Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – Số phận trời cho

526

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – một tài năng đặc biệt của nền văn học Việt Nam đương đại, đã qua đời ngày 20.3.2021. Ông – không nghi ngờ gì nữa, để lại một khoảng trống cực lớn trên văn đàn, với những truyện ngắn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.

Trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ một văn tài, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá: “Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!” Để tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, số báo này Tinh hoa Việt xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết về ông của PGS.TS, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Theo lời mời của họa sĩ Nguyễn Phan Bách tôi đến nhà anh ăn tất niên và ngắm tranh. Vào đến sân, khi tôi đang loay hoay dựng xe thì một người đàn ông nhỏ nhắn chậm chạp gương mặt tươi cười, hiền lành có thoáng chút hớt hải. Tôi nhận ra đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bách giới thiệu: Bố ạ, đây là chú Khiếu, con mời chú đến ạ. Ông Thiệp niềm nở. Ông bảo tôi: Sân rộng xe để đâu cũng được. Rồi anh dẫn tôi vào căn phòng tầng một của ngôi nhà cũ. Một căn phòng cũ kỹ hết sức đơn sơ. Ông không bật điện rồi bảo tôi ngồi bên một bàn nước tròn, thô mộc bên cửa sổ. Bàn đó chỉ có hai chiếc ghế cũ. Ông nhẩn nha pha trà và bắt đầu nói chuyện.

Ông bảo: Bây giờ làng nhốn nháo quá rồi, xưa thì vườn tược, cây cối quanh năm tươi tốt thích lắm. Đất này vốn nhiều đầm hồ nên nhiều cá tôm và nhất là chim cò thì vô kể.

Biết tôi ở bên Nhân Chính. Ông bảo cách nhau con sông Tô mà bên đó là đất quan còn bên làng Khương là đất dân làm ruộng. Ông kể rành rẽ về các vùng đất quê mình. Ông nói dân Khương chăm chỉ, hiền lành, thuần phác. Làng ông nổi tiếng có nghề gia truyền làm dưa muối, cà muối và chả nhái. Bữa ăn nhà nào cũng có dưa cà, đám cưới phải có món ấy mới thành cỗ.

Ông bảo làng ông dù không phải đất học, đất quan nhưng cũng là đất cổ Hà Nội nên nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Ông kể đầu năm thường đi dọc bờ sông Tô để xuống thắp hương nơi từ đường thờ cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, đền thờ cụ Chu Văn An. Năm nào ngày xuân ông cứ nhẩn nha đi bộ một mình như thế.

Rồi ông đận đà kể sau khi tốt nghiệp Khoa Sử, Trường sư phạm năm 1970 ông được điều lên công tác miền núi. Lên đó ông dạy học ở trường bổ túc văn hóa. Ông là cậu trai Thủ đô mới hai mươi và dạy toàn người miền núi cao tuổi hơn mình. Học viên là cán bộ đi học. Họ từng trải và đều có danh phận. Mười năm ở trên đó ông học được nhiều. Những người miền núi ai cũng thật thà, chất phác, tử tế. Ông học được cái tử tế, chân thật, hiền lành. Cái ấy nó quý. Ở thành thị cái ấy hiếm lắm.

Tôi hỏi các truyện ngắn anh đều viết ở trên đó. Ông nói không phải. Chỉ đọc sách và ngẫm nghĩ. Có viết một vài mẩu nhưng sơ sài lắm. Về Hà Nội mới viết. Viết một hồi như thế, nhanh lắm, hoạt lắm. Không khó khăn gì. Cũng chả nghĩ viết rồi nổi tiếng như thế. Nói rồi ông cười rất bí ẩn. Hai con mắt nheo nheo. Chắc ông cười hai chữ ‘’nổi tiếng’’. Tôi nói nổi tiếng về văn chương nguy hiểm lắm. Ông nhìn tôi chằm chằm tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói: Em thấy ở Việt Nam những nhà văn nổi tiếng sớm đa phần là khốn khổ lắm. Người thì yểu tử, người thì nghèo đói, khốn đốn. Ông lại nheo mắt cười và bỗng dưng hăng hái: Nổi tiếng ác hiểm lắm. Đâu chỉ ở ta, thế giới đều thế. Nổi tiếng văn chương đều khốn khổ cả. Chữ nghĩa nó độc lắm. Tôi nói chắc do tài mệnh kỵ nhau. Ông bảo: Không chỉ người làm cho mình khốn khổ, bản thân mình cũng làm cho mình khốn khổ. Đâu chỉ một mình khốn khổ còn vạ cả sang người thân, gia đình.

