Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Ra mắt sách và phát hành online

741

Một buổi sáng sớm trong ngày giãn cách đầu tháng 9, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của nhà thơ Đặng Vương Hưng gọi cho tôi và anh trong niềm vui đã chia sẻ về việc vừa ra mắt cuốn sách “Lục bát mỗi ngày” đã ngỏ ý tặng tôi “siêu phẩm” mới của anh.

Đang giãn cách theo chỉ thị 16, gần như không ai ra đường khi không thật cần thiết, mọi phương tiện giao thông công cộng đều đóng cửa, mọi công việc không thiết yếu đều phải dừng lại. Vậy mà nhà thơ vẫn tài tình ra mắt sách và gửi được sách đến để tặng tôi cùng một số người bạn thơ của anh ở Báo Công an nhân dân số 2 Đinh Lễ. Phải nói thật là đáng ngạc nhiên, trong lòng thầm thán phục anh cả về mặt công việc, ý chí lẫn tinh thần mãnh liệt với thi ca.

Thế nhưng, khi cầm trên tay cuốn sách dù đã in giấy nhẹ, mà vẫn nặng phải đến vài ki-lô-gam, trong đó là hàng ngàn bài thơ lục bát nuột nà, nhuần nhuyễn, ấn tượng với gần 1.500 trang in thì tôi đã phải thốt lên kinh ngạc về sự sáng tạo sức làm việc của anh. Điều đáng nói hơn cả chính là cảm xúc, sự thăng hoa của người thơ sau những bộn bề của đời sống, sau những thăng trầm của cuộc đời, mà vẫn đủ thảnh thơi an yên để yêu thương nồng ấm, vẫn đủ để anh sinh nở tạo tác ra hàng nghìn trang thơ lục bát là điều tôi khó có thể hình dung được. Khâm phục anh, thế nên tôi gọi cuốn thơ “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ lặng lẽ Đặng Vương Hưng là “siêu phẩm” là vì thế.


Nhà thơ Đặng Vương Hưng giao lưu với bạn đọc.

Báo Công an nhân dân đã có cuộc trò chuyện với anh về cuốn sách mới này.

* Thưa nhà thơ Đặng Vương Hưng. “Lục Bát mỗi ngày” nghĩa là mỗi ngày anh sáng tác một bài thơ lục bát, hay là chúng tôi những độc giả nên cố gắng dành thời gian để đọc một bài thơ lục bát mỗi ngày, để cho tâm hồn mình thấm đẫm hồn Việt và cũng để mình sống chậm hơn, ít đánh mất bản sắc hơn chăng? Tóm lại tên sách hẳn chứa những thông điệp gửi gắm của anh? Và anh có thể chia sẻ thêm về đứa con tinh thần công phu dày dặn mới ra mắt của mình

– Vâng, đó là tên một chuyên mục giới thiệu những sáng tác mới của nhiều tác giả, được cập nhật thường xuyên trên website lucbat.com do tôi sáng lập từ năm 2008. Sau này, khi mạng xã hội facebook và zalo phát triển, tôi đã tự khép mình vào kỷ luật, cũng là tự tạo một thú vui và niềm đam mê: Hầu như mỗi sáng sớm đều viết mấy câu lục bát để ghi lại những cảm xúc buồn vui của đời người, cũng là cách “khởi động một ngày mới” chẳng giống ai. Lâu dần, thành thói quen của hàng trăm ngàn bạn đọc, nếu tôi chậm đăng tải là nhiều người chờ đợi để được chia sẻ lại nhắc. Bởi thế: Mỗi ngày viết mấy câu chơi/ Nhặt đầy yêu thích, đánh rơi vui buồn… // Mai sau nước chảy về nguồn/ Nhớ nhau đọc lại sẽ luôn mỉm cười // Hoa tàn là bởi đã tươi/ Kệ ai yêu ghét, kệ người khen chê// Ta mang theo chút bùa mê/ Gửi đi xa lắm lời thề đang yêu… (Mỗi ngày).

* Đây là cuốn sách được làm online, phát hành online và mọi thứ đều online hết trong những ngày cả nước giãn cách vì cơn bão đáng sợ COVID-19. Điều đó cho thấy nhà thơ Đặng Vương Hưng dường như không mấy bận tâm về những nỗi sợ, anh đầy bản lĩnh và lại giỏi công nghệ vừa làm chủ và phát huy công nghệ trong công việc sáng tạo của mình? Vậy trong quá trình “bếp núc” để ra một tập sách đồ sộ cả về nội dung, quy mô tác phẩm trong ngày cả nước đang giãn cách, anh có gặp khó gì không?

– Rất may là nhờ công việc làm báo, nên tôi đã biết sử dụng máy tính từ rất sớm. Sau này, khi công nghệ phát triển, thì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh đã thay cả máy chữ, ghi âm và camera là đủ để tác nghiệp. Mấy năm trước, tôi thường xuyên thực hiện các chuyến đi tới các vùng miền trong và ngoài nước để lấy tư liệu. Nhưng khi đại dịch xảy ra, thì buộc mọi người, trong đó có các nhà văn, phải thích nghi làm việc online. Ngay từ năm 2020, tôi đã biên soạn và tổ chức ấn hành thành công bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” hơn 4.000 trang. Còn năm nay là “Lục bát mỗi ngày”. Cả xã hội làm việc online mà, có khó khăn gì đâu!

