Nguyễn Đăng Mạnh một đời va vấp

4528

11.02.2018-10:20

 

NVTPHCM- Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930, quê ở Gia Lâm, Hà Nội là chuyên gia đầu ngành nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Ông từng là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam – Đại học Sư phạm Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của 12 tác phẩm lý luận phê bình văn học, được trao Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2000.

 

Vì tuổi cao sức yếu, lâm bệnh nặng, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã từ trần tại Bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội vào chiều ngày 09.02.2018, hưởng thọ 88 tuổi, sẽ được an táng tại Nghĩa trang Sơn Tây.

 

Ban Biên tập NVTPHCM xin chia buồn với gia đình, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS Nguyễn Đăng Mạnh. Tưởng nhớ một nhà giáo, nhà lý luận phê bình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và văn học, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của cố nhà văn Nguyễn Quang Thân về ông.

GS Nguyễn Đăng Mạnh

 

Nguyễn Đăng Mạnh, một đời va vấp!

 

NGUYỄN QUANG THÂN

 

Hình như ông Mạnh suốt đời loay hoay với mớ ý định tốt của mình mà người đời không hiểu ông. Dante đã rất đúng khi viết: “Đá lát địa ngục chỉ bằng những ý định tốt đẹp trên trần thế”.

 

Ví dụ, kỷ niệm này có liên quan đến vợ chồng tôi. Lần ấy ngay trong Đại hội Nhà văn lần thứ IV, một đại hội trước những ngày “Đổi mới hay là chết” đầy hứng khởi và có nhiều sự kiện thú vị, ông Mạnh lúc ấy là Chủ  nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại Trường Đại học Sư phạm I có đề xuất mời một số nhà văn, nhà thơ đến trường gặp sinh viên để nói chuyện và đọc thơ.

 

Khách mời có ông Phùng Quán, Thu Bồn, Trần Mạnh Hảo, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Trọng Tạo, Dạ Ngân và tôi (hình như còn có cả Nguyễn Duy nữa). Anh Mạnh nói: “Trước đấy khoa Văn có mời một số nhà văn tọa đàm với giáo viên và cán vộ giảng dạy nhưng đây là lần đầu tiên sinh viên Sư phạm được tiếp xúc với nhà văn”. Tôi biết ông giáo sư biết sự tiếp xúc này là cần thiết cho sinh viên của ông như thế nào. Trường đại học nào trên thế giới cũng thường xuyên mời các nhà văn đến tiếp xúc với sinh viên tuy rất khó mời.

 

Tôi nhớ hồi còn là học sinh trường Thiếu Sinh Quân khu 4, mỗi lần thấy nhà thơ Xuân Diệu hay Chế Lan Viên đến nói chuyện với học sinh chúng tôi cảm thấy họ như người trời cử xuống. Buổi tối mùa thu năm 1989, xe nhà trường chở chúng tôi đến nơi và tôi ngạc nhiên thấy một hội trường vắng tanh. Chỉ có cô Trúc Anh, một nữ nhà thơ trẻ xinh đẹp đang là sinh viên và một vài bạn trẻ đang rót nước tiếp khách. Được biết nhà trường có lệnh không cho sinh viên gặp nhà văn. Hiện các bạn đang tập trung bên ngoài, có một số nhảy qua hàng rào nhưng rất ít.

 

Rồi Trúc Anh bối rối hỏi có tiếp tục đọc thơ không? Anh Phùng Quán đứng lên: “Tôi thuộc thơ mình, thơ tôi toàn là thơ cách mạng, có thể đọc suốt đêm. Một người nghe tôi cũng đọc!”. Vậy là trước mặt chúng tôi chỉ có lác đác mấy em sinh viên và các nhà thơ vứt hết mặc cảm, đã hào hứng đọc thơ mình. tôi cũng nói mấy câu cổ vũ tình yêu văn chươngcủa các em. Vui và lành, không biết vì sao lại không được phép? Anh Mạnh buồn rầu nhắc một câu của Victor Hugo: ” C’est la vie! Đời là vậy đó!” Lúc đó tôi chợt nhớ tới chuyện thích nghi ông Thi nói và buồn, thật khó khăn khi giáo sư phải thích nghi với chính nhà trường của mình?

 

Theo tôi, Nguyễn Đăng Mạnh là mộttrí thức Xã hội chủ nghĩa, vốn theo cách mạng từ thời còn để chỏm chính ông cũng luôn tự nhận mình luôn thành thực “tin yêu đảng, thực sự yêu văn chương thế mà sao cứ va vấp hoài bị đánh đấm hoài” (Thư gửi NQ Thân ngày 11/11/2009) nên phải chăng ông có nỗi niềm thế hệ mà nhà văn Nguyễn Đình Thi gọi là “Sự thích nghi đầy đau đớn của trí thức”? Quá trình giải mã cái khối mâu thuẫn ấy cũng khá phức tạp sẽ dành cho những nhà nghiên cứu và học trò của ông về sau không thể nói gọn trong một bài viết. Tôi chỉ có thể nói lên một số cảm nhận và suy nghĩ phân tích về câu tâm sự của ông với tôi, tự biết chưa thể hoàn chỉnh nhưng cũng là góp vào việc chứng minh qua các sự kiện thực tế xem ông nghĩ như vậy là đúng hay sai.