Đang dở câu chuyện thì Bách mời bố và tôi lên tầng ngôi nhà mới xây đối diện ăn cơm. Sau câu chuyện, trước khi đi ăn cơm, tôi tặng ông tập trường ca mới in. Ông xoay ngang dọc ngắm nghía cuốn sách cười và lẩm nhẩm. Dày quá dày quá. Thái độ ấy chả ra khen chả ra chê. Tôi tự thấy ngượng vì sách dày và to quá. Tôi biện bạch, em viết lâu rồi giờ mới in lại thấy nó dày quá biếu ai cũng xấu hổ. Thấy thế ông động viên: Văn chương là tạng người, mình cứ viết. Đừng cầu tiếng tăm. Cứ viết đi nghĩ gì nữa. Văn chương lạ lắm không viết không được. In hay không có sao đâu. Viết được thì cứ viết.

Bữa cơm có thêm một vài người bạn họa sĩ. Chúng tôi uống rượu còn ông Thiệp chỉ ăn cơm với đậu phụ và dưa muối. Chắc là đang dở câu chuyện nên ông vừa ăn vừa nói cùng tôi câu chuyện văn chương và luận bàn về sự nổi tiếng. Hôm ấy ông rất hào hứng nói nhiều và nói những chuyện tâm linh nghe ghê ghê. Tôi vừa uống rượu vừa tiếp lời ông. Thấy ông ăn xong rồi mà vẫn ngồi lại nói chuyện sợ ông mệt nên chúng tôi mời ông đi nghỉ trưa.

Rồi tôi nghe tin ông ốm. Hôm tôi đến thăm có rủ thêm nhà thơ Ngô Đức Hành cùng đi. Chúng tôi tới thăm ông Thiệp lúc đã chớm hè. Bà Trang, vợ ông, trải một chiếc chiếu cói dưới nền nhà để ông nằm cho mát. Chị thanh minh ông vốn nằm trên giường nhưng hay xoay người trở mình nên bị ngã mấy lần. Thấy chúng tôi tới ông rất vui. Chúng tôi ngồi xuống bên ông. Tôi vừa bóp chân cho ông vừa thăm hỏi. Ông nói chuyện hồ hởi như người khát chuyện.

Tôi bảo: Ông Thiệp là bậc kỳ tài, hiếm có. Sự xuất hiện của anh đã góp phần làm thay đổi căn bản văn chương thời kỳ đổi mới. Ông bảo chả phải thế đâu. Tôi chỉ là anh văn xuôi. Chỉ là anh giáo viên cấp ba, trình độ văn hóa không có, lại lười biếng. Tôi là thằng ăn may.

