Nguyễn Ngọc Tư và cuộc chơi vô tăm tích

951

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ của Nguyễn Ngọc Tư là kiểu thơ tự sự, có yếu tố cốt truyện, có nhân vật trữ tình với diễn biến tâm trạng, cung bậc cảm xúc… Thơ của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu bộc lộ suy nghĩ của tác giả về những vấn đề nhân sinh. Có một số bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư giống như truyện ngắn mi-ni với những câu văn xuôi xuống dòng liên tục. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nhà thơ Borges người Tây Ban Nha từng nói: “Thơ có vần là phép thử của tài năng”. Mượn cách nói của Borges, tôi nghĩ rằng thơ không vần hay còn gọi là thơ tự do là phép thử của tài thơ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chọn lựa cách làm thơ dễ dàng, gần gũi với công việc viết tản văn của chị đó là viết những câu-văn xuống dòng thể hiện những ý tưởng nhân sinh để tạo thành những câu-thơ, bài-thơ tự do, không vần.

Sự khác biệt trong quá trình sáng tạo giữa nhà văn và nhà thơ thể hiện ở chỗ, nhà văn là người “vong thân”, chủ yếu mô tả, khắc họa thế giới nội tâm, tính cách, hành động của nhân vật và diễn biến của sự việc, câu chuyện. Nhà thơ chủ yếu “hướng nội”, khám phá chiều kích bản thể chính mình và bộc lộ sự thăng hoa của cảm xúc thẩm mỹ qua ngôn từ, hình tượng thơ. Sở trường của Nguyễn Ngọc Tư trong công việc viết văn đã trở thành sở đoản của chị khi làm thơ. Nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư không được khắc họa chủ thể trữ tình mà chủ yếu mô tả về sự vật, sự việc qua cái nhìn chủ quan của tác giả. Nhiều bài thơ của chị không có cấu tứ, ngôn từ và ý thơ rời rạc, cảm xúc đứt đoạn, thiếu sự liên kết ngầm giữa ý tứ các đoạn thơ, khiến người đọc có ấn tượng đang đọc bài tản văn ngắn với những câu văn liên tục xuống dòng.

Bìa tập thơ Gọi xa xôi của Nguyễn Ngọc Tư

Câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi: Thơ Nguyễn Ngọc Tư có hồn thơ và tính thơ hay không? Đi tìm câu trả lời, tôi miệt mài đọc và nghiền ngẫm hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư đó là: “Chấm” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2013) và “Gọi xa xôi” (Nhà Xuất bản Văn học, 2018). Nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư vượt khỏi ranh giới đặc trưng thể loại thi ca, tạo nên sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi, giữa tính trần thuật thế sự và sự thi vị, bay bổng. Đọc thơ của chị, tôi nhận ra sự bí ẩn trong thế giới nội tâm của một nhà văn. Thơ của Nguyễn Ngọc Tư là kiểu thơ tự sự, có yếu tố cốt truyện, có nhân vật trữ tình với diễn biến tâm trạng, cung bậc cảm xúc… Thơ của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu bộc lộ suy nghĩ của tác giả về những vấn đề nhân sinh. Có một số bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư giống như truyện ngắn mi-ni với những câu văn xuôi xuống dòng liên tục. Tiêu biểu như một số tác phẩm: “Nghĩ quanh từ điển”, “Nhật ký mang thai-tháng thứ ba”, “Trà mặn”, “Ví von”, “Chiều đông ở ngã tư sương”, “Chờ bay”, “Bẹo”… Xin ghi lại một bài thơ của chị để bạn đọc thưởng thức:

Ví von
Họ xây nên mê lộ bằng ví von
“Nắng giòn như tiếng cười trẻ nhỏ”
“Trời khuất mặt sau đám mây hình nấm”
“Đáy vực tối như trái tim đã bạc”

Đêm trườn qua như con mèo đen, con mèo mềm tựa người yêu, người yêu tựa con dao nhọn
Không thấy vì sao nào nhắm hướng
Những cái bóng sơ sinh
Ngờ ngợ ngắm nhau

Cây chanh ái ngại vị đắng trên lá mình
Từ được ví như mối tình tan vỡ
Này trái chua, và gai nhọn
Bao mưa rồi vị ngọt ấy đi đâu?

Một mê lộ mở ra dịu dàng
Khi người bảo “em như không khí của anh”
Bạn bỗng nghĩ vĩnh viễn là có thật
Đưa chân vào mê lộ mịt mùng

Bạn đổi màu theo những ví von
Mỗi bước mỗi nhạt nhòa hình dáng

Thơ là lĩnh vực dễ mê dụ tâm hồn của cả người sáng tác và người đọc. Cuộc chơi chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn dụ người đọc lạc vào miền vô tăm tích. Thơ của chị giàu chất nghĩ, ít chất cảm và thiếu hồn thơ. Theo tôi, cái hồn của bài thơ cho thấy tác giả có phải là người làm thơ được hay không. Hồn thơ chính là cách cảm, cách nghĩ biểu hiện qua sự bén nhạy của trực giác, linh cảm của nhà thơ trong mối tương quan với sự bí ẩn của con người, sự vật, thiên nhiên. Hồn thơ chính là những cung bậc cảm xúc mang tính thẩm mỹ của nhà thơ được bộc lộ mãnh liệt, dồn nén và thăng hoa thành hình tượng, ngôn từ. Bài thơ dù viết có vần hay không vần, thơ truyền thống hay thơ tự do cũng phải có hồn thơ. Hồn thơ chính là “cốt tủy” của bài thơ. Bài thơ thiếu hồn thơ chỉ là bài văn xuôi “đội lốt” bài thơ. Đọc toàn bộ hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc có thể cảm nhận về những câu thơ trong hầu hết các bài thơ của chị giống những câu văn xuôi ngắn, xuống dòng liên tục.

“Chàng vẫy nàng ríu rít bơi ra sông
Nước lạnh căm
Rồi mặc nàng ngụp lặn giữa dòng”
(Kịch của hai người)

“Trẻ con kết thân nhanh
Ráo hoảnh bạn bè xóm cũ
Sáng vật tay nhau trưa đã thành chân trời
Dại dột trồng một cây chanh
Thắt thẻo không người tưới
Bông mười giờ nở cút côi”
(Ở trọ)

Công bằng mà nói, hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư có một số bài có tứ thơ và hồn thơ với những câu thơ có sức gợi và ám ảnh như: “Muối tóc”, “Rượu bên đường Mười Bốn”, “Khúc hát rời Nho Quế”, “Về”…

“Em tự trào mình lụy giống người xưa
Đi ngả nào tóc cũng rơi đằng gót
Rải lời yêu rối cỏ
Nhỏ từng sợi máu khô
Ới ơi người thương đâu
Nhanh chân theo kẻo bụi lấm đục ngầu
(Người cúi xuống sẽ không còn thấy dấu)
(Muối tóc)

Tôi nghĩ, có người sẽ bảo tôi rằng Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn làm thơ nên không thể đòi hỏi chị sự sáng tạo thơ như một nhà thơ đích thực. Đối với Nguyễn Ngọc Tư làm thơ chỉ là cuộc chơi chữ nghĩa để chị trực tiếp bộc lộ bản thể sâu thẳm của mình. Tôi đồng ý về điều này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thơ chính là thế giới tâm linh nhiệm màu, bí ẩn nên người làm thơ đừng nên biến công việc làm thơ thành cuộc chơi chữ nghĩa vô tăm tích. Điều này sẽ đẩy thơ vào tuyệt lộ.

V.T.C