Nụ hôn trên má – Truyện ngắn của Hồ Việt Khuê

685

Hình như ai đó gọi tên tôi khi tôi vừa bước ra khỏi cổng bệnh viện sau ca tiểu phẫu bướu trên lưng.

Cái bướu to bằng quả trứng gà nổi lên nhiều năm nay, không gây phiền toái nào cho tôi và tôi cũng đã quen với nó nhưng khi vứt bỏ được, tôi vẫn thấy nhẹ tênh vì cất được mối lo âu nhất là khi bác sĩ cho biết chỉ là cái bướu bã. Tôi tiếp tục thả bộ, có ý chờ đón một chiếc taxi chạy qua thì lại nghe tiếng gọi tên mình.

– Dũng!

Tôi quay lại và mừng rỡ reo to làm mấy người đi đường ngoái nhìn.

– Chị Nhung…

Dễ chừng hai mươi năm nay tôi mới gặp lại chị Nhung. Chị Nhung là người cùng làng, học trên tôi hai lớp thời trung học. Ngày đó tôi và chị Nhung rất thân nhau, hằng ngày, tôi chở chị đi học bằng xe đạp. Tôi không muốn thấy tóc mai của chị ướt đẫm mồ hôi và chị phải rướn người đạp xe qua những đoạn đường trống huơ trống hoác, chỉ có những cơn gió quái ác đùa nghịch với những vòng bánh xe lao đao của đám học trò chúng tôi. Không vội vã đạp xe nhanh đến trường cho kịp giờ học, trong những buổi chiều tan lớp, tôi thường đạp xe chậm rãi và hai chị em trò chuyện suốt con đường về nhà hơn năm cây số. Những câu chuyện không đầu đuôi thu ngắn quãng đường và làm đầy ký ức thơ mộng của hai chị em thời thanh xuân, thỉnh thoảng lại dấy lên trong lòng tôi câu hỏi tôi không sao trả lời rạch ròi là mình có thương chị với tình thương của một đứa em trai hay là tôi đã yêu chị với tình yêu trai gái. Tôi thôi thúc mình có một câu trả lời dù biết chẳng để làm gì vì vài năm sau khi nghỉ học, chị đã lấy chồng và không còn sống ở làng nữa.

Chị Nhung đẹp, vẻ đẹp thùy mị và sang trọng. Tôi thích nhất mái tóc của chị, dài xõa ngang lưng bồng bềnh tự nhiên, nhiều đêm cho tôi giấc mơ mái tóc đó tỏa hương êm đềm phủ kín mặt tôi, mơn trớn giấc ngủ sâu của tôi để ngày mới thức dậy thật sảng khoái. Mắt chị đẹp mà sao buồn bã quá, chị thường nhìn tôi lặng lẽ làm tôi bối rối nhưng không sao xua được ý nghĩ đời chị sẽ vắng bóng hạnh phúc, có lẽ vì tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện tình mấy ông văn sĩ thường tán phét, “hồng nhan bạc phận” mà. Tôi vẫn thầm mong nhan sắc của chị ứng với câu “hồng nhan bạc tỉ” như đối với nhiều cô hoa hậu, minh tinh màn bạc.

Tôi và chị Nhung thân nhau đến nỗi đám bạn học của tôi và của chị xầm xì là hai đứa nó… yêu nhau. Chúng đặt biệt danh cho tôi là Trưởng ban sưu tầm đồ cổ, vì chị Nhung lớn tuổi hơn tôi, đã là “đồ cổ” so với tôi. Tôi bất chấp, còn khiêu khích chúng bằng cách viện dẫn lời ông bà: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” làm chị Nhung không vừa lòng. Chị cằn nhằn:

– Dũng nói vậy hóa ra thừa nhận mình… có gì với nhau hay sao?

Chị Nhung đã đỏ mặt e thẹn vì chị định nói là “yêu nhau” nhưng trớ lại là “có gì với nhau”.

Má tôi thấy hai chị em quấn quít nên gằn giọng hỏi tôi:

– Mày thương con Nhung hả?