 

Chẳng hạn, một trong những cái tạm gọi là hiểu lầm “trái khoáy” ấy là, như tôi đã đề cập ở trên, khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi đổi mới mời đến hội nghị và yêu cầu văn nghệ sĩ nói thẳng nói thật cho lãnh đạo nghe tâm  tư tình cảm cũng như những vấn đề nổi cộm của văn học nghệ thuật. Nguyễn Đăng Mạnh đã hồn nhiên nói những câu ông tin là sự thật nhưng chưa ai nói, với lòng “tin yêu” như ông từng tự nhận mình luôn có.Vậy mà ông cũng đã mang tiếng không ít vì những câu nói thẳng nói thật này. Lại một bài học về sự thích nghi!

 

Trong việc nghề, do say mê, sở thích và sở trường cá nhân, từ sớm đã mong muốn nghiên cứu Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân. Nhưng ông thừa biết rằng mình, với đôi cánh non trẻ không thể bắt đầu sự nghiệp hai tác giả ấy, hai nhà văn đang là món “ế” của thời bấy giờ đụng đến đã không được chuộng, bài khó được đăng mà khéo còn tai bay vạ gió. Ông đã tập “thích nghi” và tỏ ra rất “biết điều” khi mở đầu sự nghiệp của mình, không phải bằng Vũ hay Nguyễn mà là những nhà văn nhà thơ khác.

 

Và một loạt công trình của vị giảng viên đại học trẻ phê bình nghiên cứu về những cây bút cách mạng như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy.v.v.. và các nhà văn cách mạng như Ngô Tất Tố, Nam Cao đã tiếp nối ra đời. Mong manh áo vải hồn muôn trượng, Những bài thơ quên mình của Bác, Cuộc đời cách mạng thật là sang! Vài suy nghĩ nhỏ về một phong cách lớn, Đọc văn chính luận của Hồ Chí Minh, Trần mà như thế kém gì tiên, Pác Pó hùng vĩ ..v.v… Và cuốn chuyên luận đầu tiên của ông được xuất bản là cuốn Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu phân tích thơ Hồ Chủ tịch (Đại học Sư phạm in nội bộ năm 1978, NXB Giáo Dục in năm 1981).

 

Mâm lễ không thể nói là ít! Đây có lẽ là cú cố gắng thích nghi đầu đời rất ngoạn mục mà nhà nghiên cứu trẻ tưởng là quá đủ bày tỏ lòng “”tin yêu”” để có thể trở về với đề tài mà mình ấp ủ. Sau hàng loạt tác phẩm làm nên tên tuổi một Nguyễn Đăng Mạnh ấy ông trở về với Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Anh luôn nghĩ đó là hai nhà văn lớn, văn hay có vị trí trong lòng người đọc nhiều thế hệ trong số những nhà văn làm vẻ vang cho đất nước.

 

Vậy mà không ngờ mình đang nhảy vào “cấm địa” một thời. Miệt mài nghiên cứu, viết báo viết sách nhưng tác phẩm vẫn nằm trong tủ, không báo nào dùng, sách không ai in, lại còn bị chê là dại. Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc. Nguyễn Tuân viết ký chống Mỹ rất hay, anh tưởngca ngợi Nguyễn Tuân viết ký chống Mỹ là rất “trúng”. Vậy mà lại bị “đánh”. Bài viết Con đường Nguyễn Tuân đi đến Bút ký chống Mỹ năm 1968 bị cho là đề cao một cây bút lắm lệch lạc, và khẳng định Nguyễn Tuân yêu nước ngay từ trước Cách mạng tháng Tám là không đúng. Những chuyện ấy ngày nay nghe đến mà thấy lạ!

 

Sau Nguyễn Tuân là Vũ Trọng Phụng. Cùng với vụ lên án Nhân văn – Giai phẩm, người ta quy rất nhiều tội cho nhà văn họ Vũ. Nguyễn Đăng Mạnh đã phải chờ đến 10 năm sau, cứ tưởng dư luận đã đổi khác cái nhìn thiên kiến với nhà tiểu thuyết hiện đại lớn bậc nhất này đã nhẹ nhàng hơn. Năm 1968 ông viết bài về Vũ Trọng Phụng, cũng rào đón đủ cả, cũng nói đủ nhược điểm khuyết điểm của Vũ thế mà bài viết từ 1968 mãi tới 1971 mới cho đăng (Tạp chí Văn học) và sau đó lại có bài uốn nắn (Nguyễn Đức Đàn). Mà thực ra bài viết chỉ có mỗi “tội”: “Kết luận Vũ Trọng Phụng” căn bản là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa”. “Giông tố, Số đỏ đã tạo ra được những điển hình xuất sắc”. Những kết luận mà ngày nay chúng ta thấy hết sức đúng và không còn gì để bàn.

