Nguyễn Chánh Tín – Bạc áo hào hoa

730

Lan Đình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ những bình minh sau 1975, như được mùa do thời tiết thuận lợi, nền điện ảnh Nam bộ ngày càng rực rỡ với những ngôi sao tài năng, nhưng cũng trớ trêu chịu sóng gió thăng trầm về tình cảm và sự nghiệp: Thanh Lan, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Nguyễn Chánh Tín… Trong đó nổi trội hơn cả về tài sắc trước tiên phải nhắc đến nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, một tài tử đẹp trai đã tạo nên tiếng vang lẫy lừng trong vai diễn để đời Đại tá Nguyễn Thành Luân, một bộ phim tình báo nhiều tập “Ván bài lật ngửa” dựng từ tiều thuyết của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý. Ngoài là diễn viên điện ảnh, NSƯT Nguyễn Chánh Tín còn là một ca sĩ, một đạo diễn, nhà biên kịch và chủ hãng phim Chánh Phương.  

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã tạo nên tiếng vang lẫy lừng trong vai diễn để đời Đại tá Nguyễn Thành Luân

Nguyễn Chánh Tín (1952 – 2020) là tên thật, sinh ra tại đất Sài Gòn nhưng quê anh ở Bạc Liêu, chiếc nôi của bài ca vua vọng cổ mùi mẫn nơi vùng đất phương Nam. Chánh Tín là con út trong một gia đình năm anh em đều giỏi võ nghệ. Ông nội Nguyễn Chánh Tín là một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Tự Đức, chuyên đi trừ gian diệt bạo, bọn cướp bóc, ác ôn giúp dân lành nên đã bị bọn chúng đem lòng thù ghét mà giết chết khi còn rất trẻ. Nối tiếp truyền thống họ tộc, lại mang thêm mối phụ thù, cha Chánh Tín là Nguyễn Chánh Minh đã lặn lội đi khắp miền Nam tầm sư học đạo. May mắn được một tướng trong quân đội Tôn Trung Sơn nhận làm đệ tử, trở thành võ sĩ chân truyền của vị tướng này về sau đã trở thành một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Bảo Đại, cũng tiếp tục chuyên đi diệt trừ bọn lưu manh gian ác. Cảm cái tinh thần thượng võ của chàng trai Nguyễn Chánh Minh khiến mẹ Nguyễn Chánh Tín, là Lưu Ngọc Lan, khi ấy là một hoa khôi, giỏi ca hát của vùng Bạc Liêu – Cà Mau, đã đem lòng yêu thương và nên duyên nên chồng vợ với chàng hiệp sĩ. Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có liên hệ về họ tộc, gọi Nguyễn Chánh Tín bằng cậu và xưng là cháu. Những người cháu của Nguyễn Chánh Tín gồm có: Charlie Nguyễn, Tawny Trúc Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Vân Sơn và Nguyễn Dương đều có huyết thống võ biền và nghệ thuật.

Từ nhỏ, thừa hưởng cái gien nghệ thuật của mẹ, Nguyễn Chánh Tín mê hát nên anh thường được chọn vào ban văn nghệ nhà trường. Anh biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ dù cha anh không ưa văn nghệ. Cứ mỗi lần phát hiện con trai tham gia ca hát bất cứ ở đâu, ông cha đều cho Chánh Tín ăn đòn. Khi học ở trường Cấp 3 Mạc Đỉnh Chi, với một giọng hát đặc biệt cộng với khuôn mặt và hình dáng sáng sân khấu, Chánh Tín đã tự tin tham gia vào ban văn nghệ tài tử với tư cách là ca sĩ, ngày càng được nhiều người biết.

