Nữ nhà thơ Cát Du và những nỗi niềm sâu lắng

299

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nữ nhà thơ Cát Du tên thật là Nguyễn Kim Dung. Chị tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh Bình Dương, hiện sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Các tác phẩm của chị đã xuất bản: Cảm (2004), Nàng (2010). Tập thơ Cảm của chị từng đạt giải A Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ giai đoạn 2000 – 2005. Năm 2012 Cát Du được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên của tỉnh Bình Dương.

Nhà thơ Cát Du

Những năm gần đây, Cát Du tham gia các hoạt động nhiếp ảnh. Có lẽ chị muốn tìm khoảng trời sáng tạo mới. Tuy vậy, chị vẫn nặng lòng với thơ và có thêm nhiều tác phẩm đạt độ chín, đánh dấu bước phát triển mới trên con đường sáng tác của mình như: “Không rõ nguồn cơn”, “Ngày hôm nay trôi chậm”, “Chuỗi nguyên”, “Em không mang nổi một tình yêu mạnh hơn nỗi chết”, “Đã chiều rồi sao thơ không đến?” …

     Cũng như bao phụ nữ khác, Cát Du luôn nặng tình với quê hương, với mọi  người xung quanh và cuộc đời mình đang hằng sống. Tấm lòng của chị thật bình dị, đôn hậu và sâu lắng. Những tháng ngày cách xa, chị nhớ lắm “cánh đồng mùa cũ”, nhớ bao kỷ niệm những ngày xưa (“Mẹ” – Cảm). Chị yêu quý biết bao những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời. Chị sợ những khoảnh khắc ấy trôi qua mau. Chị băn khoăn, dục giã:

        “Dậy đi nào

         Mai Nụ ơi

         Các bạn em đã váy xòe vàng chóc

         Đang hây hẩy đợi tình

         Mà em còn ngáy ngủ

         Sao chẳng chịu hé mi

         Không sợ lỡ mất cái xuân thì

         Thoáng qua?”

                    (“Xuân thì” – Cảm)

    Chị đớn đau trước cái chết của người dì, người mà chị xem như người mẹ thứ hai (Mẹ ơi!” – Nàng). Chị xót xa khi chứng kiến cái nghiệt ngã đáng thương của một người em gái:

        “Em là một quả xanh tròn trĩnh, dễ thương.

        không bụi

        Lâu dần bụi phủ lên em một lớp dày.

        không xóa

        Tôi vẫn nhận ra em trong lớp áo – bụi mù

        Tôi ấn thử vào em, căng tròn, xanh ngắt

        Bụi vỡ ra, vỏ xanh vỡ ra

        Em úng rồi!!!

        Em úng rồi trong chiếc áo rất xanh”

                        (“Chín sớm” – Cảm)

      Nỗi niềm của Cát Du trong thơ được bộc lộ qua nhiều cảnh huống, nhưng chủ yếu qua tình yêu. Đó là tâm tình của một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc, giàu lòng vị tha và khát vọng vươn tới sự hoàn mỹ nhưng kém may mắn. Nàng khao khát yêu và được yêu, được an vui trong niềm hạnh phúc đủ đầy. Nàng cảm nhận đến tận cùng nỗi đau chia cắt. Nàng cố bứt phá để vượt qua những ẻo le, ngang trái, nhưng rồi có lúc nàng cảm thấy như đang “đi trong mê lộ”. Dù sao, người đời vẫn rất quý mến nàng, bởi trải qua bao “cát bụi”, tâm hồn nàng vẫn bình dị, sáng trong, tính cách nàng vẫn dịu dàng, đằm thắm.

   Trước hết, người phụ nữ trong thơ tình Cát Du có một tấm lòng đa cảm và đôn hậu. Nàng luôn cảm nhận rất rõ thanh âm của tình yêu, dù là những lời “thầm thì” từ “một trái tim lạc lõng” tình cờ nàng gặp bên đường:

        “Sáng nay tôi ra phố

        Gặp tình duyên bất ngờ

        Một trái tim lạc lõng

        Rơi bên hè phố vui

        Chợt gọi tôi thầm thì:

        “Em yêu! Này em yêu!”

              (“Ra phố” – Cảm)

    Nàng khát khao một tình yêu – lẽ đương nhiên là một tình yêu chân chính. Nàng  hiểu rằng, khác với các loại vật dụng có thể ra ngoài tiệm đặt lấy, tình yêu nếu đặt được phải đặt ở tiệm của Thượng đế. Nhưng, tiệm của Thượng đế ở đâu? Nàng băn khoăn, tiếc nuối:

        “Gía như em biết

        Thượng đế đã ngủ quên

        Không thổi linh hồn vào pho tượng

        Em sẽ mách cho Ngài:

        “Còn một chiếc xương sườn cô đơn”

                     (“Em cần” – Cảm)

   Nàng buồn khi tình đến muộn:

        “Quạnh hiu chiều buồn, mắt đỏ

        Bâng khuâng một lối đi về”

                    (“Buồn” – Cảm)

   Rồi với giác quan đầy nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ có trái tim nồng cháy, nàng bắt gặp và nhận ra những biểu cảm kỳ diệu của tình yêu:

        “Con mắt tình yêu không dấu vào đâu được

        Cứ nhìn theo em đằm đằm

        Theo chiều em bước

        Ngó nghiêng

        Con mắt tình yêu không lẫn vào đâu được

         Cứ ve vuốt tay em nồng nàn

        Nồng nàn

        Đôi môi tình yêu cứ chum chúm gọi mời

        Chỉ đôi chân là đứng lại

        Sợ gió vô tình gặp tình si”

              (“Con mắt tình yêu” – Nàng)

    Nàng mơ màng, ước vọng:

        “Anh!

        Nếu có một ngày em rơi vào ký ức anh

        Anh hãy cầm tù em lại

        Để em được một mình trong miền nhớ của anh

        Về hạt cát đi rong

 

        Anh!

        Nếu có một ngày em rơi trong mắt anh

        Hãy khép mi thật chặt

        Để em được một mình trong mắt anh

        Hình hạt cát đi rong…”

                  (“Cát” – Nàng)

    Nàng cảm nhận rất rõ những nấc thang cảm xúc khi yêu và được yêu, dù là những biểu hiện giản đơn nhất:

        “Thân thể ngủ chỉ bàn tay thức

        Bàn tay thức đánh thức bàn tay

        Hai bàn tay xôn xao cùng dậy

        Nắng nhập nhòa chúng nó vào yêu”

                  (“Bàn tay” – Cảm)

    Nàng trân trọng biết bao niềm hạnh phúc khi được thực hiện thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Hãy nghe nàng thủ thỉ với người mẹ kính yêu của mình trước niềm hạnh phúc to lớn ấy:

        “Mẹ có nghe trong gió mùa thi thoảng

        Tiếng đâm chồi nẩy lộc của mầm xanh?

        Con cũng đang mùa như thế

        Ôi, mẹ sẽ có một nụ hồng nhỏ nhoi bụ bẫm

        Kêu: “bà”

                  (“Mẹ” –  Cảm)

    Câu thơ “Con cũng đang mùa như thế” thật bình dị, dễ thương, chất chứa biết bao niềm vui, niềm tự hào và mãn nguyện. Nhưng rồi một ngày nàng cảm thấy tình yêu sao quá mong manh:

        “Đêm

        Thở dài thườn thượt

        Người đàn ông trở mình

        Người đàn bà trở mình

        Chỉ chiếc gối là im thimh

        Chiếc gối lắng nghe

        Tiếng đồng hồ thở gấp

        “Khúc khắc, khúc khắc”

        Con thằn lằn trên tường tắc lưỡi:

        Sao nhịp đập chẳng đều nhau?

        Nhịp chẳng đều nhau!”

                  (“Đêm” – Cảm)

    Cái “nhịp đập chẳng đều nhau” ấy cuối cùng cũng dẫn tới sự ẻo le, bất hạnh. Nàng cảm nhận đến tận cùng nỗi buồn đau khi phải lẻ bóng, cô đơn ngay trong ngày lễ tình nhân:

        “Ngày Valentine em ngồi ngắm mưa

        Nước mắt của ai nhiều đến vậy?

        Chắt từ nỗi buồn nào ra?

        Nỗi buồn lớn quá!

        Hèn chi

        mưa vỡ òa

        Em có khóc không?

        mà nước mắt cũng vỡ òa

        trong mắt em

        mằn mặn”

              (“Ngày Valentine” – Nàng)

   Nàng bảo rằng không đợi, nhưng sao nàng nhận thấy “hình như dấu rêu mòn một chút/ như có dấu chân ai?”. Nàng bảo nàng biết “người dưng” “đi mãi không về” nhưng sao tai nàng cứ lắng nghe “tiếng xe ngoài ngõ?”. Nàng van lơn: “Chỉ cần có ai đó để cười”. “Nàng rút rỗng mình ra” để hình bóng người ấy không còn bên nàng “mà sao vẫn nặng”. Nàng muốn “vứt nỗi buồn đi”, muốn “thoát” khỏi nỗi nhớ, muốn “trốn sau mây” nhưng sao thấy mông lung quá. Nàng đi một mình trong đêm và bàng hoàng thốt lên:

        “Sao chân em đen thế

         Em dẫm phải bóng mình ư?

         Ừ, em dẫm bóng mình

         Bóng mình đen          

         Chân em đen

         Chân đen chạy khỏi bóng đen

         Bóng đen chộp bàn chân nhỏ

         Á!

         Chân nhỏ tõm vào đêm

         Thút thít

         Thút thít

         Có tiếng nấc

         Đen!”