 

Trong cương vị chủ biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông trung học, Nguyễn Đăng Mạnh chỉ đưa Tuyên ngôn độc lập vào đúng thể loại của nó: văn nghị luận chính trị. Tưởng thế là một điều chỉnh có tính khoa học, “trả những gì cuả Ceasar cho Ceasar” là một việc cần thiết đối với một bộ sách giáo khoa nghiêm chỉnh. Vậy mà cái “ý đồ tốt” ấy lại bị đánh túi bụi, là chuyện bàn luận ngay cả trong hội trường Quốc hội như trời sắp sập… Ông lại bị “đánh” với tội danh “đổi mới cực đoan”,”phủ nhận văn học cách mạng, phủ nhận quá khứ”, “đối lập tư tưởng chính trị với tư tưởng nghệ thuật”, “khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân”, “hạ thấp thơ Hồ Chí Minh và loại Tuyên ngôn độc lập ra khỏi sách giáo khoa”… Ông nói với tôi rằng ông bị oan hoàn toàn với những lời kết án ấy.

 

Ông nói với tôi “nghề dạy học là nghề được nói” , tôi nghĩ ông nói đúng vì đó là khát vọng của nhiều trí thức và văn nghệ sĩ là những người “có chức năng phát biểu không ngừng” (Albert Camus) phải sống trong một xã hội bị hạn chế. Nhưng thực tế lại đưa ra một kịch bản khác cho nhà văn, ở đây là một giáo sư nghiên cứu văn học. Ông cũng hiểu ngay từ sớm rằng chính nghề dạy học cũng không phải là nghề được nói theo ý mình như mơ ước. Kể cả khi ông giáo sư được vời làm người viết sách giáo khoa, ông cũng phải qua một ông nào đó quyền sinh quyền sát với từng bài thơ, từng đọan văn!

 

Ông vốn không ưa gì ông TrầnThanh Đạm và ông này cũng chẳng ưa gì ông là chuyện bình thường giữa các nhà văn. Nhưng ông lại cảm động với 4 câu thơ đầy tâm trạng mà ông Đạm tặng mình khi đau ốm: “Đọc anh nhớ lúc anh nằm viện/ Một lần ngoài đó một lần đây/ Những dòng ta viết cho người khác/ Ai biết bên trong máu thấm đầy“. Theo tôi bài thơ của ông Đam hay ở hai câu cuối, có thể làm rung động  bất kỳ người viết nào. Đã quá nhiều người đã từng phải viết “cho người khác”! Đến Trần Thanh Đạm cũng có nỗi đau ấy huống gì ai!

 

Nếu nói về “”nỗi đau thích nghi” của ông Mạnh nói riêng hay một thế hệ văn nghệ sĩ nói chung còn nhiều và dài dài. Các văn nghệ sĩ Nhân văn – Giai phẩm đã trả giá đau đớn vì không chịu thích nghi đã đành, nhưng những nhà văn chịu khó thích nghi và đã thích nghi một cách tốt đẹp, thích nghi đến mức được nhận không sót một danh hiệu cao quý nào như ông Thi, ông Nguyễn Khải hay ông Mạnh chẳng hạn, thì cuối cùng lại loay hoay đi tìm lại mình mà chưa chắc đã  tìm thấy!

 

Với riêng tôi, ông Nguyễn Đăng Mạnh là một người chân thành. Có lẽ ông là một trí thức duy nhất nói thẳng thừng bằng những câu nói của giới bình dân một sự thực mà ai cũng biết mà không dám nói với một Tổng Bí thư Đảng. Có lúc (có lúc thôi) ông là đứa trẻ Andersen trong ông vua không mặc quần. Tôi thấy ông có phẩm chất một nhà văn biết hình tượng hóa mọi chuyện bằng ngôn ngữ bên cạnh sự khúc triết logic hình thức của một nhà nghiên cứu phê bình.

 

Ở chỗ này ông đã hé mở trái tim như bóc một miếng bánh và phải chịu thiệt dưới nhiều làn đạn là lẽ đương nhiên. Ông không hoa hòe hoa sói che đậy cái bản ngã vốn suốt một đời tìm cách thích nghi mà không được sống để thích nghi, sáng tạo một cách uốn éo trong khát khao thích nghi để cuối cùng mới nhận ra thích nghi là cái gì đó quá khó.

 

Phải chăng nỗi đau này không củariêng ai?

 

Theo TIN TỨC ONLINE

 

 

CÙNG MỘT TÁC GIẢ:

 

>> Gió heo may

>> Vé vớt

>> Chàng thi nhân đầu bạc

>> Người yêu dấu của Dạ Ngân

>> Nguyễn Quang Thân người khát sống

>> Vẫn cồn cào những trang văn tâm huyết

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…