Phạm Công Trứ & Tết này anh có về không?

938

18.01.2018-09:40

Nhà thơ Phạm Công Trứ (áo đen đứng giữa) một lần về quê làm lễ cúng chùa

 

Tết này anh có về không?

 

NGUYỄN ĐÌNH SAN

 

NVTPHCM- Mọi thứ như đã xong cả, như sẵn sàng tất cả, từ cái bối cảnh, không khí của dân làng, của gia đình mọi người ruột thịt đến sự mong ngóng, đón chờ của em. Chỉ còn mỗi việc anh về. Tác giả buông lửng một câu thơ thơ sáu tiếng trong thể lục bát, lại đứng riêng một khổ để kết bài gây cảm giác thật nao nao, xốn xang: Tết này anh có về không?…

 

Tết này anh có về không?

 

      Đầy trời đang rắc bụi mưa

Đồng trên, đồng dưới cũng vừa cấy xong

      Nhà nhà đã rửa lá dong

Đã quét tường mới, đã trồng cây nêu

      Chợ phiên đã bán giấy điều

Đêm đã động trống chèo làng trong…

 

      Việc nhà đã tạm thong dong

Làng trên xóm dưới đang mong người về

      Tết này anh chậm thăm quê

Mẹ thường vẫn hỏi “tàu xe thế nào”

      Cha già đã cắt cành đào

Hoa nhìn em cứ nao nao cả lòng

 

      Tết này anh có về không?

 

                PHẠM CÔNG TRỨ

 

Một vùng nông thôn, một làng quê Việt Nam, xứ Bắc bộ, những ngày cuối của mùa đông. Nhà nhà chăm lo cái tết sắp đến, người người chộn rộn mừng đón xuân. Không khí, bối cảnh gợi một cảm giác thật yên ả, bình dị như bao cái tết vẫn diễn ra ở quê:

 

      Đầy trời đang rắc bụi mưa

Đồng trên, đồng dưới cũng vừa cấy xong

 

Đã rất có không khí tết ở nông thôn, mà cũng đã đến nơi rồi, mọi người đã bắt tay chuẩn bị tết bằng những việc rất cụ thể: rửa lá dong, quét tường mới, trồng cây nêu. Trong bao nhiêu biểu hiện của tết đến – nhiều lắm – làm sao có thể kể hết được, nhà thơ đã nhắc đến phiên chợ tết và tiếng trống chèo – hai biểu tượng rõ rệt của văn hóa mang tính truyền thống, đồng thời cũng lay động sâu xa vào nơi thăm thẳm của cõi lòng mỗi người Việt Nam:

 

      Chợ phiên đã bán giấy điều

Đêm đêm đã động trống chèo làng trong

 

Dẫu sự chuẩn bị đón tết của muôn nhà có rộn rã, xôn xao, cái không khí của bài thơ ở khổ đầu vẫn không mấy xáo trộn, mà có cái gì đó yên tĩnh, êm ả. Nhưng đến câu cuối của khổ này với sự xuất hiện âm thanh tiếng trống chèo thì dường như cả cái không gian làng quê kia được bừng lên bởi sự náo nức của những cuộc hò hẹn gái trai. Vâng, tiếng trống chèo là biểu tượng của sự hò hẹn đó. Nghe trống chèo, người ra rủ nhau ra đình xem diễn nghe hát. Làm sao biết được có bao nhiêu đôi lứa rủ nhau đi?

 

Tiếng trống chèo đã “động”, “việc nhà đã tạm thong dong”, “làng trên xóm dưới” cũng “đang mong người về” cả. Vậy còn anh thì sao? Anh có về với em không? Người trai, (người đàn ông) trong bài thơ này hình như sống xa nhà, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà ở quê. Cũng có thể anh ở hẳn nơi xa kia – nhà anh không ở quê, chỉ xuân thu nhị kỳ mới về thăm cha mẹ. Và, “em” trong bài thơ này cũng có thể là em gái. Em gái mong anh trai về tết ở chốn quê? Có thể lắm chứ. Sao không? Nhưng không hiểu sao, đọc bài thơ, tôi – và chắc nhiều người khác – cứ nghĩ đó là sự mong đợi trong tình cảm lứa đôi của người yêu, hoặc người vợ dành cho người thương, chồng mình.

 

Mẹ hỏi câu hỏi như bao lần, với bao người “- Tàu xe thế nào?”. Cha làm công việc cũng như bao lần “cắt cành đào”. Nhưng những nhành hoa kia thì mới thật là “tinh quái” làm sao:

 

Hoa nhìn em cứ nao nao cả lòng

 

Hoa nao nao hay em nao nao. Chắc chắn là cả hai. Một chút nhân cách hóa tác giả vận dụng ở đây thật là “đắt”, khiến cái nhịp “nao nao” màu của trái tim người trong cuộc đã phụ họa được với cái điệu trống chèo ở trên, tạo nên một âm ba rạo rực mà thầm kín của lòng người con gái khi tết đến.

 

Mọi thứ như đã xong cả, như sẵn sàng tất cả, từ cái bối cảnh, không khí của dân làng, của gia đình mọi người ruột thịt đến sự mong ngóng, đón chờ của em. Chỉ còn mỗi việc anh về. Tác giả buông lửng một câu thơ thơ sáu tiếng trong thể lục bát, lại đứng riêng một khổ để kết bài gây cảm giác thật nao nao, xốn xang:

 

Tết này anh có về không?

 

Và đồng thời đó cũng là tên bài thơ. Hỏi đấy mà như sự nhắc nhở, giục giã, lại cũng vừa như sự ướm thử cái bụng, cái lòng anh xem có nỡ phụ lại sự chuẩn bị, chờ đợi của cả nhà dành cho anh?

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Quyền của Thời Gian – Lê Thị Thanh Tâm

>> Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi – Nguyễn Minh Khiêm

>> Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người – Văn Giá

>> Tự mình đẩy mình lên mênh mông – Đặng Huy Giang

>> Thơ của… nhà văn – Hồng Diệu

>> Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ – Nhật Chiêu

>> Thơ ca, nghệ thuật và tính nhân văn tôn giáo – Hồ Sĩ Vịnh

>> Có loại thơ đa thanh như thế – Vương Trọng

>> Phê bình văn học “cũng lắm công phu”… – Hồng Diệu

>> Khai ngộ với thiên nhiên: Bashô và Octavio Paz – Nhật Chiêu

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…