            (“Đen” – Nàng)

    Nàng nhận ra mình với một phiên bản có lẽ là khác hẳn với chính nàng của ngày hôm qua:

        “Người đàn bà lười

         Ngủ muộn

         Chẳng thèm mơ

         Sáng ngày chẳng thèm mở mắt

         Nàng đắm chìm trong thẳm đêm

         Tìm kiếm chân dung mình

         Không thấy chân dung màu gì

         Cũng chẳng có hình dong

         Chỉ thấy

         Thân phận đùng đục và trái tim trong suốt…

         Người đàn bà bừng mắt

         Thấy mình trong suốt

         Chẳng có hình dong.”

                     (“Người đàn bà lười” – Nàng)

    Qua bao biến cố, nàng ráng lắng nghe và suy ngẫm nhưng chỉ cảm nhận được những âm thanh và hình ảnh mang “nỗi buồn vạn kiếp”; ráng “ngồi thiền” để bình tâm tìm ra “nguồn cơn” nhưng cuối cùng chỉ thấy mình “u mê” như đang“đi trong mê lộ”:

         Người đàn bà không rõ nguồn cơn

         Lắng nghe những âm thanh soàn soạt dưới bụng mình

         Những thanh âm rất lạ

         Như trồi lên từ nỗi buồn vạn kiếp

         Trồi lên gương mặt người tình

         Nỗi buồn u u…

         Người đàn bà thiền lâu mà không ngộ

         Khi ngộ rồi lại có một u mê

         Người đàn bà đi trong mê lộ

         Hốt nhiên lại gặp gió trời

         Thổi toang!”

              (Không rõ nguồn cơn)   

   Nàng muốn giải thoát những éo le, ngang trái, muốn tìm một chỗ đứng với ước vọng thiết tha:

         “Để có thể bắt đầu

         Khi em muốn

         và kết thúc

         lúc em cần

         mà vẫn trong một chuỗi

         chuỗi nguyên

         không xáo trộn

         vạn ngày

         yêu”

           (Chuỗi nguyên)

    Chẳng rõ liệu nàng có được điều ước vọng ấy hay không? Chỉ biết, qua bao nỗi buồn đau, nàng vẫn giữ được tâm thế cân bằng, vẫn có được hành vi xử sự nhân văn, đúng mực, vẫn xanh tươi nỗi yêu đời và niềm khát vọng đẹp đẽ. Một buổi chiều – chắc là một buổi chiều đẹp trời – nàng trông ngóng “chàng” thơ:

        “Đã chiều rồi sao thơ không đến?…

         Có phải thơ về thăm cánh đồng mùa lũ

         Lúa sông Hồng có trĩu hạt không?

         Có đi ngang qua đền Trưng Nữ

         Thắp giùm em một nén nhang trầm

         Tiện ghé Tràng An một tí

         Thăm đền thờ hai đức Đinh Lê

         Về Ba Vì đi lên núi Tản

         Thăm Sơn Tinh cùng với vua Hùng

         Chiều Hồ Gươm mênh mang nỗi nhớ

         Sóng bồn chồn nghe khúc biệt ly…

         Hay thơ về ngang qua Ải Bắc

         Ngồi sụt sùi nhỏ lệ khóc Sao Khuê

         Gió trùng trùng thơ về Pác Bó

         Ánh sao khuya dằng dặc lối về”

    Thì ra, nói là nàng ngóng chờ thơ nhưng nguồn thơ đã có sẵn trong lòng. Vóc dáng thơ khỏe khoắn, cường tráng, oai linh như một thiên thần. Thơ mang một sứ mệnh thật cao cả, thiêng liêng. Nàng vui mừng reo lên:

        “Thơ về rồi

         Về rồi

         Thơ vươn vai Phù Đổng

         Gánh trên vai hai chữ san hà

         Chạy băng băng”

                (Đã chiều rồi sao thơ không đến)

      Thơ Cát Du là nỗi niềm sâu lắng được bộc bạch như những lời tâm sự thủ thỉ. Có lẽ Cát Du đã luôn lắng nghe tiếng lòng mình để ghi lại những rung động từ miền sâu thẳm nhất. Cũng vì vậy, ranh giới giữa nội dung và hình thức thể hiện trong thơ chị gần như bị xóa nhòa. Người đọc ít cảm nhận được sự dụng công của tác giả bởi mỗi chữ, mỗi câu đều hòa nhập với cảm xúc của chủ thể. Nỗi niềm Cát Du như đã “chín” sẵn trong lòng và được thốt ra một cách tự nhiên, không cầu kỳ, tô vẽ. Thật ra, đó là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc của tác giả. Toàn bộ các sáng tác của Cát Du là một chuỗi thống nhất. Những vấn đề trên đây đã tạo nên một giọng điệu, một phong cách rất riêng của hồn thơ Cát Du, và đó là điều rất đáng quý ở thơ chị.

   Nguyễn Quế