Ông Thiệp cho rằng, làm văn chương thì phải làm sao vừa giữ được miếng ăn, vừa có được tác phẩm, được in ra mới toàn tài. Nếu không chỉ thích thì làm, thì nói làm gì. Trong văn học để có một tiếng vang, tiếng nổ lớn thì phải thêm nhiều thứ lắm, phải toàn tâm toàn ý. Tôi chỉ viết được mấy cái truyện ngắn mà nổi tiếng. Các ông bảo tôi là bậc kỳ tài ư? Chả phải đâu. Các ông mới thấy một khía cạnh. Còn tôi đang nằm như con chó dưới chân các ông đây. Nó là nghiệp chướng của văn chương đấy. Các ông chưa thấm thía thế nào là nghiệp chướng đâu. Nhiều khi mình dại dột, mình kiêu ngạo, rồi cứ tin là mình hay, thực ra mình dở lắm. Mình vừa dốt, lại còn kiêu ngạo, hiếu thắng, rồi đủ trò. Mình cứ tưởng mình là tinh vi, không ăn thua đâu. Văn chương nó không cần sự tinh vi. Nó cần sự tinh tế. Nó cần sự trong trẻo. Nó cần sự vô tâm. Vô tâm diệu hữu. Nhà văn cần phải tìm hiểu về Thiền, phải đọc nhiều, ngẫm nhiều, ăn đòn nhiều thì lúc đó mới nhận ra. Mình làm mọi thứ nó phải vô tư thì mới có điều kỳ diệu hiện hữu. Ông phải làm vô tâm thì mới xuất hiện ra điều kỳ diệu. Tưởng như thế thôi nhưng mà giời có mắt. Ông mà làm với mục đích mờ ám, với một sự tinh vi tỏ ra hơn đời các thứ này kia thì trời biết đấy.

Tôi hỏi tại sao bây giờ nằm đây ông mới nghĩa thế. Ông bảo bây giờ ăn no đòn rồi mới nghĩ lại. Anh đi theo văn chương nghĩa là anh đi theo cái nghề. Làm gì cũng phải theo đạo. Cuối cùng của cuộc đời cũng chỉ là đạo đức. Đạo là con đường thoát hiểm. Đức là cái đích đến. Ai cũng là đi tìm đạo thôi. Cửa đầu tiên của đạo là tình (đực cái, âm dương), tiếp theo là hỷ xả, tiếp đến là từ bi, rồi mới giác ngộ (giác ngộ là có dấu ấn Thượng đế rồi) đến đấy là qua ranh giới tầm thường, hiểu được thế nào là đạo đức thì vượt qua ranh giới đúng sai. Đến đó mới đạt thước đo của chân – thiện – mỹ.

Ông nói: Làm văn chương cũng vậy không làm cũng vậy. Làm văn chương anh lại còn dạy đời nữa. Vì thế mà nó vận vào cái nghiệp của mình. Tôi xác định nghề là phải hành nghề, còn nghiệp thì đến sau nó ám vào số phận của mình. Nó ám vào vợ con của mình. Đấy cũng là tiền định, một miếng ăn, một hớp nước cũng do trời định sẵn rồi. Chúng ta phải trải qua bao nhiêu kiếp bây giờ chúng ta mới là cái thằng người của cái ngày hôm nay. Ông nói: Thơ văn chữ nghĩa nó khủng khiếp lắm. Ai cũng gặp khó khăn trên đường đời. Cũng đều bị cuộc đời thử thách nhưng cuối cũng vẫn phải tới đạo đức.

Ông cho rằng: Văn chương nghệ thuật nhiều người cứ nghĩ làm một chút để nổi danh thôi. Nhưng không có đâu. Phải lao động chữ nghĩa ghê lắm, phải rút từ xương từ tủy của mình. Anh phải sống vật vã, lao động cật lực rồi cuối cùng mới ra được một câu hay, một tình huống hay. Văn chương nó tra tấn con người ta ghê lắm.

Ông nói với tôi: “Số phận của ông cũng là vừa may mắn vừa là hẩm hiu đã gặp được cô gái Hồi giáo để viết nên Phồn Sinh. Số phận đã cưng chiều ông. Đã mang cho ông một người con gái như thế, còn mong gì hơn nữa… Nhưng rồi ông phải biến tất cả những điều đó thành con chữ cũng đã là khó rồi, nhưng lại phải thổi hồn vào nó, để người đọc cầm đến cuốn thơ của mình phải run bắn người lên. Chính những dòng chữ ấy nó cải tạo tâm tính của bạn đọc và của ông. Lúc ấy mình mới là thành công. Cũng chưa hết đâu, rồi phải đợi đến cuối đời xem ông có bị rơi vào trường hợp nào đó giống như Nguyễn Huy Thiệp không. Tức là bị rơi vào bẫy của tạo hóa. Tôi là trời cho nên trời bắt phải trả giá, có ai cho không ai cái gì đâu”.

Theo Vanvn