Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ

158

Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà…

Nhà văn Triệu Vẽ

Tôi chưa bao giờ nhận mình là người Sài Gòn. Dẫu năm tháng gắn bó với thành phố này xấp xỉ bằng số năm tháng tôi sống trên đời. Có đôi lần tôi chợt nghĩ, Sài Gòn rộng quá, lớn quá, chen giành một chỗ trong đó, nếu thật sự không thuộc về mình, chi bằng, quay về nhận hàng dừa rợp bóng, soi dáng trên con sông mát lành có phải hơn không?

Nhiều lúc tôi không thích Sài Gòn! Thành phố gì quanh năm miệt mài một mùa nắng nóng hầm hập. Tôi cho rằng Sài Gòn không thuộc về mình, tôi đi tìm một thành phố khác.

Rồi, khi ở một thành phố xa, tôi bỗng nhiên tưởng mình là cậu bé Nobita bồng bột ngày nào đó trong trang sách ấu thơ, thèm òa khóc vì nhớ thầy cô bạn bè, cửa nhà ba mẹ, khi họ biến mất hết theo ý của cậu.

Cái hay của Sài Gòn là ở chỗ đó. Sài Gòn giống hệt như nhà mình vậy. Ngôi nhà ai nấy nhắm mắt cũng có thể đi không đụng bàn ghế. Ngôi nhà lắm khi ta không muốn về, thèm lắm một chuyến rong chơi. Để rồi sảy chân bước ra thật là nhớ đến đứt ruột đứt gan, đến trào nước mắt.

Sài Gòn giống hệt như mẹ mình vậy. Người phụ nữ ấy vì mình mà vui, buồn cũng tại bởi mình. Thế rồi, ngày nào ta rời xa thật, bước chân bất cứ nơi đâu, nhác thấy bóng lưng giông giống, trái tim rộn lên từng chập, như quán tính, co chân đuổi theo thèm bật thành tiếng gọi: “Mẹ ơi”…

Chợt nghĩ, nếu Sài Gòn có trái tim, hẳn phải là trái tim của một người mẹ. Bất luận là đứa con thành đạt ruột rà vời vợi cao sang, hay là đứa con nuôi nghèo khó nay vật chỗ này mai vạ chỗ kia, thành phố cũng đưa tay ra yêu thương cho bằng hết.

Ở Sài Gòn, bạn có thể ăn bữa sáng vài trăm, thậm chí vài triệu, nhưng bạn cũng có thể no lòng với ổ bánh mì, gói xôi 5 – 10 ngàn đồng. Ở Sài Gòn, bạn không cần mặc đồ thật đẹp thật sang, không cần đi xe đắt tiền, không cần lớn tiếng nói về gia thế nghề nghiệp; bước vào quán ăn, cà phê hay trung tâm thương mại, bạn luôn là thượng khách.

Tinh sương thức dậy thật sớm, xỏ đôi giày đi bộ từ nhà ra công viên, bạn sẽ nghe biết bao câu hỏi, biết bao nỗi lòng như nghe tiếng bà Hai, bà Sáu, ông Bảy, ông Tư hồi nao ở quê. Hay lại có cụ bà dúi vội vào tay bạn gói xôi: “Ăn đi con, bà nấu! Già khó ngủ!”.

Ngày cuối tuần, bạn đi một vòng ra chợ, lại nghe những câu chào tiếng gọi, khen nhau cái áo cái quần, hệt như đang đứng giữa một cái chợ quê thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Đứng giữa đô thị phồn hoa mà như giữa làng, giữa xóm quê mình, hỏi sao không yêu thương gắn bó? Thiết nghĩ, thẳm sâu trong huyết quản của người Sài Gòn, ai không có máu mủ ruột rà với làng xóm, ruộng đồng bờ bãi, con trâu, con gà?

Trong huyết quản của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà… (ảnh: Phùng Huy)

Ở Sài Gòn không ai xem thành phố là đặc quyền hay là niềm kêu hãnh của riêng mình, cho dẫu có được sinh ra lớn lên ở thành phố từng được sánh như “hòn ngọc viễn đông”, hay đến từ vùng nước mặn đồng chua khác. Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”.

Người ta chơi với nhau vì lẽ khác, người ta ngồi với nhau vì lẽ khác và hẳn nhiên yêu mến nhau cũng vì lẽ khác. Tôi nghĩ, Sài Gòn được yêu nhiều cũng bởi vì thế, được người ta tìm về nhiều cũng bởi vì thế! Đời này có cái gì quý cho bằng cách người ta đối với nhau, ở cạnh nhau vì con người của nhau?

Tôi không sinh ra ở Sài Gòn, chưa bao giờ nhận mình là dân Sài Gòn. Nhưng mỗi lần đi đâu về, ngồi trên máy bay, nghe tiếng ầm ầm chạm vào đường băng Tân Sơn Nhất, nhìn thấy cây cầu Sài Gòn kiêu hãnh bắc qua sông hay tấm bảng “Bến xe miền Tây” màu xanh chữ trắng lướt qua cửa kính, là lần nào tôi cũng reo lên với chính mình: “Về Sài Gòn rồi! Về nhà rồi!”.

Sài Gòn, với tôi và với nhiều người, như nhà, như mẹ, như quê…

TRIỆU VẼ