồi mới mang ra cho mẹ.

Cẩm Trang dõi mắt theo dáng đi như dấu “chấm, hỏi” của ba xuống cổng chùa.

Một chiếc xe khách dừng lại phía cổng. Bọn trẻ lại vội vã đứng lên, nhanh hơn cả những ánh mắt háo hức của mấy đứa con nít trên xe đang hồ hỡi chạy lên chùa. Cái mặt nạ Tề Thiên cũng nhanh chóng được úp lên gương mặt của Trầm. Mất nụ cười. Anh gọi nhanh chị em con bé khi tụi nó túa ra chào mời khách.

– Nè! Mấy đứa ơi… tàm sam biết siếc!

Tiếng ngựa hí vang đồi.

Anh thư thái quay về, hy vọng sẽ có được bức ảnh dự thi để anh còn có cớ lên đây trò chuyện cùng chị em con bé.

Quẹo qua con dốc cũ, anh thấy một đoàn làm phim ca nhạc đang quay cô ca sĩ là thần tượng của giới trẻ đang thướt tha trong tà áo dài tím thẫm nổi bật trên con dốc quanh co thông mướt xanh màu. Anh ngắm ống kính, lên phim. Bất ngờ một bàn tay che ngang rất nhanh. “Không được chụp!” Tiếng người đàn ông khô khan, cộc lốc “Ca sĩ và người mẫu đang quay, không phải để chụp chùa!”.

Cớ sao bọn trẻ trên đồi kia lại dễ dàng cho anh bấm cả cuộn phim như thế chứ?

L.N.M.H