* Còn nhớ cách đây 20 năm, khi đang công tác tại báo An ninh Thế giới, khi mà ít ai hình dung và làm quen với khái niệm phát hành online nhưng nhà thơ Đặng Vương Hưng đã rất nổi tiếng khi tạo nên cơn sốt phát hành online tập thơ “Học quên để nhớ” qua đường bưu điện với số lượng 100.000 bản in, một con số mà bất kỳ người làm sách hay nhà thơ nào cũng phải mơ ước. Vậy với “Lục bát mỗi ngày” liệu cơn sốt thơ có lặp lại không?

– Mỗi giai đoạn một khác. Khi tôi phát hành “Học quên để nhớ”, độc giả vẫn đọc sách giấy và báo giấy là chính, An ninh Thế giới in gần triệu bản mỗi kỳ… Còn bây giờ, là thời của điện thoại thông minh và mạng xã hội rồi. Tuy nhiên, xin thông báo một tin mừng: Dù sách dày hơn ngàn trang khổ lớn như thế, nhưng mới sau một tháng tác giả trực tiếp phát hành (lưu bút và gửi đến nhà cho bạn đọc) mà ngàn bản sách giấy “Lục bát mỗi ngày” cũng đã hết. Điều thú vị hơn nữa, là hàng vạn bản pdf tác phẩm này đã được chia sẻ miễn phí trên internet, lan toả tới người yêu thơ lục bát trong và ngoài nước…

* Sau “Học quên để nhớ” thì đây là tập thơ chọn lọc thứ hai của anh và vẫn là thể thơ lục bát với hàng nghìn bài cho thấy anh chung thủy và kiên định với con đường thơ của mình. Trong khi thời nay thơ cách tân, thơ hiện đại, thơ với trường mở hết biên độ trong cấu tứ ngôn ngữ, anh gần như không sợ lục bát trở nên lạc lõng hay ít được bạn đọc tìm đến?

– Cũng như nhiều nhà thơ khác, trước khi đến với lục bát, tôi làm đủ các thể loại. Chùm thơ của tôi được giải A cuộc vận động sách tác Văn – Thơ – Ca khúc cho thanh niên, do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (1981 – 1983) toàn là thơ viết tự do. Nhưng hình như lục bát đã có sẵn trong tâm hồn mỗi người Việt, từ hàng ngàn đời nay. Lục bát là hồn quê, là văn hoá Việt. Dù xã hội có phát triển hiện đại thế nào, thì văn hoá truyền thống cũng không thế mất. Thậm chí càng phải bảo tồn và phát huy giá trị của nó!


Những bản sách mới in được nhà thơ Đặng Vương Hưng tự trực tiếp lưu bút và gửi sách tới nhà cho bạn đọc.

* Anh có thể chia sẻ một chút với độc giả yêu thơ vì sao anh chọn thơ lục bát dù lục bát rất khó và là thể thơ rất đỗi truyền thống. Với các bạn thơ trẻ yêu lục bát thì bí quyết nào để chinh phục được thể thơ gieo vần, tôn trọng luật 6/8 “khó nhằn” này?

– Nhiều người viết cho rằng lục bát dễ làm, nhưng khó hay, là thể thơ cũ và “nhà quê”. Và nhiều người đọc đã nhầm lẫn những câu Sáu / Tám, những bài diễn ca theo vần Lục bát là Thơ. Còn với tôi, lục bát như hơi thở của tâm hồn. Tôi sử dụng lục bát để trải lòng mình, là nhật ký cảm xúc buồn vui, rất tự nhiên, hàng ngày. Viết nhiều thành quen, cũng chẳng có “bí quyết” gì cả. Có lẽ đó là một cái duyên trời cho? Tài khoản fabook (có “tích xanh”) và tài khoản zalo của tôi đều sử dụng tên thật Đặng Vương Hưng, với hàng trăm ngàn người theo dõi. Đó là những bạn đọc và cả “giám khảo” khen chê công tâm nhất!

* Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã chọn cách nghỉ hưu sớm để làm thơ, để dành thời gian trọn vẹn cho thơ. Có thể nói, anh là người thơ lặng lẽ và miệt mài, nhưng không kém phần quyết liệt. Từ khi về hưu đến nay ngoài làm thơ, anh còn làm những gì khác nữa vì theo như quan sát của tôi với tư cách là một đồng nghiệp từng có thời gian làm việc với anh, thì anh là người luôn luôn “nảy” nhiều ý tưởng và là một nhà báo, nhà thơ luôn luôn sáng tạo và mới mẻ trong tư duy. Anh có thể chia sẻ một chút về bản thân từ bấy cho đến nay?

– Xin cảm ơn các anh chị và các bạn đồng nghiệp vẫn thường xuyên theo dõi, ủng hộ Đặng Vương Hưng thực hiện tủ sách tư liệu chiến tranh “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” và tủ sách “Tự chuyện bình dân”. Để trợ giúp cho hoạt động trên, tôi đã sáng lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính” (có pháp nhân) và Diễn đàn cùng tên trên facebook, với khoảng 150.000 thành viên. Chúng tôi đã ký văn bản hợp tác với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, phối hợp tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật mang chủ đề “Tình yêu đi qua chiến tranh” trong 3 năm (2020 – 2022). Dự kiến mỗi năm, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì “Trái tim Người lính” sẽ tổ chức những sự kiện “Gặp mặt đồng đội” hằng quý, ở khắp các vùng miền trên cả nước, để “Kết nối và Chia sẻ – Tôn vinh và tri ân – Cùng lan toả những điều tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội” như tôn chỉ mục đích đã đề ra.

– Xin chân thành cảm ơn anh. 

Theo Như Bình/VNCA