Bắt đầu nổi tiếng (1972), từ đó Nguyễn Chánh Tín đã không dành hết tâm trí cho học hành. Khi thi trượt vào trường Đại học Y khoa, anh đã trở thành sinh viên trường Luật. Nổi tiếng đầu tiên khi trình bày ca khúc “ Nghìn trùng xa cách” của Phạm Duy, làm dư luận và báo chí chú ý và tác giả bài hát cũng khen ngợi, Chánh Tín bắt đầu đi hát ở phòng trà và các đoàn hát. Năm 1973, Nguyễn Chánh Tín giành được huy chương vàng điện ảnh cùng với giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn. Chỉ một năm sau, Nguyễn Chánh Tín bắt đầu đỉnh đạc bước chân sang lĩnh vực điện ảnh trong phim Vĩnh biệt tình hè của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, đóng cặp cùng diễn viên trẻ đẹp Băng Châu.

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Nguyễn Chánh Tín lại tiếp tục hoạt động thêm ở lĩnh vực thoại kịch với vai trò diễn viên cho đoàn kịch Bông Hồng. Trong cuộc sống nghệ thuật thăng hoa nhờ tài sắc, với lòng ngưỡng mộ của bạn bè và công chúng, Nguyễn Chánh Tín trở nên giàu có, đã tậu xe hơi, villa. Nhưng từ sau 1975, trong hoàn cảnh nhạy cảm của đất nước, anh chưa có ngay được việc làm thích hợp, gia đình Chánh Tín  bắt đầu đi xuống dốc. Vợ anh, ca sĩ Bích Trâm đi ủi đồ mướn, dịch sách thuê để nuôi chồng lúc không làm ra tiền. Có lúc Chánh Tín phải nhờ nghệ sĩ Tú Trinh đi cầm hộ đôi bông tai của vợ vì Bích Trâm sắp sanh. Để trang trải chi tiêu sinh hoạt, mỗi sáng anh cũng phải đi bán rau củ rồi trưa về ngồi lắp ráp xe đạp. Đôi lúc hai vợ chồng còn tranh thủ tham gia thêm trong đoàn hát của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng để kiếm sống. Thời điểm túng thiếu cùng cực (1982), Chánh Tín tìm cách vượt biên nhưng không thành. Anh về trình diện chính quyền và bị ngồi tù. May mắn như gặp quới nhân phù hộ, anh được ông Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin lúc bấy giờ – biết rõ tài năng Chánh Tín đã đề nghị công an vào khám đưa Chánh Tín ra để thử vai và được chọn đóng luôn nhân vật chính trong phim “Ván bài lật ngửa” dựng thành từ một tiểu thuyết tình báo nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (1926-2007).

Vóc dáng phương phi, khuôn mặt sắt lạnh phảng phất nét lãng tử phong trần, na ná với một hoàng tử điện ảnh Thế Anh (1938-2019) ở đất Bắc, cùng với phong cách diễn xuất tự tin và thông minh, Chánh Tín đã thể hiện lại chân dung con người thật của Đại tá tình báo cách mạng lẫy lừng Phạm Ngọc Thảo – một nhân vật chỉ đứng sau các nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002)…- ngoài đời vào năm 1965 trong thời tạm chiếm ở miền Nam.

Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) là một tài hoa của đất phương Nam. Ông không những là một nhà quân sự, nhà tình báo chiến lược mà còn là một người cầm bút có tài chuyên viết về các đề tài quân sự, chiến tranh du kích…- hơn 16 bài viết trên tạp chí Bách Khoa (1957-1963, Sài Gòn) – như một hiện thực được kiểm nghiệm qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Mỹ (1954-1975) của toàn dân ta mà ông là một chứng nhân đích thực (Nguyễn Q. Thắng). Về mặt tình báo, Phạm Ngọc Thảo là một điệp viên nhị trùng (double agent) cho cả các bên trong cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam cách nay gần nửa thế kỷ. Cuộc đời hoạt động của ông được mang vỏ bọc của một quân nhân trên lĩnh vực hành chính lẫn quân sự, tình báo chiến lược trong gần hai thập niên tại Sài Gòn (Việt Nam) đến Washington (Hoa Kỳ), London (Anh Quốc)… Những hoạt động đó của Phạm Ngọc Thảo được thấy rõ qua cuộc đời có lúc đầy sóng gió thăng trầm, có lúc vinh quang thể hiện một trí tuệ vô cùng mẫn tiệp, và quả cảm đối diện với những trận tra tấn, đòn thù vô cùng dã man, bởi tay tướng Nguyễn Ngọc Loan của chế độ đương thời, sau cùng đưa đến cái chết tức tưởi nhưng đầy khí phách anh hùng. Chính Nguyễn Chánh Tín đã xuất sắc làm sống lại hình ảnh của tượng đài lịch sử – liệt sĩ Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong  phim “Ván bài lật ngữa” của nhà văn cách mạng Nguyễn Trương Thiên Lý .

