Trần Tâm
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thy Ngọc thuộc số ít các nhà văn tiền chiến sống và viết bền bỉ nhất, cho đến lúc đi xa. Văn của ông trong sáng, hồn nhiên, tươi mát. Tài năng quan sát tinh tế, trí nhớ đặc biệt, óc hài hước, hóm hỉnh độc đáo được dồn lại ở ngòi bút nặng lòng với trẻ thơ. Ông là nhà văn dành trọn đời mình cho văn học thiếu nhi và để lại nhiều thành tựu lớn.
Nhà văn Thy Ngọc
Thy Ngọc (04/10/1925 – 23/12/2012) là một trong mười hai thành viên sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng từ năm 1957. Ông tên thật là Nguyễn Ngọc, sinh ngày 4/10/1925 tại Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Ông có 70 năm chuyên sáng tác, vẽ bìa sách, vẽ minh họa cho sách thiếu nhi. Ông tham gia viết báo, viết văn trên báo Dân Chủ thời Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng. Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Thái Bình. Những năm 1955 – 1957 ông giảng dạy hai môn Văn và Họa tại Hà Nội.
Tôi quen tên ông khá lâu. Từ những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa đến những tập thơ viết cho thiếu nhi xinh xắn: Đi vàng về xanh, Tiếng hát chim non… nhưng vô tình được gặp và tiếp xúc với ông có một lần tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tám (2010). Giọng ông nhỏ nhẹ, đều đều mà lôi cuốn khó dứt. Biết tôi ở Cẩm Phả, ông hỏi tôi về công việc làm than, về cảng Cửa Ông, về cuộc sống những người công nhân mỏ. Tôi kể ông nghe về sự đổi mới ở quê hương ông. Sau đó, còn về Cửa Ông hỏi thăm những người thân thích, quen biết ông từ thời thơ ấu. Nhiều kỷ niệm họ kể nếu gặp lại ông cũng chẳng nhớ.
Ông là người viết văn, làm thơ cho các em, lớp lứa trẻ con chúng tôi thời ấy. Văn phong Thy Ngọc giản dị, chân chất, trong sáng, nhẹ nhàng, chiếm lĩnh trọn tình cảm của bạn đọc nhỏ tuổi. Mãi sau này, tôi mới biết ông còn là cán bộ biên tập mỹ thuật, vẽ minh họa, vẽ bìa sách nữa.
Ông đi bên những đầu sách hiền lành, giản dị như chính con người ông: Thơ tặng cháu – 1942, Tuổi ngây thơ – 1943, Cu Tý – 1954, Khúc ca thơ ấu – 1954, Tiếng hát chim non – 1962, Lớp học của anh Bồ câu trắng – 1957, Trang viết tuổi thơ – 1995… Cuốn Lớp học của anh Bồ câu trắng là một trong tám cuốn sách được chọn in đầu tiên năm 1957 chào mừng ngày ra mắt Nhà Xuất bản Kim Đồng. Nhiều năm sau này, tác phẩm được Đài truyền hình Việt nam chuyển thể thành tám tập phim hoạt hình cho thiếu nhi. Gần đây nhất, tác phẩm Lời hứa với ngày mai – 2009 được xuất bản khi lão nhà văn đã 84 tuổi.
Khâm phục trước khối lượng sách ông viết, tôi tìm hiểu qua sách vở và biết với Thy Ngọc, văn tài và sự lặng lẽ không tuyên ngôn ầm ĩ trên văn đàn. Sau lần gặp ấy, tôi mới biết, ông đã có bài đăng trên báo Văn, báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ ngày nay) đều sáng tác cho thiếu nhi. Ông tự học, không phải là một họa sĩ được đào tạo bài bản nhưng đã minh họa cho gần 300 cuốn sách, một con số thật đáng nể. Niềm đam mê công việc đã khiến ông trở thành họa sĩ của Nhà Xuất bản một cách rất tự nhiên.
Ông có những trang in từ khá sớm. Mới 17 tuổi, đang học Thành Chung ở Hải Phòng, ông đã gửi bản thảo tập truyện Vỡ đê cho NXB Cộng lực. Cuối năm 1942 được in. Tác phẩm đầu tay nhân vật là những đứa trẻ nghèo ở nông thôn ra đời. Với nhuận bút 12 đồng, ông may được bộ quần áo mặc đi học và đủ chi phí ba tháng tiền cơm trọ. Điều quan trọng hơn, từ cuốn sách đầu tiên ấy hóa thành cái nghiệp viết cho các em thiếu nhi suốt đời ông.