Tôi mạnh dạn:

– Dạ! Con thương chị Nhung…

Má tôi trợn mắt. Tôi vội lấp liếm:

– Con thương chị Nhung như thương chị Hai vì chị hiền lành, tốt bụng chớ không phải con yêu.

Má tôi thở phào nhẹ nhỏm, mắng:

– Đồ quỷ!

Tôi biết mình không chỉ là đồ quỷ mà là đồ vừa yêu vừa quỷ vì có lần tôi mơ thấy mình hôn lên đôi môi mọng đỏ tự nhiên của chị Nhung dù chị vùng vằng giấu mặt sau suối tóc bồng bềnh.

Khi tôi vào năm đại học thứ nhất ở Sài Gòn thì chị Nhung lấy chồng. Đám cưới của chị Nhung, tôi cố tình không về dự dù chị tha thiết mời vì tôi vẫn chưa trả lời câu hỏi cho mình là tôi thương hay yêu chị, mà thương hay yêu thì tôi cũng không đủ can đảm nhìn chị mặc áo cô dâu cười tươi bên chàng rể. Chị theo chồng về sống ở miệt Tây Nguyên, gia đình chồng chị có rẫy cà phê nên tôi an tâm là chị không phải vất vả mưu sinh. Sài Gòn muôn màu muôn vẻ có ma thuật quyến rũ chàng học trò tỉnh lẻ nên tôi thỉnh thoảng mới nhớ tới người chị thân thương của mình.

Khi chị Nhung vừa xuống xe buýt để vào bệnh viện thì thấy tôi. Đây là lần thứ ba chị Nhung phải nhập viện để điều trị căn bệnh quái ác của phụ nữ. Các buổi chiều sau đó tôi đều đến bệnh viện để thăm chị. Tôi mua bánh ngọt, trái cây và một thứ mà chị rất thích nhưng không vội bày ra. Tôi không biết sở thích thời con gái của chị có thay đổi không nên thăm dò.

– Chị còn thích uống cà phê sữa đá không?

Ánh mắt chị chớp nhanh có lẽ cảm động bởi tôi còn nhớ một điều tưởng chừng nhỏ nhặt về chị. Chị Nhung thỏ thẻ:

– Chị vẫn rất thích hương vị thơm tho, đăng đắng, ngọt ngọt, lành lạnh của món đó.

Tôi và chị Nhung có nhiều buổi sáng chủ nhật trôi êm đềm trong góc quán sân vườn với ly cà phê sữa đá và âm nhạc.

– Chị rất nhớ những ngày xa xưa…

Chị Nhung thở dài rồi kể cho tôi nghe quãng đời sau hôn nhân của mình. Khí hậu Tây Nguyên không thích hợp với chị Nhung, một người lớn lên ở miền biển. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị đau ốm luôn. Chồng chị quán xuyến mọi việc nương rẫy nhưng anh ham rượu chè và mê cờ bạc. Mỗi năm chỉ có một mùa cà phê, anh bón phân, tưới tắm, chăm sóc cây cà phê rồi đợi trái cà phê chín nên có thừa thãi thời gian để đàn đúm bạn bè. Giá cả cà phê thất thường nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, chị Nhung phải ngồi chợ mua bán kiếm thêm đồng lời.

– Giá anh ấy không cờ bạc thì cũng tạm đủ đắp đổi qua ngày.

Chị Nhung thẫn thờ buột miệng điều mong ước sâu thẳm trong tiềm thức của chị. Nhiều lần chị định ẵm con về ngoại sinh sống nhưng nấn ná vì cố vớt vát hạnh phúc, khi chị sinh đứa con thứ hai không lâu thì biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chi phí của gia đình thêm khoản tốn kém thuốc thang cho người bệnh. Càng túng quẫn, chồng chị càng lao vào sát phạt đỏ đen để mong vớt vát may mắn, rồi nợ nần chồng chất phải bán bớt vườn tược cho người khác.

– Chị dắt con về quê sống với ngoại cháu đã hai tháng nay. Chị có hỏi thăm Dũng và biết Dũng ở Sài Gòn, ít khi về quê.

Tôi ậm ừ cho qua chuyện và cảm thấy có lỗi với chị bởi đã nhiều năm không biết tin tức về chị.