Nguyễn Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa

Sau thành công rực rỡ ở bộ phim nhiều tập này, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín được coi là một diễn viên đỉnh cao đồng thời cũng là một thần tượng trong giấc mơ của nhiều cô gái và công chúng nghệ thuật. Khoảng 10 năm sau, nghệ sĩ tiếp tục thành công trong lĩnh vực phim nhựa. Với Ngôi nhà oan khốc (1992), thuộc đề tài tâm lý – kinh dị do chính anh biên kịch, dàn dựng, phim thành công tốt đẹp với doanh thu một tỷ đồng. Năm 1995, anh mở hãng phim Chánh Phương nhưng làm ăn không thành công. Nguyễn Chánh Tín thành công sau đó ở phim tâm lý xã hội Bến sông trăng (1998) trong vai chính một bác sĩ yêu bệnh nhân. Giữa thập niên từ 2000, nghệ sĩ tiếp tục ghi dấu ấn đậm với phim Dòng máu anh hùng, do Charlie Nguyễn, cháu của anh làm đạo diễn. Nhưng bộ phim này không thu đủ tiền đầu tư, khiến gia đình anh phải lâm vào cảnh ngặt nghèo. Bị phá sản ở tuổi chiều, Nguyễn Chánh Tín đành phải bán ngội biệt thự ở quận 10, cả nhà dọn vào ở trong một chung cư tại huyện Nhà Bè. Chánh Tín lại phải vừa đi hát phòng trà, bán quán nhậu vừa nhận phim để có tiền trang trải cuộc sống.

Tôi cũng mê điện ảnh và chơi nhạc, cùng những người hâm mộ Nguyễn Chánh Tín như chân dung một nghệ sĩ lãng tử tài hoa, đã thấy rõ ở anh một ca sĩ đặc biệt có giọng hát với giai điệu nức nở u hoài, như chan chứa một nỗi cô đơn truyền kiếp trong những nhạc phẩm anh trình bày. Với ca khúc Mắt biếc (Ngô Thụy Miên), anh hát cũng khác các ca sĩ khác nhưng nó thật sự là Tình yêu như kiếp mây trôi hoặc “Tình yêu như cánh gió” (Ngũ Lang) bằng chất giọng đục ngậm ngùi khôn tả. Hay ca khúc đánh dấu thương hiệu Nguyễn Chánh Tín trong bộ phim điện ảnh Vĩnh biệt tình hè (Huyền Anh), dường như chỉ duy nhất có Nguyễn Chánh Tín mới hát ra được những câu “Xin vĩnh biệt tình, mùa hè đã tàn rồi ta quá cô liêu…”. Cũng trong Vết lăn trầm (Trịnh Công Sơn), chỉ với Chánh Tín mới hiển thị đúng cảm xúc cho “làm gió qua chốn thiên đàng”… Chưa hết, bài hát Tuyết rơi (Tombe la neige) do chính Chánh Tín viết lời Việt, cũng chỉ có anh hát mới khiến được người nghe bồi hồi xúc động với giai điệu cháy lòng “khóc cho tình duyên đôi ta…”. Trong thế giới nghệ thuật âm thanh, dường như khán giả đã không tránh khỏi nao lòng ngộ ra giọng ca Nguyễn Chánh Tín là một giọng ca thật phiêu lãng, qua vinh quang lẫn gian nan lại cũng trở về trong cô độc.