Thy Ngọc đã được nhận nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng loại A về truyện và thơ cho lứa tuổi nhi đồng do ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tặng (1969). Bằng khen của Bộ Giáo dục vì Ðã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi (1987).
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Thy Ngọc đã được Nhà Xuất bản Kim Đồng tin cậy giao nhiệm vụ tiếp cận thị trường sách thiếu nhi ở các tỉnh phía Nam. Ông phải thăm dò tìm hiểu thị hiếu độc giả nhỏ tuổi, lên kế hoạch dài hơi cho công việc xuất bản. Ông tự đi tìm bản thảo, biên tập, đến nhà in theo dõi in ấn và tự phát hành. Đặc biệt, ông có công phát hiện và thu hút những tác giả viết cho thiếu nhi cộng tác lâu dài với Nhà xuất bản.
Ông làm văn chương và sống đạm bạc ngay trong trụ sở phía Nam của Nhà Xuất bản tại 268 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Mãi đến năm 1985, sau 30 năm miệt mài làm việc, ông mới nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, ông được báo Khăn Quàng đỏ tin cậy mời về làm Lão quản gia. Bút danh Ông ngoại của ông xuất hiện trên mỗi số báo đã được nhiều thế hệ các cháu quan tâm đặc biệt. Vậy là ông có thêm mười mấy năm gắn bó trực tiếp hàng ngày với bạn đọc và các cộng tác viên nhỏ tuổi. Ông trò chuyện, chỉ bảo từng ý thơ, từng câu văn trên bản thảo của các cháu. Với ông đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không dễ gì có được.
Ông rời báo Khăn Quàng đỏ để nghỉ hưu lần thứ hai khi vào tuổi bảy tư. Cuộc đời riêng của ông gặp không ít trắc trở, gian nan nhưng ông dồn nén nỗi buồn bằng cái tâm rộng lớn, bao dung và thiết tha với con trẻ. Khi ngồi trước trang giấy, ông quên mọi cay đắng, muộn phiền để chắt lọc từng giọt trong vắt, tinh khiết, thơm tho cho ánh mắt và nụ cười trẻ thơ.
Thy Ngọc là tác giả được nhiều người trong và ngoài giới văn chương kính trọng bởi sự thống nhất giữa nhân cách sống và nội dung văn chương. Sự thống nhất cao đẹp tới mức hiếm hoi mà có nhà thơ cho rằng, thời nay, mẫu hình nhà văn đó đang sắp tuyệt chủng.
Thy Ngọc thuộc số ít các nhà văn tiền chiến sống và viết bền bỉ nhất, cho đến lúc đi xa! Văn của Thy Ngọc trong sáng, hồn nhiên, tươi mát. Tài năng quan sát tinh tế, trí nhớ đặc biệt, óc hài hước, hóm hỉnh độc đáo được dồn lại ở ngòi bút nặng lòng với trẻ thơ. Ông là nhà văn dành trọn đời mình cho văn học thiếu nhi và để lại nhiều thành tựu lớn.
Chuyện bút danh của nhà văn Thy Ngọc cũng lắm… lãng mạn. Bà Thy là mối tình duy nhất của ông. Sau khi lập gia đình, ông ký bút danh Thy Thy Tống Ngọc vì vợ ông tên Thy. Thời ấy, bạn bè nói Thy Thy Tống Ngọc nghe rất tiểu tư sản nên ông rút gọn bút danh còn Thy Ngọc.
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, do tuổi cao, sức yếu, nhà văn viết cho thiếu nhi – Ông ngoại – Thy Ngọc đã từ trần lúc 12g20 ngày 23/12/2012 (nhằm ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn) tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.
Khi đi dự Đại hội đại biểu Hội nhà văn khóa 9 năm 2015, nhà văn Lê Toán hỏi tôi: – Ông biết ai là người Quảng Ninh sáng tác văn học đầu tiên được xuất bản không? Tôi kể một vài người nhưng Lê Toán khẳng định: “Đó là nhà thơ Thy Ngọc!”. Thật sự cho đến tận giờ, tôi vẫn không tin. Bởi tôi nghe, trước ông còn có nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Vi Huyền Đắc đã được người con gái nuôi là Hoàng Thị Diễm Phương (Hoàng Thị Hương Trang) giới thiệu trên một Tập san do Sở Văn Hóa – Thông Tin Quảng Ninh mấy năm trước. Nhưng trong tôi, Thy Ngọc là nhà văn đầu tiên ở Quảng Ninh dành tâm huyết cả cuộc đời sáng tác cho các em thiếu nhi.
T.T