– Còn anh?

– Anh đã có người khác.

Chị Nhung trả lời dửng dưng, không biểu lộ chút luyến tiếc hay đau khổ. Ánh mắt và giọng nói của người chị tàn tạ nhan sắc và suy kiệt sức khỏe cho thấy chị đã có quyết định dứt khoát về cuộc đời mình.

Nắng chiều tím dần trên ngọn cây nơi tôi và chị Nhung ngồi nán trên chiếc băng đá cho đến khi các ngọn đèn dọc hành lang, trên các lối đi trong bệnh viện bừng sáng. Tôi muốn kéo dài thời gian ở bên chị Nhung để an ủi chị, một người vừa đau đớn thể xác lẫn tâm hồn nhưng chị cứ giục tôi ra về, tôi lần khân thì chị đã đứng lên.

-Dũng về đi! Chị chịu đựng một mình bao năm nay, đã quen rồi. Có dịp, chị sẽ đến thăm vợ con Dũng.

Buổi sáng chị Nhung xuất viện sau đợt điều trị, tôi đến bệnh viện đưa chị ra bến xe. Trước khi lên ngồi đằng sau tôi trên yên xe máy, chị nhắc chuyện xưa.

– Dũng nhớ lần chị em mình “đo đường” không?

Tôi làm sao quên lần hai chị em ngã ập xuống đường vì chiếc xe đạp gãy sườn. Tôi mê mải trò chuyện với chị không kịp lách tránh cái ổ gà sâu hoắm ngập nước. Tôi cày mặt xuống đường làm một bên má sưng vù, bầm mắt và gãy mất một cái răng còn chị không sao cả vì té nằm chồng lên người tôi. Chị hốt hoảng nâng tôi dậy, mếu máo kêu xe chở tôi đến nhà y tá quen để băng bó rồi đưa tôi về nhà. Tối đó, chị đến thăm tôi, khuấy ly sữa nóng nài nỉ tôi uống nhưng tôi làm nũng bắt chị phải đút từng muỗng nhỏ. Chị chiều tôi, khi tôi uống xong muỗng sữa cuối cùng chị lấy khăn ướt lau bên má không bị thương của tôi, rồi bất ngờ chị cúi xuống đặt lên đó một nụ hôn. Tôi cuống quýt đưa hai tay muốn ghì đầu chị vào sát mặt tôi để môi tôi vụng dại tìm môi chị nhưng một luồng khoái cảm bất ngờ tràn ngập làm tôi run rẩy toàn thân…

Trong khi chờ chuyến xe đưa chị Nhung về quê nhà xuất bến, tôi và chị nhâm nhi cà phê sữa đá trong căng-tin. Đang nhìn vào xa xăm như không có tôi bên cạnh, đột nhiên chị Nhung thầm thì:

– Dũng nhớ lá thư Dũng viết cho chị không?

Không đợi tôi trả lời, chị kể:

– Chị để quên lá thư của Dũng trong cuốn sách dạy cắt may. Chị mang cuốn sách này về nhà chồng, anh ấy tình cờ đọc được…

Tôi sững sờ nhìn chị Nhung. Đó là lá thư duy nhất tôi gửi cho chị trong những ngày đầu trọ học xa nhà, cô đơn giữa đất Sài Gòn xa lạ. Tôi nhớ là mình có nhắc đến nụ hôn lên má và luồng khoái cảm làm run rẩy toàn thân cậu trai mới lớn lần đầu được hôn. Tôi run giọng:

– Anh ấy ghen?

– Chị nhiều lần giải thích nhưng anh dằn vặt chị dữ lắm. Về sau thì chị hiểu đó chỉ là cái cớ để người ta bỏ chị…

Chị Nhung không một lần đến thăm vợ con tôi. Tôi nợ chị món nợ to tát vì đinh ninh rằng lá thư tôi kể về nụ hôn là một nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình chị. Nhưng bằng cách nào tôi trả món nợ đó, và chị Nhung cũng đâu cần tôi trả vì chị đã qua đời một tháng sau khi chúng tôi chia tay ở bến xe.

Theo Người lao động