Nguyễn Chánh tin trong phim Vĩnh biệt tình hè

Thời thanh xuân ở đại học, Chánh Tín và Bích Trâm là sinh viên trường Luật Sài Gòn và hoạt động chung trong ban Văn nghệ nhà trường. Đôi uyên ương nghệ sĩ đã sống gắn bó với nhau suốt đời trong tình nghĩa vợ chồng, có với nhau được hai con, một trai Minh Thức và một gái Bích Uyên. Dù rằng sau thành công ở vai diễn chính Nguyễn Thành Luân rạng rỡ trong bộ phim kinh điển “Ván bài lật ngữa”, khi đã trở thành tài tử ngôi sao, đức lang quân Nguyễn Chánh Tín tài hoa đã không thoát được sự theo đuổi tới tấp của nhiều người đẹp từ khắp nơi đến tận nhà để tìm anh. ‘Giàu lòng bác ái’, anh không nở từ chối: Ai yêu tôi thì tôi đáp lại. Thế là Chánh Tín bỏ nhà đi theo hết người đẹp này đến giai nhân khác. Đó là chưa nói đến những mỹ nhân từng là người tình màn ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong phim như: Băng Châu (Vĩnh biệt mùa hè), Thùy Liên (Tình đất Củ Chi), Thúy An (Ván bài lật ngửa, Hai chị em), Thanh Lan (Ván bài lật ngửa), Diễm My (Hai chị em, Cưới ngay kẻo lỡ). Chính Diễm My thường nói có vẻ như đùa rằng Chánh Tín là mối tình đầu của mình, nhưng sau đó chị cũng không ngại thừa nhận có thời mình đã “say Chánh Tín như điếu đổ”, Lê Khanh (Chiếc mặt nạ da người, Bản tình ca cuối cùng) và Kiều Chinh trong phim  “Vòng tay học trò”. Trước tình huống ngặt nghèo, Bích Trâm, vợ Nguyễn Chánh Tín đã phải thể hiện sự bình tỉnh và âm thầm chịu đựng trước ông chồng nghệ sĩ hảo ngọt thường đi vắng nhà bất thường để tìm cảm giác mới với nhiều bạn diễn và phụ nữ hâm mộ, có lần bị công an bắt. Nhờ thái độ chịu đựng hiếm có ở Bích Trâm, không bao giờ làm to chuyện tình cảm ghen tương với chồng mà về sau Nguyễn Chánh Tín nghĩ lại cảm thấy thương nhiều hơn người bạn đời nghệ sĩ tào khang. Anh đã có lần chân tình tâm sự với bạn bè: “Số người – phụ nữ – tôi quen đếm không hết, có nhiều người gặp lại còn không nhớ mặt. Nhưng đời tôi có được Bích Trâm, nếu gặp người khác chắc giờ tôi… 10 vợ rồi” và “Vợ tôi là người duy nhất giúp tôi hiểu  sâu sắc thế nào là tình yêu, hạnh phúc”.

Nguyễn Chánh Tín và vợ – ca sĩ Bích Trâm – khi con trẻ

Là diễn viên chính thành công rực rỡ trong hơn 25 phim nhựa, 5 phim truyền hình, vừa là ca sĩ sở hữu một giọng hát hút hồn người, được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nguyễn Chánh Tín là một nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn ca hay diễn giỏi không khác nào tài tử Pháp Johnny Hallyday (1943-2017), được coi như một nghệ sĩ huyền thoại của màn ảnh phương Nam. Sự ra đi ở tuổi 68 của NSƯT Nguyển Chánh Tín chưa gọi là tuổi hiếm, đã gây không ít tiếc nuối nhớ thương trong lòng công chúng mộ điệu nghệ thuật ở ba miền.

                                                                                          L.Đ